Một thoáng Sapa- Tây Bắc mờ sương

22h45’! Thay vì yên vị trong phòng và chuẩn bị lên giường nằm nghỉ sau mấy ngày mệt nhọc mừng lễ đầu Dòng, tôi lại đang ngồi ở đây, trên chuyến xe rong ruổi lên miền Tây Bắc xa xôi. Ước mong lên Tây Bắc đã cháy bỏng từ lâu. Tôi mong muốn điều gì ở miền đất heo hút hiểm trở này? Không rõ lắm! Chỉ biết là từ khi còn học phổ thông, khi được học về các vùng miền đất nước, tôi đã ước ao một lần được ghé thăm nơi này. Vì thế, khi được mời đồng hành cùng các bạn sinh viên trong chuyến đi này, tôi không ngần ngại mà đã nhận lời ngay. Tôi muốn trải nghiệm những cảm giác thực sự về những con người và các địa danh nơi đây? Có lẽ tôi muốn đi trải nghiệm cách thực tế những mỏm đá tai mèo cao vút, lởm chởm? Những điệu múa xoè uyển chuyển của các cô gái Thái? Tôi muốn được ngắm nhìn thành phố Sapa nhẹ nhàng trong sương hay đỉnh Fansipan cao ngất, nóc nhà Đông Dương kia? Mà cũng có thể đó là tiếng kèn dìu dặt của các chàng trai H’mong hoặc là phiên chợ tình lãng mạn của thị trấn Sapa mờ sương chăng?!

Gần 5h sáng! Có tiếng ai đó, hình như là của cậu trưởng nhóm, vang lên: “Mọi người chuẩn bị nhe! Chúng ta sắp tới thị trấn Sapa rồi đó! Thức dậy và ngắm cảnh đi thôi!” Tôi nhìn ra bên ngoài cửa sổ, xe đang bắt đầu rẽ vào một đoạn đường nhỏ, ngoằn ngoèo, dốc cao. Con đường uốn lượn như hình con rắn! Xe dò dẫm leo lên từng chút một, nhưng càng đi, đường càng có vẻ khó khăn hơn. Các bác tài nói: “Đường như thế này sao đi được? Có đi nhầm đường không đấy?” Lại có tiếng người nói: “Chắc là đi sai đường rồi đó! Nghe nói đường đến nhà thờ Hầu Thào, xe to đi được mà! Đường này không đi nổi đâu!” Xe đi qua được một khúc đường cong nữa thì dừng lại vì bánh xe mắc vào đám bùn nhão bên dưới! “Thôi, đừng cố nữa! Đường này không đi được đâu! Phải tìm đường khác mới được! Nếu không, lát nữa đi tiếp không được mà trở lui cũng không xong thì làm thế nào?” Cậu trưởng nhóm đang liên tục gọi điện thoại… Cuối cùng mọi người xuống xe, vì đúng thật là đã đi nhầm đường! Chúng tôi, uể oải xuống xe, đi ngược lại con dốc lúc nãy, trong khi chiếc xe cũng đang tìm cách để lùi ra khỏi đám bùn. Nhìn lại đoạn đường đi nhầm khi nãy, tôi thầm lè lưỡi!

Con đường nhỏ, hẹp, uốn lượn vắt lên triền dốc cao thế kia! Nếu bảo đi bộ, tôi sẽ không leo lên nổi, nhưng cho tôi cái xe máy, tôi cũng không dám chạy luôn, thế mà có nhiều người dân tộc, tôi đoán là người H’mông, họ chở nhau phóng vèo vèo lên dốc, phía sau còn chở theo những bao tải to tướng. Phía xa bên kia đường chỗ tôi đang đứng, là một ngọn đồi cao phủ đầy những cây ngô thân vàng úa có lẽ vì khô hạn. Một vài chú chim rừng nhỏ nào đó dậy sớm đang hót líu lo chào đón bình minh đâu đó trên đồi… Xe đã xuống đoạn đường bằng phẳng, và chúng tôi lại lên đường, đi theo lối khác to hơn, ít khúc khuỷu hơn. Đi qua thị trấn, chúng tôi lại đi vào một đoạn đường khác cũng quanh co uốn lượn.

Con đường ngoằn ngoèo này sẽ nối liền chúng tôi với bản làng người H’mong cách xa thị trấn, địa chỉ của chuyến đi bác ái lần này. Một bên là vách núi cao ngất dựng đứng, bên kia là vực sâu hun hút. Tôi có thể nhìn thấy xa xa là những mảnh ruộng bậc thang xanh mướt như đã từng thấy trên các đoạn phim phóng sự vùng cao. Chốc chốc, xe lại ôm cua, chúng tôi hết ngả bên trái lại nghiêng về bên phải. “Ôi Giàng ơi! Ở dưới xuôi, chúng ta chưa thấy cảnh như thế này bao giờ đâu! Ôi! Giàng ơi!”. Mọi người cười ồ theo. Có những mái nhà ẩn hiện, cheo leo trên sườn núi! Một số người dân tộc lam lũ đứng nhìn chúng tôi ở hai bên đường! Có lẽ họ ít khi thấy có người từ thành phố đi lên cái vùng heo hút này.

“Ồ! Nhà thờ kìa! Tôi thấy tháp chuông rồi!” Có tiếng ai đó la lên. Đúng vậy, cho dù có đi đến nơi đâu, ngược xuôi trên bất cứ miền đất nào, nóc chuông nhà thờ cũng vẫn là nơi chúng tôi có thể dễ dàng nhận ra nhất và không thể nào nhầm lẫn được. Đón chúng tôi ở sân nhà thờ là các thầy xứ, những người đã chấp nhận rời bỏ thành phố quê hương để lên đây sát cánh cùng với những người dân tộc chất phát vùng cao, cha xứ đi mục vụ đến trưa mới về. Mấy đứa trẻ người Mông ở mấy ngôi nhà bên cạnh nhà thờ tò mò đến gần nhìn đoàn khách lạ nhưng khi chúng tôi giơ tay vẫy, thì chúng ngại ngùng chạy biến đi nơi khác. Nhà thờ giáo họ Hầu Thào nằm trên một chỗ đất khá bằng phẳng nhưng một bên là ngọn đồi cao với bản làng của người H’mông mà lát nữa chúng tôi sẽ chào thăm; bên kia là một thung lũng thoai thoải, xa hơn là dãy núi Hoàng Liên Sơn chập chùng. Buổi sáng, có mây mù buổi sớm bao phủ cả ngọn núi, nhìn xa xa giống như một cô gái Mông nào đó đang khoác tấm khăn màu trắng quanh cổ, e ngại vì chuyến thăm viếng đột ngột của chúng tôi. Vài giọt mưa Tây Bắc lất phất rơi như chào đón đoàn lữ khách từ chốn phố thị văn minh ghé thăm vùng sơn cước mờ sương…

Ăn vội chút bánh mì và hộp sữa nhỏ, chúng tôi lên đường viếng thăm nhà một số đồng bào H’mông nghèo trong giáo xứ. Cũng vẫn là những con đường nhỏ, ngoằn ngoèo, có đôi lúc chúng tôi cúi đầu, chui qua những giàn su su có lác đác vài quả treo đang lủng lẳng trên giàn. Chỗ khác lại là đoạn đường đất bị nước mưa làm cho thêm trơn trượt. Có khi là những đoạn đường dốc gần như thẳng đứng. Những con dân thành thị như chúng tôi chưa thể quen với núi đồi Tây Bắc, mới đi được mấy nhà đã thở phì phò, mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt cho dù nhiệt độ ngoài trời lúc ấy khoảng gần 18 độ. Chúng tôi rất muốn ghi hình những “cung đường gian khổ” ấy, nhưng khốn nổi, ở những đoạn có thể giơ máy lên được thì không quá hiểm trở, còn những nơi khác thì phải lo dò dẫm mà đi hoặc phải thật cẩn thận để không phải vấp ngã hoặc trượt chân đến nỗi không có thời giờ mà cũng không thể nào đưa máy ảnh lên bấm cho được. Những cậu choai choai người dân tộc phóng xe máy vù vù, sau lưng còn chở theo đứa em nheo nhóc hoặc một bao ngô to kềnh làm chúng tôi thấy ớn lạnh. Đường núi nguy hiểm như thế, chưa đủ tuổi và chắc cũng không có giấy phép lái xe mà còn phóng nhanh như vậy thì ai mà không ngán kia chứ! Cứ nhìn cách cậu ta phóng xe mà xem, cứ “hiên ngang” như chốn không người vậy!

 

Những gia đình chúng tôi đến thăm là những ngôi nhà nghèo nhất trong giáo xứ, những mái nhà nhỏ lụp xụp, tồi tàn. Nhà tối om om như hũ nút! Chúng tôi đi vào bằng cửa sau, mò mẫm đi qua nhà bếp, cúi đầu tránh những bắp ngô treo lủng lẳng phía trên để bước lên gian nhà chính. Nông sản được cất giữ cẩn thận trong nhà. Gian giữa thường có một bếp lò để dùng sưởi ấm trong mùa đông. Giờ đây, tôi có thể nhìn thấy thịt trâu gác bếp là thế nào rồi: những miếng thịt nhỏ được xiên vào những que sắt và chúng sẽ được để dành dùng dần cho qua mùa đông khắc nghiệt. Những chú dê, ngựa thồ nhỏ là tài sản quý với những người nghèo. Mỗi nhà hầu như đều có một cái lu nhỏ bên hiên nhà: họ tự nhuộm vải để dùng. Đối với những người nghèo lam lũ và gia đình lại đông con, phần quà của chúng tôi gởi tặng thật chẳng đáng là bao nhưng nhìn những nụ cười móm mém của các cụ già, tôi cảm thấy như được ấm lòng hơn. Có vài người nói được tiếng Kinh có người không, lúc ấy, ông trùm trong xứ, người dẫn đường cho chúng tôi, lại trở thành nhà “thông ngôn bất đắc dĩ”. Điều làm chúng tôi thấy thán phục hơn cả là đức tin của những người nơi đây. Hầu như trong mỗi nhà chúng tôi đến, hình ảnh người chủ chăn của Giáo Hội, Đức Phanxico, luôn được treo trang trọng ở gian giữa trong nhà; ngoài ra, tượng Đức Maria cũng được đồng bào tôn kính cách đặc biệt. Thế mới biết, cho dù đến bất cứ nơi đâu, người ta có nghèo nàn hay giàu có, họ có sử dụng bất cứ ngôn ngữ nào,  thì những gì là nền tảng đức tin, ánh sáng của Lời Chúa vẫn liên kết chúng ta trở nên một, trong một mái nhà là Hội Thánh và là những người anh em trong Đức Ki-tô.

Hơn 60 phần quà được chuẩn bị để trao nhưng chúng tôi không thể hoàn thành nhiệm vụ. Gần 11h trưa, mọi người đều đã mệt mỏi, rã rời vì chuyến đi thăm bản Mông miền sơn cước. Thôi thì đành để những phần quà còn lại sẽ trao cho đồng bào sau thánh lễ ban chiều hoặc là cha xứ sẽ gởi đến họ sau đó. Chúng tôi xin chào thua và lê bước nhọc nhằn “xuống núi”. Nhìn thấy bản làng ẩn hiện trong mây thì thật là thơ mộng nhưng cuộc sống thực sự lại hằn lên bao vất vả, nhọc nhằn. Chúng tôi nhìn thấy trên lối mòn, một cỗ quan tài được làm sẵn, mà theo người hướng dẫn cho biết, nó được dành cho một người nào đó trong gia đình, điều ấy rất bình thường trong văn hoá người Mông. Khi sống, họ đã chuẩn bị cho mình một chốn an nghỉ nơi thế giới bên kia. Ôi, cuộc đời là vậy! Thật ngắn ngủi và chất chứa biết bao nỗi lo toan!

Đoạn đường leo xuống còn vất vả hơn lúc trèo lên. Có những đoạn đường mòn đầy đá, có những chỗ lại mọc đầy cây dại. Những chỗ dốc đứng từ trên xuống do nước chảy lâu ngày, chúng tôi phải lần mò, bám vào các cây nhỏ hai bên, vừa đi vừa kêu xin Chúa giúp vì nếu lỡ trượt chân thì không chỉ là: “Giơ tay ướm thử trời cao thấp, xoạt cẳng đo xem đất vắn dài” thôi mà khi đó thật sự là “ông hai mê” luôn! Chẳng ai lại muốn mình “khi đi trắng trẻo, lúc về lấm lem” cả. Chỉ có khoảng gần 3h đồng hồ thôi mà chúng tôi thấy mệt rã rời, cổ chân mỏi nhừ! Vậy mà đồng bào người Mông ngày ngày vẫn đi lại, làm việc, thật đúng là vất vả vô cùng!

Tôi đánh một giấc dài đến tận chiều muộn vì ảnh hưởng của chuyến đi ban sáng, lỡ mất cái hẹn với cha xứ đi thăm mấy giáo điểm gần nhà thờ! Thật là đáng tiếc! Nhưng biết làm sao khi mà tôi đã không thể thức dậy nổi kia chứ? Tôi đi dạo chung quanh nhà xứ. Mấy đứa bé dân tộc giờ như đã quen hơn sau khi được chúng tôi cho ít bánh, kẹo ban trưa. Chúng đến gần tôi, rồng rắn nắm lấy áo nhau đi thành hàng dài rồi kéo nhau chạy. Có đứa lấy một quả su su, gắn vào một thanh tre nhỏ, đẩy đi trên đường. Vậy là có ngay một trò chơi! Chúng cười ré lên, lát sau có đứa lại khóc thét lên, có lẽ do bị bạn xô đẩy nhưng con chị nó cũng chẳng buồn dỗ em. Lát sau, thằng bé tự hết khóc. Có đứa lại nằm dài ra giữa sân, ngay trên nền đất lạnh lẽo ban chiều. Thật quả là an nhiên, tự tại. Chả trách vì sao cả người nó lem luốc đến thế! Những chú dê dắt nhau, lon ton đi về chuồng, trên cổ con dẫn đầu có đeo lục lạc, mỗi bước nó đi lại kêu leng keng giống như tiếng của những người bán cà rem dạo ở quê tôi vậy. Mây chiều vờn quanh núi dầy hơn ban sáng, có lẽ muốn níu chân người khách lãng du để khi về sẽ còn nhớ mãi vùng núi đồi Tây Bắc mờ sương này…

Thánh lễ ban tối khá đông. Dù là ngày thường nhưng đầy cả nhà thờ. Có rất nhiều thiếu nhi đi lễ nhưng nghiêm túc chứ không đùa giỡn, nghịch ngợm như lũ trẻ miền xuôi. Ở đây, chúng không có điện thoại, không có những trò chơi điện tử như trẻ con thành phố. Chúng ngồi nghiêm trang, đọc to lên những câu kinh bằng tiếng dân tộc mà tôi không rõ là kinh nào. Chúng còn hát Kinh Vinh Danh bằng tiếng H’mông nữa! Thật đúng là rất hay và vô cùng sốt sắng! Dù tôi không hiểu được ngôn ngữ ấy, nhưng tôi thấy bầu khí của buổi lễ thật trang nghiêm và thánh thiện.

Lễ xong, mọi người tụ tập để nhận quà ở sân nhà thờ. Người đến rất đông nhưng quà thì có hạn. Người được quà thì vui mừng hồ hởi, kẻ đến sau không được thì buồn bã thẩn thờ. Tuy nhiên, chúng tôi cũng chuẩn bị cho họ nhiều bao quần áo và đồ dùng cũ được mọi người gom góp lại từ nhiều nguồn khác nhau. Ban đầu, chúng tôi còn mời gọi mọi người xếp hàng rồi phát quà ra, nhưng được một lúc thì người đến quá đông, nên thôi đành để cho bà con tự mình lựa chọn. Sau đó, chúng tôi mời đồng bào ăn cháo, thành quả có được từ buổi chiều, chúng tôi mua hẳn một chú lợn Mán để phục vụ mọi người tối nay. Mệt thật nhưng cảm thấy ấm lòng hơn vì nhóm đã có thể giúp được cho người khác phần nào vơi đi khó khăn trong cuộc sống bộn bề lo toan này! Khi mọi người đã về bớt, chúng tôi mới ăn vội vài chén cháo và phần thịt còn lại cũng được gởi luôn cho những người nghèo cuối cùng khi họ rời khỏi sân nhà thờ…

 

Hôm sau, chúng tôi rời giáo xứ vùng cao để trở về thị trấn. Tạm biệt giáo xứ người H’mông, tạm biệt bản làng trong sương với những người dân lam lũ bần hàn. Tạm biệt dãy núi mờ phía xa kia, cô em miền núi e ấp vẫy chào chúng tôi bằng tấm khăn trắng mịn giống như hôm qua khi chúng tôi đến. Tôi trở về thị trấn Sapa mờ sương! Tôi sẽ đi tìm cho mình tiếng kèn H’mông, điệu múa quạt mơ màng của người Thái trắng đây…

Thành phố hoa nơi đây làm tôi nhớ đến Đà Lạt mộng mơ ở cao nguyên Lang Biang xa xôi. Ở đây cũng có đầy hoa: hoa tím, hoa hồng nhạt, hoa vàng… đủ cả màu sắc. Công viên hoa lan và mười hai con giáp với những hình tượng thật ngộ nghĩnh. Ở đây có từ chú chuột Mickey nổi tiếng của Walt Disney, mèo Tom tinh nghịch của hãng Metro-Goldwyn-Mayer, cho đến Tề Thiên Đại Thánh với 72 phép thần thông biến hoá và cả chú Trư Bát Giới tham ăn của Tây Du Ký Trung Hoa đều hiện diện chung một chỗ. Chú rồng uốn khúc mạnh mẽ bên cầu Hàm Rồng và có cả chúa sơn lâm mà tôi nhìn thấy giống như chú mèo to đang đứng trên chỗ cao tít kia nữa. Thật là một bức tranh với nhiều gam màu hỗn hợp. Đi lên cao hơn, chúng tôi len lỏi để một lần được ngắm nhìn sân mây và cổng trời. Nơi đây, người ta có thể phóng tầm mắt nhìn ra xa hơn, để cảm nhận được sự nhỏ bé của con người trước thiên nhiên hùng vĩ. Những thửa ruộng bậc thang xanh mướt ở xa tít, những đám mây trắng đang ôm lấy đỉnh núi và những ngôi nhà bé xíu bên dưới. Dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ với đỉnh Fansipan cao ngất kia nữa. Tất cả những điều đó, tôi đã từng được nghe, nhưng đến nay mới được tận mắt nhìn thấy!

Những cơn mưa bất chợt của vùng Tây Bắc làm gián đoạn những lần “đi chợ đêm” của tôi. Mưa đến rất bất ngờ, rất to những cũng tạnh thật nhanh như khi nó xuất hiện. Vài món quà nho nhỏ để kỷ niệm cho một lần đến đây. Một bà già người Mông mời tôi mua mật ong rừng. Tôi không định mua nên chỉ trả giá cho có lệ. Nhưng cơn mưa phố núi bất ngờ ập đến làm thay đổi mọi sự. Bà già liền gọi khi thấy tôi dợm bước đi: “Thôi, mày lấy đi! Tao bán cho mày luôn đó! Mày lấy đi để tao còn đi về nữa!” Người Kinh làm gì phóng khoáng và chân chất như người Mông chốn này? Tôi đi dạo ở chợ thêm một vòng nữa rồi ngồi lại nơi ghế đá ở quãng trường trước cổng nhà thờ đá. Thành phố mờ sương giờ đã lên đèn, cũng có những ánh đèn lấp lánh, những cửa hiệu nhấp nháy mời chào khách thập phương nào là đặc sản phố núi, nào là hàng lưu niệm, nào là massage chân cho lữ khách để lữ khách lãng du phục hồi sức lực thật nhanh để tiếp tục khám phá thành phố.

Khu chợ đêm nhộn nhịp của người bản xứ lúc nãy giờ trở nên vắng lặng vì cơn mưa to vừa qua. Một số người đang trú mưa ở mái vòm nhà thờ đá giờ lục tục đi ra, tiếp tục cuộc hành trình tìm hiểu thị trấn sơn cước về đêm. Xen lẫn trong số những người Việt, người H’mông thấp bé là mấy ông tây ba lô cao lớn dềnh dàng. Mọi người nói những ngôn ngữ khác nhau, có người đi mua sắm, có kẻ lãng du thì dạo chơi ngắm cảnh, thả hồn theo tiếng lòng đang thổn thức của một lời mời chào bán hàng lưu niệm của một cô sơn nữ nào đó, nhưng trên tất cả, họ có cùng một mục đích giống nhau: ngắm nhìn Sapa thơ mộng về đêm…

Tôi đưa mắt nhìn quanh thị trấn sơn cước mờ sương thêm lần nữa trước khi chia tay vùng Tây Bắc mộng mơ để trở về với phố thị phồn hoa. Một chuyến đi xa mệt nhoài nhưng cũng thật vô cùng ý nghĩa. Nơi đây, tôi đã được gặp gỡ những con người H’mông chất phác, lam lũ, hiền hoà. Tôi đã nhìn thấy tận mắt cảnh “núi ấp ôm mây, mây ấp núi”, được trải nghiệm trên những cung đường uốn lượn như rắn với những khúc cua ngặt đến thót tim. Tôi cũng đã tìm được cho mình mấy khung hình về những thửa ruộng bậc thang xanh mướt cũng như đã được chứng kiến điệu múa quạt mềm mại của các cô gái Thái xinh tươi. Tôi đã được chiêm ngưỡng điệu múa của người Dao đỏ và tiếng kèn dìu dặt của chàng trai H’mông mặc dù vẫn còn đó một chút tiếc nuối. Tôi chưa thể tham dự chợ tình Sapa nổi tiếng một thời vì phải đến ngày hôm sau mới có họp chợ. “Tôi đã đến, tôi đã thấy” nhưng tôi vẫn chưa thể chinh phục được đỉnh Fansipan, nóc nhà Đông Dương, vì thời tiết có nhiều sương mù. Nhưng thôi, có như thế mới làm cho ta lưu luyến, bâng khuâng cho một lần được trải nghiệm trên vùng đất xa xôi này.

Tạm biệt nhé, Sapa, vùng Tây Bắc mộng mơ! Hẹn gặp lại ngươi vào một ngày nào đó không xa. Ta sẽ còn trở lại chốn này…

Xe dần dần chuyển bánh. Bên tai tôi vẫn còn nghe văng vẳng đâu đây hồi kèn lãng mạn du dương của chàng trai H’mông và tiếng nhạc xập xình đặc trưng của điệu nhảy sạp vùng Tây Bắc mờ sương….

Phong Trần.

 

 

One comment

  1. Bài viết hay quá, sao Phong Trần không viết truyện nhỉ ?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *