Trích sách Khai nguyên Dòng Anh Em Giảng Thuyết của Chân phước Giô-đa-nô Sa-xô-ni-a

CHÚNG TÔI CỞI BỎ CON NGƯỜI CŨ, MẶC LẤY CON NGƯỜI MỚI

Trích sách Khai nguyên Dòng Anh Em Giảng Thuyết của
Chân phước Giô-đa-nô Sa-xô-ni-a, linh mục

Khi cha Rê-gi-nan-đô khả kính giảng thuyết hùng hồn tại Pa-ri, thì tôi được ơn Chúa thúc đẩy đã tịnh tâm và thầm hứa sẽ gia nhập Dòng Anh Em Giảng Thuyết, vì tôi nghĩ rằng mình đã tìm được con đường cứu độ vững chắc, đúng như tôi đã quan niệm trước khi quen biết các anh em tu sĩ, và sau nhiều lần thận trọng suy nghĩ. Với quyết tâm vững vàng ấy, tôi dồn hết nỗ lực để làm cho bạn đồng song thiết nghĩa của tôi cũng có một chí nguyện như tôi, vì tôi thấy anh có những năng khiếu tự nhiên và siêu nhiên rất thuận lợi cho tác vụ thuyết giáo. Anh càng từ chối, tôi càng không ngừng thôi thúc anh.

Đến ngày cử hành nghi thức bỏ tro trên đầu nhắc nhớ các tín hữu biết mình bởi bụi tro và sẽ trở về bụi tro, thì chúng tôi cũng quyết chu toàn điều chúng tôi đã hứa với Chúa đúng lúc khởi đầu mùa đền tội. Nhưng các bạn cùng sống với chúng tôi trong lưu xá chưa biết ý định đó; vì thế khi anh Hen-ri-cô ra khỏi lưu xá thì một đồng bạn hỏi: “Hen-ri-cô, anh đi đâu vậy?” Hen-ri-cô trả lời: “Tôi đi đến Bê-ta-ni-a”. Lúc ấy người bạn kia không hiểu lời ấy có ý nghĩa gì, nhưng sau khi anh thấy Hen-ri-cô vào Bê-ta-ni-a thì anh hiểu ra, vì Bê-ta-ni-a có nghĩa là “Nhà Tuân Phục”. Vậy cả ba chúng tôi cùng đến tu viện thánh Gia-cô-bê; và đang khi anh em tu sĩ hát đến câu Immutemur habitu (chúng ta hãy thay áo) thì chúng tôi đã len lỏi vào giữa anh em, tuy bất ngờ, nhưng lại rất đúng lúc, lập tức chúng tôi cởi bỏ con người cũ, mặc lấy con người mới ngay tại chỗ; như vậy điều anh em hát bằng lời ca đã được thực hiện bằng việc làm nơi chúng tôi.

Năm 1220, tôi cùng ba anh em khác với tư cách là đại biểu đã tham dự Tổng hội tiên khởi của Dòng họp tại Bô-lô-ni-a, vì cha Đa Minh, Bề trên Tổng quyền, đã gửi thư cho tu viện ở Pa-ri truyền cử bốn đại biểu đến tham dự Tổng hội này. Khi được cử đi, tôi mới ở trong Dòng chưa được hai tháng. Cũng trong Tổng hội ấy, anh em đồng quyết nghị là Tổng hội sẽ được tổ chức luân phiên, năm ở Bô-lô-ni-a, năm ở Pa-ri; tuy nhiên, Tổng hội năm sau vẫn họp ở Bô-lô-ni-a.

Năm 1221, trong Tổng hội ở Bô-lô-ni-a, anh em thỏa thuận trao cho tôi chức vụ Bề trên tiên khởi Tỉnh Dòng Lôm-bác-đi-a. Lúc ấy tôi mới gia nhập Dòng được một năm, chưa bén rễ sâu cho đủ để được đặt lên điều khiển người khác, đang khi lẽ ra tôi phải học điều khiển chính con người bất toàn của tôi trước đã. Nhưng tôi đã không có mặt trong Tổng hội này.

[Sau khi Cha Bề trên Tổng quyền Đa Minh qua đời tại Bô-lô-ni-a, có một tu sĩ tên là Bê-na-đô bị quỷ ám ác liệt; quỷ hành hạ tu sĩ này khổ cực đến độ đêm ngày thầy bị dằn vặt dữ dội làm xáo trộn cả cộng đoàn; cơn quẫn bách này quả là do lòng thương xót Chúa an bài để các tôi tớ Người có dịp tập đức nhẫn nại.

Việc thầy Bê-na-đô bị quấy phá dữ dằn như vậy là cơ hội đầu tiên thúc đẩy chúng tôi quy định việc hát kinh Salve Regina (Lạy Nữ Vương) cuối giờ Kinh Tối ở tu viện Bô-lô-ni-a; rồi thói quen đạo đức và ích lợi ấy đã từ tu viện Bô-lô-ni-a lan ra khắp Tỉnh Dòng Lôm-bác-đi-a, và sau cùng phổ biến trong toàn Dòng.

Một người đạo đức và đáng tin cẩn có kể với tôi rằng: khi anh em hát kinh Salve Regina đến câu Eia ergo, Advocata nostra (Lạy Mẹ là Trạng sư của chúng con), ông thường thấy Thánh Mẫu Thiên Chúa sấp mình trước Con của Người để xin bảo vệ Dòng cho toàn vẹn. Sở dĩ chúng tôi nhắc lại đây để anh em đọc truyện này càng tăng thêm lòng tôn kính, ca ngợi Đức Trinh nữ Ma-ri-a].