Các linh mục tham gia vào việc cứu trợ khẩn cấp thiên tai tại Đức

1. Đức Tổng Giám Mục Iraq nói còn nhiều việc phải làm để ngăn chặn ISIS quay lại

Archbishop Warda

Đức Tổng Giám Mục Bashar Warda của Công Giáo nghi lễ Chanđê bày tỏ lòng biết ơn vì các viện trợ dành cho các tín hữu Kitô ở Iraq, nhưng nhấn mạnh rằng cần phải làm nhiều hơn nữa để bảo đảm nạn diệt chủng ISIS không lặp lại.

“Sự giúp đỡ đã đến và điều đó thực sự đã tạo nên sự khác biệt rất lớn”, Đức Tổng Giám Mục Bashar Warda của tổng giáo phận Công Giáo nghi lễ Chanđê ở Erbil nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, trong một cuộc phỏng vấn vào tuần này. Ngài ghi nhận với lòng biết ơn các nhóm viện trợ Công Giáo quốc tế, bao gồm Hội Hiệp sĩ Kha Luân Bố, tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ và Hội đồng giám mục Hoa Kỳ, đã giúp các tín hữu Kitô sống sót sau chế độ diệt chủng ISIS khôi phục và xây dựng lại ở miền Bắc Iraq trong những năm gần đây.

Năm 2014, cái gọi là Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria, gọi tắt là ISIS, đã xâm lược Mosul và Đồng bằng Nineveh ở miền Bắc Iraq, khiến hàng trăm nghìn người phải di tản. Tổng giáo phận Erbil, có trụ sở tại Kurdistan thuộc Iraq, đã tiếp nhận hơn 13,000 gia đình và bắt đầu cố gắng cung cấp các nhu cầu căn bản cho họ.

Đức Tổng Giám Mục cho biết sau khi lực lượng ISIS bị đánh lui về phía tây vào năm 2016, các gia đình bắt đầu trở về nhà của họ ở Nineveh. Trong số 13,000 gia đình phải di dời sống xung quanh Erbil, khoảng 9,000 người trong số họ đã trở về chín ngôi làng ở Nineveh, trong khi 2,600 gia đình vẫn ở Erbil; phần còn lại đã rời Iraq đi định cư ở các quốc gia khác.

Ngài nhấn mạnh rằng cần phải làm nhiều hơn nữa để bảo đảm an ninh và ổn định lâu dài cho các tín hữu Kitô trong khu vực. “Tất cả chúng ta nên làm việc cùng nhau với trách nhiệm tập thể để nạn diệt chủng không thể xảy ra một lần nữa,” ngài nói.


Source:Catholic News Agency

2. Các linh mục tham gia vào việc cứu trợ khẩn cấp thiên tai tại Đức

Các nỗ lực ứng phó khẩn cấp và viện trợ đang đạt kết quả cao sau khi xảy ra lũ lụt nghiêm trọng ở miền Tây và Tây Nam nước Đức làm lật đổ các tòa nhà, cuốn trôi xe cộ và khiến ít nhất 100 người thiệt mạng.

Các quan chức cho biết tình hình tại nhiều thành phố và thị trấn trong khu vực vẫn đang rất căng thẳng khi nhiều người vẫn còn mất tích và những người khác không thể liên lạc với các đội cấp cứu. Hàng chục nghìn người không có điện.

Thủ tướng Đức Angela Merkel gọi lũ lụt trên diện rộng là một thảm họa trong chuyến thăm Hoa Kỳ, nơi bà gặp ông Joe Biden. Các giám mục Công Giáo cũng bày tỏ sự thất vọng của các ngài. Trong khi đó các linh mục địa phương đang giúp đỡ trong các nỗ lực viện trợ.

Lũ lụt do mưa xối xả cũng ảnh hưởng đến các khu vực của Bỉ, Luxembourg và Hà Lan. Các quan chức cho biết hơn 1,000 người đã mất tích.

Ở Bad Neuenahr-Ahrweiler, một khu vực bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề ở phía nam Bonn, một linh mục, Cha Joerg Meyrer, đã giúp đỡ trong việc ứng phó khẩn cấp. Ngài nói với hãng thông tấn Công Giáo Đức KNA rằng khu vực này hoàn toàn không có nước ngọt và điện.

“Tôi vừa đi đến một ngôi làng lân cận để sạc điện thoại di động và đi vệ sinh. Thị trấn, giống như toàn bộ Thung lũng Ahr, bị phá hủy. Tôi biết khoảng 1,000 gia đình không còn nơi ở”

“Ba ngôi nhà thờ của chúng tôi không còn sử dụng được nữa. Tình hình thành phố thật thảm khốc”.

Cha Meyrer ca ngợi công việc của các tình nguyện viên, một số người trong số họ đã làm việc suốt ngày đêm.

“Tôi thấy những người giúp đỡ rất tận tâm và nói chung là rất sẵn sàng giúp đỡ,” ngài nhận xét và nói thêm rằng mọi người đang phải đối mặt với những câu hỏi về tương lai.

“Làm thế nào bạn cung cấp cho một thành phố không có nước, không có bánh mì? Nơi các khách sạn bị ngập lụt. Những chiếc ô tô nằm ngổn ngang trên các con phố, chồng chất lên nhau và bị phá hủy. Tình hình hoàn toàn hỗn loạn.”

Bất chấp mọi thứ, vị linh mục tin chắc “Thung lũng Ahr sẽ thắng thế” bởi vì “mọi người liên kết với nhau trong tình đoàn kết. Nhưng tình trạng này chắc chắn sẽ lâu khỏi và để lại những vết sẹo thâm tím”.

Hồng Y Rainer Maria Woelki của Köln nói, “Trong suy nghĩ của tôi, tôi đang ở cùng với tất cả những người đang phải chịu đựng thảm họa tàn khốc ở Đức.”

Giám mục Lutheran Heinrich Bedford-Strohm, chủ tịch hội đồng các Giáo hội Tin lành ở Đức, một liên đoàn gồm 20 giáo phái đã viết trên Facebook một câu chua chát mà nhiều người không đồng ý: “Nước mà nhiều người khao khát trong suốt thời kỳ khô hạn đã trở thành một tai họa”.


Source:Crux

3. Ba linh mục và một giáo dân Ba Lan đạp xe hành hương Vatican

Four pilgrims from Pelplin, northern Poland, arrive in St. Peter’s Square at the Vatican, July 14, 2021.

Hôm 14 tháng 7 vừa qua, sau 17 ngày đi bằng xe đạp, vượt qua gần 2,300 cây số, 3 linh mục và 1 giáo dân Ba Lan đã đến quảng trường Thánh Phêrô để hành hương, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha, cho ơn gọi được gia tăng và cho chính nghĩa tôn trọng sự sống con người.

Bốn vị hành hương cũng quyên tiền giúp một nhà dưỡng lão ở thị trấn Kartuzy, gần thành phố Pelplin.

Dẫn đầu đoàn hành hương là cha Tomasz Huzarek, Giám đốc Đại chủng viện Pelplin, và gồm có linh mục Janusz Chyla, cha sở giáo xứ Đức Mẹ Nữ Vương ở Chojnica, cha Arkadiusz Drzecimski, Giám học Đại chủng viện, và ông Mariusz Zychlinski, một người cha gia đình ở Chojnice. Đoàn đã khởi hành ngày 28 tháng 6 từ giáo phận Pelplin, tiến qua Đền thánh Đức Mẹ Czestochowa, rồi Wadowice, nơi sinh trưởng của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, sang Cộng hòa Tiệp và Áo, trước khi đến Ý.

Cha sở Chyla, thành viên Hội Hiệp sĩ Colombo, kể lại: “Trong bối cảnh đại dịch hiện nay, chúng tôi muốn làm chứng rằng chúng tôi vượt qua các biên giới để gặp gỡ dân chúng, với tất cả các biện pháp an ninh. Ý hướng của chúng tôi là làm chứng rằng Tin mừng không phải là điều thuộc về quá khứ, nhưng cũng thuộc hiện tại và tương lai. Vì tôi là thành viên Hội Hiệp sĩ Kha Luân Bố, nên một ý hướng đặc biệt hướng dẫn tôi trong cuộc hành hương này là bảo vệ sự sống con người, bằng hai phương thức: cầu nguyện, tiếp đến là làm chứng tá giúp đỡ dân chúng, đặc biệt là các phụ nữ đang chiến đấu với những vấn đề tinh thần, tâm lý và vật chất. Trong tư cách là Hiệp sĩ Kha Luân Bố, chúng tôi cộng tác với hội “những bước chân nhỏ” và mới đây chúng tôi có chuông “Tiếng nói thai nhi” được đánh lên trong giáo xứ để thức tỉnh lương tâm dân chúng”.

Lần trước đây, nhóm bốn tín hữu hành hương này đã đi tới Đền thánh Santiago de Compostela, bên Tây Ban Nha, và nay họ có ý định sẽ hành hương tới tận Giêrusalem.


Source:Catholic News Agency

4. Cả hai Giáo Hội Công Giáo và Tin Lành ở Đức đều thất thu nghiêm trọng trong năm 2020

Hãng tin Công Giáo Đức KNA truyền đi ngày 14 tháng 7 vừa qua, cho biết trong năm ngoái 2020, Giáo Hội Công Giáo tại Đức, gồm 27 giáo phận, nhận được 6 tỷ 450 triệu Euro tiền thuế Giáo hội, do các tín hữu Công Giáo đóng góp. Trong khi đó, 20 Giáo hội Tin lành ở Đức nhận được 5 tỷ 630 triệu Euro. So với năm 2019, lần đầu tiên từ năm 2010, thu nhập của hai khối Giáo hội sụt 5%, tức là ít hơn 600 triệu Euro. Lý do vì đại dịch Covid-19 làm giảm bớt lương bổng của những người đóng thuế cho Giáo hội. Số tín hữu của hai Giáo hội trong năm 2020 là 42,400,000 người, tức là giảm gần 441, 400 người.

Tại Đức, những cộng đồng tôn giáo được nhà nước công nhận thì có quyền được tín hữu đóng thuế, theo mức ấn định của mỗi nghị viện tiểu bang. Tại bang Baden-Wuerttemberg và Bavaria, tiền thuế Giáo hội tương đương với 8% số tiền thuế lợi tức đóng cho nhà nước. Tại các bang còn lại, tiền thuế Giáo hội là 9%.

Ngoài hai Giáo hội Kitô lớn, cả Do thái giáo, Giáo Hội Công Giáo cổ, và một vài Giáo hội Kitô cũng có quyền được các tín hữu đóng thuế. Ai không muốn đóng thuế thì phải làm đơn xin ra khỏi Giáo hội của mình. Những người có lợi tức thấp, người thất nghiệp, người không có lương bổng thì không phải trả thuế.

Dù bị thất thu nghiêm trọng như thế, ngân sách của các giáo phận và tổng giáo phận ở Đức vẫn rất lớn. Chẳng hạn, ngân sách của tổng giáo phận Munich và Freising vào khoảng 30 lần ngân sách của Vatican.


Source:Catholic News Agency

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *