Con xin cùng chết với Ngài để được sống lại vinh quang (01.04.2024 – Thứ Hai Tuần Bát Nhật Phục Sinh)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: Cv 2,14.22b-33, Mt 28,8-15

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (Mt 28,8-15). 

8 Khi ấy, các người phụ nữ vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giê-su hay.

9 Bỗng Đức Giê-su đón gặp các bà và nói : “Chào chị em !” Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người. 10 Bấy giờ, Đức Giê-su nói với các bà : “Chị em đừng sợ ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.”

11 Các bà đang đi, thì có mấy người trong đội lính canh mồ vào thành báo cho các thượng tế biết mọi việc đã xảy ra. 12 Các thượng tế liền họp với các kỳ mục ; sau khi bàn bạc, họ cho lính một số tiền lớn, 13 và bảo : “Các anh hãy nói như thế này : Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác. 14 Nếu sự việc này đến tai quan tổng trấn, chính chúng tôi sẽ dàn xếp với quan và lo cho các anh được vô sự.” 15 Lính đã nhận tiền và làm theo lời họ dạy. Câu chuyện này được phổ biến giữa người Do-thái cho đến ngày nay.

Con xin cùng chết với Ngài để được sống lại vinh quang (01.04.2024)

Bấy giờ, Đức Giê-su nói với các bà: “Chị em đừng sợ! Hãy về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó”. (Ga 12, 7).

Suy niệm:

Có một anh thanh niên nọ, sống rất bê bối, cờ bạc, rượu chè…chẳng có thói hư tật xấu nào mà anh ta không có. Tất nhiên, với lối sông như vậy, anh đã trở thành một gánh nặng cho cha mẹ, vợ con, họ hàng và thậm chí cả lối xóm nữa. Hàng ngày gặp gỡ anh, mọi người tuy ngoài thì có vẻ thân thiện đó song trong lòng thì họ chán ngán và coi thường anh.

Nhưng có một lần kia, anh được một người bạn rủ đi dự khoá “tác viên Tin Mừng” Sau đó, khi trở về nhà thì cuộc sống anh thay đổi hoàn toàn, anh đã trở nên người chồng, người cha có trách nhiệm, một người giáo dân ngoan đạo.

Khi biết việc đó, không chỉ người thân mà ngay cả khu xóm ai ai cũng vui mừng vì anh đã thay đổi cuộc sống.

Chỉ có những thằng bạn nhậu, những kẻ bài bạc hợp “gu” với anh trước đây thì tỏ ra bất mãn và nói với nhau rằng: “Nó chỉ là thằng đạo đức giả, rồi ngựa sẽ quen đường cũ mà thôi”.

Đức Giê-su là một nhân vật lịch sử. Ngài đã thực hiện công trình cứu chuộc nhân loại qua cái chết treo trên Thập tự. Nay Ngài đã thực sự đã sống lại, đúng như lời Ngài đã nói trước:  “Con Người phải bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết đi, nhưng ngày thứ ba Người sẽ sống lại” (Mt. 18, 22-23)

Biến cố Đức Giê-su sống lại; khai mở một thời đại mới. Thời đại của niềm vui, thời đại của niềm hy vọng cũng như thời đại của chân lý và sự sáng. Tuy nhiên, niềm vui, hy vọng, chân lý và sự sáng chỉ đến với những ai tin tưởng vào Đức Giê-su mà thôi, còn những kẻ chống đối không tin thì biến cố Phục sinh lại làm cho họ lo âu sợ hãi. Bằng chứng là; khi nhận biết Chúa đã Phục sinh, các bà đạo đức thì vui mừng hớn hở đi loan báo tin mừng cho các môn đệ, trong khi đó thì các vị thượng tế và kỳ mục thì lại lo lắng, bàn bạc với nhau để tìm cách đối phó với biến cố Chúa sống lại, lời Kinh Thánh hôm nay ghi rõ ràng: “Họ đã cho lính một số tiền lớn và dặn dò rằng “Các anh cứ nói thế này: Ban đêm trong lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đa đến lấy trộm xác. Nếu sự việc này đến tai quan tổng trấn, chính chúng tôi sẽ dàn xếp và lo cho các anh được vô sự!”. Điều vô lý trong lời làm chứng của các binh lính này là trong khi ngủ thì làm sao họ có thể biết được là môn đệ của Thầy Giê-su đến lấy xác? Ngược lại nếu đã thấy các môn đệ đến trộm xác Chúa, thì tại sao họ lại  không có hành động ngăn cản; bằng cách la lên hay bắt giữ những người trộm xác Đức Giê-su? Thế mới biết rằng, ở mọi nơi, mọi thời, đồng tiền vẫn luôn có thể “bẻ cong sự thật” và con người nhiều khi chỉ vì đồng tiền đã bán rẻ lương tâm, làm chứng cho sự gian dối, dù rằng đã biết được sự thật cách tỏ tường.

Chúa sống lại. Ngài đã củng cố niềm tin cho chúng ta, để chúng tin tưởng một cách sâu sắc và thâm tín rằng; sau cái chết, sau sự đau khổ thì mới đạt đến được sự sống vinh quang, như vậy chết không phải là hết, nhưng qua cái chết chúng ta sẽ được Chúa cho sống lại và hưởng sự sống muôn đời nếu trong cuộc đời tạm thời nơi trần gian này chúng ta tin tưởng vào Đức Giê-su và thực thi những điều Ngài truyền dạy.

Ngày nay nhiều người, nhất là nơi giới trẻ, họ sống không có niềm tin, sống thực dụng chỉ lo hưởng thụ vì họ cho rằng chết là hết, không có đời sau. Thật đáng thương cho họ. Bởi lẽ, chết không phải là hết mà là cửa ngõ để đi vào sự sống vĩnh cửu. Thượng đế đã sinh ra con người mang hình ảnh của Ngài; Đó là có linh hồn bất tử và khi nhìn vào sự Phục Sinh của Đấng đã đi trước, thì khi Ngài sống lại như thế nào thì chúng ta, những kẻ đi theo sau Ngài cũng sẽ được sống lại giống như Ngài vậy. Chính Ngài đã nói: “Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta sẽ không phải chết bao giờ” (Ga 11, 25-26).

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã chết để cho chúng con được sống và Chúa đã Phục sinh để củng cố lòng tin và mang lại cho chúng con niềm vui và niềm  hy vọng. Xin cho trọn cuộc đời chúng con tin tưởng và phó thác vào Chúa, nhất là luôn biết loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho mọi người bằng cách sống thi hành những điều Ngài truyền dạy, hầu cho chúng con sẽ được Chúa cho sống lại trong ngày sau hết để cùng hưởng hạnh phúc muôn đời bên Ngài. Amen.

Sống Lời Chúa:

Luôn cải thiện mình cho xứng đáng với ân tình của Chúa.

Đaminh. Trần Văn Chính.

Không để sự gian tà bóp méo sự thật (10.04.2023)

“Hãy về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.”

Trong niềm vui trọng đại của lễ Phục Sinh, chúng ta được nghe các bài đọc liên quan đến biến cố này trong suốt tuần bát nhật. Thế nhưng không phải ai cũng tin vào tính chân thật của sự kiện này, tệ hại hơn là có người cố tình làm sai lệch, nhiễu loạn thông tin về biến cố lịch sử này.

Thánh Mát-thêu là tác giả duy nhất đã so sánh thái độ của hai dạng chứng nhân về việc Chúa phục sinh: một bên là những phụ nữ đã từng theo Chúa Giêsu, và một bên là những lính canh mồ do các thượng tế và kỳ mục sắp đặt. Cả hai bên đều nhận lãnh một sứ điệp: những phụ nữ được các thiên thần cổ võ đã lên đường loan báo sứ điệp Phục Sinh cho các tông đồ; những lính canh mồ thoạt đầu cũng nhận lãnh các sứ điệp như thế, họ đã chứng kiến một phép lạ, nhưng thay vì tuân phục với đức tin, họ đã bóp méo và chối bỏ sự thật. Một sự kiện nhưng hai phản ứng: với sự tuân phục của đức tin, các phụ nữ đã đón nhận phép lạ và trở thành sứ giả của Tin Mừng Phục Sinh; trong khi đó, với thái độ mù quáng và khước từ, những lính canh mồ đem biến sự thật thành một sự bôi nhọ phỉ báng.

Hai ngàn năm qua và mãi mãi về sau, sứ điệp Phục Sinh vẫn tiếp tục được loan báo. Phép lạ Phục Sinh vẫn mãi mãi tiếp diễn. Các tông đồ và những phụ nữ được Chúa hiện ra có lẽ diễm phúc hơn chúng ta. Thế nhưng, các ngài cũng không được trang bị hơn chúng ta khi đứng trước việc Chúa sống lại và hiện ra. Phép lạ thiết yếu không phải là một việc phi thường, nhưng trước tiên là một cuộc gặp gỡ trong đức tin. Chỉ trong đức tin, con người mới tin nhận phép lạ. Có phép lạ khi con người thực thi thánh ý Chúa. Thiên Chúa vẫn tiếp tục thể hiện tình yêu của Ngài. Thiên Chúa vẫn tiếp tục hiện diện và tác động trong lịch sử nhân loại. Nhưng chỉ khi nào con người tin nhận và sống theo thánh ý Thiên Chúa, con người mới nhận ra sự hiện diện và tình yêu của Ngài.

Còn những kẻ bóp méo sự thật, những kẻ nói quanh co để tự bảo vệ mình, bảo vệ quyền lợi mình, công việc mình hay bảo vệ cái tin bịa đặt của mình như các thượng tế và kỳ mục đút tiền cho lính canh mồ để họ loan tin các môn đệ ăn trộm xác Chúa. Khi không tin điều gì, người ta sẽ chứng minh cho bằng được điều ngược lại, bằng những hành vi gian dối (gian dối ngay trong lời loan báo, vì ngủ rồi, làm sao mà biết các môn đệ đến lấy trộm xác), tính toán vụ lợi (có sự hiện diện của tiền bạc), và cuối cùng là loại trừ và bạo lực, vốn là hình ảnh của Sự Dữ, như chúng ta đã thấy trong cuộc đời và nhất là cuộc Thương Khó của Chúa Kitô, cũng như trong lịch sử Giáo Hội (các cuộc bách hại).

Nhìn lại bản thân, nhiều lần chúng ta cũng vì sợ bị chế nhạo mà làm chứng quanh co hay để kẻ khác mua chuộc sự im lặng và lợi dụng đầu cơ những bằng chứng. Chúng ta phải giật mình hổ thẹn rằng Chúa Giêsu đã bị tố cáo khiếm diện, Ngài bị loại trừ, bị tuyên bố là chết rồi.

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, niềm vui phục sinh đã đem lại sự biến đổi sâu xa cho những ai đón nhận Tin Mừng. Xin cho chúng con cũng để niềm vui ấy chi phối, ảnh hưởng đến cách suy nghĩ và hành xử của chúng con. Xin cho chúng con biết quan tâm chia sẻ niềm vui phục sinh cho những người chúng con tiếp xúc mỗi ngày, nhất là người đang đau khổ, bệnh tật… để giúp họ vượt qua nỗi buồn và sợ hãi. Nguyện xin ánh sáng Chúa Kitô Phục Sinh soi sáng và hướng dẫn tâm tư hành động của chúng con, để trong mọi sự, chúng con có thể sống theo thánh ý Ngài, và như vậy, chúng con sẽ cảm nhận được phép lạ của tình yêu Ngài trong từng phút giây của cuộc sống chúng con. Amen.

Joston

Tôi đang để Tin Mừng hướng dẫn hay tiền bạc sai khiến? (18.04.2022)

“Hãy về báo cho anh em của Thầy để họ đến Galilê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.”

Bài Tin Mừng hôm nay tiếp nối niềm vui trọng đại của ngày lễ Phục Sinh. Tuy nhiên, thánh Mát-thêu đề cập đến hai thái độ khác nhau trước biến cố này: một bên là các phụ nữ và một bên là nhóm lính canh.

Khi đối diện với ngôi mộ trống, khi nói chuyện với Chúa phục sinh, nhóm phụ nữ đã tin nhận và hân hoan háo hức đi loan báo tin mừng ấy cho các môn đệ, như lời Người đã căn dặn. Các bà không bị tiền bạc ảnh hưởng chi phối, cũng không khiếp sợ trước bất kỳ thế lực cai trị nào.

Trái lại, với nhóm lính canh, họ cũng được nhìn thấy ngôi mộ trống, cũng chứng kiến cùng một sự kiện Chúa phục sinh như các phụ nữ, nhưng vì bị lôi cuốn bởi sức mạnh của đồng tiền do các thượng tế và kỳ mục mua chuộc; cũng như vì lo sợ thế lực của các giới chức lãnh đạo tôn giáo bấy giờ mà họ đã chối bỏ chân lý, đành tâm phản bội Tin Mừng. Tệ hại hơn khi họ nghe theo lời của các thượng tế và kỳ mục để chuyển hướng suy nghĩ của dân chúng theo sự sai lạc dối trá: “Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác.” Và lời đồn đãi ấy vẫn còn vang vọng cho đến ngày nay, nhiều người vẫn còn hiểu biết lệch lạc về Chúa Kitô, về Giáo Hội.

Về sự kiện Chúa Giêsu sống lại, lời nói của nhóm lính canh là những lời chứng rất đáng tin cậy, vì họ là những người đã canh giữ mồ Chúa suốt đêm hôm ấy. Nếu không vì sợ hãi quyền lực cai trị, hay vì đồng tiền mà che mờ sự thật, thì có thể họ đã là những sứ giả đắc lực cho việc loan báo Tin Mừng Phục Sinh.

Gian dối, lọc lừa ngày hôm nay đã lan tràn trong xã hội chúng ta trong mọi lãnh vực, chỉ vì người ta quá say mê tiền bạc, danh vọng, quyền lực…Thật là hiểm họa! Nên cần lắm sự vào cuộc của các cấp lãnh đạo, các đoàn thể, của hệ thống báo chí, truyền thanh, truyền hình, mạng xã hội, của nhà trường và gia đình…nhằm lên án mạnh mẽ sự dối trá, lọc lừa và đề cao lòng trung thực nơi con người và tôn trọng công lý trong xã hội.

Với người Kitô hữu, Chúa Giêsu đã dạy rằng: “Có thì phải nói có, không thì phải nói không. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ” (Mt 5,37). Xin cho chúng ta biết tin nhận mạnh mẽ vào mầu nhiệm Chúa phục sinh. Nhờ đó, ta mới có đủ can đảm vượt lên sức hút mãnh liệt của danh-lợi-thú mà sống ngay chính trước Chúa, lương tâm, mọi người.

Trước Tin Mừng Phục Sinh ai cũng vội vã: các phụ nữ thì loan tin cho các môn đệ, còn nhóm lính canh thì vội vã báo tin cho đầu mục Do-thái. Ai cũng vội vã, nhưng tùy thái độ mỗi bên mà Tin Mừng Phục Sinh được công bố hay bị dập tắt. Người Kitô hữu cũng là những người được đối diện với Tin Mừng Phục Sinh. Họ được trao cho nhiệm vụ loan báo lại cho người khác biết tin vui này. Chắc chắn lời nói của họ là những chứng từ giá trị, vì họ đã được đón nhận sức sống Phục Sinh của Ðức Kitô.

Nguyện xin Chúa Kitô Phục Sinh, Ðấng đã chiến thắng quyền lực của tội lỗi, ban cho mỗi người chúng ta lòng tin yêu và can đảm. Tin yêu để chúng ta nhận biết được sự hiện diện của Người qua các biến cố cuộc sống, dù cho có vẻ trống vắng, u buồn như ngôi mộ trống của Ðức Kitô. Và khi nhận ra được Người, chúng ta sẽ can đảm loan truyền Ðức Kitô cho tất cả mọi người, bất chấp mọi gian lao thử thách.

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con chúc tụng Chúa vì muôn điều kỳ diệu Ngài đã làm cho chúng con, nhất là đã ban cho chúng con Con Một yêu dấu của Chúa. Xin cho chúng con biết bắt chước các tông đồ cũng như các phụ nữ nhiệt thành tìm kiếm Người trong yêu mến và hăm hở ra đi rao truyền tin vui Phục Sinh của Đức Kitô. Amen.

Joston

Lời nói dối (05.04.2021)

“Hãy nói thế này … “

Nói dối bản chất của nó là xấu, là thuộc về sự xấu, sự tội, sự ác của tà thần ma quỷ. Nói dối mục đích làm sai lệch sự thật, lệch lạc điều đúng, lừa dối, vu oan giáng hoạ cho người công chính, cho người lòng ngay.

Như vậy, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào lời nói dối luôn làm cho người nói mất giá trị, mất phẩm chất đạo đức và làm cho người nghe tin tưởng vào một điều sai trái, một điều không có. Khi sự thật được phơi bày thì chính niềm tin giữa người nói và người nghe nảy sinh ngăn cách, nảy sinh nghi ngờ, nảy sinh xa cách, và có thể nảy sinh những mâu thuẫn dẫn đến giận hờn, ghét bỏ, thậm chí là tàn sát lẫn nhau.

Trong thực tế đời thường những lời nói dối chỉ mang tầm ảnh hưởng nhỏ giữa một số mối quan hệ như: buôn bán, giao tiếp, nói hành nói xấu… Chỉ gây nên một cảnh giác hay bất hoà nho nhỏ. Trong giới trí thức quyền cao chức trọng, địa vị cao trong tầng lớp xã hội, trong tôn giáo thì lời nói dối rất nguy hiểm, nó có thể hủy diệt cả một hệ thống tư tưởng, gây đau khổ hàng vạn người, và nó tồn tại rất ư lâu dài, có khi lời dối trá ấy mãi không biết được sự thật.

Lời nói dối xuất phát từ lòng gian tà làm lu mờ lương tâm, đánh mất lý trí, rời bỏ đức khôn ngoan để nói những điều giả dối. Trong thời cựu ước, điển hình vụ án bà Sasanna bị hai vị trưởng lão phải lửa dục mê đắm; hai ông mất lương tâm, không còn muốn đưa mắt nhìn lên trời và không còn muốn nhớ đến sự xét xử công minh. Nên hai ông đã nói dối vu khống để hại bà, nhưng bà tin vào Thiên Chúa nên Thiên Chúa đã cứu bà (Ðn 13, 1-9. 15-17. 19-30. 33-62).

Bài Tin Mừng hôm đã tường thuật lại câu chuyện những kẻ nói dối để hãm hại Chúa Giêsu cho đến chết, chết rồi sống lại bọn họ vẫn còn đặt điều nói dối. Như Philato đã dối lòng khi biết Chúa là người công chính mà vẫn không tha chết cho Chúa, Philatô bảo họ: “Đấy các ngươi cứ bắt và đóng đinh ông vào thập giá, phần ta, ta không thấy lý do nào kết tội ông”. Biết Chúa không có tội mà Philato vẫn kết tội (Ga 18, 38).

Sau khi Chúa chết ba ngày rồi sống lại, bọn thầy cả và Biệt phái Pharisieu lại bầy mưu nói dối một cách kinh khủng, che dấu, lấp liếm toàn dân một sự thật lớn lao vĩ đại, là Chúa đã sống bằng một lời dối trá rằng xác Chúa Giêsu bị các tông đồ đánh cắp rồi đem dấu đi. Các kỳ mục đã cho bọn lính một số tiền lớn và bảo bọn lính nói thế này: “Các anh hãy nói rằng: Ban đêm khi chúng tôi đang ngủ, thì môn đệ ông đến lấy trộm xác ông” (Mt 28, 13).

Nói dối đã có từ thời cổ chí kim, từ dân thường đến các tầng lớp trong xã hội loài người, có rất nhiều người nói dối không ngại miệng, có rất nhiều tổ chức tuyên truyền nói dối rất bài bản, họ nói dối để bôi nhọ nhau, để hạ nhục nhau và để tiêu diệt nhau.

Nói dối chính là lừa dối chính bản thân, lừa dối người thân, lừa dối mọi người làm cho chính con người nói dối mất phẩm giá làm người, thuộc về con cái ma quỷ, con cái sự dữ.

Cầu nguyện

Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, Chúa là Đấng Thánh Thiện, là Đấng Chân Thật, Chúa cho con vào trần trong sự thánh thiện và chân thật, còn những sự giả dối trong con phát xuất từ sự gian dối của tà thần ma quỷ, từ lòng tham sân si mà ra. Xin Chúa ban Chúa Thánh Thần biến đổi con trong Sự Thật của Chúa.

Hư Vô

Cuộc hẹn đầu tiên của Chúa Phục Sinh (13.04.2020)

“Hãy đi nói với anh em đến Galilêa mà gặp Ta ở đó” (Mt 28,7).

Khi các bà chạy đi báo tin cho các môn đệ biết Thầy mình đã sống lại, thì Chúa Giê-su Phục Sinh lại đón gặp các bà và nói: “Các bà đừng sợ. Hãy đi báo tin cho các anh em Ta phải trở về Galilêa, rồi ở đó họ sẽ gặp Ta”. Như thế là Chúa Phục Sinh đã xác nhận điều các bà nghe Thiên Thần đã nói với các bà về cuộc hẹn ở Galilea.

Niềm vui phục sinh bắt đầu lan tỏa. Cuộc hẹn đầu tiên của Chúa Giê-su Phục Sinh lại là cuộc hẹn với những người đã tin theo Chúa, và cách nào đó, đã từng thương xót, thương khó với Người. Người sẽ biến nỗi lo âu thất vọng thành niềm vui khôn tả. Người sẽ củng cố đức tin non yếu, ngờ vực kia thành đức tin vững mạnh, và can đảm làm chứng cho một Đức Giê-su nói Lời Chân Thật. Quả thực trên trần gian có ai dám nói rằng: “Tôi sẽ bị đau khổ, bị giết chết và ba ngày sau sẽ sống lại” đâu, bởi vì không ai có thể.

Tất cả Lời Chúa Giê-su nói về tình yêu, về ơn cứu độ, về sự sống lại đã được minh chứng bằng cái chết và sự sống lại của Người. Vì thế, cuộc hẹn đầu tiên của Chúa Giê-su Phục Sinh là cuộc hẹn dành cho những người được nghe Lời Chúa nói, khao khát được ơn cứu rỗi mà Người đã hứa ban. Có người nói đùa như thật, nếu là chuyện phim Tàu, thì sau khi sống lại, hẳn Người sẽ hẹn gặp những kẻ đã giết người, cho chúng nó biết tay.

Chúa Giê-su không hành xử như cách của con người. Không cần nhớ ai đã giết mình, vậy mà cũng đủ làm cho những kẻ mưu toan và tòng phạm giết Chúa Giê-su đã phải toáng lên hoảng loạn, bởi vì kế hoạch của họ tưởng đã tiêu diệt được Chúa Giê-su, ai dè lại làm cho vinh quang Thiên Chúa rạng rỡ. Hãy ca tụng tình thương của Chúa.

Lạy Chúa, xin cho chúng con vững tin vào Lời Chúa Giê-su, và khát khao được chết và sống lại với Người. Amen. Lạy Chúa Giê-su Phục Sinh, Chúa đã củng cố đức tin các môn đệ của Chúa về sự sống lại dành cho những ai tin vào Chúa, xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng con và cho những người đang đau khổ vì vướng dịch bệnh, một niềm tin vững chắc vào lòng thương và ơn phục sinh của Chúa, để luôn bình an trông cậy và tín thác hoàn toàn và Chúa. Amen.

Xin giúp chúng con phòng tránh và tận diệt thứ dịch bệnh nguy hiểm nhất là tội lỗi, để chúng con được sống trong ân nghĩa Chúa luôn. Amen.

HH-BCT

Biến cố Phục Sinh 

Ghi nhớ:

Bấy giờ, Đức Giêsu nói với các bà: “Chị em đừng sợ! về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó” (Mt 28, 10). 

Suy niệm:

Qua bài Tin Mừng Thánh Matthêu trình bày về Chúa Giêsu nói với các người phụ nữ đi thăm mộ Chúa, với sự sợ hãi của các bà như là một phản ứng thần học, một sự cảm nghiệm siêu nhiên hơn là tâm lý. Mặc dù trong xã hội Do Thái thời đó, thân phận người phụ nữ không được coi trọng, thậm chí bị hạ thấp đến mức tột cùng, cùng trong xã hội phong kiến của một số nước Phương Đông như: Trung Hoa, Việt Nam, Ấn Độ… luôn có những tư tưởng phân biệt “trọng nam khinh nữ” đối xử theo giới tính, trong đó nam giới được coi trọng hơn phụ nữ theo kiểu “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”. Người xưa quan niệm rằng có một người con trai còn hơn cả mười người con gái. Ngày nay, khi chế độ phong kiến bị sụp đổ, xã hội đi vào hiện đại hóa và đã có rất nhiều phong trào đấu tranh nổi lên dành quyền bình đẳng cho phụ nữ. Người phụ nữ  được bình đẳng tham gia vào các hoạt động xã hội, làm kinh tế và không còn lệ thuộc vào đàn ông nữa. Tuy nhiên, sự bình đẳng hẳn nhiên không phải tất cả người phụ nữ nào trên thế giới cũng có được, và vẫn còn đâu đó những bất công tồn tại ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Nhưng chính lúc bấy giờ phụ nữ lại góp phần quan trọng loan báo Chúa sống lại, Ngài đã hiện ra trao sứ mạng cho các chị em loan báo tin vui cho các Tông đồ: “Và kìa, Đức Giêsu đón gặp các bà và nói: “Chào chị em!” Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người, bấy giờ, Đức Giêsu nói với các bà: “Các chị em đừng sợ! về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó”(Mt 28, 9-10). Lời chào cũng là lời kêu gọi vui lên vì niềm vui ơn cứu độ do Chúa Phục Sinh mang lại cho tất cả muôn dân trên mặt đất này.

Đây cũng là sự diễn tả Chúa Giêsu Phục Sinh đã hiện ra ưu ái trao tác vụ cho các bà, và ngay trong Công Đồng Vantinô II trong hiến chế “ánh sáng muôn dân” mỗi giáo dân dù nam hay nữ,  phải làm chứng về Chúa Giêsu bằng chính cách sống thánh thiện của mình ngay tại công sở hay môi trường sống, phải thờ phượng kính mến Thiên Chúa, rao giảng lời Chúa ngay từ gia đình và  xã hội.

Sau biến cố Phục sinh mọi công việc hay sinh hoạt của chúng ta được phát xuất từ lòng mến, tình yêu Chúa Giêsu ban tặng. Mầu nhiệm Phục sinh của Chúa được lưu truyền, từ thế hệ này qua thế hệ nối tiếp, giúp chúng ta nhìn chính mình, nhìn lại sự yếu đuối, mỏng dòn, tội lỗi con người vấp phạm, để từ nay mỗi giây phút sống hằng ngày của chúng ta đều có Chúa Phục Sinh hiện diện.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Phục Sinh!  Xin cảm tạ hồng ân và tình yêu Chúa đã ban tặng cho mỗi người. Vì thế, chúng con nài xin Thiên Chúa luôn đổ tràn xuống tâm hồn để chúng con biết ra đi, làm chứng và loan báo Tin Mừng vào mầu nhiệm Phục sinh vinh hiển của Chúa luôn là dấu chỉ cho sự sống đời đời mai sau. Amen.

Ánh Sáng Muôn Dân

Ghi nhớ:

Bấy giờ, Đức Giêsu nói với các bà: “Chị em đừng sợ! về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó” (Mt 28, 10)

Suy niệm:

Trong xã hội Do Thái thời đó, thân phận người phụ nữ không được coi trọng, thậm chí bị hạ thấp đến mức tột cùng. Hay trong xã hội phong kiến của một số nước Phương Đông như: Trung Hoa, Việt Nam, Ấn Độ… luôn có những tư tưởng phân biệt “trọng nam khinh nữ” đối xử theo giới tính, trong đó nam giới được coi trọng hơn phụ nữ theo kiểu “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”. Người xưa quan niệm rằng có một người con trai còn hơn cả mười người con gái. Ngày nay, khi chế độ phong kiến bị sụp đổ, xã hội đi vào hiện đại hóa và đã có rất nhiều phong trào đấu tranh nổi lên dành quyền bình đẳng cho phụ nữ. Người phụ nữ ngày nay được bình đẳng tham gia vào các hoạt động xã hội, làm kinh tế và không còn lệ thuộc vào đàn ông nữa. Tuy nhiên, sự bình đẳng hẳn nhiên không phải tất cả người phụ nữ nào trên thế giới cũng có được, và vẫn còn đâu đó những bất công tồn tại ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Qua bài Tin Mừng hôm nay, sự sợ hãi của các bà, phải coi như là một phản ứng có ý nghĩa thần học hơn là tâm lý: một cảm nghiệm siêu nhiên, một sự gặp gỡ bởi Thiên Chúa và  đối với Thiên Chúa, chính phụ nữ lại góp phần quan trọng loan báo Chúa sống lại, Ngài đã hiện ra trao sứ mạng cho các chị em loan báo tin vui cho các Tông đồ: “Và kìa, Đức Giêsu đón gặp các bà và nói: “ Chào chị em!” Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người, bấy giờ, Đức Giêsu nói với các bà: “Các chị em đừng sợ! về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó”(Mt 28, 9-10). Lời chào cũng là lời kêu gọi vui lên vì niềm vui ơn cứu độ do Chúa Phục Sinh mang lại cho tất cả muôn dân trên mặt đất này.

Đây cũng là một điều diễn tả Chúa Giêsu Phục Sinh đã hiện ra ưu ái trao tác vụ cho các bà, và ngay trong Công Đồng Vantinô II trong hiến chế “ánh sáng muôn dân” mỗi giáo dândù nam hay nữ,  phải làm chứng về Chúa Giêsu bằng chính cách sống thánh thiện của mình ngay tại công sở hay môi trường sống, phải thờ phượng kính mến Thiên Chúa, rao giảng lời Chúa ngay từ gia đình và  xã hội.

Thế nên người Kitô hữu trong mọi thời, việc loan báo Tin Mừng vẫn là một tiếng gọi tồn tại trong sâu thẳm của con người hay chính nội tâm mỗi người là một ơn gọi riêng cho từng người, từ đó mỗi người mạnh dạn ra đi phục vụ và hãy cho đi nhưng không đến với biết bao hoàn cảnh cơ nhỡ, khốn cùng, họ đang cần biết bao tấm lòng từ tâm nâng đỡ từ vật chất tới tinh thần. Bổn phận người tín hữu là chúng ta đi tìm cuộc sống vĩnh hằng, đồng thời cùng với mọi người cùng nhau tìm cuộc sống đời đời mai sau. Cuộc sống hàng ngày diễn ra, với mọi biến cố vui buồn, sầu khổ v.v… nếu mỗi người luôn có niềm tin tuyệt đối vào Chúa Phục Sinh, chắc chắn  sẽ gặp Chúa đồng hành, quan phòng  chúng ta trên muôn nẻo đường  dù hiểm nguy, gian nan, trắc trở,  thì Chúa gìn giữ chúng ta tới bến bờ hạnh phúc.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Kitô Phục Sinh! Xin vì mầu nhiệm Chúa Kitô tử nạn và Phục sinh, xin thanh tẩy và biến đổi mỗi người chúng con biết loại bỏ mọi thú đam mê trần thế hay tính xấu xa ích kỷ, ghen ghét, để chúng con bình tâm định hướng cuộc đời mình, mà mạnh dạn ra đi loan báo Tin Mừng lòng thương xót Chúa, luôn tin vào mầu nhiệm Phục sinh vinh hiển của Chúa luôn là dấu chỉ cho sự sống đời đời mai sau. Amen.

 

Phép lạ Phục Sinh

Truyện các thánh ẩn tu trong sa mạc thời Giáo Hội tiên khởi có kể lại câu chuyện như sau:

Một người đàn ông nọ nghe đồn về rất nhiều phép lạ do các bậc chân tu thánh thiện thực hiện, nhưng ông không chấp nhận một lời đồn đại nào, ông chỉ tin những gì mắt thấy tai nghe. Thế là ông lên đường để diện kiến cho bằng được vị chân tu, ông gọi một đệ tử lại và hỏi:

– Thầy của anh đã làm được bao nhiêu phép lạ rồi?

Người đệ tử trả lời:

– Không thể đếm xuể được. Trong xứ của ông, người ta xem như là phép lạ mỗi khi Thiên Chúa làm theo ý muốn của con người. Còn ở đây thì trái lại, chúng tôi coi là phép lạ mỗi khi con người thực thi thánh ý Chúa.

Phép lạ mỗi khi con người thực thi thánh ý Chúa. Ðó có thể là ý tưởng được rút ra từ bài Tin Mừng hôm nay. Thánh Mátthêu là tác giả duy nhất đã so sánh thái độ của hai dạng chứng nhân về việc Chúa phục sinh: một bên là những phụ nữ đã từng theo Chúa Giêsu, và một bên là những lính canh mồ do các thượng tế và biệt phái sắp đặt. Cả hai bên đều nhận lãnh một sứ điệp: những phụ nữ được các thiên thần cổ võ đã lên đường loan báo sứ điệp Phục Sinh cho các tông đồ; những lính canh mồ thoạt tiên cũng nhận lãnh các sứ điệp như thế: họ đã chứng kiến một phép lạ, nhưng thay vì tuân phục với đức tin, họ đã bóp méo và chối bỏ sự thật. Một sự kiện nhưng hai phản ứng: với sự tuân phục của đức tin, các phụ nữ đã đón nhận phép lạ và trở thành sứ giả của Tin Mừng Phục Sinh; trong khi đó, với thái độ mù quáng và khước từ, những lính canh mồ đem biến sự kiện thành một bôi nhọ phỉ báng.

Hai ngàn năm qua và mãi mãi về sau, sứ điệp Phục Sinh vẫn tiếp tục được loan báo. Phép lạ Phục Sinh vẫn mãi mãi tiếp diễn. Các Tông Ðồ và những phụ nữ được Chúa hiện ra có lẽ diễm phúc hơn chúng ta. Thế nhưng, các ngài cũng không được trang bị hơn chúng ta khi đứng trước việc Chúa sống lại và hiện ra. Những lính canh mồ cũng chứng kiến các điều lạ lùng, nhưng với họ, những điều đó chưa phải là phép lạ.

Phép lạ thiết yếu không phải là một việc phi thường, nhưng trước tiên là một gặp gỡ trong đức tin. Chỉ trong đức tin, con người mới tin nhận phép lạ. Có phép lạ khi con người thực thi thánh ý Chúa. Thiên Chúa vẫn tiếp tục thể hiện tình yêu của Ngài. Thiên Chúa vẫn tiếp tục hiện diện và tác động trong lịch sử nhân loại. Nhưng chỉ khi nào con người tin nhận và sống theo thánh ý Thiên Chúa, con người mới nhận ra sự hiện diện và tình yêu của Ngài. Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Phúc cho những ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa”. Có tâm hồn trong sạch chính là để cho Chúa ngự, chính là chiều theo tư tưởng và ý muốn của Ngài.

Nguyện xin ánh sáng Chúa Kitô Phục Sinh soi sáng và hướng dẫn tâm tư hành động của chúng ta, để trong mọi sự, chúng ta sống theo thánh ý Ngài, và như vậy, cảm nhận được phép lạ của tình yêu Ngài trong từng phút giây của cuộc sống.

TÁC VIÊN TIN MỪNG

Rất có thể từ sau lần đọc đầu tiên, trình thuật Tin Mừng hôm nay để lại trong người đọc cảm xúc ngạc nhiên và ngưỡng mộ nhóm nhân vật chính thứ hai làcác người phụ nữ. Thật vậy, bất kể hiểm nguy và bóng tối, họ nhắm ngôi mộ có đặt xác Chúa mà lên đường. Rồi khi đã chứng kiến những gì xảy ra, đã nghe được lời thiên thần nói, họ lại vội vã quay trở về để báo tin cho các môn đệ.

Nếu dừng lại quan sát các phụ nữ mềm yếu này, ta không khó để lý giải lòng can đảm của họ: họ thương Thầy Giêsu, họ gắn bó với Thầy quá sâu đậm. Tình yêu họ dành cho Thầy lớn đủ để vượt mọi lý giải và nghi ngờ, họ tin ngay vào lời các thiên thần, tin luôn giữa lúc lý trí họ chưa thể phân định cảm giác sợ hãi và nỗi mừng vui trong họ. Hớt hải chạy tới rồi lại rộn rã chạy về, chuỗi hành động ấy được thực hiện bởi con tim yêu thương trong họ. Con tim thúc bách, lắng nghe và mách bảo. Con tim đơn giản mà mạnh mẽ, sáng trong mà nồng ấm biết bao.

Thấu hiểu tâm trạng của các bà, Chúa Giêsu đã chủ động gặp gỡ để kiện toàn lòng tin và tình yêu trong họ. Bước chân hãi sợ lẫn lộn mừng vui của các bà biến mất, thay vào đó là sự vững vàng mang đậm dấu ấn sứ mạng. Họ đi loan báo cho các môn đệ, không phải vì lời của thiên thần nữa, mà vì mệnh lệnh của chính Đấng Phục Sinh:Về báo cho anh em của Thầy. Các phụ nữ mọn hèn nay trở thành những người đầu tiên loan tin vui Phục Sinh, những nhân chứng đầu tiên của Sự Sống Vĩnh Cửu, những tác viên Tin Mừng.

Cũng thế, cuộc sống đời thường và đời đạo cho ta không ít kinh nghiệm khi được nhận tin vui hoặc trở thành người loan tin vui, nhất là khi những tin vui ấy đem lại cho ta sự sống, sự bình an mà tiền bạc không thể mua và vinh hoa đời này không thể ban tặng.

  1. Thành ra, kinh nghiệm của các phụ nữ trong ánh bình minh chan hòa và hạnh phúc vô bờ của buổi sáng phục sinh hẳn sẽ khơi lên trong lòng tôi, trong lòng bạn và trong lòng anh chị một khát khao nho nhỏ và một lời chất vấn êm nhẹ nhưng da diết. Một đàng, ta khát khao được trở thành người đem tin mừng phục sinh cho anh chị em. Nhưng ta cũng cần tự hỏi vì đâu mà bấy lâu nay ta chưa thể thực hiện được khao khát đó, đang khi tự bản chất ơn gọi Kitô hữu, ta đã được chọn cho sứ mạng cao cả này rồi.

Phơi bày đời mình và hồn mình trước Ánh Sáng Phục Sinh, dường như ta cũng đã từng có lần để lòng mình gắn bó với bạc tiền hơn là với Chúa, để rồi sẵn sàng đánh đổi như các người lính canh mồ hôm nay ; hoặc có lần ta hãi sợ nhưng không phải nỗi sợ của loài thọ tạo phàm hèn đối diện với Thiên Chúa uy phong, mà là sợ mất quyền mất lợi của mình, nên sẵn sàng loan tin giả dối hoặc cắt nghĩa Tin Mừng sai lệch như các thượng tế và kỳ lão hôm nay.

Như vậy, không khó để trở thành tác viên tin mừng, chỉ cần ta gắn bó với Chúa, yêu Chúa và vững tin vào Chúa, tin vào sự phục sinh của Người và sẵn sàng đón nhận sứ vụ Người trao.

  1. LạyChúa Giêsu Phục Sinhcon tin Chúa đã chết và sống lại vì con. Con yêu Chúa bằng tất cả trái tim bé nhỏ của con. Xin đỡ nâng niềm tin yêu hèn yếu và dễ vỡ của con. Con tin Chúa luôn hiện diện trong cuộc sống con, nhất là mỗi khi con được rước Chúa vào lòng. Ước gì sức sống của Chúa trào tràn trong con và qua con, để con đem Chúa đến cho anh chị em. Một lần nữa, con tạ ơn Chúa vì những phút quý báu này con được gặp Chúa và được nghe Chúa dạy bảo. Amen.

Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng

Dòng Đa Minh Thánh Tâm 

Đừng sợ, vì Chúa đã sống lại!

“Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.” (Mt 28,10)

Suy niệm: Các phụ nữ đi ướp thuốc thơm cho một xác chết, nhưng lại được gặp một Đấng Phục Sinh. Nỗi buồn bỗng trở thành niềm vui, một niềm vui không phải chỉ dành riêng cho mình, vì họ lãnh nhiệm vụ đi loan báo cho các Tông đồ. Niềm vui Phục sinh ấy bắt đầu lan tỏa, từ người này qua người khác, trong cộng đoàn những người theo Đức Giê-su. Trong khi ấy, một tin thất thiệt về Ngài cũng bắt đầu lan rộng nơi cộng đoàn người Do Thái nhằm dập tắt sự thật mà họ không muốn đón nhận. Thế nhưng, họ đã thất bại, không một sức mạnh nào có thể bưng bít sự thật vĩ đại ấy. Một khi nỗi sợ hãi đã biến thành niềm vui, một khi xác tín được giải thoát khỏi bóng tối tử thần để sống lại với Thầy, các môn đệ Ngài có thể vượt qua mọi nỗi sợ, để đưa Tin Mừng Phục sinh đến tận chân trời góc bể.

Mời Bạn: Chúa Phục Sinh có phải là niềm vui bền vững, chi phối cuộc đời bạn, hay chỉ là niềm vui nhất thời, kéo dài được vài ngày? Có khi còn thua niềm vui được thăng chức, ‘trúng mánh’? Bạn tin vào Thiên Chúa, vâng giữ điều răn mến Chúa yêu người, chấp nhận vác thập giá cuộc đời…. vì dựa trên niềm tin vào việc Chúa Phục Sinh.

Sống Lời Chúa: Tôi quan tâm chia sẻ niềm vui Chúa Phục sinh cho những người tôi tiếp xúc mỗi ngày, nhất là người đang đau khổ, bệnh tật… để giúp họ vượt qua nỗi buồn và sợ hãi ấy.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Phục Sinh, niềm vui Phục sinh đã đem lại sự biến đổi sâu xa cho những ai đón nhận Tin mừng. Xin cho con cũng để niềm vui ấy chi phối, ảnh hưởng đến cách suy nghĩ và hành xử của cuộc đời con. Amen.

Tin Mừng cho mọi người

Đức Giê-su nói với các bà: “Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.” (Mt 28,10)

Suy niệm: Các phụ nữ bị coi là thua kém trong xã hội Do-thái lại đóng vai trò quan trọng trong việc loan báo Chúa Giê-su sống lại. Họ được chính Đấng Phục Sinh hiện ra và trao sứ mệnh loan Tin Vui phục sinh cho các tông đồ; họ trở thành tông đồ của các tông đồ. Trong khi những người đàn ông như lính canh mồ, giới lãnh đạo ra sức đánh tráo dư luận, các môn đệ thân tín tỏ ra bị động, nghi ngờ thì các bà lại lên tiếng. Việc Đấng Phục Sinh ưu ái hiện ra và trao sứ vụ cho các bà là phần thưởng Ngài dành cho những tâm hồn yêu mến Ngài. Tin Mừng Phục Sinh không là của riêng ai mà là của mọi người, nam lẫn nữ, biết thao thức tìm kiếm, tin tưởng và sống niềm tin này.

Mời Bạn: Đỉnh điểm của công cuộc Phúc Âm Hóa là tin vào Đức Giê-su đã chết và sống lại để cứu độ con người, rồi trở nên đồng hình đồng dạng với Đấng Phục Sinh ấy trong suy tư, lời nói và cách hành xử hằng ngày của mình. Bổn phận này không của riêng ai: bạn, tôi, trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi…

Chia sẻ: Hãy nói về Chúa cho con cái, cho giáo dân, cho dự tòng… “như mẹ nói chuyện với con” (Tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng, số 138).

Sống Lời Chúa: Tôi sẽ chú ý lắng nghe và làm theo những điều Chúa dạy trong Thánh Kinh và qua các giáo huấn của Giáo Hội, vì đó là tiếng của Chúa Thánh Thần.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su Phục Sinh, xin giúp con biết cách và can đảm nói về Chúa cho mọi người, nhất là cho những ai mà con có bổn phận phải loan báo cách đặc biệt. Amen.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *