Bài 14 : Cuộc đời Đức Giêsu Kitô (Tuyên xưng đức tin công giáo)

CHƯƠNG 2: CHÚA GIÊSU KITÔ

BÀI 14:

CUỘC ĐỜI ĐỨC GIÊSU KITÔ ĐẤNG CỨU THẾ

Lời Kinh Thánh

“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.” (Ga 3, 16-17)

Đúng như lời Thiên Chúa đã hứa, khi thời chuẩn bị đã mãn, Thiên Chúa gọi Đấng Cứu Thế xuống trần.

1.Làm sao ta biết được cuộc đời Chúa Giêsu ?

Không phải chỉ có các môn đệ Đức Giêsu nói về Ngài, nhưng các sử gia Do Thái và Roma đều làm chứng Đức Giêsu là nhân vật lịch sử trong tác phẩm của mình như: Flavius Joseph (37-100), Tacite (54-119), Suetone.

Ta còn biết được về Chúa Giêsu gián tiếp qua: phong tục, tâm lý, đời sống tôn giáo của dân chúng, tổ chức chính trị và xã hội của quê hương Ngài, nhờ các sách Cựu Ước, lịch sử và những cuộc khai quật của các nhà khảo cổ.

Nguồn sử liệu cho ta biết về cuộc đời, con người và hoạt động của Chúa Giêsu là các sách Tin Mừng do bốn tác giả ghi chép: Marcô khoảng năm 65, Matthêu và Luca khoảng năm 80 và Gioan khoảng năm 100.

2.Cuộc đời Chúa Giêsu

Cuộc đời Chúa Giêsu gồm những giai đoạn chính yếu sau:

a.Thời thơ ấu

Chúa Giêsu sinh tại Bêlem (miền nam Palestine, quê hương của Đavit) dưới triều hoàng đế Rôma: CÉSAR AUGUSTE, mẹ Ngài là Đức Maria đã thụ thai bởi quyền năng Thánh Thần, Thánh Giuse là cha nuôi. Sau khi sinh ra, thánh gia phải trốn sang Ai Cập vì Hêrôđê – vua Do Thái đang tìm giết con trẻ (Mt 2, 12-19). Khi Hêrôđê chết, thánh gia trở về sống tại Nagiareth (miền bắc Palestine). D(ức Giêsu lớn lên, lao động, sinh sống tại đó cho đến khi truyền giảng Tin Mừng. (Lc 2,40.51-52)

b.Cuộc đời truyền giảng

Khoảng đầu năm 28, Chúa Giêsu bắt đầu truyền giảng Tin Mừng, Ngài chọn các Tông đồ (Lc 6, 12-16), huấn luyện thành những người nối tiếp công cuộc Cứu Thế của Ngài.

Chúa Giêsu đi khắp nơi loan truyền lòng yêu thương và Tin Mừng cứu độ của Thiên Chúa, đồng thời mời gọi mọi người hoán cải để trở nên con Thiên Chúa và được cứu độ.

Lời truyền giảng của Chúa giêsu được nhiều tâm hồn chân thành đón nhận, nhưng cũng không thiếu người hoài nghi chống đối, nhất là về phía lãnh đạo dân. Họ tìm cách thủ tiêu Ngài… Đầu năm 30, một biến cố quyết định đang chờ đợi Ngài: Ngài đến không phải chỉ giảng dạy nhưng còn để hiến mạng sống cứu chuộc mọi người.

c.Cuộc thương khó – Phục sinh

Thời truyền giảng của Chúa Giêsu kéo dài khoảng 3 năm, rồi kết thúc bằng cuộc Thương khó và Phục Sinh. Những biến cố quan trọng trong những ngày cuối cùng này:

– Chúa Giêsu vào Giêrusalem đuợc dân chúng đón rước long trọng và suy tôn làm Đấng Cứu Thế.

– Ngài mừng Lễ Vượt Qua cùng các Tông đồ, trong bữa ăn chia tay này, Chúa Giêsu biến bánh và rượu thành Mình và Máu Ngài làm của lễ dâng lên Thiên Chúa và trở thành lương thực nuôi sống tín hữu. Đây là nguồn gốc Thánh Lễ. Sau đó Chúa Giêsu đi cầu nguyện tại vườn cây dầu. Tại đây, Giuđa It-ca-ri-ôt- một tông đồ phản bội dẫn lính Do Thái đến bắt Ngài.

– Chúa Giêsu bị luận án, đánh đòn, vác Thập giá, chịu đóng đinh và chết ngoài thành Giêrusalem. Các môn đệ xin Philatô cho hạ xác và mai táng trong huyệt đá.

– Ngày Sabát, ngày lễ nghỉ của người Do Thái, xác Chúa Giêsu an nghỉ trong mồ… rồi Chúa Giêsu phục sinh như Ngài đã báo trước và hiện ra với nhiều người.

d.Sau phục sinh

Chúa Giêsu còn ở lại với các môn đệ khoảng 40 ngày, rồi về trời vinh quang bên Thiên Chúa, 10 ngày sau, vào dịp lễ Ngũ tuần, Ngài gởi Thánh Thầnđến với các Tông đồ, khai mở thời hoạt động của giáo hội.

Kết luận

“Thật vậy, chỉ có một Thiên Chúa chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: Đó là một con người, Đức Giêsu Kitô, Đấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người” (1Tm 2,5-6)

Câu hỏi

  1. Làm sao ta biết được cuộc đời Chúa Giêsu ?
  2. Thuật lại thời thơ ấu Chúa Giêsu ?
  3. Nội dung chính Tin mừng Chúa Giêsu truyền giảng ?
  4. Chúa Giêsu thực hiện những gì trong cuộc Thương khó – Phục sinh ?
  5. Những biến cố nào tiếp nối sau Phục sinh ?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *