Bài 22 : Đức Maria trong chương trình cứu độ (Hội thánh Công Giáo)

BÀI 22

ĐỨC MARIA TRONG CHƯƠNG TRÌNH CỨU ĐỘ

Lời Kinh Thánh

“Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Maria Mác-đa-la. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.” (Ga 19, 25-27)

Để chuẩn bị cho Ngôi Hai nhập thể, Thiên Chúa đã chọn một phụ nữ trong dòng giống nhâ lọai làm thân mẫu của Đấng Cứu Thế. Đó là Đức Maria.

mc14.jpg

1.Thân thế Đức Maria

Đức Maria thuộc dòng tộc Đa-vít, thân phụ là Thánh Gio-an Kim, thân mẫu là Thánh An-na. Do quyền năng Chúa Thánh Thần (Lc 1,26-38), Maria thụ thai và sinh ra Chúa Giêsu tại Bê-lem (Lc 1,1-20), rồi đem Chúa sang Ai Cập tránh vua Hê-rô-đê, sau về sống tại Na-da-rét (Mt 1, 1-23).

Đức Maria chỉ xuất hiện vài lần trong những năm Chúa Giêsu truyền giảng Tin Mừng: Tại tiệc cưới Ca-na (Ga 2,1-12), đến gặp Chúa Giêsu cùng với những người khác (Mc 3,31-35), dưới chân thập giá (Ga 19, 25-27).

Sau khi Chúa Giêsu về trời, Đức Maria còn tiếp tục hỗ trợ giáo hội (Cv 1,14) và cuối đời được vinh hiển trên thiên quốc cả hồn lẫn xác.

Cuộc sống của Đức Maria thật âm thầm, nhưng sự nghiệp của Ngài không phải là nhỏ. Vì thế, mọi đời sau này sẽ tôn vinh và ca tụng: “Người có phúc hơn mọi phụ nữ”

2.Những đặc ân của Đức Maria

Thiên Chúa đã chọn Đức Maria làm mẹ sinh ra Đấng Cứu Thế và cộng tác với Đấng Cứu Thế trong việc cứu chuộc nhân loại. Để xứng đáng với địa vị và sứ mạng cao cả đó, Thiên Chúa ban cho Đức Maria nhiều đặc ân, Giáo hội công bố các đặc ân này qua các tín điều:

a.Đức Maria vô nhiễm nguyên tội

Do Đức Giáo hoàng Piô.IX, công bố năm 1854, Giáo hội mừng lễ này vào ngày 8/12 hàng năm.

b.Đức Maria đồng trinh trọn vẹn

Do công đồng Constantionple công bố năm 381, Giáo hội mừng lễ này vào ngày 22/8 hàng năm

c.Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa

Do công đồng Êphêsô III cống bố năm 431, Giáo hội mừng lễ này vào ngày 1/1 hàng năm

d.Đức Maria hồn xác lên trời

Do Đức Piô XII công bố năm 1950, giáo hội mừng lễ này vào ngày 15/8 hàng năm

3.Đức Maria tham dự vào công cuộc cứu độ nhân loại

Đức Maria đã cộng tác cách tích cực và công cuộc cứu độ của con mình rõ ràng qua hai biến cố:

  • Lời thưa: “Xin vâng” trong ngày sứ thần báo tin (Lc 1,26-38), với lời thưa vâng này, Đức Maria đã sinh ra và dưỡng nuôi Đấng Cứu Thế.
  • Sự hiện diện của Đức Maria dưới chân Thập Giá (Ga 19,25), đó chính là sự vâng phục từ ngày truyền tin được kéo dài. Đức Maria đứng đó để dâng con mình của lễ đền tội nhân loại cùng với đau khổ của mình: “Phần bà, bà sẽ phải nát ruột nát gan như bị lưỡi gươm đâm thấu” (Lc 2,35)

Năm 1814, Đức Giáo hoàng Piô VII tôn nhận Đức Maria là Đấng “Đồng công cứu chuộc” và mừng lễ vào ngày 15 tháng 9 hàng năm.

4.Đức Maria trong đời sống Giáo hội

Từ trên Thập giá, Chúa Giêsu trao cho Đức Maria nhiệm vụ làm Mẹ Giáo hội: “Thưa bà, đây là con bà; Đây là Mẹ của anh” (Ga 19,26-27), nên Đức Maria không ngừng hướng dẫn, nâng đỡ và trở nên mẫu gương cho Giáo hội về:

  • Tin tưởng và vâng lời Thiên Chúa. (Lc 1,26-38. 45; Mc 3,35)
  • Thương xót, giúp đỡ ủi an (Lc 1,39-55; Ga 2,1-12)
  • Kết hợp với Thiên Chúa

5.Tôn kính Đức Maria

Trong tiệc cưới Cana, Đức Maria đưa con người đến với Thiên Chúa, và giúp họ thực hiện ý Thiên Chúa (Ga 2,1-11)

Ngày nay trên Thiên quốc, Đức Maria vẫn tiếp tục công việc đó. Người nâng đỡ, chuyển cầu để ta được hưởng ơn cứu độ. Vì thế, người Kitô hữu tôn kính Đức Maria dưới nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt là “Chuỗi Mân Côi”. Đây là cách cầu nguyện theo Tin Mừng, thể hiện cá tâm tình: Ngợi khen, chúc tụng, cầu khẩn, suy niệm và được coi là một bản Tin Mừng tóm lược.

Kinh căn bản của Chuỗi Mân Côi là “Kinh Kính Mừng”, được lặp đi lặp lại nhiều lần. Kinh này mượn từ lời chào của sứ thần Gabriel và bà Ê-li-sa-bet chúc tụng Đức Maria để Giáo hội chúc tụng Mẹ. 150 kinh này được chia thành từng chục một, theo từng mầu nhiệm diễn tả ba thời kỳ của Tin Mừng:

  • Niềm vui của thế gian được đó Chúa đến (Mùa vui).
  • Các nỗi đau thương về cuộc khổ hình của Chúa Kitô (Mùa thương)
  • Vinh quang của Chúa Giêsu phục sinh trong Giáo hội (Mùa mừng).
  • Kinh Lạy Cha chen lẫn vào khoảng giữa mỗi chục để nâng cao cách cầu nguyện theo đúng ý Chúa Giêsu đã dạy (Lc 11,1-4).

. Kinh Sáng Danh kết thúc mỗi chục để ca tụng Thiên Chúa Ba Ngôi.

Kết luận

“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,
thần trí tôi hớn hở vui mừng
vì Thiên Chúa, Đấng Cứu độ tôi.

Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới;
từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc.

Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả,
danh Người thật chí thánh, chí tôn!

Đời nọ tới đời kia,
Chúa hằng xót thương những ai kính sợ Người.”
(Bài ca “Ngợi Khen” của Đức Maria) (Lc 1,46-50)

Câu hỏi:

  1. Thân thế Đức Maria ?
  2. Những đặc ân của Đức Maria ?
  3. Đức Maria tham dự vào công cuộc cứu độ nhân loại như thế nào ?
  4. Đức Maria trong đời sống Giáo hội ?
  5. Chuỗi Mân Côi là gì ? Lời kinh căn bản của Chuỗi Mân Côi ?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *