Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm: Tìm hiểu sách Thủ Lãnh

SÁCH THỦ LÃNH

I. THẦN HỌC VỀ LỊCH SỬ

1. Biên soạn sách Thủ Lãnh

Các Thủ Lãnh là những người đã đóng vai trò hướng dẫn Dân Chúa trong suốt 150 năm sau ông Giôsua (1200-1050 trước Công nguyên). Tuy nhiên sách Thủ Lãnh đã chỉ được biên soạn trong thời Lưu đày, nghĩa là sau đó khoảng 400-500 năm. Như thế, sách được biên soạn không chỉ nhằm mục đích ghi lại những sự kiện lịch sử nhưng còn trình bày một cái nhìn thần học về lịch sử.

https://youtu.be/Ke6P2RuKr_U

2. Thần học về lịch sử

Thần học căn bản về lịch sử mà tác giả muốn trình bày là: tội lỗi dẫn đến hình phạt, còn sám hối dẫn đến ơn tha thứ và giải thoát (đọc 6,1-10; 10,6-16). Ý nghĩa thần học này rất quan trọng đối với dân lưu đày: họ đã mất quê hương vì tội lỗi của họ, nhưng nếu họ biết ăn năn hối cải thì Thiên Chúa sẽ tha thứ và giải thoát họ. Người Kitô hữu cũng cần tập nhìn những biến cố lịch sử bằng cặp mắt đức tin để khám phá sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa ngay trong lịch sử.

II. NHỮNG BÀI HỌC LỚN CHO ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN

1. Thiên Chúa là Đấng kiên nhẫn

Dân Israel đã ký kết giao ước với Thiên Chúa; tuy nhiên họ đã không trung thành với giao ước. Họ bỏ Chúa để chạy theo các ngẫu tượng mà dân địa phương tin rằng mang lại sự thịnh vượng như Baal, Asherah, Astarte… Họ còn bắt chước cả những cách tế tự của dân địa phương, vd. giết người để dâng hiến làm của lễ.

Về phía Thiên Chúa, Ngài không bao giờ mất lòng kiên nhẫn. Dù dân có phản bội giao ước, Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương họ bằng tình yêu trung tín. Nếu tội lỗi của dân dẫn đến án phạt thì cần nhìn những án phạt này trong viễn tượng của tình yêu trung tín đó, nghĩa là Thiên Chúa trừng phạt dân không phải vì căm thù mà vì tình yêu thương, để sửa dạy dân và kêu gọi họ trở về đường ngay nẻo chính. Vậy người Kitô hữu có thể rút được bài học nào cho chính mình và cho Giáo Hội?

2. Thiên Chúa sử dụng những con đường lạ lùng.

Để thực hiện chương trình cứu độ, Thiên Chúa sử dụng cả những con người yếu đuối và tội lỗi, chẳng hạn những phụ nữ chân yếu tay mềm, hay Samson nặng nề xác thịt… Điều này làm ta liên tưởng đến lời thánh Phaolô: “Những gì thế gian cho là điên dại thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém thì Thiên Chúa đã chọn để hạ gục những kẻ hùng mạnh; những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để hủy diệt những gì hiện có hầu không một phàm nhân nào dám tự phụ trước mặt Người” (1Cor 1,27-29). Đồng thời mỗi Kitô hữu cần nhớ lại lời Thánh Kinh: “Ai tự hào thì hãy tự hào trong Chúa” (x. 1Cor 1,31) và “Kho tàng ấy, chúng tôi chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa chứ không phải từ chúng tôi” (2Cor 4,7).

3. Israel giữa dân ngoại: hình ảnh của Giáo Hội ngày nay

So sánh với các dân Canaan và Philitinh, Israel vừa thua kém về dân số vừa thua kém về khả năng. Trong thế giới ngày nay, xem ra càng ngày Giáo Hội càng trở thành cộng đoàn thiểu số, đồng thời bị tấn công về nhiều mặt.

Tuy nhiên, dù sống trong hoàn cảnh nào, Dân Chúa vẫn có trách nhiệm làm muối cho đời và ánh sáng cho trần gian (Mt 5,13). Điều quan trọng là phải xem lại bản thân mình còn chất muối và ánh sáng không; nếu không sẽ trở thành vô dụng và bị quăng ra ngoài cho người ta chà đạp.

III. SÁCH THỦ LÃNH VÀ ĐỜI SỐNG KITÔ HỮU

1. Bạn hãy đọc lại câu chuyện cuộc đời Samson, một vị thủ lãnh nổi tiếng trong lịch sử Israel.

2. Từ câu chuyện này, bạn có thể rút ra điều gì cho đời sống thiêng liêng của mình?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *