Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm: Tìm hiểu Tin mừng theo thánh Mát-thêu

Tin Mừng theo Thánh Matthêu (Chương 1-6)

I. TỔNG QUÁT

Truyền thống vẫn xem Matthêu, người thu thuế (9,9) đã trở thành tông đồ (10,3), là tác giả sách Tin Mừng này. Dựa vào những chỉ dẫn trong sách Tin Mừng, vd. biến cố tàn phá Giêrusalem vào năm 70 (x. 22,7; 21,41; 27,25), các học giả cho rằng Tin Mừng Matthêu được hoàn thành vào khoảng năm 85, có lẽ tại Antiochia thuộc Syria.


Cộng đoàn của Matthêu là cộng đoàn có đa số là các Kitô hữu gốc Do thái. Cho đến năm 85, rõ ràng không phải mọi người Do thái đều tin nhận Chúa Giêsu là Đấng Mêsia họ mong đợi, vì thế đây là cánh đồng truyền giáo phải vươn tới. Thánh Matthêu giúp các Kitô hữu gốc Do thái khám phá ra rằng họ chính là những người thừa hưởng lời Thiên Chúa đã hứa với Israel. Đồng thời Matthêu cũng thúc đẩy họ truyền giáo cho cả dân ngoại.

Cũng vì nhắm đến đối tượng là người Do thái nên Matthêu thường xuyên minh chứng những biến cố trong đời Chúa Giêsu là sự thể hiện lời các tiên tri đã loan báo trong Cựu Ước. Tuy nhiên, ở một số điểm, xem ra Chúa Giêsu hủy bỏ hay đối nghịch lại những lề luật Cựu Ước (x. 5,21-48). Người làm như thế vì Người là Con Thiên Chúa, là Đấng có thẩm quyền giải thích truyền thống và đưa truyền thống đó đến chỗ thành toàn.

Khi biên soạn sách Tin Mừng, chắc chắn thánh Matthêu đã dựa vào Tin Mừng Marcô và những nguồn khác. Tuy nhiên, ngài cũng có những nét riêng của ngài khi đối chiếu với Marcô:

– Marcô bắt đầu sách Tin Mừng với sứ vụ công khai của Chúa Giêsu, còn Matthêu lại bắt đầu từ thời thơ ấu của Chúa (chương 1-2).

– Marcô kết thúc Tin Mừng với cái chết của Chúa, sau đó là sự kiện ngôi mộ trống; còn Matthêu lại thêm vào sự kiện Chúa hiện ra với 11 môn đệ ở Galilê (28,16-20).

Ngoài ra, Matthêu còn ghi lại 5 bài giảng lớn của Chúa Giêsu. Chắc chắn đây không phải là những bài giảng được Chúa Giêsu giảng trực tiếp trong 5 dịp khác nhau; đúng hơn, Matthêu đã biên soạn lại dựa vào những chất liệu thu thập được.

Có thể nhìn vào Tin Mừng Matthêu cách tổng quát như sau:

1,1 – 2,23 Gia phả và thời thơ ấu của Chúa Giêsu

3,1 – 4,25 Khởi đầu sứ vụ công khai

5,1 – 7,29 Bài giảng trên núi

8,1 – 9,38 Những phép lạ

10,1-42 Bài giảng về truyền giáo

11,1 – 12,50

13,1-53 Các dụ ngôn về Nước Trời

13,54 – 16,4 Các phép lạ và những cuộc tranh luận

16,5 – 17,27 Đường dẫn đến cuộc khổ nạn

18,1-35 Giáo huấn cho đời sống cộng đoàn

19,1 – 23,39 Sự chống đối gia tăng

24,1 – 25,46

26,1 – 28,20 Sự chết và phục sinh của Chúa

II. GIA PHẢ (1,1-17)

Bản gia phả đặt Chúa Giêsu trong truyền thống Do thái. Người là con của Abraham và của Đavít cũng như là sự tiếp nối dòng dõi Đavít sau cuộc lưu đầy năm 587 trước Công nguyên. Trong bản gia phả này, lịch sử Israel được vẽ lại từ khởi đầu là Abraham (câu 2) đến đỉnh cao với vua Đavít (câu 6) rồi xuống thấp với cuộc lưu đầy ở Babylon (câu 11) và được kiện toàn nơi Chúa Giêsu (câu 16). Trong Tin Mừng thứ ba, thánh Luca nhấn mạnh tầm vóc phổ quát của Chúa Giêsu bằng cách đưa ngược bản gia phả lên đến Adam (3,23-38), còn thánh Matthêu lại quan tâm đến việc đặt Chúa Giêsu trong truyền thống của dân được tuyển chọn.

Bản gia phả của Matthêu có những nét lạ thường. Cụ thể là sự có mặt của 4 phụ nữ. Việc đưa tên phụ nữ vào gia phả là chuyện bất thường đối với người Do thái. Hơn thế nữa, 4 phụ nữ này lại là những nhân vật có thành tích đặc biệt. Tamar (câu 3) đóng vai gái điếm để ăn nằm với bố chồng nhằm có con nối dõi tông đường (x. St 38). Rahab (câu 5) là gái điếm ở thành Jericho, nhờ cộng tác với Joshua mà được sống khi quân Israel chiếm đóng thành (x. Joshua 2,6). Ruth (câu 5) là phụ nữ xứ Moab nhưng gắn bó với dân Israel qua gia đình nhà chồng. Vợ của Uria (câu 6) là bà Batsheba, người phụ nữ mà vua Đavít phải lòng và đã tìm cách giết chồng bà để chiếm đoạt (2Sam 11).

Như thế bản gia phả trong Matthêu vừa nhấn mạnh tính liên tục giữa Chúa Giêsu và các nhân vật lớn trong lịch sử Israel, vừa cho thấy tính độc đáo khác thường. Thật vậy, Chúa Giêsu xuất thân từ dòng dõi Đavít, đúng như lời các tiên tri loan báo về Đấng Mêsia. Đồng thời, Chúa Giêsu vượt xa những nhân vật này vì Người là Đấng cứu dân khỏi tội và là Emmanuel (x. 1,18-25).

III. BÀI GIẢNG TRÊN NÚI (5,1 – 7,29)

So sánh với bài giảng trên đồng bằng trong Luca 6,20-49, bài giảng trên núi trong Matthêu dài gấp 3 lần. Thánh Matthêu đã thu thập nhiều lời giảng dạy của Chúa Giêsu và tập trung lại trong bài giảng quan trọng này. Chủ đề chính ở đây là “Nếu sự công chính của anh em không vượt trên sự công chính của các luật sĩ và Pharisêu, thì anh em không vào được Nước Trời” (5,20).

Cấu trúc của bài giảng gồm:

– Phần mở đầu (5,1-20): Tám mối phúc (câu 3-12), vai trò của các môn đệ (câu 13-16), vai trò của Chúa Giêsu (câu 17-10)

– Phần thứ hai (5,21-48): Tương phản giữa sự công chính của các luật sĩ và sự công chính Chúa Giêsu dạy

– Phần thứ ba (6,1-18): Cảnh cáo lối sống đạo hình thức

– Phần thứ tư (6,19 – 7,29): Những lời nhắn nhủ các môn đệ

Bài giảng trên núi là một kho tàng vô cùng phong phú và đã được giải thích từ nhiều góc độ. Có người xem đây là những nguyên tắc đạo đức Kitô giáo. Có người lại coi đây là những lời khuyên đưa đến sự trọn lành và chỉ dành cho một số ít người. Điều hiển nhiên là thánh Matthêu muốn đề cao Chúa Giêsu là Đấng Mêsia, là Con Thiên Chúa, và thẩm quyền của Người vượt xa các luật sĩ. Người không chỉ là kẻ giải thích lề luật như các luật sĩ mà là Đấng ban bố Lề luật: “Anh em đã nghe dạy người xưa rằng, còn Thầy, Thầy bảo anh em…”. Bài giảng trên núi là những chỉ thị của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ, những chỉ thị đó trình bày những đòi hỏi căn bản cho những ai muốn theo Chúa, đồng thời diễn tả những giá trị cao quý của Kitô giáo.

“Bài giảng trên núi không huỷ bỏ hay làm giảm giá trị các quy định luân lý của Luật cũ, nhưng khai thông những khả năng tiềm ẩn và làm nổi bật những đòi hỏi mới của các quy định ấy… Luật mới không thêm vào luật cũ những điều luật mới ở bên ngoài, nhưng canh tân tâm hồn là nơi phát xuất mọi hành vi, nơi con người chọn lựa giữa thanh khiết và ô uế, nơi hình thành đức tin, cậy, mến, và các nhân đức khác. Như thế, Tin Mừng (bài giảng trên núi) đưa luật cũ tới chỗ viên mãn khi dạy chúng ta nên hoàn thiện như Cha trên trời, tha thứ cho kẻ thù, cầu nguyện cho những người bách hại theo gương lòng cao thượng của Thiên Chúa. Luật mới dạy con người thực hành các hành vi tôn giáo như bố thí, cầu nguyện và chay tịnh, nhưng quy hướng về Cha là “Đấng thấu suốt những gì kín đáo” chứ không chỉ làm để vinh danh chính mình” (GLHTCG số 1968-1969).

 

Tin Mừng theo Thánh Matthêu (Chương 7-12)

I. TỔNG QUÁT

Trong Bài giảng trên núi, thánh Matthêu đã trình bày Chúa Giêsu như Vị Tôn Sư giảng dạy với uy quyền của Đấng Mêsia, Con Thiên Chúa. Tiếp theo, trong chương 8 và 9, Matthêu lại trình bày Chúa Giêsu như Đấng quyền năng, thể hiện qua những hành động phi thường. Ngài sắp xếp các trình thuật thành 3 nhóm, mỗi nhóm gồm 3 hành động phi thường của Chúa Giêsu, và mỗi nhóm được tách ra bằng lời giáo huấn về đời sống môn đệ Chúa.

Cách cụ thể, cấu trúc trong phần này được sắp xếp như sau :

– Nhóm 1: Quyền năng trên bệnh phong (8,1-4), trên bệnh bại liệt (8,5-13), trên cơn sốt và bệnh tật (8,14-17). Chuyển tiếp: Đòi hỏi của đời sống môn đệ (8,18-22)

– Nhóm 2: Quyền năng trên biển cả (8,23-27), trên ma quỷ (8,28-34), trên tội lỗi (9,1-8). Chuyển tiếp: Ơn gọi của Matthêu (9,9-17)

– Nhóm 3: Quyền năng trên sự chết (9,18-26), sự mù loà (9,27-31), câm điếc (9,32-34). Chuyển tiếp: Sứ mạng của các môn đệ (9,35-38)

Cái nhìn tổng quát trên giúp ta khám phá ý hướng của Matthêu. Ngài muốn đề cao Chúa Giêsu là Đấng có quyền trên thiên nhiên, bệnh tật, ma quỷ. Đồng thời Matthêu cũng làm nổi bật sứ mạng của Chúa Giêsu là sứ mạng chống lại cái ác đang khống chế con người về nhiều mặt mà sâu xa nhất là tội lỗi. Đối diện với Chúa Giêsu, người môn đệ phải có chọn lựa dứt khoát và triệt để đến mức độ khó chấp nhận, chẳng hạn mệnh lệnh: “Ai đã cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau thì không xứng đáng với Ta,” và “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết” (8, 22). Chọn lựa này không chỉ xuất hiện trong những quyết định lớn mà còn được thể hiện qua những phản ứng trước các biến cố trong đời sống, những chọn lựa nho nhỏ hằng ngày và những thái độ trong cách ứng xử của ta với mọi người.

CHỈ THỊ TRUYỀN GIÁO (10,1-42)

Trong Tin Mừng Matthêu, đây là diễn từ lớn thứ hai của Chúa Giêsu. Thánh Matthêu đã thu thập nhiều lời nói của Chúa Giêsu trong nhiều dịp khác nhau, rồi ngài sắp xếp lại thành diễn từ dài. Trong diễn từ đó, Chúa Giêsu dạy các môn đệ phải hành xử ra sao (10,5-15) và họ có thể được phần thưởng gì (10,16-42). Chủ đề chính của diễn từ là: “Môn đệ không hơn Thầy, tôi tớ không hơn chủ. Môn đệ được như Thầy, tôi tớ được như chủ, đã là khá lắm rồi” (10,24). Cũng như các môn đệ được chia sẻ quyền năng với Thầy, thì họ cũng phải chia sẻ cách sống và cả đau khổ với Người.

Ở phần mở đầu (10,1-5), Chúa Giêsu gọi mười hai môn đệ đến, ban cho các ông quyền trên các thần ô uế và bệnh tật. Trong danh sách mười hai tông đồ, Matthêu đề cao vai trò của Phêrô: “đứng đầu là ông Simon, cũng gọi là Phêrô” (10,2) và xác định Matthêu là người thu thuế (10,3). Cũng có ông Tađêô mà trong Tin Mừng Luca gọi là Giuđa con ông Giacôbê (Lc 6,16).

Sứ vụ của các môn đệ được giới hạn cho dân Isarel và họ phải tránh không vào những làng mạc của dân ngoại và người Samari. Chỉ sau khi Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết thì sứ vụ mới mở ra cho những nhóm người này (Mt 28,19). Sứ vụ của các môn đệ tiếp nối sứ vụ của Chúa Giêsu là rao giảng Nước Trời và chữa lành các bệnh nhân (Mt 4,23; 10,7-8). Sứ vụ ấy, họ đã đón nhận như một quà tặng, thì cũng hãy cho đi như một quà tặng.

Vào thời Chúa Giêsu, những nhà giảng thuyết thuộc các tôn giáo và triết thuyết khác nhau vẫn đi khắp nơi rao giảng. Các môn đệ Chúa Giêsu cũng thế. Người căn dặn các môn đệ đừng lo lắng về tiền bạc hay hành trang và nơi ăn chốn ở, nhưng cứ tùy theo lòng hảo tâm của người nghe (10,9-13). Thái độ đó cho phép họ tập trung vào sứ vụ, đồng thời nói lên sự tín thác của họ nơi Thiên Chúa. Nếu họ bị người ta khước từ hay xua đuổi thì đừng phản ứng bằng vũ lực nhưng chỉ “giũ bụi chân lại” như cử chỉ biểu tượng. Trong mọi hoàn cảnh, họ phải trung thành với sứ vụ và tin tưởng rằng Thiên Chúa sẽ xét xử mọi sự (10,15).

Chúa Giêsu không giấu giếm các môn đệ về sự thù nghịch họ phải đối diện (10,16-25). Họ được sai đi như “chiên đi vào giữa bầy sói”, cho nên phải “khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu” (10,16). Nếu họ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền, thì đó là họ được chia sẻ cuộc khổ nạn với Thầy (10,17-18; 22,57-68). Những khó khăn thử thách đang chờ đợi các môn đệ là: lo lắng không biết nói gì và nói làm sao (10,19), sự chia rẽ ngay trong gia đình (10,21), sự thù ghét của mọi người (10,22) và sự bách hại (10,23). Tuy nhiên Chúa Giêsu trấn an các môn đệ: “Anh em chưa đi hết các thành của Israel thì Con Người đã đến” (10,23). Trong viễn tượng của Matthêu, “Con Người đến” có nghĩa là “Nước Chúa đến”. Điều này được bắt đầu bằng mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu, và sẽ kết thúc ở tận cùng thời gian.

Tiếp theo, Chúa Giêsu khuyến khích các môn đệ hãy can đảm tuyên xưng đức tin dù phải đối diện những chống đối. Mỗi lời bắt đầu bằng câu “Đừng sợ”: “Đừng sợ người ta” (10,26); “Đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn” (10,28); “Đừng sợ, anh em còn quý giá hơn chim sẻ muôn vàn” (10,31).

Trong xã hội Do thái nói riêng và văn hóa phương Đông nói chung, mối giây liên kết giữa các thành viên trong gia đình rất chặt chẽ, nhất là so sánh với thời đại ngày nay. Tuy nhiên để trung thành với Chúa, người môn đệ có thể phải chấp nhận hi sinh cả mối liên hệ gia đình. Người không có ý tấn công đời sống gia đình, nhưng muốn nhấn mạnh đến sự trung thành của người môn đệ với sứ vụ đã lãnh nhận. Để theo Chúa, phải chấp nhận “vác thập giá” và “từ bỏ chính mình”.

Phần kết luận nhắc lại điểm căn bản của diễn từ: các môn đệ là đại diện của Chúa Giêsu. Đón nhận các môn đệ là đón nhận không những Chúa Giêsu mà cả Cha trên trời (10,40). Phần thưởng xứng đáng sẽ được ban cho những ai đón nhận “một trong những người bé mọn… vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy” (10,42).

Tin Mừng theo Thánh Matthêu (Chương 13-19)

CÁC DỤ NGÔN VỀ NƯỚC TRỜI (13,1-53)

Bài giảng lớn thứ ba của Chúa Giêsu là những dụ ngôn về Nước Trời. Dụ ngôn là một hình ảnh mang tính ẩn dụ được rút ra từ thiên nhiên hoặc từ cuộc sống hằng ngày. Hình ảnh sống động ấy thu hút sự quan tâm của người nghe, đồng thời mời gọi họ tìm kiếm ý nghĩa chính xác của dụ ngôn. Chúa Giêsu đã vận dụng nhiều hình ảnh để rao giảng về Nước Trời, những hình ảnh đơn sơ cụ thể nhưng hàm chứa nội dung sâu sắc đến nỗi qua nhiều thế kỷ, người ta vẫn tiếp tục suy tư tìm kiếm và ngỡ ngàng trước sự phong phú ấy.

 

Chương 13 trong Tin Mừng Matthêu ghi lại nhiều dụ ngôn: Người gieo giống (13,3-9); Cỏ lùng (13,24-30); Hạt cải (13,31-32); Men trong bột (13,34-35); Kho báu và ngọc quý (13,44-46); Chiếc lưới (13,47-50).

Để giúp cho việc tìm hiểu các dụ ngôn, xin ghi lại đây những chỉ dẫn của Giáo Hội: “Chúa Giêsu kêu gọi người ta vào Nước Trời bằng cách dùng các dụ ngôn, là nét đặc trưng trong cách giảng dạy của Người. Qua các dụ ngôn, Người mời mọi người vào dự tiệc Nước Trời, nhưng Người cũng đòi phải có một lựa chọn triệt để: để đạt tới Nước Trời, phải cho đi mọi sự; lời nói suông không đủ, cần phải có việc làm. Các dụ ngôn như những tấm gương đối với con người: họ đón nhận Lời Chúa chỉ như mảnh đất khô khan hay mảnh đất màu mỡ? Họ làm gì với những nén bạc đã nhận? Chúa Giêsu và sự hiện diện của Nước Trời trong trần gian, một cách kín đáo, nằm ở trung tâm của các dụ ngôn. Cần phải tiến vào Nước Trời, nghĩa là phải trở nên môn đệ Đức Kitô, mới “hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời” (Mt 13,11). Còn đối với những kẻ “ở ngoài” (Mc 4,11), mọi sự đều bí ẩn” (GLHTCG, số 546).

Để trả lời cho câu hỏi của các môn đệ: “Tại sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với họ?” Chúa Giêsu trả lời: “Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không” (13,10-11). Câu trả lời hàm nghĩa rằng để hiểu được ý nghĩa các dụ ngôn về Nước Trời, người ta cần có dự trạng thiêng liêng, thái độ tinh thần thích hợp; nếu không, chỉ thấy được bề mặt mà không hiểu nội dung, nhất là dấn thân theo tiếng gọi của Nước Trời.

ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN (18,1-35)

Trong năm bài giảng lớn của Chúa Giêsu, bài thứ tư là những chỉ dẫn về đời sống cộng đoàn. Thánh Matthêu nhìn thấy những vấn đề trong cộng đoàn như khuynh hướng kiếm tìm địa vị, gương xấu, lối sống buông thả. Ngài vận dụng những lời nói của Chúa Giêsu từ nhiều nguồn khác nhau, rồi tập trung và sắp xếp lại thành bài giảng.

Ai là người lớn nhất trong Nước Trời (18,1-4). Các môn đệ đặt câu hỏi: “Ai là người lớn nhất trong Nước Trời?” Câu hỏi này xuất hiện trong bối cảnh xã hội Do thái lúc bấy giờ, vì người ta quan tâm đến vị trí của mỗi người trong Nước Thiên Chúa. Những thủ bản tìm được ở Biển Chết còn cho biết có sự sắp xếp vị trí trong những bữa ăn của cộng đoàn, và sự sắp xếp này được hiểu như phản ánh điều sẽ xảy đến trong Nước Thiên Chúa.

Để trả lời cho câu hỏi của các môn đệ, Chúa Giêsu gọi một em nhỏ đến và nói với các ông hãy nên như trẻ nhỏ (18,3). Trong xã hội Do thái ngày xưa, trẻ nhỏ không có quyền về mặt pháp lý và hoàn toàn phụ thuộc vào cha mẹ. Đứa trẻ đón nhận mọi sự như quà tặng. Cũng vậy, không ai trong cộng đoàn, dù có địa vị cao thấp ra sao, có quyền đòi hỏi gì trong Nước Trời. Chỉ những ai biết đón nhận Nước Trời như một quà tặng thì mới được vào. Trẻ nhỏ được trình bày ở đây không phải để làm mẫu mực cho sự khiêm tốn hay ngây thơ, nhưng để nhấn mạnh rằng chúng ta không có quyền đòi hỏi vị trí trong Nước Trời, nhưng phải biết đón nhận như một quà tặng.

Đừng làm cớ cho người ta sa ngã (18,5-11). Trong đoạn văn này, “trẻ nhỏ” là hình ảnh của những thành viên đơn sơ mộc mạc trong cộng đoàn, họ có thể lạc xa Chúa vì gương xấu của người khác. Chúa Giêsu cảnh báo những người làm gương xấu :

– Thà chết còn tốt hơn là gây gương xấu cho người bé mọn;

– Trách nhiệm cá nhân của người gây gương xấu;

– Không có gì, dù phải chặt tay chặt chân, tồi tệ hơn là gây gương xấu.

Chiên lạc đàn (18,12-14). Điều gì xảy ra nếu một trong những người bé mọn này bị lạc lối? Chúa Giêsu mô tả Thiên Chúa như người chăn chiên “để 99 con trên núi mà đi tìm con chiên lạc”. Không nhất thiết sự tìm kiếm sẽ thành công: “Nếu may mà tìm được…”. Thiên Chúa không muốn cho kẻ bé mọn nào phải hư mất. Nên ghi nhận sự khác biệt giữa “lạc đường” và “hư mất”.

Hòa giải và tha thứ (18,15-35). Chúa Giêsu chỉ dẫn từng bước phải thực hiện để đưa một người anh em lỗi lầm: gặp gỡ cá nhân, với sự hiện diện của người làm chứng, đưa ra cộng đoàn. Ở cả ba bước, mục đích lớn nhất vẫn là đưa người anh em về với cộng đoàn. Kể cả trong trường hợp phải áp dụng “sự tuyệt thông” thì cũng vẫn là một biện pháp “trị liệu mạnh” (gây sốc!) nhằm giúp người anh em tỉnh ngộ.

Sau khi nói đến trường hợp không thể sửa chữa và hình phạt cuối cùng là tuyệt thông, bài giảng nhấn mạnh sự tha thứ trong đời sống cộng đoàn. Một lần nữa, Phêrô xuất hiện như phát ngôn viên của nhóm khi đặt câu hỏi: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần?” (18,21). Và ông hình dung ‘bảy lần’ là nhiều lắm! Nhưng Chúa Giêsu trả lời: “bảy mươi lần bảy”. Vấn đề không phải ở con số nhưng là vô giới hạn. Lý do và động lực của sự tha thứ vô giới hạn được trình bày trong dụ ngôn kế tiếp (18,23-25). Ong vua trong dụ ngôn là hình ảnh của Thiên Chúa: Ngài đòi thanh toán sổ sách (câu 23), đầy tớ phải sấp mình mà thưa: “Thưa Ngài” (câu 26), và Ngài hết sức độ lượng (câu 27). Thế nhưng tên đầy tớ lại không học được bài học quảng đại của ông vua. Anh ta cư xử quá độc ác với người khác. Vì thế, ông vua rút lại ơn tha thứ đã ban cho anh ta (câu 28-34). Dụ ngôn cảnh cáo người Kitô hữu rằng Thiên Chúa không tha thứ cho họ nếu họ không biết tha thứ cho anh chị em mình. Như thế ở đây, Matthêu trình bày lại lời cầu trong kinh Lạy Cha dưới hình thức một dụ ngôn: “Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” (Mt 6,12).

Tin Mừng theo Thánh Matthêu (Chương 20-25)

SỰ CHỐNG ĐỐI GIA TĂNG (19,1 – 23,39)

Thánh Matthêu ghi nhận: “Khi Chúa Giêsu giảng dạy những điều ấy xong, Người rời khỏi miền Galilê và đi đến miền Giuđêa, bên kia sông Giođan” (19,1). Với Matthêu cũng như với Marcô, Galilê là nơi chốn của mạc khải: “Khi Chúa Giêsu nghe tin ông Gioan đã bị nộp, Người lánh qua miền Galilê… Từ lúc đó, Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng và nói: Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã gần đến” (Mt 4,12-17. Còn Giuđêa là nơi chốn của khước từ và chết chóc.

Sau khi trình bày một số giáo huấn của Chúa: về việc ly dị (19,1-12), đời sống khiết tịnh (19,13-15), mối nguy hiểm của của cải (19,16-26), thánh Matthêu nói đến việc Chúa Giêsu loan báo cuộc thương khó của Người lần thứ ba (20,17-19). Tiếp theo đó, Matthêu kể lại việc Chúa vào thành Giêrusalem trong tư cách Mêsia (21,1-11).

Trong trình thuật này, thánh Matthêu vận dụng sách tiên tri Isaia và Dacaria. Ngài kể lại: “Khi thầy trò đến gần thành Giêrusalem và tới làng Bếtphagiê, phía núi Oliu” (21,1). Câu này gọi về Dac 14,4-9: “Ngày ấy, Người sẽ dừng chân trên núi Oliu, đối diện với Giêrusalem, về phía đông… Ngày ấy, Đức Chúa sẽ là Chúa duy nhất và Danh Người là Danh duy nhất”. Sự kiện Chúa Giêsu ngồi trên lưng lừa, tiến vào thành Giêrusalem, cũng tương ứng với Dac 9,9 và Isaia 62,11: “Nào thiếu nữ Sion, hãy mừng vui hoan hỉ! Hỡi thiếu nữ Sion, hãy vui sướng reo hò! Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi: Người là Đấng chính trực, Đấng toàn thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ”. Dân chúng đón tiếp Chúa Giêsu và hò reo vang dậy bằng những lời Thánh vịnh 118,25-26: “Hoan hô Con Vua Đavít! Chúa tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Hoan hô Chúa trên các tầng trời”.

Như thế, Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem trong tư cách Đấng Mêsia, hoàn toàn hợp với những điều các tiên tri loan báo và dân chúng trông chờ. Tuy nhiên, Người không vào thành Giêrusalem như một nhà lãnh đạo quân sự hay một chính khách, mà như vị vua khiêm tốn. Hình ảnh ấy mở đường cho những gì sẽ xẩy ra trong suốt cuộc khổ nạn của Chúa Cứu Thế.

Hành động đầu tiên của Đấng Mêsia tại Thành thánh là thanh tẩy Đền thờ: “Người đuổi tất cả những người đang mua bán trong Đền thờ, lật bàn của những người đổi bạc và xô ghế của những kẻ bán bồ câu” (21,12). Hành động này cũng được trình bày như sự ứng nghiệm lời các tiên tri. Theo Isaia 56,7, Đền thờ phải là Nhà cầu nguyện; còn theo Giêrêmia 7,11 thì những kẻ buôn bán đã biến Đền thờ thành hang trộm cướp.

Ngoài việc thanh tẩy Đền thờ, Chúa Giêsu còn chữa lành những kẻ mù lòa, què quặt (21,14). Cho đến thời điểm này, nhóm Pharisêu là những người chống đối Chúa Giêsu nhiều nhất. Tuy nhiên, ở đây và trong những chương còn lại, các thượng tế và trưởng lão mới là những địch thù chính. Sự bực bội của họ thể hiện qua câu hỏi Chúa Giêsu: “Ông có nghe chúng nói gì không?” Sự tức tối không chỉ ngưng ở đây nhưng mở màn cho sự gia tăng chống đối, dẫn đến mưu toan triệt hạ Chúa Giêsu.

BÀI GIẢNG VỀ THỜI CÁNH CHUNG (24,1 – 25,46)

Bài giảng thứ năm cũng là bài giảng cuối cùng của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Matthêu được gọi là bài giảng cánh chung với ba phần chính:

– Phần 1 (24,1-36) mô tả những biến cố xảy ra trước thời điểm tận cùng. Phần này chủ yếu dựa vào Mc 13,1-37;
– Phần 2 (24,37 – 25,30) gồm những dụ ngôn và những tư liệu khác với mục đích kêu gọi tỉnh thức;
– Phần kết (25,31-46) trình bày khung cảnh ngày phán xét chung.

Phần 1 (24,1-36)

Bối cảnh của bài giảng được giới thiệu ngay trong phần mở đầu. Chúa Giêsu đã vào khu vực Đền thờ (21,23) và Người đã báo trước rằng “Nhà các ngươi sẽ bị bỏ hoang” (23,38). Ở đây, khi Người từ trong Đền thờ đi ra, các môn đệ chỉ cho Người xem công trình kiến trúc Đền thờ thì Người tiên báo: “Tại đây, sẽ không còn tảng đá nào trên tảng đá nào, tất cả đều sẽ bị phá đổ” (24,1-3). Đối với cộng đoàn của Matthêu sau năm 70, thì lời tiên báo này đã thành hiện thực. Sau đó, các môn đệ đặt câu hỏi liên quan đến hai việc: (1) khi nào Đền thờ bị phá hủy? và (2) khi nào là ngày tận thế và ngày Chúa quang lâm?

Vào thời Chúa Giêsu, người Do thái tin rằng sẽ có những đau khổ lớn trước khi Nước Thiên Chúa đến. Trong câu trả lời cho các môn đệ, trước hết Chúa Giêsu cảnh giác các môn đệ: “Đừng để ai lừa gạt anh em, vì sẽ có nhiều kẻ mạo danh Thầy đến nói rằng ‘Chính Ta đây là Đấng Kitô’… Anh em sẽ nghe có giặc giã và tin đồn giặc giã; coi chừng, đừng khiếp sợ vì những việc đó phải xảy ra, nhưng chưa phải là tận cùng” (24,4-6).

Cộng đoàn Kitô hữu sẽ bị thử thách từ bên ngoài như bị người đời thù ghét, bắt bớ, giết chết (24,9-10) và cả từ bên trong: lạc đạo, tiên tri giả, sự nguội lạnh (24,10-12). Thái độ đúng đắn mà các Kitô hữu phải có là sự kiên trì, bền đỗ: “Kẻ nào bền chí đến cùng, sẽ được cứu thoát” (24,13). Chúa Giêsu đoan quyết với họ rằng thời tận cùng sẽ không đến cho tới khi Tin Mừng được loan báo trên toàn thế giới (24,14). Cộng đoàn của Matthêu lúc đó đã thấy những dấu hiệu được nói đến trên đây, nhưng Tin Mừng Matthêu cho biết chưa phải là thời tận cùng, và kêu gọi cộng đoàn phải rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu cho mọi dân tộc (x. Mt 28,19).

Cơn gian nan khốn khó sẽ đến “khi anh em thấy đặt trong nơi thánh Đồ Ghê Tởm Khốc Hại” (24,15). Câu này nhắc lại sự kiện vua Syria là Antiôkô IV Epiphanê muốn dựng một bàn thờ thần Baal Shamen trong Đền thờ Giêrusalem năm 167 trước Công nguyên. Được sử dụng ở đây để ám chỉ hoàng đế Caligula muốn dựng tượng của ông trong Đền thờ năm 40 sau Công nguyên. Có lẽ thánh Matthêu muốn đồng hóa sự kiện này với việc quân Rôma xúc phạm và phá hủy Đền thờ vào năm 70.

Dù thế nào đi nữa, giáo huấn của Chúa Giêsu trong 24,16-18 là hãy tránh cơn gian nan bằng cách đi tìm nơi ẩn náu: trốn lên núi, đừng xuống lấy đồ đạc, đừng trở lại phía sau lấy áo choàng. Trong câu 19-20, Người tỏ lòng cảm thương những bà mẹ đang mang thai hoặc cho con bú, và hi vọng rằng cơn gian nan sẽ không xảy ra trong mùa Đông mưa gió hoặc ngày sabát.

Đây là cơn gian nan khốn khó “đến mức từ thưở khai thiên lập địa cho đến bây giờ chưa khi nào xảy ra, và sẽ không bao giờ xảy ra như vậy nữa” (24,21). Nhưng vì những thành viên kiên trì trong cộng đoàn Kitô hữu, Thiên Chúa sẽ rút ngắn thời kỳ thử thách; nếu không, không ai có thể sống sót (24,22).

Sau đó, Chúa Giêsu nói đến Ngày Quang Lâm của Con Người (24,39-41). Việc mô tả Ngày Quang Lâm được đặt ở giữa hai lời cảnh giác (24,23-28 và 24,32-36). Các môn đệ Chúa Giêsu đừng để mình bị đánh lừa bởi các Kitô giả và các tiên tri giả, dù họ có làm phép lạ đi nữa (24,23-26). Ngày Con Người ngự đến sẽ rất bất ngờ như tia chớp, với những dấu chỉ rõ ràng, cũng như “xác chết nằm đâu, diều hâu tụ đó”.

Trong phần mô tả Ngày Quang Lâm (24,29-31), hầu như từng câu đều có thể tìm thấy những đoạn tương tự trong Cựu Ước khi nói về Vương quốc Thiên Chúa. Sau những chuyển động lớn trong vũ trụ, Con Người sẽ ngự đến trong đám mây (x. Daniel 7,13-14). Các chi tộc trên trái đất sẽ đấm ngực (x. Zacaria 12,10), tiếng loa cất lên bắt đầu cuộc phán xét (x. Isaia 27,13) “tập hợp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương, từ chân trời này đến chân trời kia” (24,31).

Về thời điểm xảy ra Ngày Quang Lâm, Chúa Giêsu khẳng định: “Còn về ngày và giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay cả Người Con cũng không; chỉ một mình Chúa Cha biết mà thôi” (24,36).

Phần 2 (24,37 – 25,30)

Trong phần này, thánh Matthêu ghi lại một số dụ ngôn: Người đầy tớ trung tín (24,45-51), Mười trinh nữ (25,1-13), Những yến bạc (25,14-30). Chủ đề chung của những dụ ngôn này là sự tỉnh thức: “Anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến” (24,44).

Phần kết (25,31-46)

Bài giảng về cánh chung đạt đến cao điểm là quang cảnh Ngày Phán Xét Chung. Cho dù trình thuật so sánh Con Người với hình ảnh mục tử, nhiều nhà chú giải cho rằng không thể coi trình thuật này là một dụ ngôn, vì cuộc phán xét được trình bày cách trực tiếp và thẳng thắn chứ không qua những hình ảnh ẩn dụ.

Khi Con Người ngự đến trong vinh quang (x. 24,29-31), Người sẽ phân chia các dân thành hai nhóm (25,31-33). Những ai đã làm điều tốt cho “một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây” (câu 40) sẽ được chúc phúc. Còn những ai không làm điều tốt cho “những người bé mọn này” sẽ bị kết án. Những việc tốt là cho kẻ đói ăn, cho kẻ rách rưới ăn mặc, cho khách đỗ nhà, an ủi người đau yếu, thăm viếng tù nhân. Những việc tốt lành này đem lại phần thưởng cho họ, vì Con Người tự đồng hóa mình với “người bé mọn”: “Ta bảo thật các ngươi, mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta” (25, 40).

“Các dân” ở đây là ai? (câu 32) và “người bé mọn” là ai (câu 40, 45)? Cách giải thích quen thuộc là mọi dân tộc, toàn thể nhân loại, và người bé mọn là những người túng thiếu, nghèo khổ. Theo đó, vào Ngày Phán Xét chung, toàn thể nhân loại sẽ bị xét xử dựa vào những việc tốt lành họ đã làm hay không làm cho người nghèo và người đau khổ.

Tuy nhiên, các nhà chú giải đặt vấn đề: Có thực sự đây là điều thánh Matthêu muốn trình bày? Trong Tin Mừng Matthêu, “các dân” hoặc “tất cả các dân” thường được hiểu về những dân ngoài Israel (xem 4,15; 6,32; 10,5; 18,12; 20,19). Đồng thời, trong nhiều đoạn văn, “người bé mọn” được về các Kitô hữu (xem 10, 40-42; 18,6.14). Nếu áp dụng nội dung này vào trình thuật về cuộc phán xét chung, thì “các dân” ở đây có thể hiểu là những ai không thuộc Do thái giáo hoặc Kitô giáo; còn “người bé mọn” là các Kitô hữu mà dân ngoại đã gặp. Theo cách giải thích này, dân ngoại sẽ bị xét xử tùy theo thái độ của họ đối với các Kitô hữu: “Ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (10,42).

Tin Mừng theo Thánh Matthêu (Chương 26-28)

Chương 26 – 28 là trình thuật về sự chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Trình thuật của Matthêu giống trình thuật của Marcô đến 80% cả về nội dung lẫn từ ngữ. Tuy nhiên Matthêu có thêm vào một số tư liệu để triển khai những gì đã nói trong Tin Mừng Marcô. Chúa Giêsu xem ra đóng vai trò chủ động hơn trong mọi biến cố, và tất cả mọi sự đều diễn ra theo thánh ý Thiên Chúa như được mạc khải trong Cựu Ước.

LỄ VƯỢT QUA VÀ VIỆC THIẾT LẬP BÍ TÍCH THÁNH THỂ (26, 17-29)

Trình thuật của Matthêu về việc chuẩn bị ăn lễ Vượt Qua nhấn mạnh vai trò chỉ đạo của Chúa Giêsu. Chính Người đưa ra những chỉ thị và các môn đệ làm y như vậy (26, 17-19). Trong bữa ăn, Chúa Giêsu báo trước: “một người trong anh em sẽ nộp Thầy” (câu 21), và Matthêu cho thấy Chúa Giêsu biết rõ người đó là Giuđa (câu 25). Các môn đệ khác gọi Chúa Giêsu là “Thưa Ngài”, còn Giuđa thì gọi “Rabbi” (câu 22 và 25). Điều đau đớn trong sự phản bội này là: “Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy”. Cho dù “Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người” (câu 24), nghĩa là chu toàn kế hoạch của Thiên Chúa, nhưng điều đó không có nghĩa là Giuđa không có trách nhiệm trong cái chết của Chúa Giêsu: “Khốn cho kẻ nào nộp Con Người, thà nó đừng sinh ra thì hơn” (26, 24).

Cũng trong bữa ăn, Chúa Giêsu thiết lập bí tích Thánh Thể. Hành động và lời nói của Chúa vừa báo trước vừa giải thích ý nghĩa cái chết sắp đến của Người. Những gì Người làm với tấm bánh (cầm lấy, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ) sẽ diễn ra với thân thể Người: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy” (câu 26). Những gì Người làm với chén rượu cũng diễn ra như thế với máu của Người: “Đây là Máu Thầy, Máu Giao Ước, đổ ra cho nhiều người được tha tội” (câu 27).

“Máu giao ước” làm chúng ta liên tưởng đến việc Môsê ký kết giao ước bằng cách lấy máu rẩy trên dân (Xh 24,8). “Cho nhiều người được tha tội” gợi ý mối liên hệ với những đau khổ của Người Tôi Tớ trong Isaia 53,12: những đau khổ có giá trị đền tội. Theo câu 29, bữa tiệc của Chúa Giêsu với các môn đệ báo trước bữa tiệc thiên quốc: “cho đến ngày Thầy cùng anh em uống thứ rượu mới trong Nước của Cha Thầy”.

Như thế, việc cử hành Thánh Thể trong Giáo Hội chứa đựng nhiều ý nghĩa: tiệc Vượt Qua, tưởng niệm sự chết của Chúa Giêsu, giao ước, hiến tế, và loan báo trước Vương quốc sẽ đến.

CHÚA GIÊSU SINH THÌ TRÊN THÁNH GIÁ (27, 45-54)

Cái chết của Chúa Giêsu được trình bày như cái chết của người công chính phải chịu đau khổ trong Thánh vịnh 22. Những lời cuối cùng của Chúa: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ con!” (27,46) là câu trích nguyên văn từ Tv 22,1.

“Tối tăm bao trùm mặt đất” (câu 45) nhắc lại lời trong sách Amos: “Trong ngày ấy, Ta sẽ truyền cho mặt trời lặn giữa trưa, và khiến cho mặt đất tối sầm giữa lúc ngày đang sáng” (Amos 8,9).

Việc Chúa Giêsu dùng Thánh Vịnh 22 khi bị đóng đinh trên thập giá diễn tả nỗi đau không chỉ của thân xác nhưng còn là đau khổ nội tâm. Thật vậy, Thánh vịnh này diễn tả cảm nhận bị bỏ rơi, nhất là bị Thiên Chúa bỏ rơi, nhưng không kết thúc bằng sự thất vọng mà bằng sự tín thác trọn vẹn nơi Thiên Chúa.

Khi nghe Chúa Giêsu kêu lớn tiếng “Eli, Eli…”, một vài người cho rằng Người gọi tiên tri Elia (câu 47). Sự lẫn lộn này có lẽ phản ánh truyền thống Do thái về vai trò của tiên tri Elia như người dọn đường cho Đấng Mêsia và là người trợ giúp những ai gặp khó khăn. Thánh Matthêu mô tả cái chết của Chúa Giêsu rất ngắn gọn, chỉ trong một câu: “Chúa Giêsu lại kêu một tiếng lớn, rồi trút linh hồn” (27,50).

Cái chết của Chúa được tiếp nối bằng nhiều dấu chỉ nói lên ý nghĩa và giá trị của cái chết đó. Trước hết, bức màn trong Đền thờ Giêrusalem bị xé ra làm hai (câu 51), cho thấy sự ngăn cách giữa Thiên Chúa và loài người đã chấm dứt, hoặc sự kết thúc giao ước cũ. Rồi các câu kế tiếp kể ra những dấu hiệu khác, chỉ có trong Matthêu, là những dấu chỉ xảy ra khi Nước Thiên Chúa đến: đất rung đá vỡ, mồ mả bật tung, xác nhiều vị thánh trỗi dậy (27, 51-53). Những dấu chỉ này được tìm thấy trong sách Ezekiel 37, làm nổi bật ý nghĩa về cái chết của Chúa Giêsu như sự khai mở một giai đoạn mới trong lịch sử. Cuối cùng, viên đại đội trưởng và thuộc hạ của ông, vốn không phải là người Do thái, đã tuyên xưng: “Quả thật, ông này là Con Thiên Chúa” (27, 54). Lời tuyên xưng này trở thành mẫu mực cho dân ngoại đón nhận và tin vào Chúa Giêsu.

MỆNH LỆNH TRUYỀN GIÁO (28, 16-20)

Trình thuật Chúa Kitô phục sinh hiện ra với các môn đệ trên núi ở Galilê là một cảnh quan trọng trong toàn bộ bố cục của Tin Mừng Matthêu. Núi (xem Mt 5,1; 17,1) và Galilê (xem Mt 4,12-16) là những nơi chốn đặc biệt của mạc khải. Mười một môn đệ ở đây chính là Nhóm Mười Hai, nay không còn Giuđa. Theo phản ứng tự nhiên của con người, khi thấy Chúa hiện đến, một vài môn đệ hoài nghi (28,17) như tự hỏi không biết đây có phải là sự thật không. Tuy nhiên, sự hoài nghi ấy nhanh chóng tan biến như trong trường hợp các phụ nữ (28,9), và các ông bái lạy Người.

Mệnh lệnh của Chúa Giêsu (28, 18b-20) bao gồm ba điều:

(1) khẳng định quyền bính của Đấng Phục sinh: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất”;

(2) sai các môn đệ ra đi: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”;

(3) lời hứa của Đấng Phục sinh: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.

Theo đó, mệnh lệnh này tóm tắt ba chủ đề lớn trong Tin Mừng Matthêu.

Thứ nhất là quyền bính tối cao và phổ quát Chúa Cha đã ban cho Chúa Giêsu. Do đó Chúa Giêsu vượt trên mọi bậc thầy trong thiên hạ và Người xứng đáng mọi danh hiệu cao cả nhất.

Thứ hai là các môn đệ phải chia sẻ hồng ân họ đã lãnh nhận cho tất cả mọi người chứ không chỉ cho người Do thái. Cộng đoàn của Matthêu là cộng đoàn có số đông người Do thái và ngài khuyến khích họ phải đến với “muôn dân”, dạy cho họ giáo huấn của Chúa Giêsu và làm phép Rửa cho họ.

Thứ ba là niềm tin chắc chắn vào sự hiện diện và đồng hành của Chúa Giêsu. Ngay từ trang đầu của Tin Mừng Matthêu, Chúa Giêsu đã được gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở cùng-chúng-ta (1,23). Giờ đây, ở những dòng cuối cùng của Tin Mừng, lời hứa của Chúa Giêsu đưa nội dung tên gọi ấy đến mức hoàn thành: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”. Lời hứa này cũng giả thiết “thời kỳ của Giáo Hội”, tức là thời kỳ ở giữa thời điểm khai mạc Nước Trời nơi Chúa Giêsu và thời điểm tận cùng của lịch sử nhân loại. Trong “thời kỳ của Giáo Hội”, chính Thánh Thần của Đấng Phục sinh sẽ hướng dẫn và bảo vệ Giáo Hội. Người môn đệ Chúa vững tin lên đường thi hành sứ vụ ngay giữa những gian truân thử thách của cuộc đời.

CHÚA GIÊSU TRONG TIN MỪNG MATTHÊU

Tin Mừng Matthêu nhấn mạnh một số nét nổi bật trong chân dung Chúa Giêsu.

1. Matthêu gọi Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Con Vua Đavít, Con Người. Những danh hiệu này đều bắt rễ sâu trong Thánh Kinh và truyền thống Do thái, và ta có thể đọc được ở đây phản ánh về cuộc đối thoại giữa các Kitô hữu và người Do thái về niềm tin vào Đấng Mêsia. Đừng quên cộng đoàn Matthêu là cộng đoàn bao gồm các Kitô hữu gốc Do thái và Kitô hữu gốc dân ngoại, đồng thời sống giữa môi trường Do thái. Tuy nhiên cách diễn tả mạnh mẽ nhất trong Matthêu về Chúa Giêsu là “Con Thiên Chúa”. Có thể nói đây là đỉnh cao và là kinh Tin Kính của Matthêu, mặc cho người Do thái lúc đó cho là xúc phạm.

2. Matthêu thường xuyên trích dẫn các tiên tri. Đối với Matthêu, Chúa Giêsu không huỷ bỏ Cựu Ước nhưng làm cho trọn bằng cách đem lại một ý nghĩa mới, sâu xa và bất ngờ. Con Thiên Chúa vừa là người thừa kế di sản Cựu Ước vừa là đấng có thẩm quyền giải thích Thánh Kinh đúng đắn nhất.

3. Cũng vì thế, Tin Mừng Matthêu làm nổi bật chân dung Chúa Giêsu như Đấng giảng dạy và là vị thầy duy nhất của Giáo Hội. Theo đó, Matthêu đã tập hợp giáo huấn của Chúa Giêsu thành năm bài giảng để dạy dỗ Giáo Hội lúc đó cũng như bây giờ:

bài giảng trên núi (5,1 – 7,27),
bài giảng về sứ vụ truyền giáo (10,5-42),
bài giảng bằng dụ ngôn (13,1-52),
bài giảng về Giáo Hội (18,1-35),
bài giảng về cánh chung (24,1 – 25,46).

4. Chúa Giêsu đã lãnh nhận sứ mạng công bố Nước Trời. Trong hành trình trần thế, Nước Trời bao hàm lãnh vực hữu hình là Giáo Hội và Giáo Hội ấy vẫn có cỏ lùng xen lẫn; đồng thời Nước Trời cũng bao hàm lãnh vực vô hình gồm những người tuy không nhận biết Thiên Chúa nhưng đã cố gắng sống những giá trị Thiên Chúa yêu mến. Vượt lên trên lịch sử trần thế này, Nước Trời ôm lấy tất cả vũ trụ trong quyền năng yêu thương của Thiên Chúa.

5. Trong viễn tượng vĩ đại đó, Thiên Chúa ban cho Con của Người mọi quyền năng. Chính vì thế, Tin Mừng Matthêu trình bày Chúa Giêsu với dung mạo vị thẩm phán: Chúa Giêsu xét xử những cơ chế chống lại sứ vụ của Ngài, xét xử các môn đệ khi các ông chỉ muốn dành đặc quyền đặc lợi cho riêng mình, cuối cùng xét xử mọi người trong ngày phán xét chung (25,31-46). Đừng quên rằng dụ ngôn về Ngày phán xét chung là phần kết thúc về sứ mạng của Chúa Giêsu trước khi đi vào cuộc thương khó và khổ nạn.

6. Nếu Chúa Giêsu được hưởng những quyền năng lớn lao đó, chính là vì Ngài đã chọn vâng phục Chúa Cha trong mọi sự đến nỗi đổ máu mình ra, và vì Ngài đã trở thành anh em của mọi người, hiền lành và khiêm nhường (11,29), khước từ mọi hình thái bạo lực. Ước mơ của người Do thái (và cả Kitô hữu?) về Đấng Mêsia dũng mãnh xem ra bị khước từ và Chúa Giêsu muốn ta hiểu điều đó.

7. Khi đối diện với chân dung Chúa Giêsu như Matthêu mô tả, tôi có thể học được điều gì cho đời sống cá nhân của mình cũng như cho Giáo Hội ngày nay?

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *