Nâng dậy người lầm lỗi

 

Vừa thấy mẹ xuất hiện ngoài cửa, Dũng thốt lên hai tiếng “Mẹ ơi” rồi bật khóc. Thấy con đau khổ, chị Nhiệm, mẹ Dũng cũng không cầm được nước mắt, nắm tay con an ủi:

– Con ơi, quay trở về đi, về là làm lại từ đầu con nhé.

Đối với xóm giềng, Dũng là đứa “Trời đánh thánh vật”, suốt ngày lao đầu vào cờ bạc, đề đóm. Mỗi lần nướng hết tiền vào chiếu bạc, nó lại chạy về nhà bắt cha mẹ phải đưa tiền. Khổ thân hai ông bà, sống nhờ vào lương hưu thì lấy đâu ra tiền mà cung phụng cho trò chơi đỏ đen ấy. Khi yêu cầu không được thỏa mãn, nó mắng chửi, đập phá đồ đạc khiến cả nhà bao phen khốn đốn. Không chịu nổi áp lực khi các con nợ cứ đến đòi tiền liên tục, vợ Dũng ôm con về nhà mẹ đẻ ở.

Họa vô đơn chí, trong lúc Dũng chán nản, tuyệt vọng thì những người lạc giáo trước kia lôi kéo Dũng ở Sài Gòn, nay lại theo Dũng về tận đây, tiếp tục thuyết phục cậu theo đạo của họ. Kết quả Dũng đã sa ngã, không đến nhà thờ nữa, bỏ xưng tội, rước lễ, bài xích đạo Công Giáo bằng những từ ngữ khó nghe, thậm chí cấm cản gia đình không được đọc kinh, đi lễ…Chính vì vậy  mà hàng xóm xa lánh, bạn bè chê cười coi cậu như đồ bỏ đi, chẳng thể nào cứu được.

Chị Nhiệm đau đớn vì “mất con”, nhưng càng đau hơn khi người ngoài cứ bàn tán, chỉ trỏ, rồi buông những lời ác ý. Chị nghe mà lòng đau quặn thắt, muốn buông xuôi tất cả. Nhưng những lúc như thế, chị lại nhớ đến câu nói của thánh Phaolô để thêm lòng cậy trông: “Không một thử thách nào đã xảy ra cho anh em mà lại vượt quá sức loài người, nhưng khi để anh em bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp” (1Cor 10,13).

Từ ngày Dũng có dấu hiệu lạc lối, tối nào toàn gia đình chị Nhiệm cả dâu lẫn rể cùng quây quần đọc kinh mân côi, xin Chúa qua lời chuyển cầu của mẹ Maria, cho Dũng biết ăn năn mà quay trở về. Ngoài việc lần chuỗi, mọi người còn gia tăng hy sinh, làm việc bác ái…để phần nào làm việc đền tội thay cho người thân của mình. Là một người đoàn viên Huynh đoàn, chị cũng xin cộng đoàn hiệp ý để cầu nguyện cho con biết ăn năn sám hối quay trở về. Có những đêm không ngủ được, chị sấp mình cầu nguyện trong nước mắt: “Lạy Chúa xin thương cứu con của con…”.

Sau bao nhiêu năm kiên trì cầu nguyện, cuối cùng ngày ấy cũng đến. Khi cuộc sống của Dũng đã chìm xuống tận đáy, nợ nần chồng chất, vợ bỏ đi, bạn bè xa lánh, chẳng còn ai để cậy dựa, Dũng mới nhớ đến gia đình của mình. Mười giờ đêm, trong lúc cô đơn tuyệt vọng, cậu với lấy chiếc điện thoại gọi cho mẹ, chỉ mong nghe được câu nói “Con đã ăn gì chưa” là cũng đủ thấy ấm lòng. Nhưng cậu không ngờ khi nghe con gọi, bất chấp trời đã muộn, đường xá xa xôi, mẹ cậu vội vã chạy đến, trên tay cầm một âu cháo nóng hổi, ngồi xuống an ủi, vỗ về con như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Cảm giác tội lỗi và hối hận khiến thằng con trai ba mươi tuổi ôm mẹ bật khóc như một đứa trẻ. Sau khi qua cơn xúc động, chị ôn tồn khuyên nhủ:

– Quay về đi con, không bao giờ là quá trễ để làm lại từ đầu. Nghe mẹ, gỡ hết hình tà giáo xuống, làm một  bàn thờ Chúa để Người luôn đồng hành với gia đình con.Từ ngày con dọn về đây vẫn chưa làm phép nhà, sáng mai mẹ sẽ xin cha đến làm phép nhà và giải tội cho con luôn. Hãy trông cậy vào lòng thương xót của Chúa con nhé.

Sáng sớm hôm sau, chị đến gặp tôi thuật lại câu chuyện rồi khẽ nói:

– Chị vừa vào xin cha xứ mà ngài lại đi vắng. Em có quen cha nào hiểu tâm lý giới trẻ không, nhân thể đến làm phép nhà thì nhờ cha giải tội cho cháu Dũng luôn. Cần làm ngay sáng nay chứ để lâu sợ cháu đổi ý.

–  Cha Đặc trách được không? Em thấy ngài cũng dễ gần, vui tính.Tôi đáp lại.

Chị nghe đến cha Đặc trách liền bày tỏ sự ái ngại, báo sát như này liệu ngài có đến không? Một chị khác đi ngang, nghe thấy câu chuyện cũng vội xen vào:

–  Làm phép nhà thì được chứ thanh niên trai tráng, bắt cha đến nhà giải tội thì không được. Nghe thấy thế tôi vội trấn an:

– Em nghĩ cha sẽ thông cảm, vì một người bỏ xưng tội rước lễ lâu năm sẽ mang nhiều mặc cảm, sợ sệt. Nếu để họ tự tìm đến cha e sẽ khó..

Quả thật, khi nghe xong câu chuyện, hiểu sự cấp bách của vấn đề, nửa tiếng sau cha có mặt, long trọng làm phép tượng, phép nhà rồi ngồi xuống, kiên nhẫn lắng nghe tiếng nấc nghẹn đau đớn của một tâm hồn tội lỗi để hướng dẫn, khuyên nhủ, giúp hối nhân nhận ra lỗi mình mà sửa đổi. Không giấu được sự xúc động, chị Nhiệm nói: Đối với mọi người, con chị là đứa bỏ đi, không thể cứu được, nhưng đối với Chúa không có gì là không thể. Quả thật Chúa rất nhân từ, “Người không bẻ gãy cây sậy đã dập, không dập tắt tim đèn còn khói…” (Mt12,20).

Chuyện của gia đình chị Nhiệm khiến tôi phải suy nghĩ: Bên lạc giáo, họ kiên nhẫn hết ngày này qua tháng khác để thuyết phục một  người theo đạo họ với những lý lẽ vững chắc.Nếu mình không tận tụy hơn như thế thì e rằng sẽ mất những tín hữu trong chính lãnh địa của mình. Nhất là trong một xã hội hiện nay, có rất nhiều tác nhân khiến con người ta dễ thất vọng và mất niềm tin vào Chúa.

Bên cạnh đó, để nâng dậy một người lầm lỗi thì vai trò của gia đình và những người xung quanh là hết sức quan trọng. Cần tránh thái độ lên án, kỳ thị vì như thế chính mình chứ không ai khác, đã dập tắt hy vọng quay trở về của hối nhân. Nếu không thể giúp thì hãy cầu nguyện để họ nhận ra cái sai và có thêm can đảm làm lại cuộc đời.

Sau ngày hôm ấy, tôi vẫn tiếp tục cầu nguyện cho Dũng đồng thời cầu xin Chúa ban cho ngày càng có nhiều mục tử nhân lành, biết quên mình để đi tìm chiên, lo cho chiên và biết thao thức vì chiên, hầu  dẫn đưa chúng đến uống nước nơi dòng suối yêu thương của Chúa.

KimMary

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *