Cả hai là một (24.05.2024 – Thứ Sáu Tuần VII Thường Niên)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: Gc 5,9-12, Mc 10,1-12

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô (Mc 10,1-12)

1 Khi ấy, Đức Giê-su, đi tới miền Giu-đê và vùng bên kia sông Gio-đan. Đông đảo dân chúng lại tuôn đến với Người. Và như thường lệ, Người lại dạy dỗ họ. 2 Có mấy người Pha-ri-sêu đến gần Đức Giê-su và hỏi rằng : “Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không ?” Họ hỏi thế là để thử Người. 3 Người đáp : “Thế ông Mô-sê đã truyền dạy các ông điều gì ?” 4 Họ trả lời : “Ông Mô-sê đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ.” 5 Đức Giê-su nói với họ : “Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê mới viết điều răn đó cho các ông. 6 Còn lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ ; 7 vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, 8 và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. 9 Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” 10 Khi về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điều ấy. 11 Người nói : “Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình ; 12 và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình.”

Cả hai là một (24.05.2024) 

Ngày 24.05: Lễ Nhớ Cải táng thánh phụ Ða Minh

Người Biệt Phái muốn Chúa Giêsu nói ra quan điểm của Ngài về vấn đề ly dị. Đây không phải họ muốn tìm lời giải thích của một bậc thầy, mà là một câu hỏi đầy ác ý. Họ đặt ra để bắt bí, để nhằm gài bẫy Chúa. Dù Chúa có trả lời như thế nào đi nữa, thì Người cũng phải lãnh chịu một phần công luận, vì đây là vấn đề nóng bỏng và chạm đến những gì thâm sâu nhất của con người. Ngay trong giới biệt phái cũng có hai lập trường ngược nhau về vấn đề này: Lập trường dễ dãi (đứng đầu là Rabi Hillel) cho phép li dị vì những cớ tầm thường; lập trường khắt khe (đứng dầu là Rabbi Shammai) chỉ ly dị trong những trường hợp ngoại tình. Tuy khác nhau nhưng hai lập trường này có điểm chung là cho phép ly dị.

Nhưng Chúa Giêsu đã trả lời rất rõ ràng:

“Lúc khởi đầu cuộc sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ. Bởi đó người nam sẽ lìa cha mẹ để luyến ái vợ mình, và hai người sẽ nên một huyết nhục. Vì thế, họ không còn là hai mà là một huyết nhục”. Luật ly dị xem ra là một luật khắt khe và khó khả thi, nhưng với ơn Chúa trợ giúp, chúng ta có thể thực hiện được, và nhờ đó Giáo hội cũng như xã hội càng thêm vững chắc, gia đình dễ tìm được hạnh phúc.

Càng ngày khuynh hướng tự do cá nhân càng lớn mạnh  khj xã hội ngày càng phát triển, vì thế đời sống gia đình càng bị xuống cấp trầm trọng, vợ chồng thiếu đi sự chung thủy với nhau, chung sống nhưng lại không dám tin tưởng nhau, hay người này luôn phải tìm cách để theo dõi người kia…lâu dần con người không tìm thấy hạnh phúc trong hôn nhân và dễ dàng để tìm đến giải pháp ly hôn hay ly dị. Có lẽ, lý do sâu xa nhất vì con người không còn cảm thức về sự thánh thiêng của hôn nhân vì được Thiên Chúa chúc phúc và nâng lên hàng bí tích, trái lại con người chỉ xem hôn nhân như giao ước có tính tạm bợ, chỉ là cam kết riêng của hai người nam nữ…

Thế nhưng nền tảng gia đình đã được THiên Chúa thiết lập từ thuở tạo thiên lập địa. Là vì ta thấy rõ ràng, ngay từ lúc ban đầu làm gì có Đạo Công giáo. Cổ học tinh hoa có ghi chép chuyện của Án Tử như sau:

Vua Cảnh Công có cô con gái yêu, muốn gả cho Án Tử. Một hôm, vua đến ăn tiệc nhà Án Tử, thấy vợ Án Tử, hỏi:

– Phu nhân đấy phải không?

Án Tử thưa:

– Vâng, phải đây.

Vua nói:

– Ôi! Người trông vừa già vừa xấu! Quả nhân có đứa con gái trẻ và đẹp, muốn cho về hầu, khanh nghĩ sao?

Án Tử đứng dậy thưa rằng:

– Nội tử tôi nay thật già và xấu; nhưng lấy tôi và cùng tôi ăn ở đã lâu, kể từ lúc còn trẻ và đẹp. Xưa nay đàn bà lấy chồng lúc trẻ cốt để nhờ cậy lúc già, lúc đẹp lấy cốt để cậy lúc xấu. Nội tử tôi thường nhờ cậy tôi mà tôi cũng đã nhận sự nhờ cậy ấy. Nay nhà vua tuy muốn ban ơn, chắc cũng không nỡ để cho tôi ăn ở bội bạc với những điều nội tử tôi đã nhờ cậy tôi bấy lâu nay.

Nói đoạn Án Tử lạy hai lạy, xin từ không lấy.

Riêng người Công Giáo còn được mời gọi hướng nhìn lên và noi gương gia đình Thánh gia. Gia đình thánh là mẫu gương để chúng ta noi theo, sự phục vụ âm thầm, kín đáo, đầy khiêm nhường, giàu tình yêu của Thánh Cả Giuse, gương vâng phục Thánh Ý Thiên Chúa như Đức Mẹ và sự khôn ngoan, dễ thương của Hài Nhi Giêsu…

Nền tảng của gia đình là tình yêu được Thiên Chúa thiết lập và chúc lành từ thuở ban đầu. Và bí quyết để gìn giữ và bảo vệ một gia đình hạnh phúc là việc chuyên cần cầu nguyện, năng lãnh nhận các bí tích và tham dự các giờ kinh cùng nhau. Bởi lẽ, chính đời sống cầu nguyện sẽ là sợi dây nối kết sự hiệp nhất trong gia đình, trong cầu nguyện Thiên Chúa sẽ hướng dẫn mọi thành viên tìm thấy niềm vui, sự bình an. Nếu gia đình có những bất hòa, cãi vã thì cầu nguyện sẽ là sự hòa giải, nếu trong gia đình có sự lo âu, buồn phiền thì cầu nguyện sẽ đem lại an vui và khi gia đình phải đối diện với trăm ngàn khó khăn của cuộc sống. Cầu nguyện sẽ là thành lũy để chở che và chính Thiên Chúa sẽ gia tăng sức mạnh và sự can đảm, để mọi thành viên trong gia đình vượt qua mọi thử thách trong niềm phó thác và tin tưởng vào Thiên Chúa.

Lạy Cha, ngay từ nguyên thủy, Cha đã tác tạo nên mối dây liên kết bền vững trong gia đình như là dấu chỉ về sự kết hợp của Con Cha với Hội Thánh là hiền thê của Ngài. Xin Cha lấy lòng thương xót nhìn đến tất cả các cặp vợ chồng đã được Cha kết hợp. Đồng thời chúng con cũng xin cCha thương xem, hướng dẫn Hội Thánh, đang chao đảo tròng trành giữa các cơn ba đào của thế gian để Hội Thánh luôn mạnh mẽ  hướng dẫn chúng con sống theo Lời Con Cha dạy . Amen 

Nên một trong tình yêu (25.02.2022)

“Lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt.” (Mc 10,6-8)

Suy niệm: Nhà văn Nga I. Tourguéniev tâm sự: “Tôi sẵn sàng đổi hết tài năng và tác phẩm của tôi để được cái thú êm đềm biết rằng ở một nơi nào đó có một người đàn bà lo âu vì tôi về trễ.” Không gì hạnh phúc cho bằng biết rằng mình được yêu, cũng như không có gì chua xót cho bằng từ tình yêu chuyển thành thù hận. Hôm nay, Chúa Giê-su nhắc ta hai điều: 1/ Con người cần có người bạn đời chung sống với mình (“sỏi đá cũng còn có nhau”, huống gì con người !). 2/ Hai người nam nữ hợp nhất nên một, không phải chỉ nên một trong thân xác, nhưng còn trong trách nhiệm, trong việc xây dựng hạnh phúc gia đình… Nhờ vậy, vợ chồng vừa đem lại hạnh phúc cho nhau, vừa dìu nhau tiến về hạnh phúc Nước Trời.

Mời Bạn: Nhớ rằng hôn nhân không phải chỉ đem lại thú vui, mà còn mang đến trách nhiệm. Bạn chỉ tìm thấy niềm vui thật sự khi nào bạn chu toàn trách nhiệm của mình trong gia đình.

Chia sẻ: Trong đời sống gia đình, tôi tìm thú vui riêng cho bản thân, hay tôi quên mình để chăm lo hạnh phúc của những người thân?

Sống Lời Chúa: Làm một việc nhỏ để phục vụ, giúp đỡ vợ, chồng, cha mẹ tôi.

Cầu nguyện: Lạy Cha nhân ái, xin Cha thương bảo vệ gìn giữ từng gia đình là hình ảnh của Thánh Gia thất, từng trẻ em là hình ảnh của Con Cha thuở ấu thơ. Xin Cha sai Thánh Thần tình yêu đem đến hạnh phúc cho mọi gia đình trên mặt đất; xin cho chúng con nhớ hạnh phúc luôn ở trong tầm tay từng người chúng con. Amen.

Trung thành với lời hôn ước (25.05.2018)

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã dạy bảo dân chúng về đời sống hôn nhân và gia đình, đó cũng là bài học giáo lý rất căn bản nói về hai điều răn thứ 6 và thứ 9: cấm ngoại tình và không được ly dị. Ngay từ khi tạo dựng vũ trụ, muôn loài, muôn vật; Thiên Chúa cũng tạo dựng loài người có nam, có nữ và Ngài đã kết hợp hai người nam và nữ thành đôi vợ chồng đầu tiên đó là Ađam cùng với vợ của ông là bà Evà để làm nên một gia đình. Thế rồi hôn nhân này tiếp nối hôn nhân khác làm thành gia đình nhân loại. Thiên Chúa đã tạo dựng con người trong sự bình đẳng để họ yêu thương và nâng đỡ nhau trong cuộc sống.

 

Yêu nhau suốt cả cuộc đời

Quá khứ, hiện tại, với thời tương lai

Yêu nhau chung thủy mãi hoài

Giữ trọn lời hứa không phai, chẳng nhòa

*

Yêu nhau tình nghĩa thiết tha

Vui buồn, sướng khổ vẫn là yêu thương

Cùng nhau đi trọn nẻo đường

“Sợi dây hôn phối” vấn vương suốt đời

 

Khi đã kết hôn, đôi vợ chồng không những phải tìm mọi cách để giữ lòng chung thuỷ trong tình yêu, mà còn phải làm cho tình yêu tươi thắm, tốt đẹp luôn mãi trong đời sống gia đình, bời vì nếu sống  trong tình yêu đích thực, thì không được quyền thay đổi, mà đòi phải thật lòng trung tín với nhau. Chính vì thế, mà câu trả lời của Chúa Giêsu với những người biệt phái trong bài Tin Mừng hôm nay là: Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không thể phân ly. Điều đó cho chúng ta thấy Thiên Chúa mong muốn những ai sống ơn gọi hôn nhân và gia đình, hãy yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời.

Trung thành thực dạ người ơi

Giúp nhau thăng tiến, cho đời nở hoa

Bên nhau chung một mái nhà

Ấm no, đói khổ: chan hòa tình thân

*

Kết liên thể xác tinh thần

Gắn bó mật thiết, ân cần quan tâm

Thứ tha những lúc lỗi lầm

Để cho cuộc sống tim tâm sáng ngời

 

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta khi đã chấp nhận sống đời sống ơn gọi gia đình, chúng ta hãy biết lấy tình yêu Thiên Chúa làm nền tảng cho tình yêu hôn nhân gia đình, vì chỉ có tình yêu Thiên Chúa mới là tình yêu chân thật và cao cả nhất. Khi chúng ta đặt tình yêu Thiên Chúa làm nền tảng cho tình yêu trong hôn nhân gia đình,  chúng ta sẽ biết cách đối xử với nhau, biết yêu thương, thông cảm và tha thứ cho nhau, giúp nhau vượt qua những khó khăn thử thách, để xây dựng một cuộc sống an lành và hạnh phúc cho chính mình và những người thân yêu trong gia đình mà mình có bổn phận và trách nhiệm phải thực thi.

 

Bên nhau trọn vẹn cuộc đời

Ghi Lời Chúa dạy, nhớ Lời Chúa khuyên

“Sự gì Thiên Chúa kết liên

Không được chia cắt, chớ quên lời thề”

 

Lạy Chúa! Xin Chúa giúp sức và nâng đỡ những người sống trong đời sống hôn nhân biết trung thành và yêu thương nhau trọn đời. Xin cho sự hòa thuận luôn hiện diện trong mọi gia đình, nhất là cho các gia đình trẻ, để họ biết ý thức cùng nhau xây dựng hạnh phúc gia đình, chung tay kiến tạo một mái ấm tình thương luôn bền vững trong cuộc sống thân thương này. Amen.

 HOÀI THANH

Cội nguồn của Gia đình (24.02.2017) 

Suy niệm

Lễ xong, cả nhà về dọn mâm cơm mừng lễ, mừng quan thầy. nhưng khi đã sẵn sàng, ông nội và mọi người đã yên vị mới phát hiện còn thiếu thằng con trai chưa về. Cả nhà ngồi chờ đợi. Trong khi chờ, mọi người nói về sự vắng mặt của cậu con trai, người thì nói chắc nó ghé bạn bè chơi, người nói nó rong chơi trên đường, ông nội thì suy nghĩ chắc nó ở lại trong nhà thờ cầu nguyện riêng cho mẹ nó. Vì ông biết nó đạo đức và ngoan hiền.

Còn đang bàn tán thì nó xuất hiện, trên tay ôm một bó hoa tươi chạy vào tặng mẹ và chúc mẹ: con yêu mẹ nhất trên đời, chúc mẹ mừng bổn mạng vui vẻ, chúc mẹ sức khỏe và luôn “Xin Vâng” như Mẹ Maria.

Chị nhận bó hoa mà sung sướng vô cùng.

Thì ra lễ xong nó chạy qua cô hàng bán hoa để mua hoa tặng mẹ.

Niềm vui gia đình tràn ngập trên bữa ăn.

Hôm nay, bài Phúc âm theo thánh Mátthêu, Chúa Giêsu nói về sự đích thực và cội nguồn của gia đình: “Sự gì Thiên Chúa liên kết, con người không được phân ly” (Mt 9, 6). Sự kết hợp giữa người nam và người nữ thành một gia đình.

Gia đình là cái nôi của xã hội loài người, là cái nôi của sự sống, là cái nôi mọi nhân đức, cái nôi của yêu thương, cái nôi của sự giáo dục, cái nôi của sự hợp tác giữa con người và Thiên Chúa trong việc tạo dựng con người, cái nôi để nhận biết Thiên Chúa là Đấng đã dựng nên ta. Ngay từ thuở ban đầu Thiên Chúa đã dựng nên con người có nam và nữ, để họ thuộc về nhau. Trở thành một gia đình thánh thiện.

Trong Cựu ước, ông Tobia đã nhận biết Thiên Chúa tạo dựng nên gia đình, và sự cần thiết của gia đình (Tob 8, 5-10). Buổi tối hôm thành hôn Tôbia đã nói với Sara rằng: “Chúng ta là con cháu của các thánh, chúng ta không thể kết bạn như những người chư dân, họ không nhận biết Thiên Chúa”.

Cách đây hơn hai ngàn năm thời ông Môsê, hay thời đại hôm nay cũng vậy, con người đã muốn dựng nên một Thiên Chúa theo ý mình để họ đạt được những dục vọng riêng tư.

Thời Cựu ước, ông Môsê đã cho dân được phép ly dị. Đây là một luật tiến bộ vì nó thể hiện sự tôn trọng người phụ nữ. Thay vì đuổi vợ bừa bãi, thì người chồng phải viết chứng minh thư trao tận tay vợ, để người phụ nữ có cơ hội làm lại từ đầu. Nhưng Chúa Giêsu đã phán: “Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môisê đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu, không có thế đâu” (Mt 9, 9). Đây là luật của con người phá vỡ sự liên kết của Thiên Chúa, không còn thuộc về Thiên Chúa.

Thời đại hôm nay, càng tiến bộ người ta càng sống xa rời Thiên Chúa bởi sự kiêu căng của con người, tưởng mình là tất cả mà quên đi cội nguồn, dựng nên một Thiên Chúa như một ông vua trần gian, phải thế này, phải thế nọ để có lợi cho người dân. Họ sống buông thả, họ ly dị với nhiều lý do, họ đánh mất cái nôi gia đình, họ bỏ quên Thiên Chúa và dẫn đến cuộc sống bất hạnh cho bản thân, cho con cái, cho cả xã hội.

Ngày nay, không chỉ có người đàn ông mới ly dị vợ, mà người phụ nữ cũng chủ động ly dị chồng. Đây là sự bất hạnh lớn nhất của gia đình và xã hội hôm nay.

Khi tan vỡ gia đình thì mọi sự bất hạnh sẽ đổ lên mọi thành viên trong gia đình và cả nghững người lyên quan. Khi tan vỡ gia đình mọi sự giáo dục sẽ khó có tác dụng, sự nhận thức hay bị chệch hướng, tâm hồn bất an, trái tim luôn đau khổ. Đặc biệt là khi tan vỡ gia đình thì chính ta bị mất điểm tựa, hậu quả con cái cũng mất điểm tựa trong mọi hoàn cảnh cuộc sống, rất dễ sa doạ, vấp ngã…

Trở lại với cội nguồn của Gia đình là “Nguồn ân sủng và Tình yêu”. Ở nguồn gốc chỉ có ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa, ân sủng kết hợp hai người nên một; tình yêu để hai người luôn thuộc về nhau một cách trọn vẹn.

Ly dị là từ bỏ Thiên Chúa, khước từ sự hợp tác với Thiên Chúa. Không có bất kỳ một lý do nào được phép ly dị. Chúa nói: “Tôi nói cho các ông biết: ngoại trừ hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ và cưới vợ khác là ngoại tình.” Nếu người nam và người nữ luôn đặt nền tảng gia đình trên cội nguồn là “Ân sủng và Tình yêu” thì luôn có một gia đình hạnh phúc, như Gia Đình Thánh Gia Nazazét xưa.

Cầu nguyện:

Lay Chúa Giêsu chí thánh, xin cho mọi gia đình luôn nhận biết Chúa là Thiên Chúa, là nguồn ân sủng và tình yêu nơi gia đình, và soi sáng cho mọi gia đình luôn biết noi gương Gia Đình Thánh Gia để họ trở nên gia đình thánh thiện, là điểm tựa vững chắc, là nôi Niềm Vui Tình Yêu Gia Đình.

Thực hành:

Bài Phúc Âm hôm nay Chúa nhắc nhở tôi phải biết sống xứng đáng là người chồng, người cha, người bạn của gia đình và là cột trụ niềm vui tình yêu gia đình.

Gã Đầu Bạc

Hôn nhân gia đình (20.05.2016)

“Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt.” (Mc 10,6-8).

Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su nhắc ta hai điều:

1/ Con người cần có người bạn đời chung sống với mình (“sỏi đá cũng còn có nhau”, huống gì con người!).

2/ Hai người nam nữ hợp nhất nên một, không phải chỉ nên một trong thân xác, nhưng còn cả trong lý tưởng, trong trách nhiệm, trong việc xây dựng hạnh phúc gia đình… Nhờ vậy, vợ chồng vừa đem lại hạnh phúc cho nhau, vừa dìu nhau tiến về hạnh phúc Nước Trời.

Chúng ta nhớ rằng hôn nhân không phải chỉ đem lại niềm vui hạnh phúc khi hai người thật sự yêu nhau, mà còn mang đến bổn phận trách nhiệm. Chúng ta chỉ tìm thấy niềm vui thật sự khi nào ta chu toàn trách nhiệm của mình trong gia đình.

Đời sống hôn nhân gia đình theo chính bản thân tôi cảm nhận qua bao năm nay: gia đình như một con thuyền giữa dòng đời trôi nổi, khi trời thanh gió lặng thuyền êm ả nhẹ trôi, nhưng cũng lắm khi sóng to gió lớn…thuyền nghiêng ngả đảo điên, nếu người cầm lái không vững tay chèo ắt con thuyền sẽ bị lật úp chìm nghỉm luôn. Đôi lúc gia đình tôi gặp biến cố…hôn nhân tưởng chừng đứt ghánh vì “ khắc khẩu”, mỗi người mang quan điểm sống ngược nhau…, nếu không có Đức Tin Công Giáo chắc đã chia tay nhau lâu rồi.

Vâng! Hạnh phúc gia đình cũng đòi buộc ta phải từ bỏ ý riêng mình lắm lắm…,  “Nhân vô thập toàn” chẳng có ai hoàn hảo trên cõi đời này ngoài Thiên Chúa, chính vì thế ta phải nhún nhường vui vẻ, tập sống quên mình vì người khác mới hòa hợp được, mới duy trì mái ấm gia đình được trọn đời, như lời thề trong hôn lễ Chúa đã chúc phúc thuở ban sơ.

Lạy Cha nhân ái, xin thương gìn giữ từng gia đình là hình ảnh của Thánh Gia Thất, từng trẻ em là hình ảnh của Con Cha nhập thể thuở ấu thơ. Xin sai Thánh Thần biến mọi gia đình thành tổ ấm tình yêu. Xin cho chúng con nhớ rằng hạnh phúc luôn phải trả giá bằng những hy sinh nho nhỏ, những đóng góp thầm lặng, và cả những nghĩa cử  dịu dàng trong yêu thương, như mẫu gương của Mẹ Maria năm xưa nơi Thánh Gia Thất với Chúa Giêsu và Thánh Cả Giuse rất khả ái kính tôn.

BCT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *