Rao giảng Tin Mừng trong đời sống thường ngày (05.01.2024 – Thứ Sáu trước Lễ Chúa Hiển Linh)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa:  1 Ga 3,11-21, Ga 1,43-51

Bài đọc 1: 1 Ga 3,11-21

Bài trích thư thứ nhất của thánh Gio-an tông đồ.

Anh em thân mến,
đây là lời loan báo
anh em đã nghe từ lúc khởi đầu :
chúng ta hãy yêu thương nhau ;
chúng ta đừng bắt chước Ca-in :
nó là người của Ác thần, nên đã giết em mình.
Tại sao nó đã giết em ?
Bởi vì các việc nó làm thì xấu xa,
còn các việc em nó làm thì công chính.
Thưa anh em, anh em đừng ngạc nhiên,
nếu thế gian ghét anh em.
Chúng ta biết rằng :
chúng ta đã từ cõi chết bước vào cõi sống,
vì chúng ta yêu thương anh em.
Kẻ không yêu thương, thì ở lại trong sự chết.
Phàm ai ghét anh em mình, ấy là kẻ sát nhân.
Và anh em biết : không kẻ sát nhân nào
có sự sống đời đời ở lại trong nó.
Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được tình yêu là gì :
đó là Đức Ki-tô đã thí mạng vì chúng ta.
Như vậy, cả chúng ta nữa,
chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em.
Nếu ai có của cải thế gian
và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu,
mà chẳng động lòng thương,
thì làm sao tình yêu Thiên Chúa
ở lại trong người ấy được ?
Hỡi anh em là những người con bé nhỏ,
chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi,
nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm.
Căn cứ vào điều đó, chúng ta sẽ biết rằng
chúng ta đứng về phía sự thật,
và chúng ta sẽ được an lòng trước mặt Thiên Chúa.
Vì nếu lòng chúng ta có cáo tội chúng ta,
Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta,
và Người biết hết mọi sự.
Anh em thân mến,
nếu lòng chúng ta không cáo tội chúng ta,
chúng ta được mạnh dạn đến cùng Thiên Chúa.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an (Ga 1,43-51)

43 Khi ấy, Đức Giê-su quyết định đi tới miền Ga-li-lê. Người gặp ông Phi-líp-phê và nói : “Anh hãy theo tôi.” 44 Ông Phi-líp-phê là người Bết-xai-đa, cùng quê với các ông An-rê và Phê-rô.

45 Ông Phi-líp-phê gặp ông Na-tha-na-en và nói : “Đấng mà sách Luật Mô-sê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp : đó là ông Giê-su, con ông Giu-se, người Na-da-rét.” 46 Ông Na-tha-na-en liền bảo : “Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được ?” Ông Phi-líp-phê trả lời : “Cứ đến mà xem !” 47 Đức Giê-su thấy ông Na-tha-na-en tiến về phía mình, liền nói về ông rằng : “Đây đích thật là một người Ít-ra-en, lòng dạ không có gì gian dối.” 48 Ông Na-tha-na-en hỏi Người : “Làm sao Ngài lại biết tôi ?” Đức Giê-su trả lời : “Trước khi Phi-líp-phê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi.” 49 Ông Na-tha-na-en nói : “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ít-ra-en !” 50 Đức Giê-su đáp : “Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin ! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa.” 51 Người lại nói : “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.”

Rao giảng Tin Mừng trong đời sống thường ngày (05.01.2024)

Tin Mừng hôm nay là bài học về truyền giáo : Chúa Giêsu chọn gọi người ta qua trung gian một người đã biết Người : Gioan và Anrê được gọi qua trung gian của Gioan Tẩy Giả, Phêrô được gọi qua trung gian Anrê, và Nathanael qua trung gian của Philíp.

Thiên Chúa muốn cứu độ tất cả nhân loại nên Ngài đã in dấu ấn của Ngài vào lòng mọi người. Vì vậy con người luôn có nhu cầu tìm đến với Chúa.

Ra đi loan báo Tin Mừng Nước Trời theo lệnh truyền của Chúa Giêsu Kitô là bản chất của Hội Thánh, là nhiệm vụ hàng đầu và quan trọng nhất của Hội Thánh. Mỗi thành viên trong Hội Thánh đều có bổn phận, trách nhiệm thực hiện sứ mệnh này. Thánh Phaolô đã từng thâm tín cách xác quyết rằng: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9, 16).

Khi chịu phép Thánh Tẩy, Kitô hữu đã được chia sẻ với Chúa Kitô ba sứ vụ Tư tế, Ngôn sứ và Vương đế. Sứ vụ Ngôn sứ để rao giảng Tin Mừng, Sứ vụ Vương đế để phát triển vương quốc của Chúa Giêsu Kitô. Như vậy Kitô hữu có bổn phận làm trung gian giới thiệu Chúa  cho mọi người mình gặp gỡ trên đời.

Kitô hữu là những người đã được Chúa chọn gọi và sai đi rao giảng để muôn người dược nghe, được biết và trở thành con Chúa. Cách rao giảng Tin Mừng tốt nhất của người Kitô hữu là làm chứng cho Chúa bằng sự thánh thiện, công chính, yêu thương trong đời sống hàng ngày, thực hiện lời Chúa Giêsu đã dặn : ”Các con sẽ làm chứng cho Thầy. . .” (Lc 24, 48).

Có những người hiểu “rao giảng Tin Mừng” là phải dùng lời nói để giới thiệu về Chúa, về đạo cho những người chưa biết Chúa. Rao giảng Tin Mừng không phải chỉ là dùng lời nói để giới thiệu về Thiên Chúa, về Đức Giêsu Kitô, mà cách sống tuân giữ Lời Chúa, khiêm tốn, yêu thương tha nhân, sống công bằng v.v… trong đời thường đã là rao giảng Tin Mừng. Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói: “Thế giới ngày hôm nay cần chứng nhân hơn thầy dạy”.

Thực tế đã có rất nhiều người đang rao giảng Tin Mừng một cách hữu hiệu bằng đời sống yêu thương phục vụ tha nhân, như Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta và các nữ tu trong dòng Thừa sai Bác ái do Mẹ sáng lập. Trong đại dịch Covid vừa qua, những tấm gương hy sinh của các tu sĩ, nam nữ không ngại nguy hiểm, phục vụ ngay trong những khu cách ly, đã là những chứng nhân chói sáng cho Tình yêu của Chúa Giêsu.

Xin tóm tắt một câu chuyện do cha Phêrô Nguyễn Văn Mễn, GP Long Xuyên kể trên trang https://linhmucmen.com/ về việc rao giảng Tin Mừng trong đời sống hàng ngày của một chị y tá.

Cha Phê rô thường hay mang Mình Thánh Chúa và xức dầu cho bệnh nhân trong bệnh viện, đồng thời cha thăm hỏi các bệnh nhân đang nằm điều trị, nhất là những người neo dơn không có người chăm sóc.

Một hôm khi cha vào bệnh viện thì có một người đàn ông chặn cha lại và tự giới thiệu là giáo dân của cha, anh ấy biết cha vì cũng thường hay đi lễ nhà thờ. Anh là một người đạo mới. Trong gia đình chỉ có anh theo đạo Chúa.

5 năm trước, anh bị bệnh lao phổi rất nặng, gia đình đã đưa anh vào bệnh viện điều trị. Bệnh anh có thuyên giảm, nhưng vì phải điều trị lâu dài nên gia đình mệt mỏi, hơn nữa lại phải lo làm ăn kiếm sống nên việc thăm nuôi chăm sóc anh ngày càng thưa thớt. Khi bệnh anh tạm ổn định thì gia đình như phó mặc anh cho bệnh viện.

Anh kể với cha Phê rô : Trong hoàn cảnh đó, bỗng có một cô y tá rất tốt bụng, thường xuyên đến chăm sóc con, chăm sóc rất tận tình, chăm sóc thật hết mình, chăm sóc rất chu đáo, chăm sóc, mà không hề cầu mong, hay yêu cầu nơi con bất cứ điều gì. Và con lại thấy cô ấy cũng chăm sóc những bệnh nhân khác, cũng một cách tận tình giống như vậy”.

Anh thấy lạ và cũng có chút thắc mắc vì thấy cô y tá này không giống các cô y tá khác. Nhưng riết rối cũng quen, anh không thắc mắc nữa, chẳng cần quan tâm làm chi cho mệt xác.

Thế rồi, trong một đêm kia, đêm thì đã rất khuya, anh có việc phải đi ngang qua phòng trực của các y bác sĩ. Tình cờ, anh bắt gặp cô y tá đang ngồi ở bàn làm việc, mà trên tay cô cầm một xâu chuỗi, miệng thì râm râm cầu kinh thật sốt sắng.

Sáng hôm sau, như thói quen khi ra ca trực, cô y tá ghé qua các phòng bệnh nhân hỏi han sức khoẻ vài người, trong đó có anh. Anh cho cô biết tối hôm qua anh thấy cô lần chuỗi trong phòng trực. Cô y tá ngỡ anh có đạo nhưng anh trả lời cô rằng anh chỉ theo đạo ông bà. Nhưng tôn giáo nào anh cũng quý tọng hết. Anh hỏi cô :

Khi cô cầm chuỗi, thì cô đọc những kinh gì vậy?

Cô ta trả lời thật đơn giản, gọn ghẽ :

Đó là những lời kinh tôi dâng lên Thiên Chúa để cầu nguyện cho các bệnh nhân mà tôi chăm sóc được mau sớm bình phục, và tất nhiên là trong đó có ông. Bởi tôi thấy ông nằm ở đây đã khá lâu, cho nên chắc là ông mong về nhà lắm phải không?

Nghe cô trả lời, anh thật sự xúc động mạnh. Thì ra cô y tá là một người Công giáo.

Sau khi khỏi bệnh được xuất viện về nhà, anh không quên được sự tận tâm nhiệt tình phục vụ của cô ý tá người Công giáo. Những ấn tượng đó đã thôi thúc anh tìm hiểu về đạo, rồi đi học giáo lý và chịu bí tích Rửa tội gia nhập đạo đã được gần một năm.

Anh nói rằng anh rất chịu khó đi lễ, không phải chỉ lễ ngày Chúa nhật, mà anh cố gắng thu xếp để đi lễ cả ngày thường nữa. Anh đi lễ là để cám ơn Chúa, vì đã cho anh gặp được cô y tá tốt bụng, để nhờ đó, mà nay anh đã được ơn nhận biết Chúa và đã trở thành con Chúa.

Anh nói với cha Phêrô : Bởi những lúc con gặp đau khổ về thể xác, và thiếu thốn về tinh thần, thì sự chăm sóc đầy tình thương, cũng như sự phục vụ đầy tình người của cô ấy, nhất là cô biết dùng lời cầu nguyện, để hổ trợ cho việc trị bệnh, đã làm cho con được an ủi biết chừng nào.

Nói thật, cách phục vụ và những lời cầu nguyện của cô ấy đã làm cho con cảm thấy được ấm lòng vô cùng trong những ngày nằm bệnh viện thật cô đơn.

Từ đó, con đã tìm được niềm vui để sống, đã lấy lại được sự thăng bằng trong cuộc sống, và đã tìm lại được ý nghĩa của cuộc đời, nhờ đã được tiếp cận với một người cao thượng đó: Một con người luôn tận tuỵ với công việc, hết mình với bổn phận, quảng đại cầu nguyện cho mọi người. Đúng là  một con người luôn nghĩ đến người khác và hết mình sống cho người khác.

Cầu nguyện : Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã ban cho con muôn vàn ơn để đời sống của con được thuận lợi dễ chịu, nhất là hồng ân lớn lao là được làm con Chúa. Thế mà con lơ là quá sức với sứ vụ làm chứng nhân cho Chúa trong đời sống hàng ngày.

Xin Chúa cho con thay đổi cách sống, cho con được sống trong Chúa, kết hiệp với Chúa, tiếp nhận nguồn sức mạnh nơi Chúa và mau mắn giới thiệu Chúa cho những người chung quanh chưa biết Chúa, để báo đáp hồng ân lớn lao Chúa đã chọn con từ muôn thuở trước. Amen.

Jos. NM Tưởng

Gặp Chúa để được biến đổi (05.01.2023)

Suy niệm: Bài hát ‘Gặp gỡ Đức Ki-tô’ của cha Tiến Lộc rất thích hợp với trường hợp của Na-tha-na-en trong bài Tin Mừng hôm nay. Nghe Phi-líp-phê giới thiệu về Đức Giê-su, Na-tha-na-en, do thành kiến, đã buột miệng: “Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được?” Một người “lòng dạ chẳng có gì gian dối” như Na-tha-na-en suýt nữa đã kết luận hồ đồ nếu không có lời góp ý chân thành của anh bạn Phi-líp-phê: “Cứ đến mà xem!” Lời góp ý này vang vọng lại Lời Chúa Giê-su mời gọi: “Đến mà xem” trước đó (c. 39). “Đến mà xem” là bí quyết hiệu nghiệm phá đổ bức tường thành kiến che khuất tầm mắt, ngăn cản ta nhận ra Chúa, cũng như hoạt động của Ngài nơi tha nhân, qua các biến cố xảy ra quanh ta. Một khi gặp gỡ Đức Ki-tô, Na-tha-na-en được biến đổi tận căn, trở nên Tông đồ của Ngài, đã đổ máu đào chứng tá cho thấy sự đổi thay này.

Mời Bạn: Chắc chắn bạn và tôi đã từng nhiều lần có cái nhìn không hay về một ai đó, nhất là những tội nhân. Bạn có cách gì để có thể thay đổi tật xấu này không?

Chia sẻ: Khi tập nhìn mọi người bằng ánh mắt của thầy Giê-su, bạn có thấy mình thay đổi định kiến về tha nhân không?

Sống Lời Chúa: Tâm niệm rằng Chúa luôn hiện diện trong mọi người, để mỗi sáng khi thức giấc, chúng mình cầu nguyện với Chúa, tạ ơn Ngài, và nỗ lực gặp Ngài suốt ngày nơi tha nhân.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con biết thường xuyên gặp Chúa trong kinh nguyện, để chúng con đổi mới cái nhìn về anh chị em mà chúng con gặp gỡ hàng ngày. Amen.

Cư xử cao thượng (05.01.2018)

Kể truyện

Anh Tân, ai cũng biết anh rất đơn sơ, thật thà, chăm chỉ chẳng quản ngại bất cứ công việc nào. Anh Cố Tân đáng kính. Đó là tên gọi thân thiện của anh chị em trong Phong Trào quen gọi. Vì anh có hai người con đi tu.

Nhìn anh là thấy một sự giản dị thật thà, trong lòng không chút gian dối. Gặp ai anh cũng cười, việc gì anh cũng làm.

Trong ba ngày tĩnh tâm, từ bốn giờ sáng, anh đã dậy đến nhà nguyện đọc kinh. Anh quét dọn nhà vệ sinh, hành lang, sân hè…

Đến giờ cơm, anh chuẩn bị cho tất cả mọi người ăn xong, anh sẽ ăn cùng những người nội trợ.

Đêm khuya, anh cầu nguyện trong nhà Nguyện đến đúng 0 giờ, anh về phòng đi ngủ.

Anh chia sẻ: sau những công việc, anh vào nói chuyện với Chúa, và Chúa nói với anh: Ta luôn ở bên con. Anh thấy Thầy Chí Thánh hiện diện trong đời sống của anh.

Suy niệm:

– Em làm ơn cho biết đường về xứ Ars ở đâu?

– Cha cứ đi thẳng, cho đến khi thấy một đường lớn hơn, rẽ bên trái. Chỉ vài phút sau là vào làng.

– Cám ơn em. Em tên gì?

– Antoine Givre.

– Cám ơn Antoine. Con chỉ cho cha đường về xứ Ars, và cha sẽ chỉ cho con đường lên Thiên Đàng.

Antoine Givre nhìn cha Vianney cách kinh ngạc. Đã lâu lắm rồi không thấy một linh mục ở vùng nầy. Cha Vianney quỳ xuống, hôn mảnh đất của giáo xứ và cầu nguyện:

“Lạy Thiên Chúa tốt lành, con là một linh mục dốt nát đáng thương, Chúa biết điều nầy. Dân chúng ở đây không chờ đón con, mà Chúa. Họ cần Chúa. Xin hướng dẫn lời con nói, việc con làm, để các linh hồn nầy được cứu độ.”

Cha Gioan Maria Vianey có một tấm lòng chẳng chút gian dối, nên Ngài đã sống và nhận ra Chúa Con là Đức Giê-su, và Ngài đã nhìn thấy Thiên Đàng và dẫn nhiều người lên Thiên Đàng. “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, Con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (Lc 10, 21).

Những ai có tâm hồn bé nhỏ, sẽ được ơn Thiên Chúa ban ơn để nhận biết ra Con Thiên Chúa. Nhận Biết Thiên Chúa là Đấng tạo thành trời đất muôn vật và là Cha của chúng ta trên trời.

Từ ngàn xưa, những ai tự phụ là người khôn ngoan thông thái, đều không nhận biết chân lý sự thật. Vì họ tự nhận họ là chân lý sự thật. Cho nên, khi Chúa Giê-su đến bên họ, những Luật Sĩ, Biệt Phái, nhưng người thông thái hầu hết không nhận Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, Đấng cứu độ trần gian.

Ngày nay cũng vậy, Chúa đã đến trong trần gian hơn hai ngàn năm, nhưng lại xuất hiện thêm biết bao nhiêu tà giáo, chủ nghĩa duy vật, lạc đàng hơn thế nữa là xuất hiện chủ nghĩa vô thần; Chối bỏ Thiên Chúa.

Những người nông dân, khi ra đồng ruộng, trên lối mòn xuất hiện một đám đông kiến đỏ tụ tập nhau đi vội vã để di chuyển thực phẩm, họ nói: trời sắp mưa. Và đúng như thế.

Con kiến nó còn nhận biết những sự việc của Ông Trời, mà con người thì vô tâm!

Biết bao nhiêu thế hệ qua đi, biết bao nhiêu lần xuất hiện quyền năng của Thiên Chúa trên khắp trái đất, nhưng đã có mấy ai nhận biết Thiên Chúa một cách không gian dối để tin chắc rằng: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là vua Ít-ra-en!” (Ga 1, 49)

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, xin cho lòng chúng con không một chút gian dối, rất đơn sơ để tin Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa, tin Thiên Chúa là Cha chúng con đang ngự trên trời. Để chúng con nhìn thấy Trời Mới – Đất mới mở ra đang chờ đón chúng con. Amen./.

Gã Đầu Bạc

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *