Thần Đô Huyền Nhiệm – Lưu Ngụ Tại Ai Cập

Mục Lục

Phần Thứ Hai: CUỘC ĐỜI CÔNG KHAI

 

23. Lưu Ngụ Tại Ai Cập

Sau khi đã dừng lại ít lâu trong một vài thành phố quan trọng như Memphi, Matariê, Thánh Gia ở hẳn tại Hêliôpôli. Thánh Giuse mua được ở đó một căn nhà nghèo, chẳng có một đồ vật nào, và ở khá xa thành phố, theo như ước muốn của Thánh Nữ Đồng Trinh. Vừa vào nhà ấy, Mẹ Maria cúi hôn đất cách khiêm nhượng sâu xa và tri ân thắm thiết. Mẹ hứa với Thiên Chúa là sẽ hân hoan chịu đựng tất cả những đau khổ Ngài gửi đến cho Mẹ trong nơi đầy ải này. Mượn được một cái chổi, và có thiên thần giúp, Mẹ quét tước dọn dẹp căn nhà khiêm hèn này. Nhưng chẳng còn một chút lương thực nào. Đã ngụ trong một xứ có đông người ở, Mẹ xét không nên cầu xin ơn cứu trợ lạ lùng như lúc còn rong ruổi trong sa mạc nữa. Thế nên, Thánh Giuse, vì yêu mến Chúa, đã đi xin người ta bố thí. Cơm bánh đi xin được ấy nuôi sống Thánh Gia suốt ba ngày, cũng như trước đó đã có lần đi xin ăn ở các nơi khác trên đất Ai Cập. Khi Thánh Giuse đã kiếm được việc làm, dành dụm được chút tiền, Ngài làm một cái phản cho Mẹ Maria và Chúa Hài Nhi. Còn Ngài vẫn nằm đất. Trong cảnh rất khốn cùng ấy, Thánh Gia không hề tiếc nhớ dĩ vãng, cũng không hề lo sợ cho tương lai, mà chỉ một niềm hân hoan và bình thản phó thác mặc Chúa Quan Phòng.

Căn nhà nhỏ nghèo ấy có ba gian. Một gian dành cho Chúa Hài Nhi và Mẹ, một gian làm phòng cho Thánh Giuse, còn một gian là chỗ làm việc của Ngài. Mẹ Maria cũng muốn lao động để cộng tác vào cuộc sống gia đình. Có mấy phụ nữ tốt lành thấy Mẹ đoan trang nhu mì yêu quý, nên tìm việc đem đến cho Mẹ làm. Việc nào Mẹ cũng làm rất hoàn hảo, nên tiếng đồn lan rộng. Mẹ không bao giờ thiếu việc làm.

Chính Chúa Hài Nhi vạch một thời dụng biểu cho Mẹ. Vào lúc chín giờ tối, Mẹ đi ngủ. Nửa đêm thức dậy cầu nguyện và suy gẫm cho tới sáng. Ban ngày làm việc suốt, vì Mẹ không muốn làm phép lạ để nuôi sống gia đình. Trong khi làm việc, Mẹ quỳ bên nôi Chúa Giêsu, vừa làm vừa thủ thỉ nói chuyện với Chúa, thỉnh thoảng hát lên những ca vịnh rất hay, hay hơn cả ca vịnh Giáo hội hát ngày nay, vì Nhân Tính của Chúa Ngôi Hai còn soi sáng cho Mẹ một cách tuyệt vời hơn đã soi sáng cho Maisen, cho Đavít và cho các thánh ký khác. Thú giải lao êm dịu nhất của Mẹ là bồng ẵm Con chí ái. Mẹ cũng rất hay trao Chúa Hài Nhi cho Thánh Cả Giuse ẵm, để làm vui lòng Người Bạn rất đáng kính của mình. Lúc ấy Mẹ nói với Chúa Hài Nhi và với Thánh Cả: “Hỡi Con là Chúa của Mẹ, xin Con hãy yêu đương nhìn tôi tớ của Con kia, mà vui với linh hồn trong trắng của Người. Và Giuse Bạn mến, xin bế lấy Đấng Sáng Tạo vũ trụ, Ngài sẽ làm êm nghỉ những lao nhọc Thầy đã phải chịu vì việc làm”. Cả trong lúc dùng bữa, Mẹ Maria cũng rất ân cần, không hề rời mắt khỏi Chúa Hài Nhi chí ái Mẹ ẵm trên tay, và luôn luôn tỏ lòng tôn kính Ngài cách trìu mến nhất.

Mẹ cứ thế mà chuẩn bị thể hiện lòng nhiệt thành của Mẹ trong thành phố Hêliôpôli rất đông dân cư. Khi Chúa Giêsu vừa đến, các ngẫu tượng và chùa chiền của họ bị phá huỷ và đổ vỡ, nên toàn thể dân thành đều hoang mang. Nhiều người, cả nam cả nữ, đến thăm Thánh Gia, vừa để kể lại sự kinh khiếp của mình, vừa để thoả tính hiếu kỳ. Mẹ đón tiếp họ niềm hở và chữa một vài tật bệnh. Tiếng đồn về quyền năng kỳ diệu đó đã lôi cuốn đến rất nhiều người, nên Mẹ phải xin Chúa Hài Nhi chỉ bảo cho biết phải làm gì. Theo lời Chúa dẫn, Mẹ tiếp đón hết mọi người. Mẹ dạy cho họ biết về Thiên Chúa chân thật, về bổn phận phải chu toàn đối với Ngài, về ác tính của ma quỷ và tội lỗi. Mẹ soi cho họ biết phải gớm ghét tội lỗi và ma quỷ như thế nào. Mẹ cũng nói cả về Đấng Cứu Chuộc loài người xuống thế, nhưng Mẹ không nói rõ Đấng ấy là ai. Mẹ an ủi người bệnh tật, chính Mẹ băng bó vết thương cho họ, giải thoát những kẻ bị quỷ ám và trị liệu mọi thứ bệnh. Vì thế, suốt trong bảy năm lưu ngụ tại Ai Cập, Mẹ đã làm rất nhiều sự lạ và quy hồi rất nhiều người, muốn kể lại cho hết phải viết rất nhiều cuốn sách. Trong lúc nói, Mẹ luôn ẵm bế Chúa Hài Nhi, nên ân sủng toàn năng của Chúa đã làm nên bấy nhiêu phép lạ. Khi phải săn sóc bệnh nhân, không thể bế Chúa được, Mẹ đặt Ngài vào nôi. Một điều rất đáng thán phục là dầu đã làm bấy nhiêu việc, dầu nói với bấy nhiêu người, cũng không bao giờ Mẹ nhìn mặt một người nào cả.

Ai Cập là một xứ quá nóng, nên luân lý rất đồi bại, thế nên thường gây ra những tật bệnh khủng khiếp. Ba năm sau khi Thánh Gia ở Ai Cập, một trận dịch đã tàn phá thành phố Hêliôpôli và nhiều nơi khác. Lúc đó, người ta đến xin Mẹ chữa quá đông, nên Mẹ phải xin Chúa Hài Nhi ban cho cả Thánh Giuse cũng được quyền làm phép lạ chữa các bệnh tật. Thánh Giuse đã chữa cho nam giới, còn Mẹ Maria chữa cho nữ giới. Ai đến với Thánh Gia cũng đã trở về lành mạnh cả xác cả hồn.

Người ta nhớ ơn, nên thỉnh thoảng đem lễ tạ rất hậu. Mẹ Maria phân chia cho người nghèo những lễ vật mà phép lịch sự không cho phép từ chối ấy. Không bao giờ Mẹ nhận chút gì cho mình, Mẹ chỉ muốn sống nhờ công việc đôi tay Mẹ làm ra. Đã thế, rất nhiều lần Mẹ còn đem tặng cả công lao mình làm ra ấy cho người nghèo nữa.

Những nguồn vui siêu nhiên đó tiếp theo một sự kiện xé nát lòng xảy ra tại Belem. Hêrôđê đã cho tầm nã Thánh Gia, và vì không tìm được nên ông ta nổi cơn cuồng giận đến say máu. Ông ra lệnh giết tất cả những ấu nhi dưới hai tuổi trong vùng Belem, với thâm tín là Đấng Tân Vương của người Do Thái cũng bị hạ sát trong số những trẻ ấy. Việc tàn sát này xảy ra sáu tháng sau khi Chúa Giêsu sinh ra. Lúc đó, Mẹ đang ẵm Hài Nhi trên tay. Qua tâm hồn Chúa như qua một tấm gương Mẹ nhìn thấy tất cả mọi chi tiết của tấm bi kịch tàn bạo rùng rợn đó. Vì lời cầu nguyện của Hài Nhi Giêsu Cứu Thế, những trẻ em, trong số đó có những em mới sinh được tám ngày, đều được ơn dùng trí khôn thi hành các nhân đức hướng thần, và nhận thức được nguyên nhân thiêng liêng việc mình bị giết, nên tất cả đều được phúc tử đạo. Tất cả đều tình nguyện dâng mình chịu chết vì vinh danh Thiên Chúa. Cha mẹ các vị thánh anh nhi đó, mặc dầu đau đớn vỡ trái tim và chan hoà nước mắt, cũng được Chúa ban cho có những tâm tình y như con mình vậy. Chúa Hài Nhi Cứu Thế hiến dâng lên Thiên Chúa tất cả các lễ hi sinh đó làm lễ đầu mùa của hi sinh chính Ngài sẽ dâng mình Ngài sau này. Thánh Nữ Đồng Trinh hợp nhất với tất cả các hành vi đó, với tất cả mọi đau đớn đó, nên Mẹ đã trở nên bà Rachel thực sự than khóc các trẻ em bị giết ở Belem mà Mẹ nhận làm con của Mẹ. Nhưng Mẹ rất được an ủi khi thấy các thiên thần dẫn những linh hồn anh nhi tử đạo đó xuống u ngục. Cuộc khải hoàn vào u ngục của các linh hồn trẻ thơ đó gây một niềm hân hoan vĩ đại trong ngục tổ, vì cuộc khải hoàn đó báo tin cuộc giải phóng gần kề. Hứng khởi yêu đương, Mẹ Maria đã cao tiếng hát lên thánh vịnh 112: “Hỡi các trẻ em, hãy ca tụng Thiên Chúa”.

Tuy nhiên, Mẹ vẫn tự hỏi về số phận của Gioan Tiền sứ, nên Chúa Giêsu Hài Nhi đã tỏ cho Mẹ biết việc xảy ra cho ông. Tư tế Giacaria đã qua đời sau khi Chúa sinh ra bốn tháng, tức gần ba tháng sau khi Thánh Gia rời Giêrusalem. Bà Elisave, vì được thiên thần của Mẹ đến báo tin, nên đã đem con mình trốn vào một hang đá trong rừng vắng. Bà sẽ qua đời tại đó sau ba năm sống giữa muôn ngàn thiếu thốn và bất tiện. Nhà Tiền sứ của Chúa, còn phải ở lại đó cho tới khi được gọi đi làm sứ mệnh của mình. Biết như thế, nên từ đó được Chúa Hài Nhi vui lòng cho phép, Mẹ thường phái các thiên thần hầu cận mình đến thăm viếng mẹ con bà ẩn sĩ ấy, và mang chút ít lương thực đến giúp. Khi thánh nữ Elisave từ trần, các thiên thần đã an táng bà trong rừng vắng ấy và coi sóc con trẻ Gioan. Mẹ Maria, qua trung gian các thiên thần, đã chu cấp cho Gioan đến tuổi khôn lớn, có thể tự tìm được cỏ cây, củ rễ và mật rừng để sống theo như ý Chúa muốn.

Phần Chúa Hài Nhi Giêsu, Chúa vẫn là hạnh phúc cho Mẹ Maria và Thánh Giuse trong cảnh tha hương lưu đầy. Vừa đầy tuổi, Chúa ban cho người Cha Đồng Trinh của Chúa được niềm an ủi nghe tiếng Chúa nói. Một hôm lúc Ngài đang nói chuyện với Mẹ Maria về những vẻ đẹp của mầu nhiệm Nhập Thể, từ trên tay Mẹ, Chúa Hài Nhi ghé sang nói với Thánh Cả: “Cha ơi, Con từ trời xuống để làm ánh sáng soi cho thế giới. Con muốn cả Cha cả Mẹ cùng là con của Ánh Sáng, vì Cha Mẹ ở rất gần Con”. Những lời đó rót vào trái tim Thánh Cả một niềm tôn kính, một tình yêu mến, và một nguồn vui khôn tả. Thánh Cả quỳ xuống trước mặt Chúa Giêsu, cảm tạ Chúa vì đã gọi mình là Cha, và dàn dụa nước mắt mà xin Chúa cứ dùng mình làm hết những gì đẹp lòng Chúa nhất.

Cũng vào giai đoạn này, Đức Trinh Nữ Rất Thánh nghĩ đã đến lúc loại bỏ khăn lót cho Chúa Hài Nhi, nên Mẹ quỳ xuống trước mặt Chúa mà nói: “Con rất yêu dấu của linh hồn Mẹ, có cần phải tháo gỡ Con khởi những xiềng xích này không? Xin Con nói cho Mẹ biết Mẹ phải làm thế nào bây giờ”. Chúa Hài Nhi thưa với Mẹ: “Thưa Mẹ, vì yêu các linh hồn, Con chẳng thấy những xiềng xích này bất tiện chút nào cả. Vì yêu các linh hồn, đến tuổi tráng niên, Con sẽ còn bị bắt bị trói và bị đóng đanh vào khổ giá kia mà. Vì thánh ý Cha Con, nghĩ tới đó, Con rất vui sướng, nên mọi bất tiện khác con đều lấy làm dễ dàng cả. Về y phục của Con, Con chỉ cần có một áo độc nhất thôi, để dạy cho loài người biết từ bỏ những cái thừa thãi. Vì thế, Mẹ sẽ đan cho con một áo mặc trong, nó rộng ra theo tầm vóc lớn dần của Con. Sau này, lúc Con chết, người ta sẽ bắt thăm với nhau áo đó, để cho loài người biết rằng Con đã tuyệt đối thực thi đức nghèo, mặc dầu mọi sự trong vũ trụ này đều là của Con, và để loài người noi gương Con mà yêu thích sống nghèo khó”. Mẹ Maria nói: “Nhưng, hỡi Con Mẹ, Con là Chúa của Mẹ, Mẹ không có can đảm để Con đi chân không khi còn thơ bé thế này! Nên Mẹ xin phép Con cho Mẹ được sắm cho Con một đôi giầy. Ngoài ra, Mẹ thấy rằng: cái áo thô Con nói đó sẽ không tiện nhiều cho da thịt còn non nớt của Con, nếu Con không mặc thêm một áo lót trong”. Chúa Hài Nhi không ưng mà nói rằng: “Vâng, Con bằng lòng có một đôi giầy thô nghèo để sau này đi giảng đạo. Nhưng Con không chấp nhận mặc áo lót, để khuyến khích những người một ngày kia sẽ vì yêu Con mà từ bỏ nó”.

Mẹ Maria bắt tay vào việc ngay. Kiếm được một mớ len chưa chuội, chưa nhuộm, Mẹ đem dệt một áo mặc trong không có đường chỉ. Theo ý Chúa, Mẹ đem giãi cho nó mất mầu tự nhiên đi, trở thành màu xam xám. Mẹ cũng làm một đôi dép bằng chỉ khá to và một chiếc quần cộc cho Chúa mặc bên trong.

Khi đã làm xong, Mẹ quỳ gối xuống trước mặt Chúa Giêsu, thưa với Người rằng: “Hỡi Con rất cao cả, Mẹ muốn lấy những thớ sợi của Trái Tim Mẹ làm bộ y phục này. Xin Con tha cho Mẹ nếu chúng có gì khuyết điểm, và cho phép Mẹ mặc vào cho Con”.

Chúa Giêsu không bao giờ cởi bỏ những áo quần ấy. Chúng lớn lên với Chúa và cứ lành lặn y nguyên, không sờn rách, không dây vết, không phai mầu. Chiếc áo Chúa Giêsu sẽ cởi ra sau này lúc rửa chân cho các tông đồ là một áo choàng ngoài cũng có những đặc tính y như áo mặc trong.

Mặc y phục đó rồi, Chúa Hài Nhi đứng lên, toả ra một vẻ đẹp say sưa, rồi một mình bước đi trước niềm hân hoan lớn lao của Mẹ và Thánh Giuse. Mẹ Maria vẫn tiếp tục nuôi sữa Chúa Hài Nhi cho tới khi Chúa được một năm rưỡi. Sau đó, Mẹ dọn cho Chúa chút thức ăn nhẹ, mỗi ngày ba lần, sáng, trưa và tối. Khi đã lớn, Chúa dùng bữa với Mẹ và Thánh Giuse. Chính Chúa làm phép của ăn lúc đầu bữa và cảm ơn sau bữa.

Khi đã biết đi rồi, Chúa rút vào ẩn trong phòng cầu nguyện của Mẹ. Mẹ hỏi xem Chúa có muốn cho Mẹ cầu nguyện với Chúa không, Chúa đáp: “Vâng, thưa Mẹ, Mẹ cứ ở lại với Con để bắt chước tuỳ khả năng của Mẹ. Con muốn rằng tất cả những sự trọn lành Con đem đến cho các linh hồn, đều thể hiện cả nơi Mẹ”. Từ đó, giữa hai Mẹ Con đã trao đổi những mầu nhiệm rất sâu xa, không thể kể lại đây đầy đủ được. Chúa Hài Nhi thường sấp mình xuống đất; có khi nâng mình lên không, hai tay giang thẳng như tay thánh gía. Chúa cũng hay than khóc và nhỏ mồ hôi máu. Lúc ấy, khi lau mặt cho Chúa, Mẹ Maria nhìn thấy trong linh hồn Chúa nguyên nhân gây cho Chúa phải buồn sầu như vậy chính là sự tệ bạc của loài người, và sự vô phúc của những kẻ phải trầm luân. Đôi khi, trái lại, Mẹ thấy Chúa rất sáng láng rực rỡ, có nhiều thiên thần đứng chung quanh hát lên ca tụng Chúa.

Lên sáu tuổi Chúa bắt đầu ra khỏi nhà. Ngài vào những nhà cứu tế. Ở vào cổ thời chưa có những viện cứu tế theo nghĩa đúng. Nhưng từng cá nhân đã tuỳ theo khả năng mà tự nhận việc cứu tế, được pháp luật và thông tục bảo đảm. Ngay từ thế kỷ thứ bảy trước Chúa Giêsu, tiên tri Isaia đã khuyên làm việc này một cách đáng chú ý: “Hãy đón nhận vào nhà các ngươi những người nghèo khó và những người không nhà ở” (Is 58:7). Mãi sau này, chịu ảnh hưởng của đạo Công giáo, người ta mới lập ra các viện cứu tế đúng nghĩa và phục vụ với một nhiệt tâm đáng thán phục để an ủi người nghèo và người bệnh nạn. Rất nhiều người quen biết Chúa. Lời nói khôn ngoan và phong thái uy nghi của Chúa chinh phục được rất nhiều cảm phục và yêu mến, nên từ khắp nơi người ta đều đến chúc mừng Mẹ và Thánh Cả Giuse vì có một người Con quý hoá như vậy. Người ta cũng mang đến tặng Chúa nhiều lễ vật; khi nào thấy là đáng nhận, Chúa nhận để phân chia cho người nghèo. Rất nhiều trẻ em đến với Chúa. Chúa dạy dỗ các em một cách rất hiệu quả, nên tất cả về sau đều trở nên những bậc đại thánh. Khi Chúa về nhà, Mẹ Maria phủ phục vừa hôn chân Chúa, vừa tạ ơn Chúa vì Chúa đã ban cho các em vô tội ấy nhiều ân sủng. Cả khi Chúa sắp ra đi, Mẹ cũng làm như vậy, và Chúa tỏ lòng nhân từ nâng Mẹ dậy. Mẹ cũng không quên xin Chúa ban phép lành cho trước những hành vi ấy.
Càng thêm tuổi phong độ của Chúa càng nghiêm cẩn. Ngay sau khi bỏ khăn lót, Chúa đã không chịu cho Mẹ và Thánh Cả Giuse nâng niu mơn trớn như trẻ con nữa. Dung mạo Chúa in sâu một vẻ uy nghiêm cao cả, đến nỗi sẽ không ai dám nói với Chúa, nếu Chúa không có vẻ dịu hiền tuyệt vời tiết giảm lại. Nơi Chúa, có một hoà hợp lạ lùng giữa khôn ngoan và nhân từ cao cả, làm cho sự cao trọng của Thiên Chúa và sự nhỏ bé của một thiếu nhi không cản trở nhau chút nào.

Mẹ Maria cũng đem hết nhiệt tâm mừng kỷ niệm hằng năm: ngày Chúa Nhập Thể và ngày Chúa Giáng Sinh. Mẹ chuẩn bị mừng lễ bằng một tuần chín ngày. Trong chín ngày đó Mẹ hay phủ phục giang thẳng cánh tay cầu xin Chúa Giêsu cảm ơn Chúa Cha cho Mẹ. Theo lời Mẹ xin, các thiên thần từ trời xuống hợp với các thiên thần hầu cận Mẹ, thành nên một ca đoàn tấu những khúc nhạc thiên quốc để chúc tạ. Nhưng những khúc nhạc đó vẫn thua kém khúc nhạc mà các nhân đức của Mẹ đồng tấu dâng lên.

LỜI MẸ HUẤN DỤ

Hỡi con, mặc dầu Mẹ rất yêu tĩnh tâm im lặng, nhưng khi ở Ai Cập, Mẹ cũng đã làm những việc thương xót để hoà hợp với ý chí bác ái của Con Mẹ, Đấng đã đặt tất cả quyền năng của Ngài vào tay Mẹ. Theo gương Mẹ, con hãy làm việc để giúp ích và cứu độ tha nhân. Tuy nhiên, con đừng chạy theo cơ hội, hãy cứ đợi chờ những cơ hội Chúa gửi đến cho con thôi.

Việc luôn luôn phải làm là hãy cầu nguyện cho hết mọi người; là hãy khóc than vì biết bao linh hồn bị hư mất; là hãy lợi dụng tai hoạ họ mà dạy cho họ biết tránh khỏi những căn cớ gây ra tai hoạ.

Một trong những căn cớ đó là họ yêu thích của cải trần gian. Cho nên để chữa trị cái đam mê tai hại này, ngay từ thơ ấu, Con chí thánh Mẹ đã thực thi một đức nghèo tuyệt vời. Lòng Ngài yêu thương nhân loại không lấy gì làm khó cả. Ngay từ giây phút đầu tiên cuộc sống con người của Ngài, Ngài đã bắt đầu ôm lấy Thánh giá. Lúc còn là thiếu nhi, Chúa cũng đã thường nằm theo thế Thánh giá và vẫn tiếp tục thế nằm ấy suốt cuộc đời Chúa. Phần Mẹ, Mẹ cũng từng bắt chước Chúa như thế. Mẹ hợp nhất với hết mọi việc cũng như hết mọi lời cầu nguyện Chúa làm và dâng lên thay cho nhân loại, ngay từ hành vi tri ân đầu tiên khi Nhân Tính rất thánh của Chúa nhận ra những ân huệ Cha trên trời ban cho Chúa.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *