Thần Đô Huyền Nhiệm – Trước cửa công đường

Mục Lục

Phần Thứ Hai: CUỘC ĐỜI CÔNG KHAI

 

33. TRƯỚC CỬA CÔNG ĐƯỜNG

Các trưởng tế trói Chúa Giêsu y như trước mà giải Ngài từ dinh Caipha đến dinh trấn thủ Philatô. Thành phố Giêrusalem bấy giờ đầy những người từ khắp nơi trẩy đến dự đại lễ Vượt Qua. Đâu đâu cũng ồn ào nhộn nhịp, đường phố nào cũng nườm nượp người và người. Vô số người tò mò ra xem Chúa Giêsu bị xiềng trói giải nộp. Kẻ la ó: “Giết quách tên bịp đời đó đi!” Người ngơ ngác nhìn nhau mà nói: “Nhưng mà ông ấy có làm gì xấu và dậy điều gì tệ đâu?” Những ai tin Ngài đều đau lòng rơi lệ. Riêng Luxiphe lại càng giận dữ điên cuồng. Chỗ nào cũng nhôn nhao xáo động.

Mặt trời đã mọc lên. Mẹ Maria từ trước vẫn nhìn thấy mọi sự thể trong Linh Hồn Chúa. Bây giờ Mẹ quyết định rời phòng ẩn dật, để đi ra theo Con Mẹ và ở bên Con Mẹ cho đến lúc Ngài trút hơi thở cuối cùng. Khi vừa ra khỏi nhà tiệc ly, Mẹ gặp ngay thánh Gioan. Ông có ý về gặp Mẹ, báo cho Mẹ biết những biến cố thảm thê xảy ra từ đêm vừa rồi. Ông không biết là Mẹ đã nhìn thấy tất cả trong một thị kiến đặc biệt. Ông thú nhận với Mẹ tội đã bỏ Thầy mà chạy trốn khi ở vườn Cây Dầu. Sau khi chào Mẹ, ông khóc lóc xin Mẹ tha thứ. Rồi sau đó, ông mới thuật lại tất cả công việc xảy ra. Mẹ lặng lẽ nghe hết cơ sự y như chưa biết gì, rồi mời ông đi theo Mẹ cùng với những phụ nữ đạo đức vẫn đi với Mẹ. Mẹ nói: “Mau lên, ta đi coi xem Con rất yêu đương của Mẹ phải cứu chuộc loài người và mở cửa thiên đàng cho chúng với giá đắt chừng nào”. Theo lệnh Mẹ, các thiên thần đã đi giạt lối cho Mẹ tới để gặp Chúa Giêsu giữa những đám đông ồn ào lộn xộn. Khi đi qua các phố, Mẹ được nghe thấy tất cả những dư luận về Chúa. Chỉ có rất ít người cảm thông với nỗi nhục nhã Chúa chịu. Rất nhiều người có một giọng điệu mỉa mai: “Thế anh chàng bịp bợm đó để các phép lạ y làm đâu cả rồi?” Chính Mẹ cũng không khỏi bị người ta đàm tiếu. Và nếu có những người quen biết cảm thương Mẹ một cách tự nhiên, lại có rất nhiều người khác phê phán Mẹ một cách không thương hại: “Chà chà! Bà dậy Con khéo chưa! Sao lại để cho Con bà làm xáo động dân chúng kỳ quặc thế?” Song thương hay chê, Mẹ vẫn thản nhiên bình tĩnh với một thái độ đầy đức ái. Mẹ lần lượt cầu nguyện cho cả người phân ưu với Mẹ, cả người chê bai dèm pha Mẹ.

Các thiên thần dẫn Mẹ vượt qua một đám đông rất ô hợp đang lao xao ở một góc phố, Mẹ gặp được Chúa Giêsu. Lập tức Mẹ sấp mình xuống trước mặt Chúa, thờ lạy Chúa với một tâm tình tôn kính vượt trên niềm tôn kính của hết mọi thụ tạo hợp một. Khi Mẹ đứng dậy, hai Mẹ Con nhìn nhau rất thiết tha mà cũng đớn đau khôn tả. Mẹ đi lùi lại sau Chúa Giêsu một chút, rồi vừa đi theo lối Chúa vừa đem tâm hồn đàm đạo với Chúa và với Cha hằng hữu một cách tuyệt vời, không ngôn ngữ loài người nào có thể diễn tả đúng được. Suốt cuộc đời Mẹ, từ đó về sau, Mẹ vẫn giữ nguyên vẹn trong đáy sâu linh hồn hỉnh ảnh Người Con chí ái bị hành hạ, bị trăng trói, bị mất dạng bấy giờ, lúc nào Mẹ cũng thấy hiển hiện trước mắt quang cảnh thảm khốc kinh hoàng ấy.

Sau cùng, Chúa Giêsu tới dinh trấn thủ, theo sau là rất nhiều nhân viên Hội Đồng Cộng Toạ Dothái và bọn dân chúng rất đông đảo gồm đủ mọi tầng lớp nhân dân. Tục lệ Dothái cấm hẳn không cho vào nhà người ngoại giáo trong dịp đại lễ, nên Philatô ra ngoài tiếp họ. Ông hỏi họ: “Người này có tội gì mà các ông phải đem tố cáo đây?” Các trưởng tế trả lời: “Bẩm, tất nhiên y là một tên đại gian đại ác, chúng tôi mới phải phiền lòng đem nộp y cho ngài vào một ngày đại lễ như thế này. Tội y là gây xáo động khắp nước, tự xưng làm vua, cấm nhân dân nộp thuế cho hoàng đế Rôma, và còn tự nhận mình là Con Thiên Chúa”. Nghe nói đến Con Thiên Chúa, Philatô e ngại, vì ông ta rất mê tín, lại rất sợ thần minh. Ông nói lảng: “À! Thế các ông cứ chiếu luật của các ông mà xét xử đi. Trong vụ liên quan đến Chúa của các ông, bản chức chả có quyền gì để xét xử cả”. Các trưởng tế xoay ngay đến vấn đề án tử: “Bẩm không, chúng tôi đâu còn quyền lên án tử ai nữa đâu”.

Lúc ấy, Mẹ Maria được các thiên thần dẫn vào. Mẹ nghe rõ tất cả cuộc thẩm vấn ấy. Che kín mặt dưới một tấm khăn, Mẹ khóc ra lệ máu dưới sức đau đớn mãnh liệt nghiền nát Trái Tim hiền mẫu của Mẹ. Mẹ cầu xin Thiên Chúa ban cho Mẹ ơn đừng phải khuất mặt Người Con đáng tôn thờ của Mẹ cho tới khi Người chịu chết, và cầu cho Philatô được ơn nhìn nhận ra Chúa Giêsu là Đấng vô tội. Nhờ lời cầu nguyện của Mẹ, Philatô đã nhận ra sự thật một cách phân minh. Bởi đó, ông có hảo ý với Chúa Giêsu, mặc dầu ông không tin ở Thần Tính của Ngài. Thấy thế, người Dothái bắt đầu la ó phẫn nộ, và lại nhao nhao lên vu khống Chúa. Họ nhấn mạnh đến lời tố cáo: Ngài là một kẻ lấn quyền. Họ kêu gào: “Nó tự xưng là Kitô, tức là một vị thánh vương”. – Philatô bảo Chúa: “Cho bị cáo lên đối chất” Chúa không hề trả lời gì. Nhà cầm quyền đó đem Chúa vào trong dinh, hỏi riêng Chúa: “Ông mà là vua của người Dothái à?” Hỏi thế, vì Philatô thấy trên thực tế Chúa không thể nào là một ông vua được; nhưng ông muốn biết xem Chúa có tự nhận mình làm vua không. Phúc Âm đã thuật lại câu trả lời rất lạ của Chúa Giêsu. – Philatô ra ngoài dinh, nói với người Dothái: “Bản chức không thấy có lý do nào để lên án phạm nhân đó cả”. Người Dothái ầm ầm kêu lên: “Sao? Không có lý do nào à? Nó giảng đạo để sách động dân chúng khắp nước, mà lại không có lý do nào à? Nó truyền bá giáo thuyết của nó bắt đầu từ xứ Galilê đến đây”.

Nghe nói đến Galilê, Philatô thở phào như trút được gánh nặng. Ông cho chuyển ngay vụ rắc rối này đến cho nhà cầm quyền của xứ đó. Nhà cầm quyền này không ai khác ngoài Hêrôđê. Ông này bấy giờ cũng đang tạm ở Giêrusalem để dự lễ Vượt Qua, vì ông đã gia nhập đạo Dothái để cưới một thiếu nữ Dothái.

Thế là Chúa Giêsu lại bị giải nộp cho Hêrôđê ngay bấy giờ. Ngài vẫn bị xiềng trói y như trước. Nhiều luật sĩ và tư tế đi theo để tố cáo Ngài; bọn lính tráng cầm dây kéo Ngài đi qua các phố đầy ngập những con mắt tò mò. Mẹ Maria cũng đi theo Chúa cùng với đoàn các phụ nữ đạo đức. Các thiên thần lại can thiệp tìm cách cho Mẹ được ở bên Chúa để làm chứng nhân nhìn rõ những sỉ nhục và đánh đập Chúa phải chịu.

Hêrôđê hết sức hoan hỉ tiếp đón Chúa với hi vọng Chúa sẽ làm cho mấy phép lạ coi chơi. Ông ta cũng vẫn cho Chúa chỉ là một tay phù thuỷ. Ông ta hỏi Chúa rất nhiều câu hỏi, nhưng Chúa cứ im lặng, không đáp lại một lời nào. Các luật sĩ và trưởng tế có mặt ở đó lại hết lời vu khống để tố cáo, nhưng Chúa Giêsu vẫn tuyệt đối im lặng. Áp bức cho Chúa trả lời lấy một câu mà không được, nên Hêrôđê giấu kín sự căm tức của mình mà cười nhạo Chúa. Bọn cận thần của ông ta cũng theo đòi gương đó mà nhạo báng Chúa, xử với Chúa như một người điên. Họ mặc cho Chúa một áo trắng dài, là áo mà người Dothái đương thời vẫn mặc cho người điên, để người ta thấy mà xa tránh. Nhưng trong dự liệu của Chúa Quan Phòng, áo đó đối với Chúa Giêsu, lại là biểu hiệu sự vô tội hoàn toàn của Ngài.

Bọn trưởng tế cứ để nguyên Chúa như vậy mà giải Ngài trở về dinh trấn thủ Philatô, giữa những lớp sóng dân chúng còn náo động ồn ào hơn nữa. Những người trước kia đã kính Chúa như Đấng Cứu Thế, bây giờ quay lại lăng mạ Chúa, để rút lại những niềm tôn kính trước. Thật, người làm thủ lãnh mà lầm lạc và làm gương xấu gây tai hại cho dân chúng biết chừng nào! Giữa đám ồn ào và nhục nhã đó, Chúa Giêsu lặp đi lặp lại trong tâm hồn Ngài, với một tình yêu mến, một sự khiêm nhượng và một đức nhẫn nại khôn tả, những lời trước kia Thánh Vương Đavít đã thốt lên: “Tôi là con sâu bọ chứ không phải là người nữa; phàm nhân đã nhục mạ và ruồng bỏ tôi”.

Mẹ Maria rất đau khổ không theo Chúa Giêsu vào phòng xử của Hêrôđê. Nhưng qua một thị kiến bên trong, Mẹ đã thấy tất cả những gì xảy ra trong đó. Khi Chúa ra khỏi điện Hêrôđê, hai Mẹ Con lại gặp nhau và nhìn nhau với một nỗi đau đớn buốt nhói, và một niềm cảm thông thắm thiết vô chừng. Mẹ thờ lạy Chúa Giêsu dưới cái áo trắng dài mầu nhiệm mà Mẹ hiểu rõ ý nghĩa tượng trưng, rồi đi theo Chúa về dinh Philatô. Dân chúng xô đẩy nhau, hối thúc nhau ào ào, làm Chúa ngã xuống đất nhiều lần. Bọn lính bất nhân cầm dây trói giật mạnh cách hung tàn, nên Máu từ thân thể Chúa bắn ra. Chúa không đứng dậy dễ dàng được, vì hai tay bị ghì chặt vào thân thể. Những người theo sau vấp vào Chúa, giẵm lên Chúa mà đi, đạp thêm cho Chúa nhiều đạp, giữa những tiếng cười hô hố man rợ của bọn quân lính. Bọn này bị quỷ thúc đẩy, nên hầu như không còn chút nhân tính nào.

Trước cảnh tượng hung bạo tàn tệ như vậy, Mẹ Maria càng thêm đau khổ thống thiết hơn. Mẹ ra lệnh cho các thiên thần thu lấy Máu Chúa Giêsu chảy ra trên đường phố, để người ta khỏi tục hoá Máu Thánh ấy. Các thiên thần cũng được lệnh Mẹ đến xin Chúa, nếu Chúa bằng lòng, đừng chịu cho người ta giày đạp lên Thân Thể thánh hảo của Ngài như vậy nữa. Để nài Chúa phải ưng thuận, Mẹ nhờ các thiên thần đến xin Chúa hãy vâng lời Mẹ, thay vào chỗ sự nhục nhã Chúa chịu. Thực ra, Chúa cũng đã biết trước cả rồi, nhưng Ngài cứ để cho Mẹ xin như vậy, để khỏi cản trở những toan tính khôn ngoan tự nhiên của Mẹ.

Thánh Gioan, ba bà Maria và một số các tín hữu bấy giờ cũng âu sầu khóc lóc thảm thiết, nhất là bà Maria Mađalêna, là một người có nhiệt tâm hơn hết trong đám các bà ấy.

Phía Philatô, thấy Hêrôđê không xử Chúa mà lại trao trả lại cho mình, ông ta phân vân về sự vô tội của Chúa và mối căm hờn của người Dothái đối với Chúa, nên ông đâm ra bối rối. Ông bí mật cho gọi nhiều viên quan chức và thân hữu của các vị thượng tế vào, bàn với họ sẽ trả tự do cho Chúa sau khi đã sửa phạt Ngài qua loa, theo tục lệ Dothái là tha một tội phạm nặng án vào dịp lễ Vượt Qua để kỷ niệm việc họ thoát cảnh nô lệ Aicập; ông đề nghị với họ đừng tha cho tên Baraba. Nói thế, vì trước đó, ông đã nói với họ là ông muốn giam tên đại phạm này lại, mà tha cho Chúa Giêsu. Nhưng cuộc mật đàm đó không kết quả.

Trong lúc đó, phu nhân của Philatô là Prôcula sai người đến nói với ông ta rằng: xin chớ lên án người công chính đó, vì bà ta đã phải khổ nhiều vì Ngài trong một giấc mộng. Sở dĩ có sự can thiệp này là vì Luxiphe không bao giờ muốn Chúa Giêsu chịu chết để chuộc tội cho loài người. Chính y cũng dự vào việc Philatô cản ngăn người Dothái giết Chúa. Cho nên y gieo một giấc mộng dữ vào tưởng tượng bà vợ của ông, xúi bảy bà can thiệp với chồng đừng lên án Chúa. Philatô rất do dự. Nhưng rốt cuộc, những tiếng hô hoán ầm ầm đả đảo Chúa đã thắng tính nhu nhược và hèn nhát của ông. Tuy nhiên, ông vẫn đưa ra một đề nghị bất công là cho đánh đòn Chúa dù Người vô tội rồi sẽ tha ra. Ông nói với người Dothái: “Bản chức sẽ cho đánh đòn người này, rồi tha về”. Người Dothái bị bọn huynh trưởng sách động, ầm ầm hô lên: “Đả đảo Giêsu Naxarét! Đem căng sống nó lên thập giá”.

Mẹ là hình ảnh sống động của Con Mẹ, nên cũng như Con Mẹ, Mẹ nghe tất cả những tiếng gào thét man rợ đó một cách bình thản và nhẫn nhục vô địch, mặc dầu những tiếng đó xuyên thủng Trái Tim Mẹ. Mẹ cư xử rất thánh thiện, ồn ào đến đâu cũng không làm Mẹ đãng trí trầm tư, buồn thảm đến đâu cũng không làm Mẹ giảm bớt nhiệt tâm, và đau khổ đến đâu cũng không làm Mẹ suy sút đức ái. Đức ái này, lúc đó, Mẹ đã thể hiện tới một mức độ tuyệt vời, để nài xin Thiên Chúa nhân từ tha thứ tất cả những tội quái ác ấy.

LỜI MẸ HUẤN DỤ

Hỡi con, loài người thật đáng trách vì không đem lòng tôn kính khiêm nhượng mà suy niệm những việc Con chí thánh Mẹ đã làm, và những mầu nhiệm chứa ẩn trong đó, để làm phương dược cứu rỗi mọi người. Họ rất ngạc nhiên vì Con Mẹ đã vui lòng chịu cho những vị quan toà bất công xét xử như một kẻ gian ác, một kẻ điên dại. Đúng ra họ phải tôn kính lòng nhân từ của Ngài mới phải. Lòng nhân từ ấy đã không hề chối bỏ một thù địch nào của Ngài mà không ban ơn cho họ, để họ làm điều lành. Lòng nhân từ ấy đã để lại cho mọi kẻ phàm nhân một gương sáng không thể chối cãi về sự hoàn toàn diệt bỏ tính kiêu ngạo từng ăn rễ trong tâm hồn họ. Ai ai cũng đi tìm danh vọng, vinh hoa, ca tụng và ăn trên ngồi trước. Ai ai cũng bào chữa tội mình, khoe bày đức tính mình, tự gán cho mình danh này chức nọ, y như là không phải Thiên Chúa ban cho. Nói chung, mọi người đều bị nhiễm nọc độc ghê gớm của rắn già. Nó càng gieo rộng sự căm giận của nó, người ta càng khát uống nọc độc ấy. Chính vì để trị liệu tai ách đó mà Con Chí Thánh Mẹ, với tư cách một lương y nhân ái của các linh hồn, đã không muốn tự biện hộ, tự minh oan và làm bẽ mặt bọn người thù nghịch Ngài.

Về đảng Biệt phái và các tư tế, con ngạc nhiên vì họ tỏ ra hung hãn hơn Philatô và Hêrôđê ư? Thế con không biết rằng càng trèo cao càng ngã đau, càng lớn chức càng té sâu, càng to quyền càng nguy hiểm hay sao? Mang chức thánh vào mà phạm tội, cái tội đó không thể tu sửa, hay ít nhất, thật là khó tu sửa. Về phía loài người, căn cớ cái khó đó, là tại vì họ xấu hổ và rầu rĩ thái quá, nên sinh ra một thất vọng não nề, và về phía Thiên Chúa, trên cán cân công bằng của Ngài, Ngài căn cứ vào bậc sống hay phẩm chức của những ai buộc phải phụng sự Ngài hơn, mà cân tội phúc của họ. Mặc dầu xét về chất thể, tội lỗi có bằng nhau đấy, nhưng xét về hoàn cảnh rất khác nhau. Những người đã được gọi lên các chức thánh, hoặc được nhiều ân sủng hơn, sẽ đáng tội hơn những người khác, nếu họ phạm tội; và có thể chỉ phạm ít tội mà cũng bị loại bỏ và phải phạt, vì phẩm tội đã bù vào lượng tội rồi.

Cho nên, hỡi con, con hãy thận trọng. Nếu Thiên Chúa đãi ngộ con cách nhân từ nhường ấy, Ngài cũng chẳng đảm bảo cho con khỏi sa ngã, mà cũng chẳng cho phép con thiếu kính sợ Ngài đâu. Ngài càng ban cho con nhiều ân huệ, con càng phải tỉnh thức.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *