Giáo hội Công giáo tại Canada trước ngưỡng cửa chuyến viếng thăm của ĐTC

Chúa Nhật ngày 24/7/2022, Đức Thánh Cha sẽ lên đường bắt đầu chuyến viếng thăm kéo dài 6 ngày tại Canada. Đức Thánh Cha đến Canada để gặp gỡ Giáo hội tại nước này và đặc biệt muốn gặp gỡ và đẩy mạnh tiến trình hoà giải giữa các cộng đoàn Người Bản địa Canada và Giáo hội Công giáo.

Giáo hội Công giáo tại Canada trước ngưỡng cửa chuyến viếng thăm của ĐTC

Đây là chuyến viếng thăm thứ 37 của Đức Thánh Cha tại nước ngoài kể từ khi ngài kế vị Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI vào tháng 3/2013. Khẩu hiệu của chuyến viếng thăm Canada là “Bước đi cùng nhau”.

Giáo hội Canada

Tại quốc gia có diện tích gần 10 triệu km2, rộng thứ hai trên thế giới, sau nước Nga, với dân số hơn 38 triệu người, Giáo hội Canada hiện có 71 giáo phận và các cơ cấu tương đương, với 3.881 giáo xứ, 557 trung tâm mục vụ, 134 giám mục, 6.222 linh mục, trong đó có 4.117 linh mục triều và 2.105 linh mục dòng, 1.217 phó tế vĩnh viễn, 1.032 nam tu sĩ, 9.620 nữ tu và 313 thành viên các tu hội đời. Bên cạnh đó Giáo hội có 99 thừa sai giáo dân, hơn 18 ngàn giáo lý viên, 352 đại chủng sinh. Giáo hội điều hành 2.675 trung tâm giáo dục, với hơn 820 ngàn học sinh, và 435 trung tâm bác ái và xã hội.

Đức tin Công giáo được truyền đến Canada sau khi người châu Âu khám phá ra những vùng lãnh thổ này vào thế kỷ 16. Vào ngày 7 tháng 7 năm 1534, một linh mục người Pháp đi cùng với nhà thám hiểm Jacques Cartier đã cử hành Thánh lễ đầu tiên trên các bãi biển của bán đảo Gaspé, thuộc nước Pháp lúc bấy giờ. Quá trình thực dân hóa bắt đầu với việc thành lập thành phố Québec vào năm 1608 và Ville Marie, nay là Montréal, vào năm 1642. Nhiều dòng tu Pháp đã gửi các tu sĩ nam nữ đến những nơi này, bắt đầu công việc truyền giáo giữa các dân tộc bản địa.

Cuộc chinh phục Canada của người Anh vào giữa thế kỷ thứ 18 đánh dấu một giai đoạn khó khăn đối với Giáo hội Công giáo. Tuy nhiên, sau những khó khăn ban đầu, con đường hướng tới sự chung sống dân sự diễn ra nhanh chóng và khi các quyền của người Công giáo được công nhận ở Anh, vào nửa đầu thế kỷ 19, Công giáo đã có thể tự do truyền bá trong các vùng lãnh thổ nói tiếng Anh. Năm 1841, Đạo luật Liên minh đã công nhận đầy đủ về mặt pháp lý cho Giáo hội ở Canada.

Các Giáo hội Nghi lễ Đông phương cũng đã đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của Giáo hội Công giáo ở Canada, đặc biệt là ở phía tây của đất nước, nơi đã có nhiều cuộc di cư từ Đông Âu, đặc biệt là từ Ucraina. Ngày nay Giáo hội Ucraina là Giáo hội Đông phương lớn nhất ở Canada. Các cộng đồng nghi lễ Đông phương khác là Slovak, Armenia, Hy Lạp-Melkite, Maronite, Can-đê và Syro-Malabar và Syro-Malankara.

Những thách đố và những vấn đề

Nằm trong bối cảnh đa tôn giáo và đa sắc tộc, Giáo hội Công giáo Canada là tôn giáo lớn nhất tại nước này. Tín hữu Công giáo chiếm 44% dân số, kế đến là Tin lành thuộc các hệ phái khác nhau (gần 1/3 dân số). Ngoài ra còn có nhiều tôn giáo thiểu số khác nhau, bao gồm Hồi giáo (3%), Do Thái giáo (1%), Phật giáo (1%) và Ấn giáo (1%).

Thách đố của việc tục hoá

Trên thực tế, từ những năm 1960, các tín hữu đã dần dần xa rời Giáo hội, và có sự suy giảm các ơn gọi, đặc biệt là ở Ontario và trong cái nôi của Công giáo Canada: Québec. Giáo hội ở tỉnh này ngày nay đã mất vai trò của một trung tâm ảnh hưởng tôn giáo và văn hóa mà nó từng có cho đến vài thập kỷ trước. Một dấu hiệu cho thấy điều này là sự phát triển của hệ thống trường học, hệ thống ngày càng mang tính cách thế tục và các lựa chọn chính trị khác trái ngược với học thuyết Công giáo.

Trên thực tế, Canada ngày nay có lẽ là nước ‘cấp tiến’ nhất trong số các xã hội phương Tây trong việc thử nghiệm các hình thức xã hội, văn hóa và luật pháp mới: Hỗ trợ sinh sản, nhân bản con người, tình trạng của gia đình và hôn nhân, an tử và trợ tử. Giáo hội đã lên tiếng nhiều lần và mạnh mẽ, đặc biệt thông qua Tổ chức vì gia đình và sự sống (Ocvf), về những vấn đề là trung tâm của cuộc tranh luận chính trị trong hai thập kỷ qua ở đất nước. Sự dấn thân của Giáo hội trên bình diện bảo vệ sự sống, từ khi thụ thai cho đến khi chết tự nhiên, được liên kết với việc ủng hộ gia đình tự nhiên được thiết lập trên sự kết hợp giữa người nam và người nữ. Giáo hội cũng phản đối hôn nhân đồng tính.

Dấn thân vì hòa bình, môi trường và nhân quyền

Giáo hội ở Canada cũng luôn hiện diện trong các vấn đề quan trọng khác như hòa bình thế giới, giải trừ quân bị, phát triển bền vững, môi trường, công bằng xã hội, bảo vệ quyền của người dân bản địa Canada, người nhập cư và người tị nạn và tất cả những người bị loại trừ khỏi xã hội phúc lợi. Sự dấn thân này được thực hiện thông qua Ủy ban Công lý và Hòa bình của Hội đồng Giám mục cùng với Ủy ban Thường trực về Phát triển và Hòa bình.

Kể từ năm 2010, cơ quan thứ hai này đã hoạt động như một giao diện giữa Hội đồng Giám mục Canada và tổ chức Công giáo Canada, với mục tiêu kép là cung cấp viện trợ cho sự phát triển của miền nam bán cầu, cho những người tị nạn và nạn nhân của chiến tranh và thiên tai, cũng như để nâng cao nhận thức của những người Công giáo Canada về những vấn đề này. Giáo hội cũng dấn thân không kém kiên quyết trong việc bảo vệ nhân quyền: các giám mục đã rất nhiều lần than phiền cũng như đưa ra vô số lời kêu gọi để Canada nghe tiếng nói của các Kitô hữu bị bách hại và của tất cả các nạn nhân của cuộc đàn áp, chiến tranh và bạo lực trên thế giới.

Giáo hội Canada cũng chia sẻ mối quan tâm ngày càng tăng của xã hội dân sự đối với môi trường. Để giúp các tín hữu suy tư và góp phần xây dựng một nền văn hóa môi trường mới, vào năm 2013, Ủy ban Công lý và Hòa bình đã cung cấp cho các giáo phận và giáo xứ một bản tóm tắt nhỏ gồm tám chủ đề chính được đề cập trong giáo huấn gần đây nhất của Giáo hội về môi trường: sự sáng tạo theo hình ảnh của Thiên Chúa; trật tự nội tại của sự sáng tạo; mối quan hệ giữa “sinh thái nhân văn” và “sinh thái môi trường”; trách nhiệm của con người đối với thụ tạo; vài trò đạo đức của môi trường; tinh thần liên đới; Đấng Sáng tạo và linh đạo và những phản ứng cần thiết cho các vấn đề môi trường ngày nay.

Được công bố trước thông điệp Laudato si’ của Đức Thánh Cha Phanxicô, về việc chăm sóc ngôi nhà chung, tài liệu này có kèm theo một số trích dẫn quan trọng trích từ các thông điệp, bài phát biểu, bài giảng và thông điệp của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II và Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI. Vẫn trong bối cảnh bảo vệ môi trường và nhân quyền, các giám mục Canada đã nhiều lần can thiệp vào vấn đề khai thác mỏ tại các nước ở miền nam bán cầu (trong đó nhiều công ty Canada cũng tham gia), tố cáo những thiệt hại và bất công đối với môi trường và khẳng định rằng hoạt động kinh tế phải luôn được thực hiện với sự tôn trọng quyền con người và môi trường.

Mối quan tâm đối với các Dân tộc đầu tiên

Về mặt đối nội, Giáo hội Canada trong nhiều năm đã giải quyết mối quan tâm mục vụ đặc biệt đối với các dân tộc bản địa (các Dân tộc Đầu tiên, Inuit và Métis), những người vẫn đang phải trả giá cho hậu quả của sự thực dân của châu Âu ngày nay. Nếu trong lịch sử truyền giáo của những dân tộc này, có rất nhiều ví dụ về các nhà truyền giáo và giám mục dấn thân bảo vệ quyền của người Mỹ gốc bản địa, thì một phần của Giáo hội chịu trách nhiệm về những đau khổ do những thực dân châu Âu gây ra. Các trách nhiệm được các giám mục thừa nhận; các ngài đã ký Tuyên bố Liên Hiệp quốc năm 2007 về quyền của người bản xứ, đặc biệt có tham chiếu đến quyền tự do tôn giáo.

Đặc biệt đau đớn là bi kịch của các trường nội trú dành cho người bản địa; trong một thế kỷ, những nơi này đã tiếp nhận hơn 150.000 trẻ em bản địa bị buộc rời khỏi gia đình để được giáo dục theo văn hóa châu Âu, như một phần của chính sách đồng hóa do chính phủ Canada thực hiện. Sau sự phản đối kịch liệt vào mùa hè năm 2021, xuất phát từ việc phát hiện hài cốt của một số trẻ em bản địa trong khuôn viên của một số trường nội trú Công giáo trước đây, Hội đồng Giám mục chính thức cầu xin sự tha thứ cho tội ác đã gây ra và cam kết cộng tác với các nhà lãnh đạo của Các Dân tộc đầu tiên để xác định sự thật, cũng như tài trợ cho các con đường hàn gắn và hòa giải. Trong bối cảnh này, một phái đoàn gồm các nạn nhân, các giám mục và các nhà lãnh đạo bản xứ được dự kiến thăm Vatican ​​vào tháng 12 năm 2021 để gặp Đức Thánh Cha, nhưng sau đó bị hoãn lại do Covid. Đến đầu năm 2022 họ đã được Đức Thánh Cha gặp tại Vatican.

Giáo hội Công giáo Canada từ lâu đã tích cực ủng hộ các Dân tộc Đầu tiên trong việc công nhận các quyền của họ (bắt đầu từ quyền của họ đối với đất đai và tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước) thông qua một hoạt động mạnh mẽ là tố cáo, giáo dục và gây nhận thức của dư luận. Thêm vào tất cả những điều này, là nhiều chương trình được xúc tiến với sự phối hợp với Hội đồng các Dân tộc Đầu tiên (ANP) để cải thiện điều kiện của người dân bản địa.

Đối thoại với các Giáo hội và các hệ phái tôn giáo khác

Trong lĩnh vực này cũng như trong các lĩnh vực khác, Giáo hội Công giáo cộng tác chặt chẽ với các cộng đồng Kitô giáo khác, thông qua Hội đồng các Giáo hội Canada, tổ chức mà Giáo hội Canada đã trở thành thành viên thường trực vào năm 1997, và cả với các hệ phái tôn giáo khác có mặt ở Canada. Sự hợp tác và liên đới với các cộng đồng tôn giáo khác là một trong những thành quả rõ ràng nhất của cam kết thúc đẩy đối thoại đại kết và liên tôn của Giáo hội Canada, được khởi xướng trong thời gian Công đồng Vatican II, với sự tham gia vào đối thoại thần học Chính thống-Công giáo Bắc Mỹ vào năm 1965, và tiếp tục với sự ra đời của một Ủy ban Anh giáo-Công giáo vào năm 1971, với cuộc đối thoại với Giáo hội Thống nhất vào năm 1974, cho đến cuộc đối thoại với các giám mục Chính thống Canada vào năm 2001, cũng như với Nhóm Làm việc Do Thái-Kitô giáo đã hoạt động từ năm 1977.

Hồng Thủy – Vatican News

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *