Không mất tiền mua

Đêm về khuya, làng quê đã chìm vào giấc ngủ êm đềm, chỉ còn những cơn gió lang thang vờn quanh bụi tre, đang lay động mấy vòm lá kêu xào xạc. Thi thoảng, mấy chú đom đóm nhấp nháy rồi lao vút vào bụi rậm, mất hút như ánh sao băng trong đêm huyền ảo. Hưng ngồi lặng lẽ bên hiên, điếu thuốc rực đỏ trên môi không ngừng, cái gạt tàn bên cạnh đã ngổn ngang những đầu lọc. Hưng cũng chẳng hiểu vì sao hôm nay mình hút được thuốc lá và hút nhiều đến như vậy, vì Hưng vốn không phải là người biết hút, vậy mà hôm nay buồn quá, Hưng tìm đến nó như một phương thuốc nhiệm màu. Trong phòng, Diệu cũng thao thức không sao chợp mắt, chốc chốc lại ngó ra ngoài hiên, ruột rối như tơ vò, lo lắng khi thấy chồng cứ dụi hết điếu thuốc này lại rút đến điếu kia. Nhưng thôi kệ, hắn đã dám chê mình là… gắt như mắm tôm, thì cứ để hắn gặm nhấm cái… ngọt ngào của hắn.

Hưng và Diệu yêu nhau mấy năm, bạn bè cứ chọc ghẹo: “ Hai đứa hiểu nhau đến từng chân tơ kẽ tóc, cưới nhau về chẳng phải nói nhiều, cứ nhìn nhau là hiểu ai muốn nói gì rồi”. Vậy mà, cưới nhau mới được mấy tháng, lại vẫn đang là vợ chồng son, thế mà cả hai đã khắc khẩu không ít lần và lần nào Hưng cũng chủ động làm lành trước. Hai cô em gái đã mấy lần nói xa nói gần: “ Anh cứ lún mãi, chị ấy càng trèo đầu cưỡi cổ”, Hưng trấn an các em, vì sợ sảy ra cảnh “ Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng”. Gần tháng nay, sức khỏe của ông bà nội có phần giảm sút, vì thế, bố mẹ Hưng đã đón ông bà về ở cùng để tiện bề phụng dưỡng. Bố mẹ cho vợ chồng Hưng ra ở riêng tại nhà ông bà nội, để sớm tự lập và trông coi nhà cửa luôn. Tưởng ra ở riêng chỉ có hai vợ chồng thì cuộc sống sẽ tự do hơn, hai vợ chồng có nhiều không gian và thời gian dành cho nhau hơn, sẽ bớt đi những gắt gỏng thường ngày. Thế nhưng, càng tự do, Hưng và Diệu không những chẳng bớt khắc khẩu, mà trái lại, có lúc còn… ác khẩu.

Chiều nay, Hưng mời mấy cậu bạn tới nhà mình để lai rai chút đỉnh sau một ngày mưu sinh, vả lại, từ ngày ra ở riêng đến giờ, vẫn chưa có dịp mời bạn bè ghé chơi, biết vợ đi làm ca phải lát nữa mới về, nên Hưng ghé quán mua chút đồ nguội về để đỡ nấu nướng. Cả nhóm đang hồ hởi zô…zô… thì Diệu đi làm về, mấy cậu bạn nhanh nhảu: “Lâu lắm rồi anh em không ngồi cùng nhau, hôm nay bọn anh làm phiền nhà em chút nhé, em vào tắm rửa cho mát rồi ra đây ngồi với bọn anh cho vui”. Diệu với cái mặt… “ong đốt” sưng vù, vừa quăng cái túi lên giường vừa nhấm nhẳng: “ Thôi! Các anh cứ tự nhiên, em còn nhiều việc phải làm, đâu có được rảnh”, nói rồi bỏ vào phòng trong. Hưng thấy nóng mặt và ngượng vì thái độ của vợ, vừa đứng lên thì đám bạn đã kéo ngồi xuống, vỗ vỗ vào lưng như đồng cảm, lát sau mọi người lặng lẽ ra về vì… hết phim.

Khi bạn bè đã ra khỏi cổng, Hưng gõ cửa phòng mấy lần mà Diệu không mở, Hưng bực dọc cầm cái ghế liệng vào cửa phòng đánh rầm, cửa bật tung. Hưng lao vào kéo Diệu đang nằm trên giường ngồi dậy và gằn giọng: “Giầu vì bạn, sang vì vợ, vậy mà cô làm tôi mất mặt với bạn bè, tại sao lúc nào cô cũng gắt như mắm tôm vậy? Lúc nãy mấy đứa bạn mà không ngăn, tôi đã lấy bát vôi trát vào cái mặt  ong đốt của cô rồi, bạn bè lâu lâu mới đến chơi, vậy mà cái bản mặt của cô cứ sưng sỉa, đúng là mặt như mặt trận”. Diệu gào lên: “Anh nói thế mà nghe được à, tôi không ngờ anh mà cũng thốt ra những lời như vậy, thật đúng là…là vũ mồm”. Hưng cười cay đắng: “Cô không biết tôi vũ được những câu như vậy là nhờ ai sao? Để tôi nói cho cô biết nhé, là nhờ cô đấy, vợ của tôi ạ!”.. Hai người cứ thế, mồm năm miệng mười, nói qua nói lại chẳng ai chịu ai, cho đến khi Hưng vừa bước ra khỏi phòng vừa phán một câu xanh rờn: “ Không ở được với nhau thì chia tay, tôi chịu hết nổi rồi”. Nói xong, Hưng bỏ ra quán mua bao thuốc lá, rồi trở về ngồi bên hiên cho đến giờ này, còn Diệu, khóc chán chê rồi vừa thầm trách mình và trách chồng, lại vừa giận vừa thương khi thấy những làn khói thuốc như sương mù lãng đãng bao phủ mặt chồng.

Đêm dài đằng đẵng, thời gian như ngừng trôi, trằn trọc mãi mỏi mệt, rồi Diệu cũng thiếp đi lúc nào không hay, tiếng thạch sùng tặc lưỡi trên tường làm Diệu tỉnh giấc, theo thói quen, Diệu đưa tay sang bên tìm hơi ấm, nhưng bên cạnh chỉ là khoảng trống lạnh lẽo. Giật mình, Diệu bật dậy thảng thốt, sau vài phút định thần, nhớ lại chuyện ban chiều, Diệu buông tiếng thở dài và vội bước ra hiên. Hưng vẫn ngồi đó, dựa lưng vào cây cột, tay còn cặp điếu thuốc đang cháy dở, đưa mắt ngắm vầng trăng treo lơ lửng trên rặng tre đầu ngõ. Diệu chợt nghe thắt lòng, liệu chồng có đang liên tưởng về câu thơ: “Vầng trăng ai xẻ làm đôi, nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường”. Hai từ “dặm trường” giờ thay bằng “bên thềm” thì thật đúng với hoàn cảnh hiện tại.

Diệu ngồi xuống bên cạnh, nhẹ gỡ điếu thuốc trên tay chồng bỏ vào gạt tàn. Hưng quay lại giọng như gió thoảng: “ Em! Trăng đêm nay sao buồn và lạnh lẽo quá”, Diệu ngả đầu vào vai chồng: “ Chắc nó mỏi mệt vì bị sẻ đôi mà vẫn phải giãi sáng để làm vừa lòng hai kẻ ngu ngốc. Anh! Chúng ta đâu có phải mất tiền để mua những lời nói làm vừa lòng nhau, vậy mà…”. Diệu bỏ lửng câu nói, Hưng dìu vợ trở vào phòng, đêm trôi nhanh trong hạnh phúc dâng trào.

Mùa trăng lại đến trên làng quê yêu dấu, Tin Tin ( tên ở nhà của bé Phúc Thịnh) vừa bắt mẹ dìu từng bước quanh sân, vừa níu tay bố chỉ lên ông trăng tròn vành vạnh, miệng bi bô như muốn bảo bố lấy xuống cho con. Hưng nhìn vợ rồi nựng con: “Bố chỉ có một nửa ông trăng thôi, còn nửa kia là của mẹ, con phải nhờ cả mẹ cùng chung tay với bố để lấy trăng cho con, kẻo mẹ giận, mẹ xẻ ông trăng làm đôi, bấy giờ chỉ còn lại vầng trăng khóc mà thôi”. Tiếng cười vang lên trong đêm thanh bình, dưới ánh trăng tròn đầy hạnh phúc.

Mờ – inh

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *