Xuân về nghĩ đến thời gian

 

Mỗi dịp tết đến xuân về, thì chúng ta mỗi người lại được cộng thêm một tuổi, như vậy cột mốc để tính tuổi đời là cái Tết hay là bắt đầu của một Mùa Xuân mới; như lời bài hát:  Mừng tuổi Mẹ của nhạc sỹ Trần Long Ẩn.

“ Mỗi Mùa Xuân sang Mẹ tôi lại thêm một tuổi,

Mỗi Mùa Xuân sang, ngày tôi xa Mẹ càng gần…”

Và đồng thời cũng trong thời điểm Xuân mới này, người ta thường hay chúc cho nhau những lời chúc tốt đẹp, mà một trong những lời chúc đó là: “Sống thọ”,“Sống lâu trăm tuổi”:

“ Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau.

Chúc nhau trăm tuổi, bạc đầu râu.

Phen này ông quyết đi buôn cối.

Thiên hạ bao nhiêu đứa giã trầu…”

(Thơ: Năm mới chúc nhau. Trần Tế Xương )

Lời chúc này phù hợp với nguyện vọng của mọi người. Thật vậy. Sống thọ, sống lâu là điều mơ ước của tất cả chúng ta, khi nói đến sống thọ là  đồng nghĩa với thời gian người ta tồn tại hay hiện diện trên dương gian được lâu dài, (theo dân gian, trên sáu mươi tuổi là được coi như đã sống thọ).

Đơn vị đo thời gian bắt đầu thường là giây, sáu mươi giây là một phút, sáu mươi phút thì được một giờ, hay còn gọi là một tiếng, hai mươi bốn giờ thì được một ngày và ba trăm sáu mươi lăm ngày thì được một năm! (phải thêm sáu giờ nữa mới chính xác). Người ta đưa ra thời khoá biểu cho một ngày sống hoàn hảo như sau: 08 giờ để làm việc, 08 giờ để ngủ và 08 giờ còn lại cho những việc ăn uống, giải trí, nghỉ ngơi và các sinh hoạt khác…(riêng ngày Chúa Nhật được nghỉ ngơi hoàn toàn)

Ý niệm về thời gian của mỗi người có khác nhau, đối với những người có tâm trạng buồn chán hoặc sống không mục đích, không lý tưởng thì họ thường cảm thấy thời gian trôi qua rất chậm. Vì vậy họ muốn cho thời gian qua mau nên thường “giết thời gian” bằng việc đi tìm những trò tiêu khiển không lành mạnh như; rượu chè, bài bạc, hút sách…(nhàn cư vi bất thiện). Có thể vì thế  nên mới có một ca khúc mang tên: “Xin thời gian qua mau”. (Ns. Lam Phương) Ngược lại, có những người say mê công việc thì thời gian lại trôi qua rất nhanh, đến nỗi nhiều khi họ lại phải “chạy đua” với thời gian để hoàn thành được công việc.

Lại có không ít người lại sống trong hoài niệm, họ nuối tiếc, muốn níu kéo thời đã trôi qua, họ ước mơ được sống lại những tháng ngày vui vẻ đã qua, bởi thế cho nên mới có một nhạc phẩm mang tựa đề: “Xin trả lại thời gian”. (Ns. Thanh Sơn ).

Nhưng dẫu có xin cho thời gian qua mau hay muốn  được trả lại, thì thời gian vẫn cứ lặng lẽ bình thản trôi đi, một ngày như mọi ngày cũng với hai mươi bốn giờ đồng hồ. Và một khi thời gian đã trôi qua rồi thì nó sẽ chẳng bao giờ trở lại nữa!

Thiên Chúa làm Chủ thời gian. Ngài là Đấng công chính và công tâm sẽ giữ gìn thời gian cho mỗi người, hay nói cách khác Ngài sẽ quản lý ngày mai cho chúng ta. Còn về phần chúng ta việc sử dụng thời gian như thế nào là tuỳ thuộc vào mình. Nói tóm lại, thời gian là của Chúa. Và Ngài muốn ban cho mỗi người thời gian tuổi đời dài ngắn, bao nhiêu thì tuỳ theo ý định của Ngài. Thời gian mà Chúa ban tặng cho mỗi người, cũng có thể ví như những yến bạc trong dụ ngôn: “Ông Chủ đi xa giao cho các đầy tớ, kẻ thì năm yến bạc, người thì hai yến và kẻ sau cùng một yến với mong muốn là họ sẽ làm sinh lợi thêm ra, để đến khi Ông trở về sẽ thu hoạch lại”(x.Mt 25, 14-30). Sau đó, người sinh lợi được năm yến cũng như hai yến đều được khen thưởng. (còn người không làm sinh lợi thì bị trừng phạt). Do vậy, có thể nói giá trị của cuộc đời chúng ta không hệ tại vào thời gian sống lâu dài ở trên đời, mà tùy thuộc vào cách thức sử dụng thời gian để làm việc sinh lời ra như những yến bạc trong dụ ngôn.

Thánh sử Luca viết về đời sống của Đức Giê-su tại Nazareth như sau: “Còn Đức Giê-su càng thêm tuổi càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa và người ta. (Lc 2, 52).

Noi theo đời sống và Lời dạy của Đức Giê-su nhiều người đã trở nên Thánh. Và khi đọc tiểu sử của các Ngài, đặc biệt là những vị thánh trẻ, tuy rằng thời gian sống trên trần gian chẳng được là bao, song công trạng của các Ngài thì khiến chúng ta phải thán phục, ngưỡng mộ và noi gương; Như thánh nữ Maria Goretty (1890-1902). Thánh Đaminh Saviô (1842-1857). Thánh Têrêsa Hài Đồng Giê-su (1873-1897) và gần đây có chân phước Carlo Acutis (1991-2006). Vị Chân phước này có câu nói để đời: “Tôi hạnh phúc được chết vì tôi đã sống mà không lãng phí một phút nào cho những việc không đẹp lòng Chúa”.

Lạy Chúa, xin dạy cho chúng con biết tính sổ ngày đời của chúng con, ngõ hầu chúng con đem được khôn ngoan vào lòng”.(Tv 90, 12). Trước thềm năm mới: khi mọi người cùng nhau: “Tống cựu nghinh tân”, tiễn năm cũ đi và đón năm mới đến. Đây chính là thời điểm thích hợp để chúng ta nhìn lại đời mình:

Cuối năm ngồi tính lại sổ đời, ba trăm ngày hơn đã qua mất rồi…”.

(Bài hát: Chuyện ngày cuối năm. Ns. Song Ngọc).

“Tính sổ đời” để rút ra ưu khuyết điểm trong năm đã qua, đồng thời đưa ra dự định cho hành trình năm mới. Với ước mơ làm sao để mỗi năm tháng trôi qua, nó sẽ trở nên như những nấc thang đưa chúng ta thăng tiến đến gần Thiên Chúa hơn.

Nhân dịp Tết đến Xuân về, người viết xin được kính chúc Quý Vị độc giả gần xa, biết sử dụng thời gian Chúa ban cho mà ra sức làm việc thiện, để sau này khi đã hoàn tất cuộc hành trình trần gian này rồi, sẽ được Chúa khen thưởng:Khá lắm. Hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành. Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của Chủ anh”. (Mt 25, 21).

Đaminh Trần Văn Chính.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *