Mục Lục
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Lời mở đầu
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Trong ơn tiền định
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Thiên Đàng chờ đợi
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Trần gian ngóng trông
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Đầu thai vô nhiễm
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Quãng đời thai nhi
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Sinh vào trần thế
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Cuộc đời ba năm đầu
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Dâng mình trong Đền Thờ
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Thử thách trong Đền Thờ
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Chịu tang trong Đền Thờ
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Kết mối lương duyên
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Chờ đón Tin Mừng
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Tiếp Nhận Tin Mừng
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Một Cuộc Viếng Thăm
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Trở Về Mái Ấm
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Đợi Ngày Sinh Hạ
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Sinh Chúa Tại Belem
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Chúa Tỏ Mình Cho Mục Tử
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Tham Dự Lễ Cắt Bì
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Tiếp Kiến Ba Đạo Sĩ
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Dâng Chúa Trong Đền Thờ
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Lánh nạn sang Ai Cập
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Lưu Ngụ Tại Ai Cập
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Thử thách mới tại Naxarét
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Vui buồn đắp đổi
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Sống đời quả phụ
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Cô thân chiếc bóng
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Theo Chúa Giảng Tin Mừng
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Từ núi Tabôrê đến Lễ Rước lá
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Dự lập Thánh Thể
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Thảm cảnh Vườn Cây Dầu
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Nơi tòa Thượng tế
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Trước cửa công đường
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Trước giờ hành quyết
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Trên đường hành quyết
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Đồi Can-vê loang máu
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Phục sinh huy hoàng
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Chúa lên trời
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Chờ đón Thánh Linh
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Hướng dẫn Giáo đoàn đầu tiên
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Tâm tình với Thánh Thể
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Trong cơn bách hại buổi đầu
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Tham gia chỉ đạo Giáo Hội
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Phù trợ các Tông đồ
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Hai lần sang Tây Ban Nha
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Hành trình sang Êphêsô
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Lưu ngụ tại Êphêsô
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Dự Công đồng Giêrusalem
- Thần Đô Huyền Nhiệm -Tuyệt đỉnh hoàn thiện
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Trông nôm viết Phúc Âm
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Mừng Kỷ Niệm Đời Mẹ
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Mừng Kỷ Niệm Đời Chúa
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Chờ ngày giã thế
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Đức Mẹ Ly Trần
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Đức Mẹ là Nữ vương Trời đất
- Audio Thần Đô Huyền Nhiệm
- HĐGDĐMVN/ GP. Hưng Hóa: Viếng thăm huynh đệ 2019
Phần Thứ Hai: CUỘC ĐỜI CÔNG KHAI |
25. VUI BUỒN ĐẮP ĐỔI
Chúa Giêsu Kitô đã dành ra ba năm để huấn luyện các tông đồ và thiết lập Giáo hội. Nhưng suốt cuộc đời Ngài, Ngài đã không ngừng càng ngày càng hoàn thiện hoá Mẹ Maria, để hoàn thành tất cả chế độ ân sủng, và do đó Mẹ trở nên lý do hoặc dụng cụ cho người công chính được vinh hiển. Chính vì để làm đẹp thêm cho kiệt tác của quyền năng và tình yêu này của Chúa mà, sau cuộc đi dự lễ Đền Thánh Giêrusalem hồi Chúa Giêsu lên mười-hai tuổi nói trên, Thiên Chúa đã dùng một thị kiến tưởng tượng, để ban cho Mẹ những ánh sáng mới về lề luật mà Con Ngài đem đến cho thế gian. Thiên Chúa phán với Mẹ: “Con hãy tăng bội nhiệt tâm để cố sức, bao nhiêu có thể, trở thành hình ảnh tương tự của Con Cha, và để hoàn toàn ứng đáp với ơn Cha ban mà làm vinh hiển Ngài”. Mẹ rất khiêm nhượng thưa lại: “Lạy Chúa, con bất xứng quá, không đáng được gọi là nữ tì Chúa. Nhưng lòng con sẵn sàng chịu đau khổ, và cả chịu chết nữa, để vâng lời Chúa”. Chúa liền đổ trào tràn xuống Mẹ những hồng ân ngập lút phát nguyên từ Thần Tính Ngài.
Ra khỏi cuộc thị kiến xuất thần ấy, Mẹ đến sấp mình trước mặt Con Mẹ, và nói: “Mẹ là người mẹ bất xứng của Con đây, Mẹ hết sức sẵn sàng làm trọn ý Con muốn”. Chúa Giêsu tiếp đón Mẹ cách uy quyền của bậc Thầy chí thánh, và nói rằng Mẹ đã tiếp nhận được những của đầu mùa của ân sủng, vì Mẹ phải là Đấng Đồng Công với Ngài, chia sẻ công việc Ngài làm và cả thập giá Ngài chịu. Quả thế, phải như vậy mới hợp lẽ, vì Adong thứ nhất đã có Evà là đồng phạm, Adong thứ hai là Chúa Giêsu Kitô cũng phải có Mẹ Maria là Evà mới làm Mẹ Đồng công để cứu chuộc loài người.
Vì thế, Chúa mạc khải cho Mẹ những mầu nhiệm tuyệt vời về những công trình Ngài sẽ làm ở trần gian. Thỉnh thoảng, Chúa soi sáng cho Mẹ bằng một thị kiến trừu xuất, – thị kiến này từ đây năng có hơn trước – , và thường thường bằng một thị kiến trí năng, không sáng rõ hơn thị kiến trừu xuất. Trong cả hai thứ thị kiến đó, Mẹ Maria nhận thức được rất phân minh toàn thể Giáo hội chiến đấu theo trật tự các biến cố nối tiếp nhau xảy ra, suốt từ khi tạo thành vũ trụ cho tới ngày Ngôi Hai Nhập Thể, cũng như diễn tiến từ đó cho tới tận thế, và cả ở thiên đàng đời đời. Mẹ thấy rõ từng người sẽ được rỗi với công việc, công nghiệp và phần thưởng của họ. Mẹ cũng nhận thức được toàn bộ giáo lý Phúc âm, không những Cựu Ước, mà lại cả Tân Ước với những ý nghĩ muôn hình nghìn vẻ, những giải thích man vàn của Thánh Kinh Tân Ước, mặc dầu lúc ấy chưa được viết ra.
Mẹ lại được biết rõ cả các nhiệm tích Chúa Giêsu sẽ lập, những hiệu quả các nhiệm tích ấy sinh ra và những điều kiện cần để nhận lãnh. Đặc biệt hơn hết đó là việc lập Nhiệm Tích Thánh Thể đã làm Mẹ ngây ngất thán phục và mến yêu. Phủ phục xuống đất, Mẹ hát lên nhiều thánh ca chúc tụng tán dương những vẻ lộng lẫy của phép Thánh Thể, nhưng Mẹ cũng than vãn vì những thiếu sót, những tục hoá mà Thánh Thể sẽ phải chịu. Mẹ hết sức khát khao để được lãnh nhận Thánh Thể ấy đến nỗi có thể chết đi được. Và ngay từ bấy giờ, Mẹ đã dọn mình sẵn sàng, và xin Con Mẹ cho Mẹ được phúc chịu lễ ngay khi Chúa vừa lập Thánh Thể sau này: “Ôi Con là Chúa cao cả, Mẹ chỉ là một con sâu nhỏ bé, Mẹ có đủ xứng đáng, đủ hạnh phúc để được tiếp nhận Con một lần nữa vào thân xác và linh hồn Mẹ không?” Chúa trả lời: “Có, Mẹ ơi, Mẹ sẽ rước lĩnh Con nhiều lần dưới hình Nhiệm tích, và sau khi Con chết, Con sẽ ngự liên tục trong Trái Tim rất thanh sạch của Mẹ như trong một đền đài tuyệt vời của Con”.
Nghe lời hứa ấy, Mẹ lại hạ mình xuống hơn nữa. Mẹ hôn đất, rồi đem hết lòng sốt sắng lạ lùng mà cảm tạ Chúa, quy hướng tất cả lòng yêu mến và công việc Mẹ làm về việc rước Thánh Thể ngày sau, Mẹ vừa khóc vừa cầu nguyện để các giáo hữu sau này hết sức tôn kính Phép Thánh Thể cho xứng đáng.
Trong một thị kiến đặc biệt khác, Mẹ được một kiến thức đầy đủ về các huấn giới Thiên Chúa ban để hướng dẫn ý chí, và các điều khoản phải tin để soi sáng trí năng. Mẹ hiểu biết rõ ràng lạ lùng về tính cách khôn ngoan của những tín điều ấy cũng như những trợ lực Chúa ban để người ta chu toàn. Lửa nhiệt thành đốt cháy lên, Mẹ ước mong tuân giữ các điều ấy, nên Mẹ đến quả quyết với Con Mẹ là Mẹ sẽ tuân phục Con và xin Con ban ơn giúp sức cho Mẹ.
Chúa nói với Mẹ: “Thưa Mẹ, luật mà Con lập ra ấy cốt để nâng loài người lên tham hưởng hạnh phúc của Thiên Chúa. Mục tiêu của luật ấy sẽ được thực hiện đầy đủ trong Trái Tim Mẹ”. Chính Mẹ vừa thực hành toàn vẹn những luật ấy, vừa cầu xin để hết mọi người đều tuân giữ mọi chi tiết của nó nữa, vừa khóc lóc đau đớn vì người ta vi phạm luật thánh ấy, nhất là những khoản liên quan đến đức thanh tịnh, một đức mà Mẹ rất say mê. Song Mẹ không hề phẫn nộ với thói vong ân ác đức của loài người, và không bỏ mất chút tình mẹ cảm thương nào đối với họ.
Chúa lại cho Mẹ biết rõ những huấn giới của Giáo hội, cũng như các lễ tiết Giáo hội sẽ lập ra. Ngay từ đó, Mẹ đã bắt đầu mừng các lễ ấy cùng với các thiên thần hầu cận Mẹ.
Tất cả những chân lý ấy, Mẹ đều nhìn thấy trong Linh Hồn Con chí thánh Mẹ. Ngoài ra, Chúa Giêsu còn nói với Mẹ về hết những chân lý ấy một cách âu yếm hết sức thoả lòng, đến nỗi ngay trước khi Chúa giảng giáo lý của Chúa, Mẹ đã biết rõ giáo lý ấy cách rất sâu xa chắc chắn; không cần phải suy nghĩ, Mẹ cũng nói đến được rất chính xác. Mẹ thực hành các huấn giới và các lời khuyên trong giáo lý ấy với một vẻ hoàn thiện vượt rất cao trên sự hoàn thiện của các tông đồ, các vị tử đạo, các vị đồng trinh và toàn thể các thánh, vì nơi Mẹ chẳng có gì chống cưỡng lại hoạt động của ân sủng nào cả. Mỗi ngày, Chúa Giêsu lại làm tăng thêm căn bản tri thức ấy của Mẹ. Chúa mạc khải cho Mẹ tất cả những biến cố sẽ xảy ra cho tới ngày chung thẩm, và mạc khải một cách rất minh bạch, đến nỗi nếu Mẹ còn sống ở đời này, Mẹ vẫn sẽ biết từng người, từng tên gọi của tất cả những người làm nên Giáo hội, như Mẹ đã thấy trước khi ly trần.
Mẹ đã tiếp nhận được tất cả những truyền thông ấy trong căn phòng cầu nguyện khiêm hạ của Mẹ. Chính trong căn phòng này, Chúa Giêsu là Đấng Thánh trên hết các thánh, là Thượng Tế tối cao, đã từng trầm ngâm cầu nguyện, lúc quỳ gối, lúc giang tay, hoặc bay lên khỏi đất mà vẫn giữ thế thập giá là thế mà chúa yêu thích cách riêng. Chúa thường nói trước mặt Mẹ rằng: “Ôi Thánh giá hạnh phúc, khi nào ngươi mới tiếp nhận Ta vào tay ngươi; khi nào ngươi mới đỡ lấy tay Ta để nó rộng mở mãi mà đón tiếp các tội nhân? Ước chi tội nhân đến với Ta. Ta sẵn sàng ôm ấp họ. Và, hỡi những ai công chính, hãy đến với Ta: các con cháu Adong, Ta mời gọi tất cả các con”.
Nhưng mặc dầu Chúa cầu nguyện, mặc dầu Chúa chịu nạn chịu chết, cũng rất nhiều người tự lên án phạt mình, cho nên ngay bấy giờ Chúa đã phải chịu một cơn hấp hối dài dặc và đau đớn; trong cơn hấp hối ấy, Chúa thường bị tắm trong một trận mướt mồ hôi pha máu. Người Mẹ rất cảm thương của Chúa cũng vì đó mà bị gươm sắc thâu qua Trái Tim. Mẹ quỳ lau Máu thánh ấy một cách kính cẩn và yêu đương tuyệt vời. Mẹ hợp nhất với lời Con chí thánh mẹ cầu nguyện, mặc lấy thái độ của Con và kêu lên một giọng than van đau đớn: “Hỡi con cái loài người, sao các con lại ít hiểu biết tình yêu của Đấng Sáng Tạo các con đến thế! Đấng Sáng Tạo đã thà đổ Máu mình ra cho các con, hơn là muốn các con hư mất…Lạy Chúa cao cả, ai còn có thể cứng lòng và tự nên thù địch của mình, để không hàng phục tình thương nhân từ của Chúa nữa?…Hỡi con cháu Adong, hãy bội bạc với chính thân Mẹ đây! Ước chi Mẹ được đem mạng sống Mẹ mà kéo tất cả các con thoát khỏi cảnh mù tối đang vây phủ các con..”..
Tuy nhiên, cũng có nhiều lần Mẹ được thấy Con chí thánh Mẹ phát quang rực rỡ vinh hiển như sau này Chúa biến hình trên núi Tabôrê, có rất nhiều thiên thần mặc hình người vây quanh, hát lên những ca khúc chúc tụng nhịp nhàng hoà điệu. Mẹ tham hưởng rất linh động vào những hứng thú hoan lạc thiên đàng ấy, đến nỗi có lần Mẹ ngất xỉu, các thiên thần phải nâng đỡ Mẹ. Những lần Mẹ được dự thính những cuộc đàm đạo giữa Cha hằng hữu và Con rất yêu dấu Ngài, tâm tình Mẹ còn tràn lan vui mừng không thể tả. Những đặc ân ấy luôn luôn bùng thêm ngọn lửa thiêng thiêu đốt cung thánh linh hồn Mẹ.
Cuộc đời Mẹ cứ thế, qua đi giữa những xúc cảm muôn vàn trạng thái, cho tới khi Mẹ lên ba mươi ba tuổi. Đó là tuổi hoàn bị, tuổi phát triển đầy đủ. Chính vì thế mà Thiên Chúa đã sáng tạo Adong Evà vào trạc tuổi ba mươi ba, và Chúa Giêsu cũng muốn chết trong tuổi ấy. Khi Đức Nữ Đồng Trinh Rất Thánh tới tuổi này, thân xác Mẹ nên mĩ lệ, thể hiện được lý tưởng hoàn thiện, làm cho cả thiên thần và cả loài người phải ca tụng. Tuổi ấy tương tự tuổi ba mươi ba của Chúa Giêsu một cách lạ lùng, với cùng những đường nét, cùng một nước da như Chúa, nhưng khác một điều là Con của Mẹ hoàn hảo hơn hết trong nam giới, còn Mẹ lại hoàn hảo nhất trong nữ giới. Rồi từ đó, suốt cuộc đời Mẹ, Mẹ vẫn giữ y nguyên thân thái của tuổi ba mươi ba, không đổi thay chút nào, Mẹ cảm tạ Thiên Chúa vì đặc ân này. Và Mẹ càng được biết là Chúa ban như vậy để duy trì mãi nơi Mẹ sự tương tự Con chí thánh Mẹ, Mẹ càng hân hoan thoả nguyện.
Nhưng ở trần gian, không có cuộc đời nào không vướng buồn sầu. Cuộc đời của Mẹ Maria từng gian khổ đã nhiều, đến nay lại vương mang mối sầu vĩnh biệt. Thánh Cả Giuse tuổi chưa cao mấy, nhưng mà những vất vả lao nhọc và những đau khổ thường xuyên đã xoi mòn Thánh Cả. Mẹ Maria rất cảm thương nói với Bạn mình: “Thầy đã từng lao nhọc để nuôi tôi và Chúa Giêsu nhiều rồi, tôi hết lòng tạ ơn Thầy. Nhưng đến nay, bệnh tật của Thầy không cho Thầy được tận tuỵ như vậy nữa. Xin Thầy nghỉ ngơi để tôi làm việc thay vào chỗ Thầy”. Thánh Cả cảm động đến rơi lệ, phải hàng phục lời xin ấy. Dụng cụ làm nghề mộc, Ngài liền đem tặng cho các bạn nghèo tất cả, để trong nhà không có một vật nào thừa thãi. Từ khi nghỉ làm việc, Thánh Cả chỉ hoàn toàn chăm chú chiêm niệm và đạt tới đỉnh thánh thiện cao nhất, vượt trên tất cả loài người, chỉ kém có một mình Mẹ Maria.
Từ đó, Mẹ Maria bắt đầu làm việc nhiều hơn trước, nhiều khi phải làm cả trong đêm rất khuya. Mẹ chuyên về nghề kéo sợi gai và len. Vì Mẹ luôn luôn thích sống âm thầm, nên Mẹ lễ phép nhờ một người láng giềng đem bán sợi, rồi mua về cho Mẹ những cái cần dùng. Quả thật, Thiên Chúa có thể làm cách khác để nuôi sống Thánh Gia, nhưng Ngài muốn treo cao cho thế gian gương mẫu cần lao của Mẹ, và cũng không muốn để cho Mẹ phải tổn thất về công nghiệp. Tuy nhiên, nếu Mẹ làm việc mà không đủ ăn, Chúa Giêsu tăng thêm lương thực cho vừa đủ, hoặc sai thiên thần đem đến cho đủ. Song thường thường, Chúa chỉ tăng thêm kết quả công việc Mẹ làm thôi.
Mặc dầu bận bịu như thế, Mẹ cũng không bớt săn sóc, lo liệu cho người Bạn Đồng Trinh đáng kính của Mẹ tất cả những ân cần mà một người già nua bệnh tật như Thánh Cả đòi phải có. Thiên Chúa càng ưu ái Thánh Cả, càng dành cho Thánh Cả nhiều vinh quang, Thánh Cả càng phải đau khổ. Trong suốt tám năm đằng đẵng, Thánh Cả bị đóng đanh vào thánh giá của nhiều thứ bệnh rất đau đớn, nào là nóng lạnh cao độ, nào là nhức đầu búa giáng, nào là phong thấp cấp tính buốt nhức ở khắp thân thể. Đồng thời, Thánh Cả còn phải chịu một cơn đau khổ khác, một đau khổ ngọt ngào nhưng thật kịch liệt: đó là tình yêu mến Thiên Chúa nung đốt Ngài, ném Ngài vào trong những hứng khởi rất mạnh mẽ, đến nỗi tinh thần rất trong sạch của Ngài có thể gỡ tung cả những trói buộc thể xác, nếu Chúa không ban ơn đặc biệt để giữ Ngài khỏi chết.
Mẹ rất thánh thấu hiểu tâm hồn Thánh Cả. Mẹ rất hân hoan có một Bạn Đường rất thánh và rất được Chúa yêu thương, nên Mẹ đã hết sức ca tụng thán phục những tư tưởng cao siêu của Thánh Cả, đức nhẫn nại vững vàng của Thánh Cả, giữa biết bao nhiêu đau khổ mà Ngài chịu không hề hé môi phàn nàn, không hề thốt ra một tiếng thở dài than vắn. Không bao giờ Ngài đòi hỏi một an ủi nào. Mà thực ra, cũng chẳng thể có được cơ hội nào để đòi hỏi, vì Mẹ Maria là vị nữ y tá thần linh, luôn luôn đến bên Ngài lúc Ngài cần được an ủi. Mẹ nâng đỡ Ngài trong lúc lão nhược và đôi khi còn ra lệnh cho thức ăn phải bổ sức cho Ngài nữa. Thánh Giuse cảm tạ Mẹ không hết lời.
Trong ba năm cuối cùng đời Ngài, ba năm Ngài phải chịu những đau khổ rất cực, Mẹ ngày đêm không hề rời xa Ngài một bước. Khi nào Mẹ cần phải vắng mặt, Chúa Giêsu lại thay chỗ Mẹ, cho nên đã và sẽ không bao giờ có một bệnh nhân nào được phục vụ kỹ lưỡng, được an ủi và được nâng đỡ như Thánh Cả Giuse. Cũng không thể nói được tâm hồn tri ân của Thánh Cả đã xúc động nhường nào, đã tỏ một niềm kính tôn khiêm hạ nhường nào, đã đốt cháy thêm tình yêu tha thiết nhường nào đối với Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Rất cảm thương Bạn Đồng Trinh của mình, có khi Mẹ Maria cầu xin Chúa cho mình được chịu đau đớn thay Thánh Cả. Có khi thấy đau khổ Thánh Cả chịu quá khốc liệt, Mẹ đã xin Chúa Giêsu vui lòng cho Mẹ ra lệnh cho đau khổ ngưng hành hạ Thánh Cả; chúng vâng lời trong một ngày hay hơn nữa tuỳ sự đẹp lòng Chúa. Có khi Mẹ nói với các thiên thần tăng thêm nghị lực cho Thánh Cả; lúc đó, các vị ấy hiện thành người rạng ngời đẹp đẽ, đàm đạo với Thánh Cả về Thiên Chúa, hát lên những ca khúc hân hoan hoặc tấu lên những điệu nhạc thiên quốc để giải khuây cho Thánh Cả.
Khi Mẹ thấy ngày cuối cùng của Thánh Cả đã gần đến, Mẹ đi tìm Chúa Giêsu mà nói: “Ôi Con là Chúa và là con của Mẹ, Mẹ xin Con đến giúp cho Giuse là tôi tớ của Con được hưởng một cái chết đẹp mắt Con, cũng như cuộc sống công chính của Người đã vui lòng Con: Xin cho Người được niềm an ủi chắc chắn hưởng phần thưởng đời đời”. Chúa Giêsu đáp: “Vâng, thưa Mẹ, Con sẽ giúp cho cha Giuse của Con. Con sẽ không làm cho ai được hạnh phúc như Người đâu. Trong các bậc đại thần của nước Con, Cha Giuse sẽ chiếm một địa vị rất cao cả, thiên thần và loài người đều phải thán phục ca tụng”.
Suốt chín ngày trước khi Thánh Cả trút hơi thở cuối cùng, Chúa Giêsu và Mẹ luôn luôn túc trực bên cạnh Đấng Thánh cao cả. Theo lệnh Chúa, cứ mỗi ngày ba lần, các thiên thần hát cho Thánh Cả nghe những thánh ca chúc tụng. Có những hương thơm kỳ diệu bổ sức cho Thánh Cả; hương thơm này, cả những người ở ngoài nhà ngửi thấy cũng được mạnh sức thêm. Suốt ngày hôm trước khi lìa trần, Thánh Cả tham hưởng một cuộc xuất thần; Ngài được nhìn thấy Yếu Tính Thiên Chúa, các mầu nhiệm về Chúa Ba Ngôi, về ơn Nhập Thể và Cứu Chuộc, về Giáo hội chiến đấu, và về kho tàng các Nhiệm Tích làm giầu cho Giáo hội. Thiên Chúa cũng uỷ Thánh Cả làm tiền hô của Chúa Giêsu dưới u ngục. Khi ra khỏi thị kiến đó, gương mặt Ngài mĩ lệ chói ngời và linh hồn của Ngài hoàn toàn được thần hoá. Ngài xin Mẹ Maria Bạn khả tôn của Ngài chúc lành cho, nhưng Mẹ lại xin Chúa Giêsu chúc lành cho Ngài thay mình. Còn phần Mẹ, Mẹ nài xin Thánh Cả chúc phúc cho mình, vì Thánh Cả là gia trưởng, và hôn bàn tay chai cứng vì làm việc phục vụ Thánh Gia của Thánh Cả. Thánh Cả xin Mẹ tha thứ cho những khuyết điểm có thể Ngài đã phạm trong khi phục vụ Mẹ, Ngài nói: “Đức Nữ được chúc phúc hơn hết mọi người nữ; cả thiên thần và loài người hãy ca tụng Đức Nữ; ngợi khen Chúa Ba Ngôi qua Đức Nữ đời đời! Tôi hi vọng được hưởng dung nhan Đức Nữ trên quê trời vĩnh cửu”. Nói những lời ấy xong, Thánh Cả cảm tạ Chúa Giêsu vì tất cả các ân huệ và các ân cần Chúa dành cho mình, rồi cố gắng quỳ xuống trước mặt Chúa. Nhưng Chúa Giêsu rất hiền từ nâng Thánh Cả lên, ôm lấy Ngài trong vòng tay Chúa. Thánh Cả dựa đầu trên tay Chúa, và thốt lên những lời sau cùng này: “Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, là Con Chúa Cha hằng hữu, Sáng Tạo và Cứu Chuộc loài người, xin Chúa tha cho con những lỗi lầm con đã phạm trong cuộc sống chung với Chúa. Xin nhận lời con cảm tạ Chúa vì Chúa đã chọn con làm Bạn đường của Mẹ Chúa. Xin hãy làm cho vinh quang của Chúa trở nên niềm tri ân của con đời đời”. Chúa Giêsu chúc lành cho Thánh Cả rồi nói: “Thưa cha, xin cha an nghỉ trong ân sủng Cha trên trời của Con và trong ân sủng của Con. Xin cha đi báo tin cho các thánh ở u ngục biết: ngày giải thoát của họ đã gần”. Lúc Chúa nói dứt lời, Thánh Cả Giuse trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay của Chúa. Chúa liền khép mắt cho Ngài. Các thiên thần đang có mặt bên Chúa Giêsu và Mẹ Maria hát lên nhiều ca khúc chào mừng linh hồn Thánh Cả, và dẫn đưa linh hồn Thánh Cả vào u ngục. Các thánh trong ngục tổ tiếp rước Thánh Cả rất tưng bừng vì nhận thấy vinh quang tuyệt vời giãi chiếu từ Thánh Cả.
Mặc dầu Thánh Cả Giuse mang nhiều bệnh tật lâu ngày, nhưng cái chết của Ngài không phải là hậu quả của bệnh nạn, của những đau khổ Ngài chịu, nhưng là hiệu quả và khởi thắng của tình yêu nhiệt liệt hằng nung nấu Ngài mến yêu Thiên Chúa.
Đức Trinh Nữ Rất Thánh, trong trường hợp buồn đau này, vẫn giữ được một phong thái cao cả, một vẻ bình thản vững vàng. Đau khổ vì mất người thân yêu, nhưng Mẹ vẫn lo liệu tất cả những gì liên hệ đến cuộc mai táng Người Bạn Đường đồng trinh cao quý của Mẹ. Mẹ không muốn cho một bàn tay nào động chạm đến thi thể của Thánh Cả. Để bảo vệ cho đức đoan trang cực đại của Đức Nữ Vương những người đồng trinh, Thiên Chúa đã mặc cho thi thể Thánh Cả một ánh rực rỡ chỉ để người ta thấy được gương mặt thôi. Một số người được mùi hương êm dịu toả ra từ thi hài Thánh Cả lôi cuốn, đến xem, đã thấy Thánh Cả đẹp đẽ mềm mại y như còn sống. Thi thể Thánh Cả được an táng với một tang lễ thông thường; một số bà con, bạn hữu và đông đảo dân chúng tiễn đưa Ngài lần cuối cùng. Dẫn đầu đám tang đơn sơ ấy là Chúa Giêsu Cứu Thế, Mẹ rất thánh của Ngài và rất đông thiên thần.
Sau cuộc an táng đầy đau buồn ấy, Mẹ Maria đến sấp mình xuống trước Mặt Chúa Giêsu, khiêm nhượng thưa: “Con Mẹ, Bạn Thánh đồng trinh của Mẹ vì thánh thiện, nên đã giữ được Con ở lại bên Người và Mẹ. Bây giờ Người qua đi, nhưng xin Con đừng vì đó mà không cho Mẹ được ở với Con, mặc dầu Mẹ bất xứng. Con đừng bỏ Mẹ, và xin cho Mẹ được làm tôi tớ Con như trước”. Chúa Giêsu nhắc lại cho Mẹ lời Ngài đã hứa với Mẹ trước là sẽ ở với Mẹ cho tới khi đi giảng Tin Mừng.
Tuy nhiên, lời hứa bảo đảm đó không làm Mẹ bỏ được nỗi đau buồn tự nhiên gây ra do cái chết của Người Bạn Đường đồng trinh mà Mẹ rất kính yêu ấy. Người Bạn đó là một phép lạ về sự thánh thiện. Mẹ Maria không phải là nguyên nhân công trạng hay dụng cụ thánh hoá Thánh Giuse, ít nhất Mẹ là mục đích trực tiếp sự thánh thiện của Thánh Cả liên hệ tới: tất cả những ân sủng và nhân đức cao dầy Chúa ban cho Thánh Cả, chỉ cốt để Ngài làm Bạn Đường của Mẹ Maria. Nếu trong nam giới của loài người có một ai được Chúa thương yêu hơn Thánh Cả, chắc chắn Chúa đã chọn người đó làm Bạn Đường của Mẹ Maria rồi. Cho nên Chúa đã đem bàn tay toàn năng và yêu thương của Ngài mà sáng tạo nên Thánh Cả Giuse với tất cả những hồng ân cân xứng với chức Bạn Đường đồng trinh Người Mẹ sinh ra Con Một của Chúa ở trần gian. Việc kỳ diệu này đã bắt đầu ngay từ khi thể xác Thánh Cả hình thành trong lòng thân mẫu Ngài. Chúa đã gồm tất cả những tinh hoa tinh tuý nhất của tính tình mà tạo nên phần tâm lý của Thánh Cả, cho nên Thánh Cả có một tâm tính diệu kỳ, gồm toàn những phẩm chất cao quý nhất, thanh nhã nhất. Tâm tính tốt lành ấy như là một thửa đất phì nhiêu Chúa dọn sẵn để gieo rắc vào những hạt giống thánh đức siêu nhiên. Dựng thai đến tháng thứ bảy, Thánh Giuse được ơn thoát khỏi nguyên tội và tình dục, nên suốt đời không bao giờ Thánh Giuse cảm nghiệm một xúc động xấu nào. Lúc sinh ra, Thánh Cả là một thơ nhi rất mĩ miều, mang lại cho cha mẹ và thân nhân một niềm vui khác thường, giống như niềm vui Gioan Tiền Sứ mang lại khi sinh ra. Lên ba tuổi, Thánh Cả đã được ơn sử dụng trí năng hoàn toàn, với một tri thức thiên phú, một cách suy niệm tuyệt vời và các nhân đức mỗi ngày một tăng triển. Nhất là nhân đức khiết tịnh của Ngài thật là cao cả, sáng ngời, vượt trên cả đức khiết tịnh của những vị luyến thần cao cả nhất. Không bao giờ có một hình ảnh hay một ấn tượng nào tục tằn lọt được vào quan năng của Thánh Cả, vì lẽ Ngài phải có chính sự trong trắng hơn thiên thần để đồng cư với Đức Nữ Vương Đồng Trinh. Ngoài những đức tính và nhân đức Thiên Chúa ban riêng cho Thánh cả tự bẩm sinh ấy, Thánh Cả còn có những nhân đức và thánh thiện tập thành trong suốt cuộc đời 60 năm cộng thêm mấy ngày nữa của Ngài. Thánh Cả Giuse kết hôn với Mẹ Maria lúc Ngài lên 33 tuổi, chung sống với Mẹ 27 năm. Lúc Thánh Cả Giuse qua đời, Mẹ Maria lên 41 tuổi 6 tháng, và Chúa Giêsu lên 26 tuổi.
Những lời cầu nguyện của Mẹ Maria là Bạn Đường Đồng Trinh rất thánh của Thánh Cả, cũng có hiệu lực đặc biệt để tăng thêm và củng cố những ân sủng và nhân đức ấy. Không kể đức khiết tịnh ngời chói nói trên, Thánh cả còn có đủ mọi nhân đức ở một cấp độ sung mãn hoàn toàn, nhất là đức ái, mến Chúa yêu người, vì Thánh Cả được đặt ở ngay đầu nguồn của mạch nước hằng sống vọt lên tới sự sống đời đời, ấy là Chúa Giêsu Kitô.
Một lý do nữa để Thiên Chúa không yêu thương một vị thánh nào bằng yêu thương Thánh Cả Giuse, vì Thánh Cả giúp công vào việc ban ơn Cứu Chuộc và thánh hoá cho loài người. Cho nên hết mọi người đều có bổn phận phải chúc tụng và tôn kính Thánh Cả. Thiên Chúa đã ban cho Thánh Cả rất nhiều đặc ân để Thánh Cả cứu trợ những ai đến xin Thánh Cả cầu bầu. Đặc biệt là Thánh Cả hay ban xuống bảy ơn này: ơn lướt thắng những chước cám dỗ trái nghịch đức khiết tịnh, ơn được sám hối từ bỏ đường tội lỗi, ơn tôn sùng Mẹ Đồng Trinh Rất Thánh Maria, ơn được khoẻ mạnh phần xác, ơn được an ủi nâng đỡ lúc sầu khổ, ơn được chết lành, và ơn được có người thừa tự trong các gia đình công giáo. Ma quỷ rất sợ hãi danh thánh Thánh Cả Giuse.
LỜI MẸ HUẤN DỤ
Hỡi con, con hãy hết sức tôn kính và mến yêu Phúc Âm, là sách miêu tả cuộc đời và giáo lý của Con Chí Thánh Mẹ. Phúc Âm phải được đặt vào tâm hồn con làm ngọn đèn cháy sáng và hướng dẫn nó. Khốn cho những ai khinh chê Phúc Âm! Họ sẽ dần dần trở nên xấu xa hơn những người dân ngoại không biết Phúc Âm là gì; còn những ai nếm hưởng và hoà mình với Phúc Âm sẽ tìm được hạnh phúc cho mình cả về tinh thần lẫn vật chất.
Họ cũng lại tìm được sự sống và sức mạnh trong các nhiệm tích; hằng ngày con phải cảm tạ Chúa vì đã lập ra các nhiệm tích đó. Nhận lãnh các nhiệm tích đó, nhất là phép Thánh Thể, cách bất xứng, thật là một tội quái dị chừng nào! Không những phải khóc vì người ta tục hoá nhiệm tích Thánh Thể, mà còn vì người ta bất kính trước Thánh Thể và bỏ bê không đến viếng Thánh Thể nữa.
Hỡi con, con hãy suy cho kỹ rằng việc thi hành đức ái đối với bệnh nhân là một việc nhân đức đẹp lòng Thiên Chúa nhất, và hữu ích cho các linh hồn nhất. Con phải vừa giúp đỡ vừa đem hết khả năng đoán trước những nhu cầu và ước muốn của họ, đem những lời xây dựng mà khuyến khích họ, tỏ những dấu ý nhị mà an ủi họ, cầu chúc họ được giảm bớt chút ít khi đau đớn mà không mất lợi ích lớn lao nhất do những đau khổ sinh ra. Nhất là khi bệnh đã tới lúc gần chết, càng phải gia tăng niềm thông cảm và tận tâm hơn nữa, vì họ sắp phải quyết liệt nghe nhận bản án Chúa đã ra cho nguyên tổ. Lúc ấy, ma quỷ như những con chó sói đói mồi, hợp lực lại, đem hết xảo quyệt và sức mạnh mà tấn công linh hồn. Chúng xui linh hồn khoan giãn không trở lại, chối bỏ các nhiệm tích, giấu kín tội lỗi đã phạm, và không muốn cải đổi, chấm dứt một cuộc đời tội lỗi. Trong giây phút quyết định ấy, rất ít người công chính khỏi quỷ dữ hung hãn tấn công.
Hỡi con, hằng ngày con hãy cầu xin Thiên Chúa toàn năng huỷ diệt những trận đánh mà hoả ngục quyết chiến với những người hấp hối. Cả khi con không ở gần bệnh nhân, con cũng hãy truyền cho ma quỷ phải tránh xa họ, vì ở đây có Thiên Chúa là Đấng mà con phải nhân danh Ngài để đánh đuổi bọn quỷ cám dỗ điên đảo ấy đi.
Thánh Giuse, Bạn Thánh Đồng Trinh của Mẹ là một vị thánh được đặc ân không bị ma quỷ quẫy nhiễu khi Ngài vào giờ lâm chung. Chúng cũng muốn đến gần Ngài, nhưng chúng lại cảm thấy một sức mạnh đánh bật ra mà chúng không thể cưỡng; các thiên thần liền xô chúng xuống những vực thẳm tối tăm của chúng. Luxiphe hoảng hốt triệu tập một hội nghị tìm xem tại đâu chúng lại bị đè bẹp. Thế gian không biết đến những đặc ân cao trọng Chúa ban cho Ngài. Bạn Thánh Mẹ ở trên trời cầu xin điều gì, Chúa ban xuống cho trần gian ngay, mà còn thêm xuống nhiều ân sủng khác nữa. Những kẻ bị trầm luân sẽ phải khóc lóc chua xót vì đã vô phúc không chạy đến cầu xin Thánh Cả Giuse.