Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm: Tìm hiểu Thư thứ nhất và thứ hai của Thánh Phêrô

THƯ 1 PHÊRÔ

—-o0o—-

NIỀM HY VỌNG KITÔ GIÁO (1,3-9)

Thư 1 Phêrô nói nhiều đến niềm hy vọng Kitô giáo: “Do lượng hải hà, Người cho chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động, nhờ Đức Giêsu Kitô đã từ cõi chết sống lại” (1,3). Niềm hy vọng này vượt lên trên những thực tại trần thế mà người đời thường mơ tưởng như giầu sang phú quý hay thành công, nổi tiếng, để vươn tới “gia tài không thể hư hoại, không thể vẩn đục và tàn phai” (1,4). Niềm hy vọng này vượt qua cả biên giới sự chết, tuy nhiên không chỉ đơn thuần là sự bất tử mà nhiều người mong ước, vì như thánh Ambrôsiô nói: “Nếu không có sự tiếp sức của ân sủng, thì sự bất tử trở thành gánh nặng hơn là một mối lợi”. Niềm hy vọng Kitô giáo vươn tới sự sống đời đời, nghĩa là “cuộc sống tròn đầy ý nghĩa, sự ngụp lặn vào cõi mênh mông của hữu thể, trong khi chúng ta được tràn ngập niềm vui” (Đức Bênêđictô XVI, thông điệp Spe Salvi, số 12).

https://youtu.be/tUwIElR8UWs

Chính niềm hy vọng ban tặng cho các Kitô hữu niềm vui sống, cho dù cuộc sống vẫn còn đó rất nhiều đau khổ: “Trong thời ấy, anh em sẽ được hân hoan vui mừng, mặc dù còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách” (1,6). Trong ánh sáng của niềm hi vọng, người Kitô hữu đón nhận những thử thách và khổ đau trong đời sống như cơ hội thanh luyện đức tin: “Vàng là của phù vân mà còn phải chịu thử lửa… đức tin của anh em là thứ quý hơn vàng gấp bội” (1,7). Cũng chính niềm hy vọng này thúc đẩy các Kitô hữu sống cuộc đời mình với tinh thần trách nhiệm, vì ý thức rằng “Thiên Chúa là Đấng không vị nể ai nhưng cứ theo công việc của mỗi người mà xét xử” (1,17). Sự phán xét của Chúa không phải là mối đe doạ làm mất đi niềm vui sống, nhưng đúng hơn là động lực thúc đẩy chúng ta sống có trách nhiệm như Đức Bênêđictô XVI nói: “Trong kiến trúc các nơi phụng tự Kitô giáo, nhằm diễn tả tầm vóc lịch sử và vũ trụ của niềm tin vào Đức Kitô, người ta thường trình bày bên phía Đông hình ảnh Đức Kitô trở lại như vị vua; ngược lại, bên phía Tây là cuộc chung thẩm như hình ảnh về trách nhiệm đối với cuộc sống của chúng ta, và quang cảnh này dõi theo, đồng hành với người tín hữu trong cuộc sống hằng ngày” (Thông điệp Spe Salvi, số 41).

Người Kitô hữu không chỉ sống mà còn phải làm chứng về niềm hy vọng của mình: “Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em” (3,15). Thánh Phêrô nhắn nhủ điều này, đồng thời còn nhắc nhở cả về cung cách làm chứng cho phù hợp với tinh thần Phúc Am. Đó là “trả lời cách hiền hoà và với sự kính trọng” (3,16) chứ không bằng bạo lực và sự kiêu căng ngạo mạn. Câu trả lời thuyết phục nhất vẫn là câu trả lời bằng chính cuộc sống: “Hãy giữ lương tâm ngay thẳng, khiến những kẻ phỉ báng anh em phải xấu hổ vì những điều họ vu khống” (3,16); “Anh em hãy ăn ở ngay lành giữa dân ngoại, để ngay cả khi họ vu khống, coi anh em là người gian ác, họ cũng thấy các việc lành anh em làm mà tôn vinh Thiên Chúa trong ngày Người đến viếng thăm” (2,12). Không chỉ trong thời đại ngày nay nhưng ngay vào thời thánh Phêrô, các Kitô hữu đã kinh nghiệm điều này là: cho dù mình cố gắng giữ lương tâm ngay thẳng và sống công chính, cuộc đời vẫn ngập tràn đau khổ và xem ra những kẻ gian ác không hề suy nghĩ lại. Thực tế đó có thể làm cho ta thất vọng và muốn quay trở lại cách suy nghĩ, hành xử quen thuộc của thế gian. Nhưng thánh Phêrô nhấn mạnh: “Thà chịu khổ vì làm việc lành, nếu đó là thánh ý Thiên Chúa, còn hơn là vì làm điều ác” (3,17).

CHÚA KITÔ VÀ GIÁO HỘI (2,4-10)

Đoạn văn này được cấu trúc dựa vào hai hình ảnh trong Cựu Ước: Đá và Dân, và cả hai hình ảnh này đều nói về Giáo Hội. Từ “Đá tảng, viên đá” là từ chìa khoá trong các câu 6-8. Trước hết, những câu này nói về Chúa Kitô: Người là “tảng đá quý được lựa chọn đặt tại Sion”, là “Đá tảng góc tường” (x. Isaia 28,16), là viên đá bị người đời loại bỏ nhưng lại quan trọng trước mặt Thiên Chúa (x. Tv 118,22), cuối cùng Người là “viên đá làm cho vấp, tảng đá làm cho ngã” (x. Isaia 8,14). Đá tảng Kitô chính là khuôn mẫu cho Giáo Hội: như Chúa Giêsu, chúng ta được tuyển chọn và quý giá trước mặt Chúa, chúng ta cũng bị người đời ruồng bỏ và bách hại. Nhưng cũng như Chúa Kitô là Đá góc tường, Thiên Chúa dùng chúng ta là “những viên đá sống động mà xây nên ngôi đền thờ thiêng liêng… hàng tư tế thánh”. Cho nên hình ảnh “viên đá” được thư 1Phêrô vận dụng theo hai hướng: trước hết, giải thích tình trạng của Giáo Hội trong thế giới theo khuôn mẫu Chúa Kitô (được tuyển chọn – chịu đau khổ); sau nữa, được nên giống Chúa Kitô, trở nên đền thờ thiêng liêng của Thiên Chúa chí thánh.

“Dân” là từ chính yếu trong các câu 9-10. Giáo Hội là giống nòi được tuyển chọn, hàng tư tế vương giả, dân thánh, dân riêng của Chúa (x. Xh 19,3-6); Giáo Hội là cộng đoàn đi từ chỗ “chưa phải là một dân” đến chỗ là Dân Thiên Chúa, từ chỗ “chưa được hưởng lòng thương xót” đến chỗ được xót thương.

Cả hai hình ảnh “Đá” và “Dân” đều nhấn mạnh điều này là chúng ta được Thiên Chúa tuyển chọn, vì thế phải sống thánh thiện: “Anh em hãy sống thánh thiện trong cách ăn nết ở, để nên giống Đấng Thánh đã kêu gọi anh em, vì có lời Kinh Thánh chép: Hãy sống thánh thiện vì Ta là Đấng Thánh” (1,16).

• Ghi chú về 1 Pr 3,18-19

“Nhiều đoạn Tân Ước khẳng định Đức Giêsu “trỗi dậy từ cõi chết” (Cv 3,15; Rm 8,11), tức là trước khi sống lại, Người đã ở nơi kẻ chết. Khi rao giảng việc Đức Giêsu xuống ngục tổ tông, các tông đồ muốn nói là: Đức Giêsu đã chết như mọi người và linh hồn Người xuống cõi âm, nhưng xuống với tư cách là Đấng Cứu độ, để loan báo Tin Mừng cho các vong linh bị giam cầm ở đó… Đức Giêsu xuống ngục tổ tông không phải để giải thoát những kẻ bị án phạt đời đời hoặc để phá huỷ địa ngục đoạ đầy, nhưng để giải thoát những người công chính đã chết trước khi Người đến” (Sách GLHTCG, số 632-633).

 

THƯ CỦA THÁNH GIUĐA & THƯ 2 PHÊRÔ

—-o0o—-

CỦNG CỐ ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN TRONG HỘI THÁNH (Thư Giuđa)

Ngay câu mở đầu, tác giả giới thiệu về mình là “Giuđa, tôi tớ của Đức Giêsu Kitô, anh em với ông Giacôbê”, đồng thời xác định mục đích của lá thư: “để khuyên nhủ anh em chiến đấu cho đức tin đã được truyền lại cho dân thánh một lần là đủ” (câu 3).

Giáo Hội luôn phải đối diện với những khó khăn thử thách. Thử thách được nói đến trong lá thư này không đến từ bên ngoài nhưng từ trong nội bộ Giáo Hội: “Có những người đã len lỏi vào, những người từ lâu đã bị ghi trước vào danh sách những kẻ bị lên án, những kẻ vô luân này đã biến ân sủng của Thiên Chúa chúng ta thành lý do biện minh cho lối sống dâm ô, họ chối bỏ Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô, vị Chúa Tể duy nhất” (câu 4). Tác giả liệt kê nhiều hành vi của những kẻ vô luân này : làm cho thân xác ra ô uế, khinh dể chủ quyền của Chúa (câu 8); nói phạm đến những điều họ không biết (câu 10); chè chén mà không biết xấu hổ, chỉ lo cho bản thân (câu 12); gây chia rẽ, sống theo tính tự nhiên, không có Thần Khí (câu 19). Tác giả dùng nhiều hình ảnh để diễn tả hậu quả họ phải chịu : mây không có nước, cuốn theo chiều gió (câu 12); cây cuối mùa, không trái, bị nhổ tận gốc; sóng biển hung dữ, tung bọt là những hành vi bỉ ổi; những vì sao lạc, u ám tối tăm (câu 13).

Đối diện với những thử thách đó, tác giả kêu gọi các tín hữu nhớ lại lời các Tông đồ: “Vào thời cuối cùng, sẽ có những kẻ nhạo báng, sống theo những dục vọng vô luân của mình” (câu 17). Đồng thời, phải “xây dựng đời mình trên nền tảng đức tin rất thánh của anh em, hãy cầu nguyện nhờ Thánh Thần, hãy cố gắng sống trong tình thương của Thiên Chúa” (câu 20-21). Một đàng, các tín hữu phải thương xót kẻ có tội; đàng khác phải xa tránh lối sống của những kẻ vô luân: “sợ hãi, gớm ghét ngay cả chiếc áo đã bị thân xác họ làm cho ra ô uế” (câu 23).

ĐỀ PHÒNG CÁC THẦY DẠY GIẢ HIỆU (2Phêrô 2, 1-9)

Ở phần đầu lá thư, thánh Phêrô viết: “Bao lâu tôi còn sống cuộc đời chóng qua này, tôi phải nhắc nhở để thức tỉnh anh em, đó là điều phải lẽ vì biết rằng sắp đến thời tôi phải bỏ lều này, như Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta cũng đã tỏ cho tôi biết” (2, 13-14). Vì thế có thể xem những giáo huấn sau đó như di chúc để lại. Tuy nhiên có nhà chú giải cho rằng đây chỉ là một cách nói nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của đề tài được bàn đến trong thư 2 Phêrô. Lúc đó, trong Giáo Hội, có những người giảng dạy sai lạc và khích bác giáo huấn của Giáo Hội. Ví dụ, họ cho việc rao giảng về Ngày quang lâm của Chúa là chuyện hoang đường (1,16; 3,3-4).

Vì thế, thánh Phêrô cảnh giác các tín hữu trước những thầy dạy giả hiệu (2,1). Họ được so sánh với những tiên tri giả trong Cựu Ước là những người rao giảng hòa bình và ổn định đang khi các tiên tri thật rao giảng về án xử của Thiên Chúa (xem Giêrêmia 4,10; 5,12; 6,14; 14,13-14). Ngài gọi họ là những người “chối bỏ vị Chúa tể đã chuộc họ về” (2,1). Ngày nay, có thể gọi là những người vô thần thực tiễn. Họ không chối bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa nhưng cho rằng vị Thiên Chúa ấy chẳng quan tâm gì đến đời sống con người. Thánh vịnh nhiều lần nói đến những kẻ tội lỗi chủ trương rằng “Không có Thiên Chúa” (Tv 10,11; 14,1; 73,11), không phải sợ Chúa xét xử, cho nên sống phóng túng, tội lỗi. Ở đây, thánh Phêrô cũng cảnh giác các tín hữu: “Nhiều người sẽ học đòi các trò dâm đãng của họ, và vì họ, con đường sự thật sẽ bị phỉ báng. Vì tham lam, họ dùng lời lẽ gạt gẫm anh em để trục lợi. Aùn phạt họ đã sẵn sàng từ lâu và họa diệt vong đã gần kề” (2,2-3).

Để chứng minh Thiên Chúa sẽ xét xử thế gian, tác giả đưa ra 3 ví dụ: những thiên thần phạm tội, ông Nôê, ông Lót và hai thành Sôđôma, Gômôra. Những ví dụ này có thể được rút ra từ thư Giuđa 5-7, nhưng tác giả thư 2 Phêrô sắp xếp khác để trình bày sứ điệp mới. Sứ điệp đó là : “Chúa cứu những người đạo đức khỏi cơn thử thách, và giữ những kẻ bất chính để trừng phạt vào ngày phán xét, nhất là những kẻ vì ham muốn những điều ô uế mà sống theo xác thịt, những kẻ khinh dể chủ quyền của Chúa” (2,9-10). Không thể chối bỏ sự xét xử của Chúa như những thầy dạy giả hiệu rao giảng. Sự chối bỏ đó chỉ dẫn con người đến lối sống vô luân và họa diệt vong.

(Nguyễn Anh Tuấn thu âm)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *