Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm: Tìm hiểu sách Đệ Nhị Luật

SÁCH ĐỆ NHỊ LUẬT 
(chương 1 – 11)

I. TỔNG QUÁT

Đệ nhị luật là một trong những cuốn sách quan trọng và có tầm ảnh hưởng lớn trong Thánh Kinh Cựu Ước. Nội dung chính của sách là ba diễn từ của Môsê nói với dân Israel trước khi họ qua sông Giođan tiến vào Đất Hứa. Mục đích là củng cố niềm tin của dân vào Thiên Chúa và kêu gọi họ trung thành với giao ước đã ký kết với Thiên Chúa.

https://youtu.be/s_xHOqw_Q7Y

Chương 1-11 gồm có :
– 1,1 – 4,43 : Diễn từ thứ nhất của Môsê. Môsê khuyến cáo dân phải học bài học của quá khứ nếu muốn vững chắc trong tương lai. Trung tín sẽ được ân thuởng, ngược lại, bất trung sẽ mang lại án phạt.
– 4,44 – 11,32 : Phần đầu trong diễn từ thứ hai của Môsê trước khi trình bày bộ Đệ nhị luật. Phần này có nhiều điểm quan trọng: Mười điều răn (5,1-6,3), Tình yêu của Chúa (6,4-25), Israel là dân thánh (7,6-26), Điều răn lớn (10,12 – 11,32).

II. ISRAEL, DÂN ĐƯỢC THÁNH HIẾN (Đnl 7,1-12)

Môsê nói với dân, “Anh em là một dân được thánh hiến cho Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em. Đức Chúa đã chọn anh em từ giữa muôn dân trên mặt đất, làm một dân thuộc quyền sở hữu của Người” (Đnl 7,6).

Trong phần trước (7,1-5), Môsê đưa ra những chỉ thị cấm dân Israel quan hệ với các dân khác. Việc cấm đoán này không phát xuất từ sự tự mãn nhưng từ ý thức rằng Israel đã được Thiên Chúa tuyển chọn, và nếu không cố gắng, họ sẽ không thể chu toàn trách nhiệm trước mặt Chúa.

Thánh hiến là được tách riêng ra để thuộc quyền sở hữu của Chúa. Israel đã được tách riêng ra khỏi các dân. Lề luật được ban cho họ nhằm giúp họ duy trì mối quan hệ đặc biệt với Thiên Chúa. Nền tảng của mối quan hệ này không phải là những phẩm chất cao quý của họ nhưng chính là tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa, Đấng đã chọn một dân nhỏ bé trong các dân. Vì thế được tuyển chọn chính là một hồng ân (x. Đnl 4,32-38).

Kitô hữu là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa: “Anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền” (1Pet 2,9-10). Việc tuyển chọn này cũng không phát xuất từ những ưu điểm về mặt nhân loại của ta, nhưng hoàn toàn phát xuất từ tình thương vô điều kiện của Thiên Chúa. Ý thức này thúc đẩy ta sống đời Kitô hữu trong tâm tình tạ ơn và khiêm tốn. Hơn ai hết, Mẹ Maria chính là mẫu mực cho ta sống những tâm tình này như Mẹ diễn tả trong lời kinh tạ ơn (Magnificat).

III. KINH NGUYỆN HỒI TƯỞNG (Đnl 8,1-20)

Môsê nhấn mạnh đến việc “nhớ lại” những hành động yêu thương của Chúa, “Anh em phải nhớ lại tất cả con đường mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đã dẫn anh em đi suốt bốn mươi năm nay trong sa mạc” (8,2). Nhớ lại hành động giải thoát của Chúa khi đưa dân khỏi Ai cập cũng như sự quan phòng của Người trong suốt hành trình sa mạc là điều tối quan trọng, vì nhờ đó, dân mới cảm nhận tình thương của Chúa và gắn bó với Người, vâng phục Người. Ngược lại, nếu quên đi những hồng ân đó, dân sẽ dần dần bất tuân và bất tín với Thiên Chúa.

Kinh nghiệm sa mạc giúp cho Israel thấy rõ cuộc sống của họ hoàn toàn lệ thuộc vào một mình Thiên Chúa. Kinh nghiệm về sự thiếu thốn và đói khát đến độ chỉ có thể sống nhờ manna, kinh nghiệm đó giúp dân thấy rõ họ sống được là nhờ Chúa: “Thiên Chúa đã bắt anh em phải cùng cực, phải đói, rồi đã cho anh em ăn manna là của ăn anh em chưa từng biết…. ngõ hầu làm cho anh em nhận biết rằng người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn sống nhờ mọi lời miệng Đức Chúa phán ra” (Đnl 8,3) Bây giờ khi bước vào vùng đất mới với lương thực đầy đủ, người ta dễ cho rằng sự phong phú đó là do nỗ lực của con người chứ không do Thiên Chúa. Cho nên Môsê nhấn mạnh, “Anh em hãy ý tứ đừng quên Đức Chúa… Khi anh em được ăn, được no nê, xây nhà đẹp đẽ… thì anh em đừng kiêu ngạo mà quên Đức Chúa, Đấng đã đưa anh em ra khỏi đất Ai cập, khỏi cảnh nô lệ” (8,11-13).

Trong đời sống thiêng liêng cũng thế, ta cần nhìn lại và nhớ lại cuộc đời mình trong ánh sáng của Chúa, nhờ đó ta cảm nhận sự hiện diện và tình thương của Chúa trong cuộc đời mình cách cụ thể và rõ ràng. Có thể gọi là kinh nguyện hồi tưởng.

Cách cụ thể, hãy đặt mình trước mặt Chúa và nhớ lại. Hãy nhớ lại những khoảnh khắc đặc biệt khiến ta cảm nhận rõ ràng sự can thiệp của Chúa. Hãy nhớ lại những người đã làm ơn cho ta và ghi đậm dấu ấn trong đời ta vì chính Chúa ban ơn cho ta qua họ. Hãy nhớ lại những biến cố lớn trong đời. Hãy nhớ lại những thương tích còn lại trong tâm hồn, và xin Chúa chữa lành. Hãy nhớ lại những người mà ta gây thương tích cho họ, dù vô tình hay hữu ý, và xin Chúa chữa lành họ.

Nhớ lại tất cả những điều trên trong ánh sáng của Chúa giúp ta cảm nhận tình thương của Chúa trong đời mình, giúp ta được chữa lành khỏi những thương tích trong tâm hồn, và giúp ta vững bước đi về phía trước trong tin yêu và phó thác.

SÁCH ĐỆ NHỊ LUẬT 
(chương 12-26)

I. ĐỜI SỐNG HƠN NHÂN GIA ĐÌNH (Đnl 24,1-4)

Trong Tin Mừng Matthêu, khi được hỏi, “Người ta có được phép rẫy vợ vì bất cứ lý do nào không?” Chúa Giêsu đã trả lời, “Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hoá đã làm ra con người có nam có nữ, và Người đã phán: Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt” (Mt 19,3-5). Nhưng người Pharisêu đặt vấn đề với Chúa Giêsu, “Tại sao ông Môsê lại truyền dạy cấp giấy ly dị mà rẫy vợ?” (Mt 19,7).

Đặt câu hỏi như thế là dựa vào Đnl 24,1-4: “Nếu một người đàn ông đã lấy vợ và đã ăn ở với nàng rồi, mà sau đó nàng không đẹp lòng người ấy nữa, vì người ấy thấy nơi nàng có điều gì đáng ruồng bỏ, thì sẽ viết cho nàng một chứng thư ly dị, trao tận tay và đuổi ra khỏi nhà.” Theo đó, người phụ nữ hoàn toàn ở thế thụ động, bị coi như một vật sở hữu của người đàn ông. Hơn nữa, người ta có thể giải thích lề luật theo ý muốn và sở thích ích kỷ của mình, chẳng hạn đã có những cách giải thích khác nhau về cụm từ “điều gì đáng ruồng bỏ” và “điều không đẹp lòng.”

Câu trả lời của Chúa Giêsu vượt trên luật Môsê và đưa người ta trở về với ý định ban đầu của Thiên Chúa, “Vì các ông lòng chai dạ đá nên Môsê đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu không có thế đâu” (Mt 19,8). Về lời khẳng định của Chúa Giêsu, “Tôi nói cho các ông biết: ngoại trừ nố dâm bôn, ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình” (Mt 19,9), nố dâm bôn ở đây (porneia) là hôn nhân bất hợp pháp (xem TOB). Theo Lev 18,6-18, (đối chiếu với Cv 15, 20,29) đó là hôn nhân giữa những người cùng chung huyết thống (họ máu, họ kết bạn).

II. NHữNG NGÀY LỄ LỚN (Đnl 16,16)

“Mỗi năm ba lần, tất cả đàn ông con trai của anh em phải đến trình diện Đức Chúa, ở nơi Người chọn: vào dịp lễ Bánh Không Men, lễ Ngũ Tuần và lễ Lều” (Đnl 16,16).

Ở nguồn gốc, đây là những lễ hội nông nghiệp, rồi được tôn giáo hoá để tưởng nhớ những biến cố lớn trong lịch sử Dân Chúa. Lễ Bánh Không Men được cử hành vào mùa Xuân để tưởng nhớ cuộc xuất hành khỏi Ai Cập. Lễ Ngũ Tuần là lễ của các tuần lễ (Xh 34,22; Đnl 16,10), ở khoảng giữa lễ Vượt Qua và lễ Lều. Sau này được cử hành để tưởng nhớ việc Thiên Chúa ban Lề Luật trên núi Sinai.

Trong Kitô giáo, có những ngày lễ tương tự những ngày lễ của dân Israel như lễ Phục Sinh, lễ Hiện Xuống. Cách nào đó, những ngày lễ này tiếp nối những ngày lễ của dân Israel nhưng lại mang ý nghĩa mới mẻ và sâu xa hơn.

Việc cử hành các ngày lễ trên đóng vai trò quan trọng trong đời sống đức tin của Dân Chúa, vừa tưởng niệm những kỳ công Chúa thực hiện trong lịch sử, vừa thúc đẩy tín hữu sống đức tin. Ngày nay, một số ngày lễ lớn của Kitô giáo đang có nguy cơ bị tục hoá, vd. lễ Giáng Sinh nhiều khi chỉ còn là cơ hội ăn chơi và mua sắm. Vì thế, Kitô hữu càng cần phải cử hành những ngày lễ tôn giáo cách ý thức hơn.

SÁCH ĐỆ NHỊ LUẬT
(chương 27-34)

III. TỔNG KẾT: CHỌN LỰA SỰ SỐNG (Đnl 30,15-20)

Trong diễn từ thứ ba của Môsê, sau khi đã ôn lại lịch sử của Dân Chúa, Môsê nói với dân, “Coi đây, hôm nay tôi đưa ra cho anh em chọn: hoặc là được sống, được hạnh phúc, hoặc là phải chết, bị tai hoạ…” (Đnl 30,15-20)

Lời này cho thấy viễn tượng bao trùm toàn bộ lề luật Thiên Chúa ban cho con người chính là sự sống. Lề luật Thiên Chúa ban là để cho con người được sống và hạnh phúc chứ không nhằm hủy diệt và giết chết như nhiều người ngày nay nghĩ tưởng. Chỉ có điều quy luật của sự sống là “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24). Đó là quy luật tự nhiên của sự sống nhưng con người lại cho đó là nghịch lý. Họ chỉ muốn sự sống tức thời và cụ thể trước mắt chứ không chấp nhận quy luật của hi sinh và từ bỏ. Vì thế họ lao vào việc tìm thoả mãn những sở thích và đam mê của mình bằng mọi cách để rồi chỉ thấy sự sống đích thực nơi mình mỗi ngày mỗi nghèo nàn và trống vắng. Dân Israel đã phải học bài học này trong suốt hành trình sa mạc, và mỗi chúng ta cũng phải học bài học đó.

Chọn lựa căn bản của người Kitô hữu là chọn Chúa, cũng là chọn sự sống. Nhưng ta cần thể hiện chọn lựa căn bản đó xuyên qua những chọn lựa nhỏ bé và cụ thể hằng ngày. Và không thể quên quy luật của sự sống mà Chúa Giêsu đã nhấn mạnh bằng chính cuộc sống và cái chết của Ngài.

 

 

 

One comment

  1. Dạ con xin Đức Cha phân tích và giải thích kỹ giúp con đoạn Kinh Thánh Đnl 6, 1-13.
    Con xin cám ơn Đức Cha nhiều ạ!

Trả lời anna Hòa Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *