Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm: Tìm hiểu Tin mừng theo thánh Lu-ca

Tin Mừng theo Thánh Luca (Chương 1-6)

TỔNG QUÁT

Ngay từ đầu sách Tin Mừng, thánh Luca đã nhìn nhận những tác phẩm đã viết trước. Ngài không muốn viết sách Tin Mừng để thay thế cho Tin Mừng Marcô đã có trước, nhưng ngài nhận ra nhu cầu cần có một tác phẩm khác cho thế hệ mới với những hoàn cảnh sống mới. Lúc đó, số Kitô hữu gốc dân ngoại đã gia tăng đáng kể, Giáo Hội cũng không chỉ đóng khung trong đất nước Palestina nữa nhưng có mặt ở nhiều nơi khắp đế quốc Roma. Ngôn ngữ thông dụng cũng không còn là tiếng Do thái mà là tiếng Hi Lạp. Thánh Luca muốn cho thấy tính liên tục giữa cộng đoàn mới mẻ này và cộng đoàn Do thái ban đầu. Ngài muốn các đọc giả của ngài hiểu rằng Thiên Chúa đã yêu thương họ ngay từ thưở ban đầu cho dù về mặt lịch sử, người Do thái là những người đầu tiên được đón nhận sứ điệp cứu độ, nhưng họ đón nhận là để loan báo cho mọi người khác. Vì thế ngài dựa vào Tin Mừng Marcô cũng như những nguồn tư liệu khác để biên soạn sách Tin Mừng thứ ba và sách Công vụ. Sách Tin Mừng mô tả những bước đầu tiên của lịch sử Kitô giáo, từ lời loan báo đầu tiên cho đến lúc hoàn thành trong cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Còn sách Công vụ trình bày về sự phát triển của Giáo Hội, cho thấy những quyết định quan trọng và những bước ngoặt của Giáo Hội trong nỗ lực rao giảng Tin Mừng.

https://youtu.be/IexU07Fhtx4

 

Có bốn sách Tin Mừng và cả bốn sách đều kể cùng một câu truyện về Chúa Giêsu. Tuy nhiên mỗi tác giả lại sử dụng cách tiếp cận khác nhau, dựa vào mối quan hệ cá vị của các ngài với Chúa Giêsu, vào khả năng riêng của mỗi người, vào kinh nghiệm của cộng đoàn mà mình có mặt cũng như vào những nguồn tư liệu có được. Vì thế mỗi sách Tin Mừng lại có những nét độc đáo riêng. Theo đó, sách Tin Mừng Luca có một số đặc điểm sau:

1. Ơn cứu độ cho mọi người

Ngay từ đầu, dân Israel đã ý thức rằng Thiên Chúa muốn cứu độ mọi người (St 13,2). Mọi dân tộc trên địa cầu đều được đón nhận phúc lành của Thiên Chúa qua dân Do thái. Các Kitô hữu Do thái cũng ý thức điều đó nhưng họ tự hỏi: Nơi Chúa Giêsu, Thiên Chúa ban ơn cứu độ cho mọi người cách trực tiếp hay họ phải gia nhập Do thái giáo? Vào thời điểm các sách Tin Mừng được viết, câu trả lời đã rõ ràng, cho nên chủ đề này có mặt trong tất cả các sách Tin Mừng. Tuy nhiên thánh Luca là người nhấn mạnh đặc biệt đến chủ đề này vì ngài viết sách Tin Mừng cho những Kitô hữu gốc dân ngoại.

2. Lòng thương xót và ơn tha thứ

Đây là nét độc đáo nổi bật trong chân dung của Luca về Chúa Giêsu. Trong sách Tin Mừng thứ ba, Chúa Giêsu thường xuyên quan tâm đến người nghèo, các tội nhân, những người bị gạt ra bên lề xã hội. Không phải các đạo sĩ nhưng chính những người chăn chiên mới là người đến máng cỏ đầu tiên (2,8-18); Chúa đón tiếp người phụ nữ tội lỗi nhưng có lòng thống hối (7,36-50); Chúa nói những điều tốt lành về người Samaria (10,30-37); Chúa đến thăm người thu thuế (19,1-10); Chúa kể những dụ ngôn tuyệt vời về lòng thương xót (chương 15). Các phụ nữ cũng chiếm vị trí đặc biệt trong Tin Mừng Luca. Vào thời đó, phụ nữ chỉ là công dân hạng hai và bị coi thường, nhưng Chúa Giêsu lại trân trọng họ (10,38-42), đón nhận sự giúp đỡ của họ (8,1-3), và cho thấy đức tin kiên cường của các bà trong những giai đoạn thử thách nhất (23,49; 24,1; Cv 1,14).

3. Niềm vui

Tin Mừng Luca ánh lên niềm vui cứu độ, niềm vui thể hiện trong giáo huấn của Chúa Giêsu, niềm vui khơi nguồn từ xác tín vào tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Ngày sinh của Chúa Giêsu và Gioan Tẩy giả được loan báo như niềm vui lớn lao (1,14; 2,10). Sự hoán cải của tội nhân là nguồn niềm vui cho cả thiên đàng (15,7-10). Sách Tin Mừng thứ ba kết thúc bằng hình ảnh các môn đệ trở về Giêrusalem, lòng tràn ngập vui mừng sau khi Chúa Giêsu lên trời (24,52).

4. Hành trình

Cả ba Tin Mừng nhất lãm đều tường thuật sứ vụ công khai của Chúa Giêsu bắt đầu với lời rao giảng của Gioan Tẩy giả: “Hãy dọn đường cho Chúa…” Sứ vụ của Chúa Giêsu được trình bày như sự tiếp nối “đường của Chúa” và dẫn đến hoàn thành. Con đường đó đã bắt đầu khi Abraham rời bỏ quê hương xứ sở mà đi theo tiếng gọi của Chúa, rồi đến dân Israel lên đường đưới sự lãnh đạo của Môsê để rời bỏ Ai Cập, sau này lại lên đường ra khỏi đất lưu đầy. Thánh Luca đã tập trung vào chủ đề “con đường” và “hành trình” này khi trình bày hành trình của Chúa Giêsu từ Galilê lên Giêrusalem ((9,51 – 19,44).

5. Chúa Thánh Thần

Đôi khi thánh sử Luca được gọi là người viết Tin Mừng về Chúa Thánh Thần và về cầu nguyện. Lý do là vì ngài nhấn mạnh đến vai trò của Chúa Thánh Thần : trước khi Chúa Giêsu sinh ra ((1,35.67), khi Chúa vào hoang địa (4,1), sau đó được giới thiệu là Đấng mà Thánh Thần ngự đến (4,18). Vai trò của Chúa Thánh Thần còn được nhấn mạnh và đề cao trong sách Công vụ : chính Thánh Thần ban sức mạnh cho các tông đồ đi rao giảng Tin Mừng (2,1-17). Chính Thánh Thần hướng dẫn Giáo Hội trong những quyết định quan trọng và trong sứ vụ truyền giáo (15,28; 16,6-7). Cũng thế, thánh Luca đề cao việc cầu nguyện : Chúa Giêsu cầu nguyện trước khi chọn 12 tông đồ (6,12), trước khi biến hình trên núi cao (9,29), và khi các môn đệ xin Ngài dạy họ cầu nguyện (11,1). Quả thật, cầu nguyện phải là đặc điểm của cộng đoàn môn đệ Chúa Kitô (Cv 1,24; 2,42; 3,1).

5. Hoàn thành lời tiên tri

Dù không nhiều bằng Matthêu nhưng thánh Luca cũng nhiều lần sử dụng các trích dẫn Cựu Ước để cho độc giả hiểu rằng những gì xẩy ra trong cuộc đời Chúa Giêsu đã được loan báo từ xa xưa. Chính vì thế, không ít lần ngài dùng cụm từ “phải xẩy ra như thế…” (2,49; 4,43; 9,22).

6. Thăng thiên

Biến cố Chúa Giêsu lên trời được thánh Luca trình bày trong bối cảnh phục sinh. Đó là hành động tôn vinh, nhờ đó Chúa Giêsu ngự bên hữu Chúa Cha. Thăng thiên có ý nghĩa đặc biệt trong công trình cứu độ vì qua sự tôn vinh này, Thánh Thần được ban cho Giáo Hội (Cv 2,33) và ơn cứu độ được ban cho tất cả mọi người.

Lược đồ tổng quát

1,1-4 Dẫn nhập
1,5 – 2,52 Phần I : khởi đầu
3,1 – 4,13 Phần II : Đấng Mêsia được chuẩn bị
4,14 – 9,50 Phần III : Sứ vụ tại Galilê
9,51 – 19,44 Phần IV : Hành trình lên Giêrusalem
19,45 – 24,53 Phần V : Đau khổ và chiến thắng

DẪN NHẬP (1, 1-4)

Phần Dẫn nhập mô tả nội dung tác phẩm và trình bày lý do biên soạn. Tác phẩm ở đây không chỉ là Tin Mừng thứ ba mà còn cả sách Công Vụ. Dĩ nhiên sách Công Vụ cũng có phần dẫn nhập, cũng được gửi cho Theophilus và trình bày mối quan hệ với sách Tin Mừng (Cv 1,1-3).

Khi trình bày tác phẩm và lý do biên soạn, thánh Luca cũng cho ta biết khá nhiều về chính bản thân ngài cũng như về độc giả ngài nhắm tới. Luca nhìn nhận rằng ngài không phải là một trong những chứng nhân đã trực tiếp chứng kiến các việc Chúa Giêsu làm, nhưng cũng như các đọc giả của ngài, Luca thuộc vào thế hệ thứ hai. Cách trình bày cho thấy Luca là một Kitô hữu có học vấn và viết cho những người giống như ngài đang sống rải rác khắp đế quốc Roma. Lúc đó, câu chuyện về Chúa Giêsu đã được biết đến nhiều qua các nhà rao giảng và cũng có những văn bản. Tuy nhiên chúng ta chỉ còn giữ lại được một văn bản trọn vẹn là Tin Mừng Marcô, và đây cũng là tác phẩm chính mà Luca dựa vào để biên soạn.

Nếu thính giả đã quen với câu chuyện về Chúa Giêsu, thì tại sao phải kể lại câu chuyện ấy? Phải chăng tác giả có những thông tin mới, những câu chuyện mới và những cách giải thích mới? Luca không muốn đánh lừa độc giả bằng những lời hứa như thế. Ngài chỉ nhấn mạnh vào tính đáng tin cậy của những thông tin ngài có được, và ngài cố gắng sắp xếp lại theo thứ tự để xua tan mọi nghi ngờ. Luca muốn giúp anh chị em mình là những Kitô hữu gốc dân ngoại tìm về cội nguồn của niềm tin Kitô giáo là Đức Giêsu lịch sử, và dõi theo tiến trình phát triển của Kitô giáo từ Giêrusalem cho đến Tiểu Á và Roma.

KHỞI ĐẦU (1,5 – 2,52)

Những trình thuật của Luca về truyền tin, giáng sinh và thời thơ ấu của Chúa Giêsu là những sáng tạo độc đáo của Luca. Các sách Tin Mừng khác không có những trình thuật tương tự. Tin Mừng Matthêu cũng có trình thuật về thời thơ ấu nhưng xem ra không trùng hợp với Luca. Vì thế đây là sáng tạo riêng của Luca trong một thời đại mà Kitô hữu không chỉ quan tâm đến sứ vụ công khai của Chúa Cứu thế, nhưng còn muốn tìm về cội nguồn đời sống của ngài.

Lời rao giảng truyền thống về Chúa Giêsu thường bắt đầu bằng biến cố Chúa chịu phép Rửa (x. các bài giảng của Phêrô và Phaolô trong sách Công Vụ, hoặc trong dàn bài của Tin Mừng Marco). Luca đã thêm vào lược đồ truyền thống đó những trình thuật về thời thơ ấu của Chúa, được coi như phần mở đầu để dẫn vào chính truyện. Cả Matthêu và Luca đều nhấn mạnh rằng những gì xẩy ra trong thời thơ ấu của Chúa Giêsu là để ứng nghiệm lời tiên tri. Tuy nhiên có sự khác biệt là Matthêu nhấn mạnh bằng cách trích dẫn (vd. 1,22-23; 2,15.17-18), còn Luca lại sử dụng những ám chỉ và hàm ngậm. Nét độc đáo khác của Luca là ngài đã sắp xếp trình thuật thời thơ ấu bằng cách tạo một song đối giữa Gioan Tẩy giả và Chúa Giêsu:

– Loan báo việc thụ thai Gioan Tẩy giả (1,5-25)
– Loan báo việc thụ thai Chúa Giêsu (1,26-38)
– Sự kiện nối kết : Thăm viếng bà Elisabeth (1,39-56)
– Sinh hạ Gioan Tẩy giả (1,57-80)
– Sinh hạ Chúa Giêsu (2,1-7)

Việc thụ thai của cả hai nhân vật đều được sứ thần Gabriel loan báo và gây ngỡ ngàng cho các bậc cha mẹ. Cả hai đều được cắt bì vào ngày thứ tám theo luật Do thái nhưng tên gọi của cả hai lại được sứ thần ấn định. Và cha mẹ của cả hai đều giải thích biến cố bằng một thánh thi. Tuy nhiên khi so sánh hai con trẻ, Luca đã làm nổi bật vị trí ưu việt của Chúa Giêsu. Ngoài ra, khi biên soạn trình thuật truyền tin, Luca đã vận dụng những trình thuật mẫu từ Cựu Ước (vd. Isaac, x. St 17; Samson, x. Tp 13). Theo đó, trình thuật truyền tin được biên soạn theo thứ tự:

– Thiên thần xuất hiện
– Người được truyền tin tỏ ra sợ hãi
– Thiên thần trấn an rồi loan báo việc thụ thai và hạ sinh
– Người được truyền tin lên tiếng chất vấn
– Thiên thần cho một dấu chỉ.

GIOAN TẨY GIẢ DỌN ĐƯỜNG CHO ĐẤNG MÊSIA (3,1-4,3)

Khi tường thuật biến cố Chúa Giêsu giáng sinh, thánh Luca đã mô tả bối cảnh lịch sử khá chi tiết. Cũng thế, khi nói đến sứ vụ của thánh Gioan Tẩy giả, ngài cung cấp nhiều chi tiết lịch sử. Sau khi Hêrôđê đại đế qua đời, đất nước của ông được chia cho các con là những tiểu vương. Vào thời đó, vì Arkêlao, con vua Hêrôđe,â gây rối loạn, nên hoàng đế Rôma đã đặt một tổng trấn ở Giuđêa. Còn Hêrôđê được nhắc đến ở đây là Hêrôđê Antipas, cũng là con của Hêrôđê đại đế. Về các tư tế, chỉ có một thượng tế là Caipha, nhưng Anna được nhắc đến ở đây vì ông đã từng là thượng tế và vẫn đang có tầm ảnh hưởng dù đã về hưu.

Trình thuật về ơn gọi của Gioan Tẩy giả được xây dựng theo trình thuật ơn gọi của các tiên tri trong Cựu Ước (vd. Gier 1,2). Thánh Gioan là vị tiên tri cuối cùng của Cựu Ước và là nhịp cầu bắc sang Tân Ước. Ngài dọn đường cho Chúa, con đường đã dẫn dân từ Ai Cập đến Israel, và nay, nhờ Chúa Giêsu, con đường ấy dẫn dân đi vào vương quốc mêsia. Phép Rửa của Gioan là một hành động có tính nghi thức để diễn tả ước muốn canh tân. Phép Rửa ấy đòi hỏi một thái độ nội tâm thích hợp là lòng sám hối, nếu không, không thể đón nhận ơn tha thứ.

Thánh sử Marcô và Matthêu đều trích dẫn lời tiên tri Isaia, nhưng thánh Luca trích dẫn dài hơn, đặc biệt là câu: “Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (3,5-6). Trích dẫn dài như thế để nói đến lời hứa về ơn cứu độ phổ quát (cho mọi người) vốn là sứ điệp quan trọng Luca muốn gửi đến các đọc giả dân ngoại. Sự khẳng định về ơn cứu độ phổ quát xuất hiện ở ngay đầu Tin Mừng Luca cũng sẽ được nhấn mạnh khi kết thúc tác phẩm thứ hai của Luca là sách Công Vụ: ơn cứu độ đã thực sự đến với dân ngoại (Cv 28,28).

SỨ VỤ CỦA CHÚA GIÊSU Ở GALILÊ (4,14 – 9,50)

Phần này trình bày hoạt động của Chúa Giêsu ở vùng đất quê hương, trước khi quyết định đi lên Giêrusalem (9,51), sau đó là cuộc khổ nạn, sự chết và sự phục sinh của Chúa.

Ở đây chỉ tập trung vào trình thuật về Chúa Giêsu tại Nadarét, được coi như Tin Mừng thu nhỏ (4,14-30). Khởi đầu, Chúa Giêsu được đón tiếp và ca tụng, nhưng sau đó vì ghen tị và nghi ngờ, sự ca tụng ban đầu trở thành thù ghét đến mức độ người ta tìm cách giết Người.

Là người Do thái sùng đạo, Chúa Giêsu thường đến hội đường làm việc thờ phượng. Trong buổi hội họp ngày sabát, có hai bài đọc, một bài trích từ Ngũ Thư (năm cuốn sách đầu tiên trong Kinh Thánh Cựu Ước), bài thứ hai từ các tiên tri. Chúa Giêsu đọc bài thứ hai là sách Isaia 61,1-2 về lời hứa khôi phục Israel. Chúa Giêsu tự giới thiệu mình như vị tiên tri và Đấng Mêsia khai mở thời đại tự do và ân sủng: “Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”. “Hôm nay” là ngày khai mở năm hồng ân của Thiên Chúa. Ngày “hôm nay” ấy tiếp tục được triển khai cho đến khi Chúa Giêsu được tôn vinh (thăng thiên).

Dân chúng rất ấn tượng về lời giảng dạy của Chúa Giêsu, nhưng rồi họ đặt vấn đề: “Oâng này không phải là con ông Giuse đó sao?” Để trả lời, Chúa Giêsu đã so sánh Người với hai vị tiên tri lớn trong Cựu Ước là Elia và Elisê: các ngài đã phục vụ những người không phải dân Israel vì dân đã không đón nhận các ngài. Điều đó hàm nghĩa rằng vì dân không đón nhận Người nên Chúa Giêsu sẽ rao giảng cho người ngoại.

Câu trả lời của Chúa Giêsu khiến người ta phẫn nộ. Sau này, theo lời kể của Luca, thánh Phaolô cũng gặp đe dọa như thế (Cv 22,21). Thế nhưng sự thù nghịch của họ không thể hủy diệt Chúa Giêsu. Người vẫn còn một sứ mệnh phải hoàn thành theo chương trình của Thiên Chúa. Vào thời điểm kết thúc sứ mệnh, Chúa Giêsu xem như bị tiêu diệt nhưng thực ra Người vẫn chiến thắng: “Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” (Lc 24,26).

Tin Mừng theo Thánh Luca (Chương 7-13)

HÀNH TRÌNH LÊN GIÊRUSALEM (9,51 – 19,44)

Chúa Giêsu quyết định đi lên Giêrusalem để hoàn tất cuộc xuất hành (exodus) (9,31), và thánh sử Luca mở đầu trình thuật về hành trình này bằng một câu rất lạ: “Khi đã tới ngày Chúa Giêsu được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giêrusalem” (9,51). Chủ đề về hành trình cuối cùng này đã có trong Tin Mừng Marcô rồi (Mc 10,1.32) nhưng Luca khai triển rộng hơn để cho thấy Chúa Giêsu tha thiết gắn bó với chương trình của Chúa Cha (9,62; 13,33). Luca cũng thường xuyên nhắc đọc giả về chủ đề này (Lc 13,22; 17,11) và đưa vào trình thuật nhiều câu truyện, nhiều lời nói của Chúa Giêsu.

Hành trình Chúa Giêsu lên Giêrusalem cũng được coi như khuôn mẫu cho sự phát triển của Hội Thánh trong lịch sử. Như Chúa Giêsu nhấn mạnh nhiều lần, con đường đi đến vinh quang phải ngang qua thập giá. Cộng đoàn Hội Thánh và từng người môn đệ Chúa Giêsu phải chấp nhận đồng hành với Thầy trên đường thập giá. Vì thế, ngay ở phần mở đầu trình thuật này, Luca đã ghi lại những đòi hỏi quyết liệt của Chúa Giêsu: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (9,58); “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết, còn anh, hãy đi loan báo Triều đại Thiên Chúa” (9,60); “Ai đã tra tay cầm cầy mà còn ngoái lại đằng sau thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa (9,62).

SỨ VỤ CỦA 72 MÔN ĐỆ (10,1-20)

Luca đã ghi lại việc Chúa Giêsu sai 12 tông đồ đi giảng (9,1-5), ngoài ra ngài lại còn nói đến việc Chúa sai 72 môn đệ khác (10,1-20) và chỉ có Luca mới nói đến việc này. Có lẽ ngài muốn đặc biệt nhấn mạnh sứ vụ truyền giáo của Gíao Hội sau khi Chúa Giêsu về trời. Theo giáo huấn của các rabbi do thái, trên thế giới có 72 dân tộc (dựa vào sách Sáng Thế, chương 10 trong bản Thất thập). Các môn đệ phải “đi trước Chúa” nghĩa là không phải để loan báo bản thân họ và sứ điệp của họ nhưng để dọn đường cho Chúa Giêsu. Người ra lệnh cho họ đi từng hai người một để có thể chính thức làm chứng về Chúa Giêsu và triều đại Thiên Chúa (x. Mt 18,16). Theo thói quen thời đó, lời chứng của hai người mới có giá trị. Đồng thời, Người thúc giục các môn đệ cầu nguyện cho có thêm thợ gặt. Dĩ nhiên Chủ mùa gặt quan tâm đến ruộng lúa của ngài, nhưng sự đáp ứng của ông chủ cách nào đó cũng tuỳ thuộc vào sự tha thiết của các môn đệ. Điều này giúp các Kitô hữu ý thức tầm quan trọng của việc cầu nguyện trong sứ mạng truyền giáo của Gíao Hội.

Khi sai các môn đệ đi rao giảng, Chúa Giêsu không hề che giấu những khó khăn họ sẽ gặp phải. Họ sẽ như “chiên ở giữa bầy sói”, “không mang theo túi tiền, bao bị, giày dép”… tất cả diễn tả sự nghèo khó, yếu đuối, và vì thế, phải hoàn toàn cậy dựa vào sức mạnh của chính Thiên Chúa. Sứ điệp này vẫn luôn luôn là lời cảnh giác quý báu cho chúng ta, vì ta rất dễ bị cám dỗ nghĩ rằng thành công của việc truyền giáo tuỳ thuộc vào sự khôn ngoan kiểu thế gian và những phương thế nhân loại. Cùng với mệnh lệnh trên, Chúa Giêsu căn dặn các môn đệ “đừng chào hỏi ai dọc đường.” Mệnh lệnh này không nhằm khuyến khích lối sống bất nhã nhưng muốn nhấn mạnh tính khẩn thiết của sứ mạng loan báo Tin Mừng đến độ phải cố gắng thi hành sớm nhất có thể.

Sứ điệp đầu tiên và căn bản mà các môn đệ công bố là “Bình an cho nhà này.” Theo quan điểm Thánh Kinh, Lời Chúa không chỉ là một sứ điệp được công bố mà còn bao hàm cả quyền năng và như hiện thân của chính Chúa. Vì thế, trao ban sứ điệp bình an không chỉ là gửi đến người khác lời chào chúc xã giao mà là đem cho họ chính ân huệ của Thiên Chúa. Người đem ân huệ thiêng liêng đến cho người khác cũng xứng đáng đón nhận sự giúp đỡ vật chất từ người khác. Cho nên, “hãy ở lại nhà ấy và người ta cho ăn uống thức gì thì anh em dùng thức đó, vì thợ đáng được trả công.” Ngược lại, những ai khép kín cửa lòng trước lời loan báo Tin Mừng, họ sẽ phải chấp nhận những hậu quả nặng nề : “Thầy nói cho anh em hay, trong ngày ấy, thành Sôđôma còn được xử khoan dung hơn thành đó.”

Trong phần kết luận, Chúa Giêsu cho thấy trong việc truyền giáo, có mối liên kết hết sức sâu xa giữa người môn đệ với Chúa Giêsu và với Chúa Cha : “Ai nghe anh em là nghe Thầy, và ai khước từ anh em là khước từ Thầy, mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy” (10,16). Cho nên, thi hành sứ vụ truyền giáo không chỉ là để loan truyền một hệ tư tưởng hay gầy dựng thế lực, nhưng là dẫn đưa tha nhân vào mối hiệp thông sự sống với chính Thiên Chúa. Cũng vì thế, phần thưởng lớn nhất dành cho người môn đệ không phải là vinh quang trần thế qua việc biểu dương quyền lực, mà là vinh quang thiên quốc khi ta bước theo Chúa Giêsu đến đồi Canvê : “Chớ mừng vì quỷ thần phải chịu anh em khuất phục, nhưng hãy mừng vì tên của anh em đã được ghi trên trời” (10,20).

THỜ PHƯỢNG CHÚA VÀ YÊU MẾN THA NHÂN (10,25-42)

Dụ ngôn Người Samari nhân hậu (10,25-37) và trình thuật về hai chị em Matta và Maria (10,38-42) thường được đọc như hai câu chuyện biệt lập. Tuy nhiên, liên kết hai trình thuật này sẽ giúp ta có được tầm nhìn toàn diện hơn về đời sống người môn đệ Chúa.

Hãy bắt đầu với dụ ngôn về người Samaria nhân hậu. Để trả lời câu hỏi của Chúa Giêsu, người thông luật đã trích dẫn kinh Shema (Đnl 6,4-5) và nối kết kinh này với một câu trong sách Lêvi 19,18. Ong ta hiểu rằng phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và phải yêu mến người thân cận như chính mình. Nhưng đối với ông và nhiều người khác trong thời đại ông, câu hỏi được đặt ra là “Ai là người thân cận của tôi?” Trong sách Lêvi, người thân cận là người thuộc dân Israel cùng với mình.

Trong bối cảnh đó, dụ ngôn Chúa Giêsu kể nhằm mục đích chất vấn lối nhìn và lối sống quen thuộc, đồng thời làm nổi bật giá trị của Nước Trời. Trong dụ ngôn, nhân vật biểu tượng cho tinh thần yêu thương phục vụ lại là một người xứ Samaria, vốn bị dân Do Thái coi thường và khinh bỉ. Chắc chắn nhiều người Do Thái không thể chấp nhận chuyện này, nhưng chính trong thế đối kháng cao độ đó, chân trời của điều răn yêu thương mới được bày tỏ trọn vẹn. Đặt câu hỏi “Ai là người thân cận của tôi?” là đã hàm nghĩa có ai đó không phải là người thân cận với mình. Dụ ngôn Chúa Giêsu kể lại khẳng định chân lý ngược lại : bất cứ ai cũng là người thân cận của ta. “Người thân cận” không phải là khái niệm dựa trên quan hệ máu huyết, dân tộc hay tôn giáo, nhưng tuỳ thuộc vào chính thái độ sống của mình. Thầy tư tế và thầy Lêvi trong dụ ngôn chắc chắn là người thân cận với nạn nhân nằm bên lề đường vì họ đều là Do Thái cả. Thế nhưng trong thực tế, họ lại không đối xử với nhau như “người thân cận”. Còn người Samaria, vốn bị coi như kẻ ngoại giáo, lại chính là người thân cận của nạn nhân khi ông quan tâm chăm sóc và giúp đỡ người bị nạn. Thân cận hay không, điều đó tuỳ thuộc vào chính thái độ sống của mình. Vì thế, thay vì ngồi đó mà hỏi “Ai là người thân cận của tôi?” thì “hãy đi và làm như vậy” (10,37) nghĩa là phải tự hỏi : “Tôi phải làm gì để trở nên người thân cận của kẻ khác?” Và cách hỏi đó sẽ dẫn lối cho cách nhìn mới và cách sống mới, trở nên người thân cận với mọi người.

Tiếp sang câu chuyện về hai chị em Matta và Maria (10,38-42), nếu đọc câu chuyện này theo tầm nhìn của dụ ngôn nói trên thì phải nói rằng Matta mới chính là nhân vật đáng được tán dương vì bà hết lòng phục vụ Chúa Giêsu. Thế nhưng Chúa Giêsu lại nói với bà: “Chị băn khoăn lo lắng về nhiều chuyện quá. Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi” (câu 41). Chúa Giêsu không lên án cũng không trách mắng. Người chỉ muốn Matta xác định lại đâu là ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống.

Kết nối dụ ngôn về người Samaria nhân hậu với câu chuyện hai chị em Matta và Maria sẽ giúp ta có tầm nhìn đúng đắn và toàn diện về đời sống người môn đệ. Cho dù phục vụ tha nhân là đòi hỏi hết sức quan trọng, nhưng Tin Mừng không chỉ là như thế. Để làm môn đệ Chúa Giêsu, điều quan trọng trước hết và trên hết phải là sự gắn bó với chính Thầy Giêsu, cho nên phải dành thời gian để lắng nghe Người (câu 39), gặp gỡ Người. Nếu không, ta sẽ dễ rơi vào mối nguy hiểm là lao vào đủ thứ công việc được gọi là yêu thương và phục vụ, nhưng thật ra chỉ làm theo ý mình chứ không phải ý Chúa, chỉ đi tìm bản thân mình chứ không kiếm tìm lợi ích thật sự cho người khác.

Tin Mừng theo Thánh Luca (chương 14-19)

LÒNG THƯƠNG XÓT VÀ NIỀM VUI CỦA THIÊN CHÚA (chương 15)

Chương 15 của Luca là một trong những chương sách đẹp nhất của toàn bộ Thánh Kinh Tân ước. Cả chương sách bừng lên niềm vui chan chứa, niềm vui của tình yêu mà những ai sống trong quỹ đạo của ích kỷ không cảm nếm được. Bối cảnh là những người thu thuế và tội lỗi đến với Chúa Giêsu để nghe Người giảng, làm cho người Pharisêu và các kinh sư khó chịu. Bối cảnh đó làm nổi bật lòng thương xót của Thiên Chúa đối với tội nhân và là lời cảnh giác cho những kẻ tự hào mình là người công chính.

Dụ ngôn “Tìm chiên lạc” (câu 4-7) mô tả Thiên Chúa như người mục tử bỏ 99 con chiên lại để đi tìm chiên lạc, và niềm vui tràn bờ khi Ngài tìm lại được con chiên lạc, đến nỗi vác nó lên vai đem về, và mời mọi người đến chung vui vì đã tìm lại được con chiên bị mất. Trong mắt của Chúa, mỗi một con người, bất kể yếu đuối và tội lỗi đến đâu, đều là một nhân vị độc đáo và không thể thay thế. Vì thế, Ngài chăm sóc từng con chiên và đau đáu đi tìm khi nó lạc bầy. Chính vì thế, không ai có quyền thất vọng về tình thương của Chúa vì tình thương ấy dứt khoát lớn hơn tội lỗi của chúng ta. Điều duy nhất cần thiết là sám hối ăn năn, nghĩa là thay đổi cách nhìn, cách nghĩ và cách sống của mình.

Tương tự như thế, Thiên Chúa được mô tả như người đàn bà nghèo có 10 đồng mà lại đánh mất một đồng, thế là lục tung cả nhà để tìm cho bằng được (câu 8-10). Và khi tìm lại được, niềm vui quá lớn đến độ phải mời mọi người đến để chia sẻ. Thật khác xa với hình ảnh một vị Thiên Chúa chỉ soi mói để tìm ra tội lỗi và trừng phạt, một hình ảnh không hẳn đã hoàn toàn biến mất khỏi tâm trí ta, khiến ta sống đạo trong sợ hãi hơn là trong niềm vui cứu độ. Điều đáng buồn duy nhất là đồng bạc bị mất chỉ nằm yên một chỗ nên nếu bà chủ quét đúng chỗ là tìm được; còn con người có tự do và đã sử dụng tự do đó để tìm mọi cách trốn thoát sự kiếm tìm của Chúa!

Trong chùm dụ ngôn về lòng thương xót, dụ ngôn “Người con hoang đàng” vẫn là dụ ngôn nổi tiếng nhất, cả về văn chương lẫn nội dung (15,11-32). Không phải vô lý mà có tác giả đã đề nghị đặt tên cho dụ ngôn này là “Người cha phung phí” thay vì “Đứa con hoang đàng”. Bởi lẽ trọng tâm của dụ ngôn không phải là sự phung phí của cải vật chất của đứa con thứ, mà chính là lòng thương xót của người cha dành cho cả hai đứa con, lòng thương xót vô bờ đến độ không thể hiểu nổi… cho nên được gọi là ‘phung phí’ tình yêu.

Theo luật Do thái, con đầu lòng được hưởng gấp đôi phần gia sản (Đnl 21,17). Theo đó, người con út trong dụ ngôn được chia một phần ba sản nghiệp. Thông thường, việc phân chia tài sản phải đợi đến khi người cha qua đời, và trong luật cũng đã có những điều khoản về hình phạt trong trường hợp việc chia gia tài tiến hành trước thời gian. Tuy nhiên điều quan trọng không nằm ở khía cạnh lề luật cho bằng về mặt tinh thần. Khi đòi hỏi chia gia tài rồi bỏ nhà đi, người con út đã đoạn tuyệt với gia đình, không thương tiếc. Anh ta đem mọi sự theo mình và không có hi vọng gì sẽ trở lại. Dĩ nhiên đây là sự mất mát lớn đối với gia đình, cách riêng với người cha.

Cuộc sống phóng đãng và phung phí dẫn người con út đến kết cục hết sức bi thảm, đến mức phải đi chăn heo. Đối với người Do thái, chăn heo gợi lên ý tưởng ô uế, “lạc đạo” và như thế, người con út đã đánh mất tư cách là thành viên trong gia đình cũng như trong Dân Chúa. Trong dụ ngôn, người con út thậm chí còn tệ hơn cả heo, vì “ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng nhưng chẳng ai cho”.

Cuối cùng, nỗi cơ cực đã giúp người con út hồi tâm. Anh ta muốn trở về nhà trong tư cách kẻ làm thuê. Anh chuẩn bị kỹ lưỡng những gì phải thưa thốt với cha mình, và lường trước sẽ bị mọi người tiếp nhận bằng cái nhìn soi mói và nghi ngờ. Thế nhưng cha anh vẫn thương anh. Ông vẫn ngày đêm trông ngóng, và khi thấy con ở đàng xa, “ông chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để” (câu 20) đến độ người con không kịp nói hết bài diễn văn đã soạn sẵn! Cuộc đoàn tụ này rất giống với cuộc đoàn tụ của Esau và Giacóp (St 33,4). Giacóp nhớ đến tội ác mình đã phạm chống lại anh, nhưng giống như người cha trong dụ ngôn này, Esau chỉ nghĩ đến hoà giải. Người cha ra lệnh cho gia nhân chăm sóc mọi sự cho đứa con của mình, nào là áo, nào là nhẫn, nào là bê béo… tất cả diễn tả sự nhìn nhận đây là đứa con của chủ nhà chứ không phải tôi tớ. Không có chuyện hỏi tội, không có chuyện tra khảo, cũng không có chuyện bàn bạc xem thằng con hư hỏng này có xứng đáng được tha tội không… chỉ có điều quan trọng duy nhất là: “con ta đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy” (câu 24).

Tưởng như câu chuyện đã hạ màn với cảnh đẹp tuyệt vời như thế, không ngờ lại thêm cảnh khác xen vào. Ấy là cơn giận dữ của anh con cả. Anh đã cố gắng sống công chính đến thế: “Đã bao năm con hầu hạ cha và chẳng khi nào trái lệnh” (câu 29), thế mà “chưa bao giờ cha cho lấy một con dê con để ăn mừng với chúng bạn”. Và nhân danh sự công chính đó, anh khước từ việc chia sẻ niềm vui với gia đình khi “thằng con của cha” (chứ không phải đứa em của tôi) trở về. Lại một lần nữa, tình yêu và lòng thương xót của người cha bừng sáng và xua tan mọi hận thù ghen ghét. Ông đã bước ra đón đứa con hoang đàng thì ông cũng bước ra đón người con cả, vì ông mong muốn cả hai đứa con đều được hạnh phúc. Anh con cả chỉ nhìn thấy gia tài và nỗ lực làm việc của bản thân anh. Người cha không từ chối điều đó, nhưng những điều đó đều không quan trọng bằng điều này là: một đứa con và một người anh em đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy. Vì thế, mọi chuyện khác đều phải dẹp sang một bên để “chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ” (câu 32). Lại một lần nữa, tâm trí ta nhớ đến câu chuyện Giacóp. Giống như Esau, đến giai đoạn cuối đời, Giacóp khám phá ý nghĩa và tầm quan trọng của đoàn tụ, nên khi nghe tin Giuse vẫn còn sống, ông quên hết những tội ác mà chính những anh em trong nhà đã gây ra cho Giuse, và chỉ nhớ một điều: “Thế là đủ. Giuse con ta vẫn còn sống” (St 45,28).

Mỗi nhân vật trong dụ ngôn đều là tấm gương soi cho ta tìm bóng chính mình, để tự vấn, để lắng nghe, để tiến lên. Cho niềm vui tràn ngập trong đời mình và trong cộng đồng Dân Chúa.

CHỮA LÀNH NGƯỜI MÙ Ở GIÊRIKÔ (18,35-43)

“Khi Chúa Giêsu gần đến Giêrikô…” (18,35), ghi chú này cho thấy đây là giai đoạn cuối cùng của Chúa Giêsu trong hành trình lên Giêrusalem. Ở đây cũng như trong trình thuật về các trẻ em, các môn đệ cố gắng ngăn cản “kẻ bé mọn” đến gần, sợ họ làm phiền Chúa: “Người ta còn đem cả trẻ thơ đến với Chúa Giêsu để Người đặt tay trên chúng. Thấy vậy, các môn đệ la rầy chúng”; “Những người đi đầu quát nạt, bảo anh ta im đi” (18,39). Ghi chú “những người đi đầu” có ý nhắc nhở các vị lãnh đạo trong Hội Thánh đừng xem thường, bỏ qua nhu cầu của những người bé mọn trong cộng đoàn. Trong cả hai trường hợp, Chúa Giêsu đều can thiệp: “Hãy để trẻ nhỏ đến với Thầy, đừng ngăn cản chúng”; “Chúa Giêsu dừng lại, truyền dẫn người mù đến”. Người đã đến trần gian để mang ơn giải thoát cho tất cả mọi người, cách riêng những người thấp cổ bé miệng trong xã hội.

Trong Tin Mừng Marcô, tên của người mù được nói rõ là Bartimê (Mc 10,46). Khao khát được thấy, anh kêu lên: “Lạy ông Giêsu, Con Vua Đavít” (18,38). Hai lần, anh gọi Chúa Giêsu bằng danh hiệu Mêsia “Con Vua Đavít”. Khi Chúa Giêsu dừng lại và hỏi “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” thì anh thưa: “Lạy Ngài, xin cho tôi được thấy” (18,41). Và Luca ghi nhận: “Lập tức, anh ta nhìn thấy được và theo Người, vừa đi vừa tôn vinh Thiên Chúa” (18,43).

Đặt trình thuật chữa lành người mù vào trong chủ đề về hành trình lên Giêrusalem, độc giả có thể khám phá một tầng ý nghĩa khác. Ở đây không chỉ đơn thuần là chữa lành sự mù lòa thể lý nhưng còn là sự mù lòa đức tin, không nhìn thấy con đường cứu độ ngang qua thập giá của Chúa Giêsu. Hiểu như thế, ngay cả các môn đệ đang đồng hành với Chúa cũng bị mù lòa, vì họ vẫn chưa “thấy” được con đường cứu độ này, cho nên khi Chúa Giêsu bước vào cuộc khổ nạn, hầu hết các môn đệ bỏ Thầy mà chạy trốn.

Vẫn mãi như thế trong lịch sử Hội Thánh và trong cuộc đời mỗi Kitô hữu. Vì thế cần đặt mình vào nhân vật người mù và khiêm tốn kêu xin: “Lạy Ngài, xin cho con được thấy”. Không chỉ thấy, nhưng còn “đi theo Thầy”.

Tin Mừng theo Thánh Luca (chương 19 – 24)

CHÚA GIÊSU VÀ ĐỀN THỜ GIÊRUSALEM (19,45 – 20,8)

Với sự kiện Chúa Giêsu đến Giêrusalem, thảm kịch thập giá bắt đầu và diễn tiến rất nhanh cho đến cao điểm. Chúa Giêsu vào Đền thờ, thanh tẩy Đền thờ rồi giảng dạy tại đó. Trong bối cảnh này, cuộc xung đột với hàng lãnh đạo Do thái được đẩy lên cao trào (chương 20). Chúa nói đến ngày tận cùng của Giêrusalem và của thế giới (chương 21). Rồi đến những ngày khổ nạn của Chúa (chương 22-23) và cuối cùng là sự chiến thắng của cuộc xuất hành mới do Chúa Giêsu thực hiện (chương 24).

Trình thuật thanh tẩy Đền thờ không những được thánh sử Gioan mà cả Tin Mừng nhất lãm cũng ghi lại; trong đó, bài tường thuật của Luca ngắn nhất. Luca không mô tả những hoạt động mua bán và đổi tiền ở Đền thờ, cũng giảm nhẹ bầu khí xung đột. Ngài chỉ trích dẫn Isaia 56,7 và Giêrêmia 7,11 như lý do đủ để nói lên phản ứng của Chúa Giêsu: “Nhà Ta là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành hang trộm cướp”.

Thanh tẩy Đền thờ là sự chuẩn bị nơi cho vị Thầy đích thực giảng dạy. Đền thờ trở thành trung tâm thi hành sứ vụ của Chúa Giêsu. Ngay ở đầu chương 20, thánh Luca ghi nhận sự thách thức của hàng lãnh đạo Do thái về quyền bính của Chúa: “Ong lấy quyền nào mà làm các điều ấy?” (20,2). Điều đó cho thấy Chúa Giêsu thi hành sứ vụ giảng dạy trong một bầu khí xung đột, không ngừng bị các đối thủ tấn công – nhóm Sađucê, Pharisêu, kỳ lão – và tìm cách triệt hạ.

Ở câu cuối của phần này, Luca cho biết: “Ban ngày, Chúa Giêsu giảng dạy trong Đền thờ, nhưng đến tối, Người đi ra và qua đêm tại núi gọi là núi Oliu” (21,37), hàm nghĩa Chúa Giêsu ở đó cầu nguyện trong mối hiệp thông sâu xa với Chúa Cha. Đây quả là mẫu mực cho đời sống của tất cả những ai dấn thân vào các hoạt động tông đồ.

TIỆC VƯỢT QUA (22,7-20)

Cũng như Marcô và Matthêu, Luca trình bày bữa Tiệc Ly như là tiệc Vượt Qua. Còn trong Tin Mừng Gioan, bữa Tiệc Ly diễn ra vào đêm trước lễ Vượt Qua, và cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá xảy ra vào thời điểm người ta sát tế Chiên Vượt Qua.

Phêrô và Gioan được sai đi chuẩn bị mọi sự: nơi chốn, thức ăn, những thứ khác. Có lẽ Chúa Giêsu không nói rõ địa điểm vì muốn đề phòng Giuđa nghe được. Người cho Phêrô và Gioan một dấu hiệu: gặp một người đàn ông mang vò nước. Thông thường phụ nữ mới mang vò nước, còn đàn ông thì xách thùng.

Chúa Giêsu biết rằng “giờ đã đến” (22,14). Hành động của Người diễn tả sự tự hiến làm Chiên Vượt Qua mới. Người sẽ không ăn lễ Vượt Qua nữa “cho đến khi lễ này được nên trọn vẹn trong Nước Thiên Chúa” (22,16). Hội Thánh hiểu những lời này nói về bí tích Thánh Thể mà Chúa Giêsu sắp thiết lập (22,19-20), và về bàn tiệc Nước Trời: “để anh em được đồng bàn ăn uống với Thầy trong Vương quốc của Thầy” (22,30).

Trong bữa tiệc Vượt Qua, người ta thay nhiều đĩa và chén, kèm theo những lời nguyện và nghi thức. Chúa Giêsu cắt ngang nghi thức quen thuộc đó để hiến dâng chính mình cho các môn đệ dưới hình bánh rượu: “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em… Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, đổ ra vì anh em” (22,19-20). Hành động này cho thấy Chúa Giêsu thiết lập Giao Ước mới. Trong giao ước cũ, sự kết hợp giữa Thiên Chúa và Dân được biểu tượng hóa bằng việc rẩy máu của một con vật (Xh 24,5-8). Ở đây, sự kết hợp được nên trọn vẹn nhờ máu của Đấng là Thiên Chúa và là con người. Các môn đệ được nhắn nhủ : “hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (22,19). “Làm việc này” bao hàm cả hai ý nghĩa: làm lại cử chỉ Chúa đã làm, và thực hành sự tự hiến thân mình.

CHÚA GIÊSU TỰ HIẾN TRÊN THÁNH GIÁ (22,32-49)

Thánh sử Luca không dùng từ “Golgotha” trong tiếng Aram, nhưng chỉ gọi đơn sơ là “Đồi Sọ” ((23,33), nơi Chúa Giêsu bị hành hình. Người bị đóng đinh cùng với hai tên gian phi, như Chúa đã báo trước: “Cần phải ứng nghiệm nơi bản thân Thầy lời Kinh Thánh đã chép: Người bị liệt vào hàng phạm nhân” (Lc 22,37; Is 53,12). Khi mọi người nghĩ rằng trong cơn đau đớn cùng cực, Chúa Giêsu sẽ thốt lên những lời nguyền rủa và thóa mạ, thì Người lại cất lời cầu xin ơn tha thứ cho những kẻ làm khổ mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (23,34). Lời cầu nguyện này trở thành mẫu mực và điểm son ghi dấu các vị tử đạo trong Kitô giáo, cụ thể là thánh Têphanô (Cv 7,60). Chi tiết “họ lấy áo của Người chia ra mà bắt thăm” (23,34) gọi về lời Thánh vịnh 22,19 “Ao mặc ngoài chúng đem chia chác, còn áo trong cũng bắt thăm luôn”.

Trong cái chết của Chúa Giêsu, thánh Luca nhấn mạnh sự thù nghịch và ghen tị của hàng ngũ lãnh đạo Do thái: “Họ buông lời cười nhạo: Hắn đã cứu người khác thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Kitô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn” (23,35). Luca không dùng từ “Vua Israel” như Marcô và Matthêu (Mc 15,32; Mt 27,42) nhưng dùng từ “người được tuyển chọn” là từ đã dùng trong trình thuật Chúa Giêsu biến hình (Lc 9,35). Lính tráng đưa giấm cho Người uống, một cử chỉ có thể được xem là tử tế dành cho phạm nhân bị đóng đinh và đang khát cháy cổ, nhưng cử chỉ này trở thành sự cười nhạo khi cùng với việc đưa giấm cho Người uống, họ nói: “Nếu ông là vua dân Do thái, thì hãy cứu mình đi” (23,37).

Trình thuật về người gian phi sám hối là trình thuật riêng của thánh Luca. Người gian phi trách mắng tên gian phi khác vì cười nhạo Chúa Giêsu, và anh ta nài xin Chúa Giêsu: “Khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi” (23,42). Lời cầu xin này diễn tả vương quốc mêsia mà người Do thái trông mong, nay đã đến. Trong thần học của Luca, lời cầu này còn muốn nói đến Chúa Giêsu được tôn vinh qua sự phục sinh và thăng thiên. Đáp lại, Chúa Giêsu hứa cho anh được ở với Người, ngay hôm nay, trên Thiên Đàng; vì cái chết của Chúa là sự khởi đầu cuộc xuất hành mới (Lc 9,31).

Khi Chúa Giêsu sắp trút hơi thở cuối cùng, thì tăm tối bao trùm, màn trong Đền thờ bị xé ngay chính giữa (23,45). Đó là bức màn ở giữa Nơi Thánh và Nơi Cực Thánh; như thế, bằng cái chết trên thập giá, Chúa Giêsu đã mở một con đường mới dẫn đến ngai Thiên Chúa. Người trút hơi thở cuối cùng với tâm tình hoàn toàn phó thác nơi Thiên Chúa: “Trong tay Ngài, con xin phó thác hồn con” (Tv 31,6; Lc 23,46).

Chứng kiến những gì xẩy ra, viên đại đội trưởng khẳng định Chúa Giêsu vô tội: “Ông này đích thực là người công chính” (23,47). Luca dùng từ “người công chính” thay vì “Con Thiên Chúa” như trong Mc 15,39 và Mt 27,54. Dân chúng “đấm ngực trở về” (23,48) hàm nghĩa vừa buồn phiền khi chứng kiến một người vô tội phải chết, vừa hối hận vì sự sai trái của mình. Thánh Luca không kể lại việc các môn đệ chạy trốn (Mc 14,50; Mt 26,56), ngài chỉ ghi nhận họ “đứng đàng xa” quan sát và theo dõi sự kiện. Lại chẳng phải là điều đáng cho mỗi Kitô hữu suy nghĩ sao, vì sự bàng quan, vô cảm, đứng đàng xa, của chúng ta khi chứng kiến những khổ đau mà Hội Thánh Chúa và bao nhiêu người vô tội đang phải chịu?

TRÊN ĐƯỜNG EMMAUS (24,13-35)

Hai môn đệ Emmaus đã cùng có mặt với Nhóm Mười Một vào sáng ngày thứ nhất trong tuần, “cùng ngày hôm ấy” (24,13), nghĩa là họ đã nghe câu chuyện của các phụ nữ và của Phêrô. Thánh Luca biên soạn trình thuật này theo cùng một lược đồ như câu chuyện về viên thái giám người Ethiopia được Philip rửa tội: trên đường đi, giải thích Kinh Thánh, hành động đặc biệt, sự biến mất lạ lùng (Cv 8,26-40).

Chúa Giêsu xuất hiện như một khách hành hương từ Giêrusalem về. Hai môn đệ không nhân ra Người. Mắt họ “còn bị ngăn cản” (24,16). Đây là thuật ngữ diễn tả sự mù lòa thiêng liêng. Nhiều trình thuật về Chúa Kitô phục sinh cho biết Người nhìn rất khác (Mc 16,12; Ga 20,14; 21,4). Chắc chắn thân xác của Đấng Phục sinh đã được biến đổi, nhưng điểm chính yếu ở đây là cần phải có cặp mắt mới, cặp mắt của đức tin, mới nhận ra Người. Thật vậy, dù chúng ta có những chứng từ đáng tin cậy về sự gặp gỡ Chúa Phục sinh, nhưng cần phải hiểu rằng việc gặp Chúa, thấy Chúa, không phải là do cặp mắt tự nhiên, nhưng do đức tin.

Hai môn đệ buồn rầu vì cái chết của Chúa Giêsu và lấy làm lạ là tại sao một sự kiện kinh thiên động địa như thế mà ông khách bộ hành lại không biết (24,18). Trong số hai môn đệ, có một người được nêu tên là Cleopas; có lẽ sau này Cleopas nắm một vai trò quan trọng trong cộng đoàn Kitô hữu. Họ mô tả Chúa Giêsu là vị tiên tri đầy uy thế, vị tiên tri được mong chờ đã lâu ((Lc 24,19; Đnl 18,15; Cv 7,22). Họ còn hi vọng Người không chỉ là vị tiên tri mà còn là “Đấng sẽ giải thoát Israel” (24,21). Thế mà “các thượng tế và thủ lãnh đã nộp Người…” (24,20). Trách nhiệm của hàng lãnh đạo lại được nhấn mạnh.

Hai môn đệ cũng đã nghe kể về ngôi mộ trống, nhưng sự kiện ấy chỉ làm họ kinh ngạc chứ không làm cho họ tin rằng Chúa đã sống lại (24,22-24). Thật ra, sự phục sinh mà người Do thái trông mong là chiến thắng phổ quát của người công chính vào thời điểm tận cùng lịch sử, chứ không phải là sự phục sinh cá nhân trong thời gian của lịch sử.

Chúa Giêsu trách mắng hai môn đệ: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các tiên tri” (24,25). Họ đã đọc sách các tiên tri nhưng lại không nhận ra rằng trong chương trình của Thiên Chúa, phải đi qua thập giá mới đạt đến vinh quang. Cho nên Đấng phục sinh “giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh” (24,27).

Các môn đệ ngỡ ngàng khi nghe Chúa Giêsu giải thích Kinh Thánh và họ nài xin Chúa “ở lại” với họ (24,29). Động từ “ở lại” mang ý nghĩa rất phong phú, vd. trong Tin Mừng Gioan (Ga 14,17; 15,4-10). Khi dùng bữa với họ, Chúa Giêsu “cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ” (24,30). Cử chỉ này nhắc đến phép lạ hóa bánh ra nhiều (Lc 9,16) và Bữa Tiệc Ly (22,19). Chính trong “việc bẻ bánh” (tên gọi ban đầu của cử hành Thánh Thể – Cv 2,42,46) mà hai môn đệ nhận ra Chúa, nhưng Người biến mất khỏi tầm nhìn tự nhiên của họ. Họ nhớ lại lòng mình đã bừng cháy khi nghe Chúa giải thích Kinh Thánh (24,32) mà không biết tại sao. Bây giờ họ hiểu được là mình đã gặp gỡ Đấng Phục sinh. Cũng vậy, người Kitô hữu gặp được Đấng Phục sinh khi cử hành Thánh Thể và đọc Sách Thánh.

Kinh nghiệm gặp gỡ Đấng Phục sinh không thể giấu kín, nhưng phải được chia sẻ và loan báo (Cv 4,20). Khi hai môn đệ về đến Giêrusalem thì Tin Mừng Phục sinh đã được công bố: “Chúa sống lại thật rồi và đã hiện ra với ông Simon” (24,33). Thánh Luca không kể lại việc này, nhưng kết thúc trình thuật bằng việc nhấn mạnh đến bí tích Thánh Thể: “Hai ông huật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh” (24,35).

Tin Mừng theo Thánh Luca (Chương 1-6)

Tin Mừng theo Thánh Luca (Chương 7-13)

One comment

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *