Yêu “ai” hơn? (10.11.2018 – Thứ Bảy Tuần XXXI Thường Niên )

Ngày 10.11: Lễ Nhớ Thánh Lêo Cả (c. 461)

Tin Mừng: Ga 2,13-22

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

13 Gần đến lễ Vượt Qua của người Do-thái, Đức Giê-su lên thành Giê-ru-sa-lem. 14 Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền. 15 Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả chiên cũng như bò, ra khỏi Đền Thờ ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. 16 Người nói với những kẻ bán bồ câu : “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.” 17 Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh : Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân.

18 Người Do-thái hỏi Đức Giê-su : “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế ?” 19 Đức Giê-su đáp : “Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi ; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại.” 20 Người Do-thái nói : “Đền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông xây lại được sao ?” 21 Nhưng Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người. 22 Vậy, khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó, họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giê-su đã nói.

 

Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng muốn tình yêu của mình được trọn vẹn, không bị san sẻ, ai cũng muốn hôn nhân một vợ, một chồng và người bạn đời chỉ là của riêng mình. Đó cũng không hẳn là ích kỷ mà chỉ đơn thuần là khát khao có được một tình yêu trọn vẹn, không bị chia sẻ cho bất cứ ai. Ở thời phong kiến, chế độ đa thê tồn tại khiến đời sống hôn nhân của người phụ nữ gặp nhiều tủi hờn, đau đớn khi người chồng không phải của riêng mình. Đó là một trong những lí do chính khiến chế độ đó hôn nhân đó lụi tàn. Qua đó, ta có thể thấy tìm được sự chung thủy trong tình yêu là khát vọng vô cùng lớn lao của con người. Thế nhưng, khát khao đó chỉ tồn tại trong tương quan giữa con người với nhau, vì trong môú tương quan với Thiên Chúa, người ta thường không chung thủy như vậy. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu muốn đề cập đến vấn đề đó.

Có lẽ, Người không chỉ nhấn mạnh về lòng trung thành của con người đối với Thiên Chúa, mà Người còn muốn nói đến tình yêu. Con người là tôi tớ của Thiên Chúa thì chỉ được trung thành với một mình Người, bất cứ thứ gì cũng không thể giành lấy sự trung tín đó khỏi tay Người. Ấy vậy mà con người lại thản nhiên “phản bội” Thiên Chúa để “tuyên thệ trung thành” với tiền bạc. Xét về mối tương quan chủ – tớ, đó là sự bất trung, bất tín; nhưng nếu xét về mối tương quan trong tình yêu, con người đã bất nghĩa với Người khi vô tâm “ngoại tình” với tiền bạc.

Quả thật, trong xã hội con người vốn đã tồn tại nhiều nghịch lý và đây là một trong những nghịch lý đáng nói nhất. Người ta không muốn người yêu hay người bạn đời của mình có mối quan hệ “ngoài luồng”, thế nhưng họ lại chẳng mảy may “chột dạ” khi bất nghĩa với Thiên Chúa. Có lẽ, trong cuộc đời của họ, uy quyền của Người mờ nhạt hơn uy quyền của tiền bạc. Đối với họ, lời cầu nguyện chưa chắc mang lại lợi ích nhanh chóng bằng tiền vì “có tiền mua tiên cũng được”. Người ta chỉ thấy cái lợi trước mắt mà quên mất nguồn cội, quên mất mình từ đâu mà có, quên mất tiền chẳng thể kéo dài mạng sống và quên mất mình thuộc về ai. Chính cái nhìn thiển cận ấy đã khiến người ta rơi vào “bẫy tình” của tiền bạc.

Thiên Chúa không giống con người, Người không ghen tuông, tranh giành một mất một còn, Người không cần trong trái tim chúng ta Người là duy nhất nhưng phải chắc chắn Người là quan trọng nhất. Chúng ta có người yêu? Chẳng sao cả. Chúng ta có gia đình? Vô tư. Chúng ta yêu đồng tiền? Không thành vấn đề… Người chỉ cần chúng ta xác tín một điều: tình yêu của chúng ta dành cho bất cứ thứ gì cũng không sánh bằng tình yêu dành cho Người, Người phải là số 1. Chính vì thế, nếu chúng ta yêu tiền cũng đừng quá lo lắng vì có lẽ ai cũng yêu tiền. Tiền bạc giúp chúng ta có được nhiều thứ: mua được nhiều bài học giá trị, soi rõ lòng người, giữ gìn hạnh phúc gia đình… Chỉ cần chúng ta nhớ một điều quan trọng nhất: tiền bạc là tôi tớ của con người còn con người là tôi tớ của một mình Thiên Chúa.

Lạy Chúa, đôi lúc chúng con lầm tưởng kẻ tôi tớ là ông chủ của mình, để rồi chúng con dành hết thời gian và tâm trí cho nó mà quên mất rằng chúng con là tôi tớ và là con cái của riêng Ngài. Xin cho chúng con biết tỉnh thức và nhận ra chính Ngài mới là Đấng cao trọng nhất, chính Ngài là người chúng con phải yêu nhất, yêu trên hết mọi sự trên trần gian này. Amen.

Petrus Sơn

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *