Hành Hương Đức Mẹ Tàpao tháng 4 năm 2018

“Phúc thay ai thương xót người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương”

Để thực hành lời mời gọi: “hãy đến, hãy thực thi lòng thương xót”.của Đức Thánh Cha Phanxicô sứ giả của lòng thương xót. Vào lúc 06g ngày 13.04.2018, tại Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao, tất cả hội viên Lòng Chúa Thương Xót trong toàn Giáo phận Phan Thiết cùng đông đảo quý khách hành hương hơn 10.000 người từ khắp nơi đã đến quây quần bên Mẹ.

Về dâng Thánh lễ sáng nay có Đức cha Tôma Nguyễn Văn Trâm Giám quản Giáo phận chủ tế; cùng đồng tế với ngài có cha Tổng đại diện cùng 40 linh mục trong Giáo phận.

Xem thêm hình 

Vào lúc 6 giờ 30, tất cả cộng đoàn cùng tham dự giờ khấn tại Quảng trường. Rất nhiều ý nguyện của khách hành hương trong suốt tháng qua đã được tổng kết và dâng lên Mẹ. Hiệp với ý nguyện cầu ấy, cộng đoàn hiện diện đã thành tâm khấn xin cùng Mẹ những ước nguyện của mình.

Đến 07g00 đoàn đồng tế tiến về lễ đài hiệp dâng Thánh Lễ.

 

Mở đầu Thánh lễ, Đức Cha Tôma đã mời gọi cộng đoàn hãy chúc tôn vinh Chúa Giêsu Kitô Đấng đã sống lại từ cõi chết và trở nên đấng cứu độ duy nhất của loài người. Bên cạnh Chúa Giêsu phục sinh chúng ta cùng chúc tụng tôn vinh Đức Maria Mẹ Chúa Giêsu, Mẹ của Hội thánh, Đấng đã vui mừng hoan lạc trước mầu nhiệm Chúa Phục Sinh, dù Tin mừng không nói gì đến sự hiện diện của Đức Maria trước ngôi mộ trống của sáng ngày phục sinh, nhưng trong niềm tin Đức Maria đã vui mừng hoan hỷ vì Chúa đã sống lại thật. Chúng ta noi gương Mẹ Maria để sống một cuộc sống mới, sống ơn tái sinh để mỗi ngày chúng ta bước theo chân Mẹ để tôn vinh chúc tụng Đấng là “Sự Sống” sẽ ban sự sống đời đời cho chúng ta.

https://youtu.be/PTEEJR91qRM

Trong bài giảng lễ Đức Cha Tôma đã chia sẻ tâm tình của Tin Mừng Manificat:

Ngay từ lời “Xin vâng” qua biến cố truyền tin của Thiên thần Gabrien cho Đức Maria cho đến lời cuối cùng của Chúa Giêsu trên thánh giá: “Này là con Mẹ, này là Mẹ con” đã nói lên một chuỗi dài đầy tình thương, “Lòng Thương Xót”và ơn tha thứ mà Thiên Chúa trao ban cho loài người chúng ta.

 

Đức Maria là người trinh nữ nghèo ở làng quê Nazareth nhưng đầy tràn ân sủng của Thiên Chúa, được Thiên Chúa yêu thương và ở cùng, được Thiên Chúa chúc phúc hơn mọi phụ nữ. Lời chúc tụng của thiên sứ Gabrien nói lên “Lòng Thương Xót”của Thiên Chúa đối với Mẹ Maria. Mẹ Maria sống trong ân sủng của Chúa và cùng với sự khiêm nhường của Mẹ, qua lời “Xin vâng” Mẹ trở nên công cụ “Lòng Thương Xót”của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Lời “Xin vâng” đã đưa Mẹ vào vị trí của một nữ tỳ phục vụ Thiên Chúa, phục vụ lịch sữ cứu độ và phục vụ “Lòng Thương Xót”của Thiên Chúa đối với nhân loại.

 

Thật vậy, Mẹ đã dành cho Thiên Chúa một không gian trong con người của Mẹ để Thiên Chúa làm những việc lạ lùng cứu chuộc nhân loại. Lời “Xin vâng” của Mẹ vượt trên khả năng của một con người. Nếu không có ân sủng, sự phù trợ của Thiên Chúa. Đức Maria đã thưa lời “Xin vâng” vì Mẹ được tràn đầy ân sủng, vì Mẹ là người có phúc. Qua lời “Xin vâng” Thiên Chúa đã đi vào thế giới này, qua lời “Xin vâng” Mẹ đã trở thành Evà mới, trong khi Evà cũ đã bất tuân đã đem lại cho thế giới này biết bao đau khổ và sự chết. Thì lời “Xin vâng” của Evà mới là Mẹ Maria nhân loại được tháo cởi nút rối là tội lỗi và sự chết. Vì thế Mẹ Maria Evà mới đã trở nên người Mẹ của kẻ sống. Qua lời “Xin vâng”của mình Đức Trinh Nữ Maria đã trở nên nữ tỳ “Lòng Thương Xót”của Chúa. Một Trinh nữ đã cưu mang Đấng Cứu Thế, Mẹ đã sinh ra, nuôi nấng, chăm nom Đấng cứu thế, làm Mẹ của Đấng cứu thế, Mẹ Maria là nữ tỳ của lòng thương xót.

Mẹ cũng đi con đường đức tin như mọi tín hữu, Mẹ đã đối diện với bao thử thách và đón nhận biết bao khó khan ngay từ lúc Mẹ mang thai Hài Nhi Giêsu, rồi trên con đường về Belem để khai dân số và phải sinh hạ Đấng cứu thế làm người nơi hang lừa máng cỏ Belem. Đức Maria đã sống những ngày khổ cực, trốn chạy trước sự lùng sục độc ác của vua Herode, một cuộc trồn chạy đầy chông gia và thử thách. Trong những ngày sống âm thầm ẩn dật ở Nazareth Mẹ Maria đã lạc con và phải rong duỗi đi tìm với bao nỗi âu lo. Dưới chân Thánh giá khi ngắm nhìn con Mẹ chịu những đau khổ trên thân xác, mẹ đã đau khổ trong tâm hồn vì Mẹ là Mẹ của Chúa Giêsu. Chúng ta chiêm ngắm người phụ nữ Maria này đau khổ dường nào vì người ta đối xử rất độc ác với con của mình. Sự đau khổ tột cùng của Mẹ một đằng diễn tả dành cho Chúa Giêsu, một đằng diễn tả quyết tâm sống lời “Xin vâng”.

Khi Mẹ đáp lời “Xin vâng” với sứ thần Garien Mẹ đã sẵn sang đi vào con đường Chúa đã chuẩn bị cho Mẹ. Dưới chân Thánh giá con Mẹ đã bị treo đau đớn, lời “Xin vâng” của Mẹ mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Sự hiện diện bên Thánh giá cho thấy Mẹ quyết tâm chia sẻ trọn vẹn sứ mạng và hy lễ cứu độ của con Mẹ là Chúa Giêsu, Mẹ muốn tham dự vào tận đáy sâu thẳm những nỗi thống khổ mà Chúa Giêsu chịu. Mẹ không khước từ lưỡi gươm của cụ già Simeon ngày xưa tiên báo cho Mẹ: “phần Bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu qua lòng Bà”. Mẹ luôn nói lời xin vâng với Thiên Chúa. Cụ thể trong chương trình huyền nhiệm cứu độ của Chúa Cha đã ủy thác cho Chúa Giêsu Kitô thực hiện.

 

Dưới chân Thánh giá thánh sử Gioan đã diễn tả một hình ảnh thật xúc động, từ trên Thánh giá Chúa giêsu trăn trối Mẹ mình cho Gioan người môn đệ mà Chúa yêu thương, trăn trối Gioan đại diện của loài người cho Mẹ mình. Gioan đại diện cho loài người nhận Mẹ Maria và Hội thánh qua Gioan đã nhận Maria làm Mẹ mình. Dưới chân Thánh giá Mẹ đón nhận nhân loại vào tâm hồn Mẹ qua lời trao gởi của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu muốn Mẹ đón nhận thánh Gioan và đón nhận cả Hội thánh để thánh gioan có một người Mẹ và Hội thánh là tất cả chúng ta có một người Mẹ. Mẹ trở thành Mẹ của những người tin, Mẹ giáo hội, mẹ của nhân loại. Người Mẹ luôn thương xót con cái của mình. Qua lời trăn trối của Chúa Giêsu, chúng ta thấy một nền tảng cho việc yêu mến Mẹ Maria trong lòng Giáo hội và trong lòng mỗi tín hữu. Tín hữu nào đón nhận Mẹ Maria vào nhà mình vào tâm hồn sâu kín như Gioan sẽ không trở thành kẻ cuồng tín hay khờ khạo nhưng họ thành những tín hữu với tâm hồn khiêm tốn, đơn sơ, tràn đầy hân hoan và niềm vui, tôn kính yêu thương Mẹ Maria như hiền mẫu của mình.

 

Hiến chế “ánh sáng muôn dân” số 67 dạy chúng ta: “Phần các tín hữu hãy nhớ rằng: lòng tôn sung chân chính không hệ tại tình cảm chóng qua và vô bổ, cũng không hệ tại một sự dễ tin phù phiếm nhưng phát sinh từ một đức tin chân thật”. Đức tin dẫn chúng ta đến sự nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa và thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến và noi gương các nhân đức của Mẹ chúng ta. Trong lòng tin tưởng với lòng tôn kính Mẹ Maria người nữ tỳ “Lòng Thương Xót”của Thiên Chúa, người Mẹ luôn cứu giúp con cái mình. Như chúng ta đã cầu nguyện: “xin cho chúng con là kẻ có tội, khi này và trong giờ lâm tử” thì Mẹ Maria mới gọi chúng ta hướng nhìn lên Chúa Giêsu chịu chết treo trên thập giá và sống lại từ cõi chết là nguyên mẫu của lòng thương xót, để hằng ngày chúng ta trở nên người thực thi lòng thương xót, sứ giả của “Lòng Thương Xót”của Thiên Chúa đối với mọi người: “Phúc thay ai thương xót người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” mối phúc thật về “Lòng Thương Xót” là mối phúc nền tảng và quan trọng, vì mối phúc này đưa chúng ta về với Thiên Chúa đấng giàu lòng thương xót, Người đã thương xót nhân loại chúng ta đến nỗi đã ban cho chúng ta Người Con duy nhất của Ngài là Đức Giêsu Kitô cho chúng ta và chính Chúa Giêsu là dung mạo của “Lòng Thương Xót” Chúa Cha đã thực thi “Lòng Thương Xót” của Thiên Chúa một cách sống động, không chỉ trong lời giảng mà trong cả hành động.

Tin mừng đã ghi lại “Lòng Thương Xót” của Chúa Giêsu đã trải dài trong suốt cuộc hành trình loan báo Tin mừng của Người tại Palestina. Chúa GIÊSU mời gọi chúng ta ý thức sống Tin mừng thương xót như Ngài đã sống. Chúa Giêsu ban cho chúng ta người Mẹ yêu dấu của Người để chúng ta có thể chạy đến với Mẹ và Mẹ sẽ dẫn chúng ta đến với Con của Mẹ là Chúa Giêsu. Ngoài ra “Lòng Thương Xót” của Chúa Giêsu mời gọi các tính hữu sống không chỉ mang chiều kích cá nhân mà còn mang chiều kích tập thể, nghĩa là Giáo hội của Chúa là Thân Thể Mầu Nhiệm của Chúa Kitô phải trở nên Giáo hội của “Lòng Thương Xót”.

 

Đức Thánh Cha Phanxicô sứ giả của “Lòng Thương Xót” đã mở Năm Thánh “Lòng Thương Xót” của Chúa đã mời gọi chúng ta hãy đến, hãy thực thi “Lòng Thương Xót”. Vì chỉ khi chúng ta biết xót thương người thì chúng ta mới cảm nhận và lãnh nhận “Lòng Thương Xót” của Thiên Chúa.

Xin Mẹ Maria đấng đã thưa lời “Xin vâng”, đã nhận lấy lời di chúc của Chúa Giêsu dưới chân Thánh giá trở nên người hướng dẫn cho chúng ta, để chúng ta luôn biết thực thi “Lòng Thương Xót” của Chúa đối với mọi người chúng ta. Amen

Sau lời nguyện hiệp lễ, Đức Cha Tôma làm phép nước – ảnh tượng và ban phép lành cho cộng đoàn. Thánh lễ kết thúc lúc 8 giờ 15’ cùng ngày, mọi người chia tay trở về nhà với quyết tâm thực thi “Lòng Thương Xót”  của Thiên Chúa trong đời sống hằng ngày.

 

Thanh Minh

http://gpphanthiet.com/index.php/news/Su-kien/Hanh-Huong-Tapao-thang-4-nam-2018-5616/

One comment

  1. Nguyên văn quyền

    Xin cho con biết giờ lễ ngày thứ 7 và CN ở đức me ta pao con xin cảm ơn nhiêu ạ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *