Thánh Catarina Thành Xiêna – Một Mẫu Người Hành Động (1341-1380)

 

Thánh Catarina Thành Xiêna quả là một mẫu người hành động cho hoàn cảnh chúng ta. Trong cuộc đời vắn vỏi bà đã làm được nhiều việc đáng kể, giúp ích cho nhiều linh hồn và đặc biệt cho Hội thánh, trong một giai đoạn lịch sử rất khó khăn và phức tạp. Điều đáng nói là bà đã kết hợp được những hoạt động cấp bách ở bên ngoài với nếp sống chiêm niệm sâu xa ở bên trong. Chính vì thế bà đã được xem như một mẫu người hành động cho chúng ta, những tu sỹ phần đông thiên về hoạt động. Càng đáng nói hơn nữa, vì bà là một chị Dòng Ba, một giáo dân sống giữa lòng đời ở trong những điều kiện sinh hoạt như mọi người khác.

Quả vậy, phòng tu của bà là một căn phòng trong gia đình. Trong căn phòng này, bà suy nghĩ, cầu nguyện, kết hợp với Chúa, hãm mình phạt xác. Cũng ở đây bà đã viết hầu hết hơn 300 lá thư dài gửi đi cho mọi hạng người, hoàn thành hai tác phẩm. Cuốn sách và đối thoại bàn về những kinh nghiệm thần bí và đời sống nội tâm, tiếp đón những người đến bàn hỏi về đường thiêng liêng. Rồi từ căn phòng này, bà đi ra với thế gian, chạy ngược xuôi để săn sóc, giúp đỡ những người đau yếu, bệnh tật, khuyên bảo những người tội lỗi, tiếp xúc với các nhà đương cuộc để tìm kiếm hòa bình cho dân chúng, liên lạc với các vị chức sắc từ Giáo hoàng, Hồng Y đến Giám mục, để cổ võ một cuộc canh tân rộng lớn trong Hội thánh, vận động đưa toà thánh từ Avignon về Rôma, thúc đẩy các nhà ẩn tu, các nhà chiêm niệm thuần tuý tạm rời bỏ nếp sống yên ổn trên rừng vắng hay trong đan viện mà đem tài đức ra giúp Hội thánh trong giai đoạn cần thiết.

Bà cho rằng, trong lúc quốc gia hữu sự, Hội thánh lâm nguy mà không biết chịu rầy rà, phiền phức, là ích kỷ. Vẫn biết rằng chiêm niệm là cao quý, giữ cho lòng trí được bình yên thanh thản trong chốn tĩnh mịch để được kết hợp với Chúa là lý tưởng, nhưng có nên bỏ mặc người đời với những vấn đề khẩn thiết đang xâu xé họ, có nên nhắm mắt và làm ngơ trước những khó khăn nguy hiểm đang đe dọa Hội thánh không? Bà nghĩ là không, nên đã từ bỏ căn phòng nhỏ bé tĩnh mịch của mình, từ thành phố Xi-ê-na (Sienna) quen thuộc sang A-vi-nhông (Avignon) đi Phi-ren-dê (Firenze) và Pi-sa (Pisa), để hoà giải các phe hối nghịch và vận động cho hòa bình và đặt biệt là làm cho Hội thánh hợp nhất.

Người ta lấy làm lạ không biết là bà tìm đâu ra thời giờ để làm bấy nhiêu công việc nào là viết thư, viết sách, dẫn dụ đường thiêng liêng, gặp gỡ tiếp xúc với đủ hạng người, thăm viếng người đau, giúp đỡ kẻ nghèo… ấy là chưa kể những giờ đọc kinh xem lễ ở Nhà thờ, và cầu nguyện trong phòng riêng; bình thường mà nói thì đó làm cuộc đời hết sức bận rộn, khiến cho một người như chúng ta cũng khó lòng giữ được thế quân bình và khỏi bị rơi vào tình trạng giằng co xâu xé.

Bà đáng thán phục và nêu gương cho chúng ta ở điểm là dù bận trăm công nghì việc vì người khác và cho người khác, bà vẫn không để cho cuộc đời của mình bị xáo trộn, không tỏ ra hốt hoảng mà vẫn làm các công việc theo thứ tự ưu tiên, vẫn không viện lý do bận việc mà bỏ rơi hoặc coi nhẹ đời sống nội tâm, mà trái lại càng tăng thêm cường độ kết hiệp với Chúa, ngay giữa những khi bận rộn và vất vả nhất vì những công việc bên ngoài.

Chúng ta chỉ việc nhớ lại thời kỳ bà sang A-vi-nhông, để khuyên Đức Giáo Hoàng Ghê-gô-ri-ô XI đưa toà Thánh về Rôma, thời kỳ đi Phi-ren–dê để dàn xếp cho thành phố này làm hoà với Đức Giáo Hoàng, thời kỳ đi Phi-sa để chiêu mộ thêm nhiều người ủng hộ kế hoạch Thậm tự quân chiếm lại đất thánh, thời kỳ ở Rôma để cổ võ cho người ta theo giáo hoàng Ubanô VI hòng đẩy lui phen nhón của giáo hoàng Clêmentê VII bị coi là ngụy giáo hoàng, biết bao nhiêu công việc dồn dập, bao mối bận tâm rắc rối !

Nếu không phải là người có bản lĩnh và tinh thần đức tin biết vượt lên trên những dự tính, toan tính thông thường của người đời, làm sao bà có thể đứng vững mà tiếp tục hành động cho đến hơi thở cuối cùng ? Cái hơn người của bà là ở chỗ đó !

Vì thế bà đã lấy làm buồn và thất vọng về người con, bạn và cha tinh thần là Raymond de Capoue, khi thấy vị này hai lần được Đức Giáo Hoàng sai đi sứ ở Pháp, vì sợ chết mà phải “bán đồ nhi phế”. Sau đó, bà đã cảnh cáo nhẹ Cha Ray-mông và khuyên Cha rằng, một khi đã hiến dâng cho Chúa thì không nên sợ chết vì làm việc cho Người. Có thể nói đầu óc của bà luôn luôn bị nung nấu bởi hai ý tưởng chính yếu là Danh Chúa phải được tôn vinh, và Hội thánh phải hợp nhất. Vì thế, bà đã gặp gỡ các Đức Giáo Hoàng, các vị Hồng Y, các bậc vua chúa, hoàng hậu, cũng như viết thư cho các vị này để xin các vị hoạt động cho hai mục đính ấy.

Công việc này khá gay go và có lẽ khiến bà đã phải can đảm và sáng suốt lắm mới khỏi ngập ngừng lưỡng lự. Số là, hoàn cảnh Hội thánh lúc bấy giờ rối ren phức tạp: Toà thánh không ở Rôma mà lại ở A-vi-nhông, Giáo Hoàng Ghê-gô-ri-ô XI là người Pháp rất nặng lòng với gia đình và quê hương xứ sở, nhiều vị hồng Y là người Pháp thích nếp sống ở A-vi-nhông hơn Rôma; hơn nữa tình trạng hội thánh ở Châu Âu thời đó lại suy đồi.

Thay đổi được tình trạng này đâu phải là dễ: Thế là cuối cùng bà đã làm cho Đức Giáo Hoàng và các vị Hồng Y chịu về Rôma. Chưa hết ! Sau vụ này lại còn vụ hai Giáo hoàng một lúc: Đức U-ba-nô VI ở Rôma và Giáo Hoàng Cơ-lê-men-tê VII ở A-vi-nhông. Cả hai Giáo Hoàng đều có một số vị thánh, vua chúa, hoàng hậu, Hồng Y, Giám Mục, dòng tu ủng hộ. Ví dụ Thánh Vinh sơn Phe-ri-ê (Vincent Ferrier), vua Charles nước Pháp, hoàng hậu Na-pô-li, hai đại công hội dòng Phan-xi-cô và Đa-minh theo Giáo Hoàng Cơ-lê-men-tê VII, còn thánh Ca-ta-ri-na thành Xi-ê-na, vua nước Hung, nhiều vị Hồng Y Giám Mục khác ở Rôma theo Giáo hoàng U-ba-nô VI. Ai là Giáo Hoàng thật, ai là Giáo Hoàng giả ? trong hoàn cảnh bấy giờ khó mà phân biệt được thực hư, vì hai bên đều có lý do biện minh cho mình.

Dù vậy, ngay từ đầu, thánh Ca-ta-ri-na đã không lưỡng lự một giây và quyết liệt đứng về phía Đức Giáo Hoàng U-ba-nô VI mà bà cho là vị đại diện chính thức của Chúa Kitô ở trần gian, lại còn vận động cho nhiều người nhìn nhận và phục quyền Đức Giáo Hoàng này nữa. Nếu không được ơn Chúa soi sáng và sẵn một trực giác minh mẫn, làm sao giải quyết được nỗi hoảng loạn đó, và làm sao có thể thuyết phục được mỗi ngày thêm một số người theo Đức Giáo Hoàng U-ba-nô VI. Về điểm này, công lao của bà không phải là nhỏ. Nhưng được cái công ấy, chắc hẳn bà đã phải dâng lên Chúa biết bao lời cầu nguyện, và đổ ra bao mồ hôi nước mắt.

Nhìn qua công việc của thánh Ca-ta-ri-na ai cũng phải công nhận bà là một con người hành động. Nhưng hành động của bà là những hành động xuất phát từ lòng yêu mến Chúa, mến yêu con người và mến yêu Hội thánh. Bà đã đặt căn bản cho những hành động ấy nơi Chúa.Vì thế bà đã tha thiết với những con đường chiêm niệm, lấy chiêm niệm làm lẽ sống của đời mình và nuôi dưỡng các hoạt động của đời mình bằng chính cuộc đời chiêm niệm. Nếu có một mẫu thành công nào về sự phối hợp giữa hoạt động và chiêm niệm thì hẳn mẫu đó phải là thánh Ca-ta-ri-na thành Xi-ê na.

Ngày nay giữa trăm công nghìn việc của đời sống hoạt động, nhiều lúc giới tu sỹ chúng ta không khỏi ngao ngán. Làm sao có thể đầy đủ được với những công việc bên ngoài, lại còn có thể trọn vẹn được với những công việc ở bên trong? Lấy thời giờ, sức lực và khả năng ở đâu ra?

Thánh Ca-ta-ri-na đã giải đáp nỗi băn khoăn ấy cho chúng ta ngay từ thế kỷ thứ XIV, khi bà dựa vào chiêm niệm để hành động, phải chăng như thánh Tôma nói là “Chiêm niệm và truyền thống kết quả chiêm niệm cho những người khác” ?

*

Trên đây đã đặt biệt nhấn mạnh đến sự hoà hợp giữa hoạt động và chiêm niệm trong đời sống thánh Ca-ta-ri-na. Người ta có thể rút ra một vài đề tài suy nghĩ khác:

  1. Thành phần tích cực của Giáo hội:

Tuy là một giáo dân không có chức vụ gì trong Giáo hội, thánh Ca-ta-ri-na  đã tích cực hoạt động xây dựng “nhiệm thể của Đức Kitô” vì Ngài biết rằng Ngài là thành phần trọn vẹn của Giáo hội, có trách nhiệm đối với Giáo hội. Trước tình trạng đen tối của Giáo hội, Ngài đã không than vắn thở dài, đã không phê bình tiêu cực, hoặc ỷ lại hàng giáo sỹ, trái lại, một cách khiêm tốn nhưng can đảm và cương quyết Ngài đã không ngần ngại cho chính các vị lãnh đạo tinh thần ý thức về trách nhiệm của mình.

Thánh Ca-ta-ri-na đã đi trước thời đại mình hằng trăm năm về mặt “thăng tiến giáo dân” – một điều mà chúng ta nghe đã quen từ Công Đồng Vaticanô II, nhưng chưa thực sự áp dụng thường xuyên và đúng mức.

Cả Giáo sỹ lẫn giáo dân nên xét mình về điểm này. Phải chăng Giáo sỹ vẫn còn khuynh hướng cầm giữa giáo dân trong tình trạng ấu trĩ, và giáo dân rất lắm khi cũng tự coi như những thành phần “hạng hai” của Cộng đồng Giáo hội?

  1. Can đảm dấn thân giữa những bóng tối dày đặc.

Thánh Ca-ta-ri-na đã chọn lựa dấn thân trong những hoàn cảnh vô cùng phức tạp. Ngày nay, khi nhìn lại chọn lựa của Ngài, ta có thể nghĩ rằng, Ngài đã đi đúng hướng và Ngài đã thấy rất rõ ràng con đường mình đi là đúng. Nhưng sự thật chắc không đơn giản như thế.

Con người chìm sâu trong lịch sử, mà lịch sử cũng như mọi thực tại nhân sinh, đều luôn luôn phức tạp và “hồ đồ” mập mờ, đa diện, lưỡng giá (Ambivalent) khi sống bên trong thời cuộc, con mắt sáng suốt có thể nhận ra những đường nét lớn, nhưng không ai tự hào là bao quát được toàn bộ hoàn cảnh một cách chắc chắn, trừ ra khi hoạ hiếm người ta được “ơn soi sáng đặt biệt của Chúa”. Chọn lựa luôn bao gồm một sự liều lĩnh. Cái khó là ở chỗ phải quyết định ngay, dấn thân ngay (hic et nunc) chứ không thể chần chờ. Làm cách khác, người ta sẽ chỉ là kẻ “chạy theo lịch sử”. Ngồi chờ để “xem tình trạng ngã ngũ hẳn đàng nào đã” đó là cám dỗ thông thường…

Dường như thánh Ca-ta-ri-na cũng đã lựa chọn trong những điều kiện thông thường của con người, là suy nghĩ nhận định (tất nhiên là có cầu nguyện xin ơn soi sáng) rồi chọn lựa và dấn thân trong tinh thần trách nhiệm tuy biết rằng không có gì bảo đảm 100% cho sự chọn lựa đó.

Cái đáng phục nơi con người hoạt động là ở chỗ đó. Phần lớn các thái độ của ta dựa trên những yếu tố ngoại lý, vì thế những vị Thánh, những Giám Mục, và giáo dân đã chọn lựa ngược với thánh Ca-ta-ri-na , nếu họ đã chọn lực một cách ý thức và thận trọng như thế (và nhất là chọn lựa với lòng yêu mến Hội thánh thật) thì vẫn đáng cho ta kính phục.

Vậy ta không được vịn lẽ hoàn cảnh quá phức tạp, hồ đồ mà bó tay ngồi chờ, không dám chọn lựa, làm như thế là muốn rút lui khỏi điều kiện làm người của con người. Ta cũng không vịn cớ rằng biết bao vị thánh thiện lỗi lạc đã chọn lựa sai mà thoái thách trách nhiệm của mình trong hiện tại đối với Giáo hội và đất nước (vì sợ sai lầm như họ).

  1. Chúa vẫn luôn luôn ở với Giáo hội:

Chúa luôn luôn ở với Giáo hội và hoạt động trong Giáo hội, cả những thời xem ra rối ren nhất, tối tăm nhất. Thánh Ca-ta-ri-na đã tích cực đóng góp phần của mình trong hoàn cảnh cụ thể, và vào một thời nhất định.

Chúng ta thường có quan điểm lý tưởng hoá dĩ vãng và tô đen thời hiện tại mình đang sống. Từ đó thường sinh ra tâm trạng than tiếc : “Phải chi mình sinh ra ở một thời khác!”.

Mỗi người có “thời” của mình. Và trong đức tin ta phải nói: “Thời của tôi là thời tốt nhất cho tôi, bởi vì chỉ trong thời này mà tôi được mời hoàn thành ơn gọi làm con Thiên Chúa. Tôi phải làm chứng cho Tin Mừng trong thời đại hôm nay, chứ không phải thời đại mơ ước nào khác”.

Chỉ có một thái độ như thế mới đúng và tích cực.

Catarina

1.Một vài nét tiểu sử

* Sinh 1347 tại Siena – Con của một gia đình đông con –

Cha tên là Giacômô – làm nghề nhuộm – giàu có.

Mẹ là bà Mona Lapa – một người quản trị có tài.

* 12 tuổi từ khước một cuộc hôn nhân do gia đình xếp đặt trước.

* 16 tuổi mặc áo dòng ba Đaminh và khởi sự bước vào đời khổ chế – đượcChúa hiện ra.

* Lập ra “trường phái thần bí” cổ võ lòng yêu thương tha thứ

“Ghen ghét với người lân cận là chống lại Thiên Chúa – là sự hủy diệt chính bản thân mình. Kẻ sống trong ghen ghét người tự ghét bỏ mình – còn hơn là ghét bỏ kẻ thù nghịch nữa”

* Trở thành Giáo sư tại Siena – Pisa và Roma

* Chúa nhật thứ tư Mùa Chay năm 1375 Ngài được in năm dấu thánh

* Tháng 1-1380 Ngài ngã bệnh – hôn mê

29-4-1380 Ngài an nghỉ trong Chúa khi mới 33 tuổi

1460 được phong thánh

4-10-1970 Đức thánh Cha Phaolo VI phong Ngài làm tiến sĩ Hội thánh.

  1. Một vài nhận định.

a/ Đã biết chọn cho mình một con đường để làm cho mình thành vĩnh cửu.

– Là con út trong một gia đình giầu có, có nhiều hoàn cảnh để cho mình rơi vào cuộc sống ích kỷ, nhưng Catarina đã sớm nhận ra con đường đó là con đường không làm cho cuộc sống của mình đi lên, ngược lại nó còn làm cho cuộc đời của mình rở thành tầm thường. Cho nên Cô đã quyết từ khước con đường hôn nhân – sau đó tự nguyện đi vào con đường khổ chế – tập cho mình đủ nghị lực để dấn thân phục vụ Chúa một cách có hiệu quả hơn.

b/ Làm việc như không biết mệt mỏi với hai mục đích khá rõ nét: Làm vinh Danh Chúa và bảo vệ sự hiệp nhất của Giáo Hội.

  • Một vài chi tiết phải lưu ý:
    Catarina chỉ là một giáo dân, một chị dòng ba Đaminh

Căn phòng tu của chị chỉ là một căn phòng nhỏ trong gia đình. Chính từ trong căn phòng này chị suy nghĩ, cầu nguyện, kết hợp với Chúa, hãm mình phạt xác

Cũng chính từ đây chị đã viết hầu hết hơn 300 bức thư gửi đi cho mọi hạng người và hoàn thành hai tác phẩm : Đối thoại về những kinh nghiệm thần bí và Cuốn đời sống nội tâm.

Cũng từ căn phòng này chị đi ra với thế gian, chạy ngược chạy xuôi để săn sóc những ngưởi ốm đau, bệnh tật, khuyên bảo những người tội lỗi, tiếp xúc với những nhà đương quyền để tìm kiếm Hòa bình cho dân chúng, liên lạc với những chức sắc trong đạo từ Đức Giáo Hoàng cho đến các vị hồng y – giám mục và những người có thế giá để cổ võ một cuộc canh tân rộng lớn trong Hội thánh, vạn động đưa tòa thánh từ Avignon về Roma, thúc đẩy các nhà ẩn tu – các nà chiêm niệm thuần túy tạm bỏ nếp sống yên ổn trong rừng vắng hay trong những đan viện mà đem tài đức ra giúp Hội thánh trong giai đoạn hết sức khó khăn và tế nhị này.

  • Một vài công việc nổi bật

+ Đi Avignon để vận động Đức Grégorio XI đưa tòa thánh về lại Roma. Đây là công việc vô cùng khó khăn. Đức Grégorio và đa số các hồng y trong giáo triều lúc đó là người Pháp. Các Ngài muốn sống tại quê hương của mình – vừa dễ chịu  lại vừa an toàn nhất là vào hoàn cảnh lúc đó, tình hình chính trị có nhiều khó khăn. Catarina phải là ngưòi có một bản lãnh thật mạnh, đồng thời cũng phải có một thế giá đặc biệt mới có thế làm được công việc rất khó khăn và tế nhị này. Catarina đã thành công.

+ Chưa hết. Sau vụ này lại xẩy ra một vụ tưởng như bế tắc nữa. Đó làvụ Giáo Hội một lúc có hai vị đều xưng là Giáo hoàng: Một là Ubano VI ở Roma, một là Clémenté VII ở Avignon. Cả hai đều có những vị thánh, vua chúa, hoàng hậu, hồng y, giám mục ủng hộ. Ví dụ như thánh Vinh sơn Phêriê, vua Charles nước Pháp, hoàng hậu Napoli, cộng đoàn hai dòng Phanxicô và Đaminh thì theo ĐGH Clémenté. Còn Catarina thành Siena, vua nước Hung, nhiều Hồng Y và Giám mục khác ở Roma thì theo ĐGH Urbanô VI. Bên nào đúng bên nào sai đây ?

Ngay từ đầu Catarina đã chọn đứng hẳn về phiá ĐGH Urbanô VI. Và cuối cùng thì Bà đã thành công. Một thành công  thật lớn.

  • Chúng ta tự hỏi: Vì đâu mà một con người như thế có thể làm được những việc kỳ diệu như vậy? Tất cả vì lòng yêu mến Chúa. Bà sống với Chúa thật gần gũi như một người bạn, như một người tình. Câu truyện sau đây cho chúng ta thấu điều đó.

– Lạy Chúa, Chúa ở đâu khi con phải một mình chiến đấu với những dầy vò kia

– Cha vẫn ở với con.

– Sao ! Chúa ở giữa những tư tuởng kinh tởm làm nhơ nhớp Linh hồn con sao?

– Nhưng những thử thách ấy có làm cho linh hồn con phiền muộn quá sức đâu.

– Ôi ! Con kính sợ và đau buồn quá.

– Đó ! Các tư tưởng ấy đã không thế làm ô uế linh hồn con vì con ghê tởm chúng. Chính Cha ngự trong lòng con và đã cho con ơn biết đau buồn vì chúng.

Đó là lý do trả lời cho chúng ta. Tất cả vì lòng yêu mến Chúa. Tất cả mọi người được gần gũi với bà, tiếp xúc với bà, làm việc với bà đều nhận thấy như thế. và đó là yếu tố đưa bà tới thành công.

 

B -MỘT VÀI NHẬN ĐỊNH

Thánh nữ Catarina Sienna là mẫu người đã kết hợp hài hòa sự dũng mãnh của nam tính với những đặc điểm khác của trái tim người phu nữ. Thánh nữ xuát thân từ một gia đình vô sản chính hiệu, sống tại một khu lao động ở Sienna giữa thế kỷ 14. Là con út trong một gia đình có hai mươi sáu người con. Catarina gia nhập dòng ba Đaminh ngay từ lúc còn trẻ (13 hay16?).

Tuy không được cắp sách đến trường, nhưng Catarina được phú bẩm cho những ơn thần bí và đặc sủng.

Thánh nữ đã qui tụ chung quanh mình một nhóm thiếu nữ và vạch ra một chương trình hành động đầy tham vọng là canh tân Giáo Hội, thuyết phục hàng giáo sĩ bỏ thói buôn thần bán thánh và lối sống phóng đãng.

Điều thứ hai trong chương trình hành động của thánh nữ là vận động đưa Đức Giáo Hoàng trở về Roma, bởi vì từ năm 1309, do áp lực của nước Pháp, Giáo triều đã phải dời về Avignon, Pháp. Năm 1735, thánh nữ đã thuyết phục được Đức Grêgôriô XI trở về Roma.

Tuy nhiên, với sự kế vị của Đức Urbanô VI, Giáo Hội đã phải trải qua một gia đoạn rất đau thương: Trong cùng một lúc mà Giáo Hội có hai vị Giáo Hoàng, mỗi bên đều có những người trung thành. Catarina không thất vọng. Mặc dầu chữ nghĩa không bằng ai nhưng thánh nữ đã nhờ trung gian của một ban thư ký để viết thư gửi đến những nhân vật cao cấp trong Giáo hội cũng như các vua chúa và nhà cầm quyền. Người ta ước tính có đến bốn trăm lá thư như thế.

Uy tín của thánh nữ lên cao đến độ từ các Giáo Hoàng đến các vua chúa đều gọi Người bằng Mẹ.

“Tât cả vì sự canh tân của Giáo hội”. Đó là phương châm hành động của thánh nữ Catarina Sienna. Và để Giáo hội được canh tân, thánh nữ đã không ngần ngại tự áp đặt cho mình những hy sinh vượt quá sức chiụ đựng của mình. Thánh nữ đã qua đời vì kiệt sức ngày 29/4/1380 khi chỉ mới ba mươi ba tuổi.

Tế nhị, cuơng quyết. Ít học, nhưng lại là tiến sĩ Hội Thánh. Thần bí nhưng lại hăng say hoạt động. Thánh Catarina là một tín hữu mẫu mực cho mọi thời đại. Bí quyết cuộc sống ấy chính là nhận biết rằng nên thánh là mục tiêu phải tìm kiếm suốt cả cuộc đời.

Kể từ Công Đồng Vaticanô II, chúng ta biết rằng ơn gọi nên thánh là chung của moị người đã chịu phép Rửa tội. Trong thư gửi tín hữu Roma, Thánh Phaolô đã nhắn nhủ:

” Anh em không biết rằng chúng ta được dìm vào nước thanh tấy để thuộc về Chúa Kitô,là chúng ta được dìm vào trong cái chê`tôi của Ngaì sao? Vì được dìm vào trong cá chết của Ngài, chúng ta cũng được mai táng với Ngài. Bởi thế, cũng như Ngài đã sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới”.

Sống đời sống mới, đó là điều tất cả các thánh đã ý thức và cố gắng thể hiện. Dù không sống ở một thời đại nhiều thay đổi như thời đại chúng ta, nhưng các ngài đã mang lấy cùng thân  phận mong manh bất toàn như chúng ta. Có thể các ngài đã vấp ngã, nhưng tất cả đều biết chỗi dậy để chiến đấu và đổi mới không ngừng. Mỗi ngày một mới hơn, đó là châm ngôn các ngài để lại cho chúng ta.

Chúng ta tự hỏi: Vì đâu mà một con người như thế có thể làm được những việc kỳ diệu như vậy? Tất cả vì lòng yêu mến Chúa. Bà sống với Chúa thật gần gũi như một người bạn, như một người tình. Câu truyện sai đây cho chúng ta thấu điều đó.

– Lạy Chúa, Chúa ở đâu khi con phải một mình chiến đấu với những dầy vò kia

– Cha vẫn ở với con.

– Sao ! Chúa ở giữa những tư tuởng kinh tởm làm nhơ nhớp Linh hồn con sao?

– Nhưng những thử thách ấy có làm cho linh hồn con phiền muộn quá sức đâu.

– Ôi ! Con kính sợ và đau buồn quá.

– Đó ! Các tư tưởng ấy đã không thế làm ô uế linh hồn con vì con ghê tởm chúng. Chính Cha ngự trong lòng con và đã cho con ơn biết đau buồn vì chúng.

Đó là lý do trả lời cho chúng ta. Tất cả vì lòng yêu mến Chúa. Tất cả mọi người được gần gũi với bà, tiếp xúc với bà, làm việc với bà đều nhận thấy như thế. và đó là yếu tố đưa bà tới thành công.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *