Mục Lục
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Lời mở đầu
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Trong ơn tiền định
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Thiên Đàng chờ đợi
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Trần gian ngóng trông
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Đầu thai vô nhiễm
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Quãng đời thai nhi
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Sinh vào trần thế
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Cuộc đời ba năm đầu
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Dâng mình trong Đền Thờ
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Thử thách trong Đền Thờ
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Chịu tang trong Đền Thờ
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Kết mối lương duyên
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Chờ đón Tin Mừng
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Tiếp Nhận Tin Mừng
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Một Cuộc Viếng Thăm
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Trở Về Mái Ấm
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Đợi Ngày Sinh Hạ
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Sinh Chúa Tại Belem
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Chúa Tỏ Mình Cho Mục Tử
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Tham Dự Lễ Cắt Bì
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Tiếp Kiến Ba Đạo Sĩ
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Dâng Chúa Trong Đền Thờ
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Lánh nạn sang Ai Cập
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Lưu Ngụ Tại Ai Cập
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Thử thách mới tại Naxarét
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Vui buồn đắp đổi
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Sống đời quả phụ
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Cô thân chiếc bóng
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Theo Chúa Giảng Tin Mừng
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Từ núi Tabôrê đến Lễ Rước lá
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Dự lập Thánh Thể
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Thảm cảnh Vườn Cây Dầu
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Nơi tòa Thượng tế
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Trước cửa công đường
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Trước giờ hành quyết
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Trên đường hành quyết
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Đồi Can-vê loang máu
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Phục sinh huy hoàng
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Chúa lên trời
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Chờ đón Thánh Linh
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Hướng dẫn Giáo đoàn đầu tiên
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Tâm tình với Thánh Thể
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Trong cơn bách hại buổi đầu
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Tham gia chỉ đạo Giáo Hội
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Phù trợ các Tông đồ
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Hai lần sang Tây Ban Nha
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Hành trình sang Êphêsô
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Lưu ngụ tại Êphêsô
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Dự Công đồng Giêrusalem
- Thần Đô Huyền Nhiệm -Tuyệt đỉnh hoàn thiện
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Trông nôm viết Phúc Âm
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Mừng Kỷ Niệm Đời Mẹ
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Mừng Kỷ Niệm Đời Chúa
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Chờ ngày giã thế
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Đức Mẹ Ly Trần
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Đức Mẹ là Nữ vương Trời đất
- Audio Thần Đô Huyền Nhiệm
- HĐGDĐMVN/ GP. Hưng Hóa: Viếng thăm huynh đệ 2019
Phần Thứ Nhất: CUỘC ĐỜI ẨN DẬT |
8. DÂNG MÌNH TRONG ĐỀN THỜ
Trong ý định của Thiên Chúa, phải tôn kính Hòm Bia Cựu Ước vì Hòm Bia đó là hình ảnh của Hòm Bia Tân Ước. Hòm Bia Tân Ước này chính là Mẹ Ngôi Lời Nhập Thể. Tuy nhiên, Chúa không muốn người ta tôn trọng Mẹ khi Mẹ còn tại thế, như đã tôn kính Hòm Bia Cựu Ước. Thật vậy, Chúa không muốn những người Ngài tuyển trọn phải liều mình trước những nguy hiểm của vinh hoa thế tục, được người đời tưởng thưởng công lao hay đức hạnh; Ngài không muốn tâm hồn họ xa rời Ngài, để lo được người đời ca tụng.
Chúa đã đặc biệt áp dụng định luật phòng ngừa khôn ngoan ấy nơi Mẹ Maria. Mặt khác, loài người còn phải học hỏi nơi Mẹ, cũng như nơi Con Mẹ cho biết khinh chê những sản vật giả trá ở đời này, biết yêu thích bị quên lãng, bị nhạt nhoà, bị khinh thị và đau khổ. Vì những lý do đó, Chúa đã cẩn phòng để khi còn tại thế không mấy ai biết đến Mẹ, ca tụng Mẹ như Mẹ đáng được. Thế nên, trước con mắt người đời, việc Mẹ dâng mình trong Đền Thờ Giêrusalem chẳng có gì long trọng linh đình.
Thánh Gioakim và thánh nữ Anna từ Naxarét đưa Mẹ lên Đền Thờ Giêrusalem với mấy người thân thuộc đơn sơ. Đoàn người khiêm hạ lẻ loi, đi không một ồn ào tráng lệ nào hộ tống. Nhưng có một đoàn thiên thần lộng lẫy theo hầu. Những thiên thần này từ trời xuống, cộng thêm vào với những thiên thần hầu cận. Các ngài vừa đi vừa hát những khúc ca vinh quang và tán tụng mới ca tụng Thiên Chúa. Chỉ có mình Mẹ nhìn thấy đoàn thiên thần đông đảo ấy và nghe nhạc trời của họ. Trên quãng đường dài từ Naxarét đến Giêrusalem, hai thánh Gioakim và Anna được hưởng một nguồn an ủi thiêng liêng tràn ngập.
Khi tới Đền Thờ, ông bà cầm tay Người Con đáng kính của mình dẫn vào nội điện. Cả ba cùng sốt sắng cầu nguyện, rồi ông bà dâng hiến Mẹ cho Thiên Chúa. Mẹ cũng tự hiến dâng trọn vẹn trót mình dứt khoát cho Ngài. Trong ánh sáng huy hoàng tràn ngập Đền Thánh bấy giờ, Mẹ nghe thấy rõ rệt tiếng Thiên Chúa ưng nhận lễ vật là chính toàn thân Mẹ. Sau khi cầu nguyện, thánh Gioakim và Anna dẫn Mẹ ra giới thiệu với một vị tư tế. Vị này chúc lành cho Mẹ. Rồi tất cả cùng đưa Mẹ tới khu nhà dành riêng cho việc giáo dục những thiếu nữ theo một kỷ luật thánh hảo đạo hạnh. Những thiếu nữ nào thuộc chi tộc hoàng vương Giuđa và chi tộc tư tế Lêvi được ở những chỗ ưu tiên trong khu nhà này.
Muốn tới khu nhà ấy, phải đi qua một cầu thang mười lăm bậc. Nhiều vị tư tế lúc đó ra đón nhận Mẹ Maria vào. Vị có nhiệm vụ hướng dẫn Mẹ là một tư tế phẩm trật thấp nhất. Ông đặt Mẹ lên bậc đầu cầu thang. Mẹ xin phép ông để giã từ cha mẹ. Rồi quay về phía song thân, Mẹ quỳ gối xin phép lành, hôn kính tay cha mẹ và xin cha mẹ dâng hiến mình cho Thiên Chúa. Thánh Gioakim và Anna vừa bùi ngùi rơi lệ, vừa âu yếm chúc lành cho Con. Sau đó, một mình Mẹ quả quyết bước lên thang, không quay nhìn lại, không rơi một giọt lệ, không tỏ một cử chỉ nào ấu trĩ, không chút phàn nàn vì phải lìa cha mẹ. Trái lại, cả dung mạo cùng phong thái của Mẹ đều toả một nguồn vui siêu nhiên, một vẻ uy nghi dịu dàng làm mọi người phải sững sờ thán phục. Thượng tế Simeon (coi Lc 2,25) đón nhận Mẹ và trao cho những cô giáo đạo đức việc đào tạo Đức Maria.
Trong các cô giáo này, có bà tiên tri Anna (coi Lc 2,36). Bà này đã được Chúa ban ơn soi sáng riêng, chỉ định làm giáo chức đảm nhiệm coi sóc Đức Nữ. Theo ơn Chúa Quan Phòng thúc đẩy, bà đem hết nhiệt tâm dìu dắt Mẹ Maria. Bà thật đức hạnh và thánh thiện xứng đáng có một môn sinh cao cả là chính Mẹ Thiên Chúa, là Chủ Mẫu muôn loài. Khác với bà Anna, thượng tế Simeon không biết gì về mầu nhiệm giấu kín nơi Mẹ. Ông chỉ được một ánh sáng thiêng liêng giúp ông nhận ra Mẹ là một trẻ nữ thánh thiện, được Thiên Chúa ưu ái thôi. Mẹ Maria rất khiêm nhượng đến quỳ gối trước bà Anna, xin bà chúc lành hướng dẫn và nhẫn nại chịu đựng khuyết điểm của mình. Bà tỏ hết tình âu yếm nâng niu Mẹ, và hứa mình sẽ là một bà mẹ bảo trợ, sẽ đem hết dạ ân cần săn sóc, cũng như đến việc giáo hoá cho Mẹ. Sau cuộc tiếp xúc đầu tiên với bà giáo Anna, Mẹ đi gặp mọi thiếu nữ trong viện, chào hỏi niềm nở đoan trang, chúc may mắn cho từng người và cảm ơn họ đã nhận mình vào chung sống, mặc dầu mình bất xứng. Mẹ cũng xin họ chỉ dẫn và bảo cho biết những việc phải làm.
Khi ở một mình trong phòng nhỏ, Mẹ sấp mình xuống, kính cẩn hôn đất, vì đất ấy là một phần của Đền Thánh, đất đã dung nạp mình dầu mình bất xứng. Rồi Mẹ thờ lạy cảm tạ Chúa vì được ẩn mình trong nơi thánh của Ngài. Mẹ cũng xin các thiên thần dạy cho biết việc phải làm để chu toàn thánh ý Chúa, vâng lời các tư tế, cô giáo và các bạn cùng nhà. Mẹ lại xin mười hai thiên thần khác đi an ủi cha mẹ đang buồn sầu cô quạnh. Các vị đó thi hành ngay sứ mạng Đức Nữ Vương họ uỷ thác. Trong lúc Mẹ chuyện vãn với các thiên thần còn ở trong phòng với Mẹ, Mẹ cảm thấy một tác động thần linh làm Mẹ nên như người thiêng liêng và được ơn xuất thần ngây ngất. Theo lệnh Chúa, các vị luyến thần hầu cận trào đổ trên Mẹ những ánh sáng mới, những nghị lực mới, để chuẩn bị cho Mẹ đón nhận một hồng ân rất trọng đại mới. Phủ kín trong một đám mây ngời sáng, cả hồn xác Mẹ được đưa lên thiên đàng. Thiên Chúa đón tiếp Mẹ vào với hết tình nhân ái.
Mẹ phủ phục thẳm sâu trước mặt Chúa, thờ lạy Chúa với niềm tôn kính khiêm nhượng sâu xa nhất. Lúc đó Mẹ được hưởng phúc hưởng kiến một lần nữa. Hiệu quả của cuộc thấy tỏ tường này không lời nào tả xiết. Thiên Chúa nói với Mẹ: “Con rất dấu yêu, lần thứ hai, Cha muốn con được tận mắt nhìn thấy những ân huệ Cha dành riêng cho những linh hồn sẽ được Máu Con Chiên chịu chết cứu chuộc. Con hãy nhận cho rõ những kho tàng Cha dành để tôn cao những ai khiêm nhượng, làm giầu cho những ai nghèo khó, tôn trọng những ai bị khinh chê và thưởng công tất cả những gì loài người làm và chịu vì Chúa”.
Chúa còn tỏ cho Mẹ rất nhiều mầu nhiệm vĩ đại khác nữa. Mẹ thưa lên với Chúa: “Lạy Thiên Chúa Tối Cao, trước mặt Chúa, phận nhỏ hèn con sẽ ra sao! Con nhìn nhận con thật bất xứng với ơn Chúa thương tiết lộ cho con, mặc dầu con chỉ là bụi đất. Xin Chúa hãy làm trọn thánh ý Chúa nơi con. Chúa đã quý trọng những phiền não, đau khổ, khinh chê nhường ấy, Chúa đã thẩm giá cao sự khiêm nhượng, nhẫn nại, hiền từ nhường ấy, xin đừng để con bỏ mất kho tàng rất giầu sang đó, bỏ mất bảo đảm rất quý giá của tình yêu Chúa đó”.
Chúa đoan chắc đã nhận lời Mẹ cầu xin và hứa sẽ dành cho Mẹ nhiều đau khổ, nhiều não nề vì danh Chúa và vinh quang Chúa bao lâu Mẹ còn ở thế gian. Mẹ tạ ơn Chúa và xin tuyên thệ trước mặt Chúa sẽ giữ bốn lời khấn: Khiết trinh, thanh bần, tuân phục và nội vi vĩnh viễn ở trong Đền Thờ. Chúa âu yếm trả lời Mẹ: “Con rất dấu yêu, tương lai mà Cha định cho con không cho phép con đeo đuổi những nguyện ước con vừa nói. Nhưng cha chấp nhận lời khấn khiết trinh của con. Về các lời khấn khác, con sẽ cố gắng thực hiện hết khả năng tuỳ hoàn cảnh, y như con đã tuyên khấn. Một ngày kia, nhiều trinh nữ sẽ làm như con để phụng sự Cha và noi gương con trong nhiều thứ cộng đồng. Như vậy, con sẽ làm Mẹ rất nhiều con cái”.
Mẹ liền tuyên lời khấn khiết trinh trước mặt Chúa. Những lời khấn kia, Mẹ không thề buộc mình, nhưng Mẹ hứa từ bỏ lòng yêu mọi của cải trần gian, hứa tuân phục hết mọi thụ tạo vì yêu mến Chúa. Suốt đời Mẹ, Mẹ đã tỉ mỉ, nhiệt thành, trung tín chu toàn mọi quyết định về điểm này hơn bất cứ một ai đã hoặc sẽ tuyên khấn giữ. Sau đó, Mẹ ra khỏi cuộc thị kiến thấu thị, nhưng vẫn còn ở trước mặt Chúa và được hưởng nhiều thị kiến khác.
Một trong những thị kiến này là một số luyến thần sáng láng nhất đã theo lệnh Thiên Chúa đến bên Mẹ, trang sức cho Mẹ một cách cực kỳ diễm lệ và mầu nhiệm. Họ đổ tràn trên ngũ quan Mẹ một ánh sáng khiến Mẹ rực rỡ xinh đẹp hẳn lên. Họ mặc cho Mẹ một áo dài trắng lộng lẫy, tượng trưng đức trong sạch của Mẹ. Họ thắt ngang lưng Mẹ một thắt lưng dát nhiều đá ngọc rất quý, sáng chói nhiều mầu sắc rực rỡ, tượng trưng nhiều nhân đức sáng láng của Mẹ. Họ trang điểm cổ Mẹ một vòng kiềng lấp lánh, rủ xuống trên ngực; vòng kiềng có ba viên đá ngọc rạng ngời biểu hiệu đức tin, đức cậy, đức mến. Chúa Thánh Linh xỏ vào bảy ngón tay Mẹ bảy chiếc nhẫn huy hoàng nói lên bảy ơn ở cao độ tuyệt vời của Mẹ. Sau cùng, Chúa Ba Ngôi đặt trên đầu Mẹ một vương miện làm bằng chất liệu quý giá nhất, gắn những viên ngọc chói sáng hơn mặt trời, ngụ ý Mẹ là Nữ Vương Thiên Đàng. Để xác nhận chức phẩm tối cao này, áo dài của Mẹ được gài nổi những mật hiệu bằng vàng ròng sáng láng, với ý nghĩa là: MARIA, NỮ TỬ CHA HẰNG HỮU; HIỀN THÊ THÁNH LINH; MẸ ÁNH SÁNG CHÂN THẬT. Nhưng Mẹ Maria không thấy được tước hiệu sau cùng, mặc dầu tước hiệu đó làm sững sờ ánh nhìn cảm phục của các thiên thần. Lúc đó, từ ngai Chúa Ba Ngôi vang ra một tiếng rằng: “Con là Hiền Thê cao quý của Ta, là Tình Nương dấu ái của Ta, là người Ta Ưu Tuyển trong toàn thể thụ tạo từ vĩnh cửu. Thiên thần sẽ phục vụ con. Mọi dân tộc, mọi thế hệ sẽ ca tụng con là người diễm phúc”.
Đó là một thứ hôn lễ, Thiên Chúa thực hiện để chuẩn bị cho Mẹ đón nhận vào lòng Mẹ, Ngôi Lời Thiên Chúa sau này.
Sau khi lĩnh nhận bấy nhiêu ân huệ, Mẹ Maria chìm vào một vực thẳm tán tạ, mến yêu, khiêm nhượng. Mẹ cất tiếng nói lên: “Ôi Thiên Chúa khôn tả, Chúa là ai, con là gì mà Chúa đoái thương nhìn đến và tôn vinh kẻ chỉ là bụi đất như vậy? Trong Chúa, con khám phá ra tính mênh mông của Chúa và tính hư vô của con. Con kinh ngạc vì Đấng Uy Nghi vô cùng đã hạ mình xuống với con là một con sâu đất hèn hạ chỉ đáng khinh chê. Lạy Chúa, lạy Vua con, Chúa đã muốn, nên con xin nhận Chúa làm Tình Quân, làm Lương Quân của linh hồn con, nhưng con vẫn sẽ mãi mãi là nữ tì của Chúa. Tâm trí con và trái tim con sẽ không còn một đối tượng nào khác, một cứu cánh nào khác ngoài Chúa là Sự Thiện độc nhất của con, tình yêu độc nhất của con. Con mắt con sẽ không bao giờ dừng lại nhìn một người nào khác nữa”.
Hài lòng khôn tả, Chúa thuận y việc nhận lời của Mẹ. Ngài đặt trong tay Mẹ các kho tàng quyền năng và ân sủng của Ngài, bảo Mẹ muốn gì cứ xin, và đoan chắc rằng sẽ không hề từ chối Mẹ một điều gì. Đáp lại lời Chúa, Mẹ xin Chúa sai Con Một Chúa xuống trần gian cứu chuộc loài người; trào đổ nhiều ơn lành cho song thân; an ủi những người nghèo khó và đau khổ; ban cho Mẹ ơn chu toàn hoàn hảo những gì đẹp lòng Chúa nhất.
Lúc đó, tất cả các thiên thần lại hát lên những khúc ca mới chúc tụng Thiên Chúa đã làm nên tất cả những việc lạ lùng ấy. Những vị Chúa đã chỉ định, tấu lên một khúc nhạc trời, tháp tùng mẹ trở lại trần gian, và đặt vào phòng cũ. Thoạt vừa vào phòng, mẹ đã thi hành ngay những điều Mẹ khấn hứa với Chúa, liên quan đến những lời khấn tu trì. Mẹ đi tìm bà Anna, nộp cho bà tất cả những gì song thân đã cho, để bà định đoạt tuỳ ý bà. Được Chúa soi sáng, bà Anna nhận lấy tất cả các đồ Mẹ nộp, chỉ để cho Mẹ y phục Mẹ mặc, cho nên Mẹ hoàn toàn nghèo khó. Vừa cảm phục ca tụng đức mến của Mẹ, bà Anna tự hứa sẽ săn sóc Mẹ kỹ lưỡng hơn, vì Mẹ chẳng còn gì, trong khi các thiếu nữ khác trong viện vẫn còn giữ trọn của cải mình và sử dụng tuỳ ý. Sau đó, hội ý với Thượng tế Simeon, bà Anna vạch ra một luật sống cho Mẹ. Sự Mẹ khiêm nhượng từ bỏ mọi sự đã xin được Chúa ban cho Mẹ ơn siêu thoát mọi thụ tạo và chính mình, để chỉ còn sống trong tình yêu mến Chúa và yêu chịu sỉ nhục. Để thực thi đức tuân phục, Mẹ đã xin bà Anna một quy luật riêng. Nhờ ơn Chúa giúp, thánh Simeon và Anna thảo ra quy luật đó, rồi gọi Mẹ đến trao cho. Mẹ quỳ xuống trước hai ngài, Các ngài bảo Mẹ đứng dậy, nhưng Mẹ vẫn khiêm nhượng xin cứ để mình quỳ mà nghe lời dạy bảo: Mẹ rất tôn kính chức phẩm và nhiệm vụ của các ngài. Thượng tế nói với Mẹ: “Hỡi con, con còn rất non dại mà Chúa đã dẫn con vào Đền Thánh của Ngài. Đó là một ân huệ con phải nhìn nhận để hết lòng phụng sự Ngài, và ham mê thực hành hết mọi nhân đức. Từ nay, con hãy bắt đầu cúi mình dưới ách Chúa, để suốt đời con được dễ dàng. Con hãy tuân phục bà giáo của con”. Mẹ Maria thưa lại: “Thưa thầy, thầy là thừa tác viên của Chúa Tối Cao, và thưa bà, xin dạy dỗ con, truyền bảo con việc con phải làm, kẻo con bị lầm lỡ. Con xin hứa với thầy và với bà là con không có một ước vọng nào khác ngoài ước vọng ngoan ngoãn vâng theo ý thầy và bà”.
Thượng tế Simeon và bà Anna được ơn soi sáng phải săn sóc Mẹ cách riêng, nên đã vạch một chương trình sống cho Mẹ như sau: “Con hãy đem hết niềm nhiệt thành tham dự các giờ tán tụng Thiên Chúa. Hãy cầu nguyện cho Đền Thờ của Ngài, cho dân riêng Ngài và cho Đấng Cứu Chuộc mau đến. Buổi tối, con sẽ đi ngủ lúc tám giờ. Tảng sáng, con sẽ thức dậy cầu nguyện cho tới chín giờ. Từ giờ đó tới chiều, con sẽ làm các việc thủ công và học tập Thánh Kinh. Trong bữa ăn, con hãy dùng lương thực cách điều độ nghiêm cẩn. Trong mọi sự, con hãy ở khiêm nhu, dễ yêu và hết sức tuân phục bà giáo, bà sẽ dạy con mọi việc phải làm”. Mẹ Maria vẫn quỳ gối nghe lời dạy bảo. Sau đó, Mẹ xin hai vị chúc lành, rồi hôn tay hai vị. Hai vị cũng rất được vui lòng và rất thiện cảm với Mẹ. Mẹ hoà mình rất đúng vào kỷ luật, mặc dầu quan điểm của Mẹ cao vượt hơn. Mẹ biết rằng tuân phục hoàn toàn không lý luận bao giờ cũng tốt hơn theo tư kiến, dầu là những tư kiến rất tốt. Thực ra, chính Thiên Chúa sống và hành động nơi các bề trên. Nếu ai không vâng nghe các Ngài, là họ hành động theo ảnh hưởng của cám dỗ, của đam mê, của ảo ảnh.
Mẹ nêu lên một đức khiêm nhượng cao cả khi xin cô giáo cho phép được phục vụ các bạn đồng song, được dùng vào những việc rất thấp hèn như quét nhà, rửa chén đĩa. Sáng cũng như chiều, Mẹ đều đến xin cô giáo ban phép lành, rồi hôn tay và hôn cả chân bà khi được phép. Mẹ rất mau mắn hạ mình, rất hiền hoà, rất ân cần, rất tôn kính, rất tuân phục, cả đối với các cô bạn, những người Mẹ đã chiếm được lòng. Không một ai không nhận thấy Mẹ có duyên nhị tuyệt vời, vì Mẹ là chỗ tập trung tất cả thiên duyên tự nhiên cũng như những đức tính siêu nhiên.
Mẹ hết sức tiết độ trong bữa ăn, và sẵn sàng chịu mất ngủ, một giấc ngủ vốn đã rất ngắn. Và ngay trong giấc ngủ ngắn ngủi ấy, Mẹ cũng vẫn chiêm niệm những mầu nhiệm cao cả trên trời, trong chiếc giường nhỏ bé của Mẹ. Không hề cho phép mình dùng một vật dụng nào thừa thãi, Mẹ tự cắt xén cả một đôi dụng cụ cần thiết. Mẹ dùng thời giờ rất khéo, giờ nào việc ấy khít khao nhau. Thời giờ Mẹ dùng nhiều nhất là thời giờ đọc Thánh Kinh, nhất là những trang liên quan đến ơn Nhập Thể Cứu Chuộc. Mẹ am tường ý nghĩa việc Nhập Thể, nhờ có tri thức Chúa ban dư tràn, đến nỗi có thể giải thích những mầu nhiệm về ơn ấy với các thiên thần khi họ đàm đạo với Mẹ. Mẹ hiểu biết tất cả các nghi lễ cử hành trong Đền Thờ mà Mẹ tham dự, nhưng bề ngoài Mẹ vẫn đi học hỏi y như không biết gì. Ở địa hạt nào Mẹ cũng giãi toả một trí thông minh, một đức khôn ngoan, một vẻ trọn lành làm mọi người phải ngạc nhiên thán phục. Nhưng Thiên Chúa còn giấu kín nhiều vẻ đẹp của Mẹ, không mấy ai được biết, chỉ thiên thần mới được chiêm ngắm thôi.
Mẹ lớn dần về tuổi và về ân sủng trước mặt Chúa và loài người, nhưng bao giờ đạo tâm của Mẹ cũng lớn vượt hơn tự nhiên. Thiên Chúa không ngớt đổ tràn trên Mẹ những hồng ân rất kỳ diệu để mỗi ngày trang điểm thêm cho Mẹ. Ngài luôn luôn lấy ra từ kho tàng vô tận của Ngài những ân huệ mới để trau dồi riêng cho Mẹ. Mẹ cũng đáp ứng các ơn ấy cách cực kỳ trung tín, đến nỗi Thiên Chúa hoàn toàn hài lòng về Mẹ.
Mẹ Maria say mê nhất những lạ lùng của việc Nhập Thể. Mẹ thường hết sức âu yếm nói với các thiên thần, và đặt ra với họ những câu hỏi rất cao làm họ bỡ ngỡ, nói với họ những điều Mẹ khám phá ra về Nhân tính rất thánh của Ngôi Lời, về sự Chúa hạ mình làm con trẻ, sinh ra và chịu dưỡng nuôi như loài người, có một Người Mẹ đồng trinh, lớn lên, chịu đau khổ, chịu chết cho hết mọi con cháu Adong. Được Thiên Chúa soi sáng, các luyến thần hầu cận cũng trả lời cho Mẹ biết thêm về các mầu nhiệm ấy. Lòng Mẹ bừng lên những đám lửa yêu mến rất nồng nhiệt khi nghe họ nói. Mẹ hỏi thêm: “Ôi các sứ thần Thiên Chúa, làm sao Đấng Sáng Tạo lại sinh ra bởi một thụ tạo? Đấng trau dồi vũ trụ xinh đẹp mà lại chịu đau khổ? Làm sao một người nữ lại được hạnh phúc gọi Đấng đưa mình ra khỏi hư vô là Con, và được nghe Đấng ấy gọi mình là Mẹ? Ngài là Đấng Tự Hữu, sáng tạo vũ trụ mà! Ước chi tôi được làm nữ tì hầu hạ Mẹ Con cao trọng ấy hạnh phúc biết mấy!” Cảm thông với tâm tình nhiệt ái của Mẹ, các thiên thần trình bày cho Mẹ biết về các mầu nhiệm Chúa sẽ làm, trừ mầu nhiệm Mẹ là Mẹ Thiên Chúa.
Mẹ sáng tác nhiều ca khúc. Những ca khúc này vượt xa các ca khúc Giáo hội cả về lượng lẫn phẩm, gồm chứa ý nghĩa rất cao, các vị thánh được ơn soi sáng cao độ nhất cũng không biết đến. Thiên Chúa muốn Giáo hội chiến đấu chỉ dùng các chân lý mạc khải trong Thánh Kinh; còn những chân lý đã mạc khải cho Mẹ dành để cho Giáo hội khải hoàn khám phá, hầu thêm vinh quang phụ trội cho các thánh trên trời.
Mặt khác, Mẹ Maria rất khiêm nhượng, không bao giờ tỏ cho loài người biết những ơn lạ lùng Mẹ được. Mẹ hết sức chăm chú hết lòng giữ kín các ơn ấy. Đó là một lý do để thánh Gioan Tông Đồ, khi viết sách Khải Huyền, đã che giấu nhiều mầu nhiệm liên hệ đến Mẹ, dưới những ẩn dụ mà ta có thể hiểu cả về Giáo hội chiến đấu, cả về Giáo hội khải hoàn.
LỜI MẸ HUẤN DỤ
Hỡi con, một trong những ân huệ trọng đại nhất Thiên Chúa ban cho Mẹ là ân huệ mà con vừa mới viết đó. Do lòng khát vọng, Mẹ đã đáng gọi là Mẹ Sáng Lập đời tu trì. Đời tu trì là một bến đậu vững chắc, che khuất bão tố thế gian. Hạnh phúc lớn nhất Chúa có thể ban cho một linh hồn ở đời này là gọi họ dâng mình phụng sự Ngài. Vì thế, ma quỷ hết sức đánh lạc họ xa ơn gọi ấy. Khi ai vào Dòng, cả khi không đủ nhiệt tâm hợp lẽ, cũng làm cho ma quỷ căm hờn, vì việc đi tu Dòng ấy thánh hoá con người, làm vui thiên thần và vinh quang Thiên Chúa.
Khi đã tuyên khấn rồi phải tuân giữ, vì lời khấn cất bỏ tự do làm xấu để bảo đảm tự do làm tốt, thoát ly cảnh nô lệ đam mê và, nhờ cai trị được đam mê, chỉ còn noi theo những điều Thánh Linh thúc giục. Cuộc sống trở nên như cuộc sống thiên thần. Nhưng ở đời này, người ta không thể hiểu được những kho tàng dành cho họ. Mẹ bảo đảm với con rằng: Công đức các tu sĩ có thể sánh bằng và cả vượt trên công đức của các vị tử đạo nữa.
Lời khấn tuân phục cao trọng nhất: Đòi phải từ bỏ ý riêng hoàn toàn để vâng phục ý muốn bề trên, phải mau mắn hài lòng hoà hợp với ý muốn ấy, không xét nét, không lý luận, nhất là không lẩm bẩm kêu ca. Quả thật, các bề trên thay chỗ Thiên Chúa. Tuân phục các Ngài là một bảo đảm. Con Chí Thánh của Mẹ đã tuân phục đến nỗi chết trên Thánh giá để sắm các đặc ân ấy cho những ai tuân phục.
Lời khấn khó nghèo là một cách cao quý để giải thoát khỏi gánh nặng những sự vật trần gian. Những sự vật ấy có đáng giá là bao mà phải khổ công tìm kiếm và bảo thủ? Nó gây ra biết bao áy náy và nguyền rủa não nề! Chỉ bao giờ người ta khinh chê nó mới chiếm được nó. Có thoát ly khỏi những ràng buộc của nó, người ta mới sẵn sàng hoàn toàn để tiếp nhận những kho tàng thần linh. Con người được sáng tạo là cốt để chiếm những kho tàng thần linh này, và con người có một khả năng hầu như vô cùng để chiếm hữu. Cho nên, theo kế hoạch của Thiên Chúa, chỉ phải sử dụng của cải trần gian vừa đủ để giữ sự sống thôi: Phải từ khước mọi thừa thãi. Đặc tính của đức nghèo phong phú thánh thiện còn là chịu thiếu cả một vài nhu cầu nữa. Do đó, Mẹ muốn con đừng lưu luyến một vật nào, dầu to dầu nhỏ, dầu cần thiết dầu dư thừa. Con hãy dùng của ăn thanh đạm nhất, vải thô nghèo nàn nhất, y phục chắp vá nhất.
Lời khấn thanh tịnh nhằm bảo vệ sự trong sạch hồn xác. Đây là nhân đức làm linh hồn tận hiến cho Chúa nên cân xứng với Bạn Chí Thánh mình nhất. Nó giữ linh hồn khỏi sự hư nát đời này để biến nên thiêng liêng, nên như thiên thần và cả nên như Thiên Chúa. Nó soi sáng trí năng, nâng cao tâm hồn, trang điểm hết mọi nhân đức. Nhưng nó cũng dễ mất, vì nó ở trong một lâu đài có rất nhiều cửa và cửa sổ; kẻ thù, mà kẻ nội thù ghê gớm nhất là xác thịt, có thể vào phá phách qua các cửa ấy. Cửa đó là giác quan: Cho nên phải khắc chế giác quan mà cai trị nó; phải ký với nó một hiệp ước bất khả xâm phạm là: Chỉ xử dụng nó sao cho hợp với lý trí và vinh danh Chúa thôi. Phải ý tứ chớ động chạm hay nhìn xem một người nào, để hình ảnh hoặc sự nhớ nhung khỏi làm bận rộn tưởng tượng một cách nguy hiểm. Phải rất cẩn phòng như thế, mới bảo tồn được đức trong sạch.
Sau cùng, lời khấn nội vi là thành trì bảo vệ đức ái và tất cả các nhân đức, là một viên ngọc rực sáng mọi nhân đức. Nếu để cho những cơ hội xấu gây phong ba, các nhân đức ấy sẽ mờ đục và bị vùi dập. Mặt khác, nội vi không phải là một nơi vít kín: Trong đó, người ta có thể hưởng những chân trời bao la nhận thức được Thiên Chúa, các ưu phẩm, các mầu nhiệm và các công trình đẹp đẽ của Ngài còn hơn ở ngoài đời gấp bội. Trong những không gian vô bờ bến đó mà được tung tăng hoan hưởng còn gì sánh được. Cách xa những không gian đó, dầu được tự do nhất cũng chỉ là tù ngục chật hẹp.
Phần Mẹ, hỡi con, Mẹ đã tuân giữ những lời khấn ấy một cách hết sức trọn hảo có thể trong bậc Mẹ: Không bao giờ Mẹ nhìn thẳng mặt một ai, kể cả thánh Giuse là Lương Quân thánh thiện của Mẹ, cả các thiên thần khi họ hiện ra dưới hình người. Mẹ e ấp trước mọi tình yêu sự vật trần gian và không hề lưu luyến ý riêng Mẹ bao giờ. Chỉ một mình Thiên Chúa thôi!