Mục Lục
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Lời mở đầu
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Trong ơn tiền định
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Thiên Đàng chờ đợi
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Trần gian ngóng trông
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Đầu thai vô nhiễm
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Quãng đời thai nhi
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Sinh vào trần thế
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Cuộc đời ba năm đầu
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Dâng mình trong Đền Thờ
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Thử thách trong Đền Thờ
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Chịu tang trong Đền Thờ
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Kết mối lương duyên
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Chờ đón Tin Mừng
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Tiếp Nhận Tin Mừng
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Một Cuộc Viếng Thăm
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Trở Về Mái Ấm
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Đợi Ngày Sinh Hạ
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Sinh Chúa Tại Belem
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Chúa Tỏ Mình Cho Mục Tử
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Tham Dự Lễ Cắt Bì
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Tiếp Kiến Ba Đạo Sĩ
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Dâng Chúa Trong Đền Thờ
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Lánh nạn sang Ai Cập
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Lưu Ngụ Tại Ai Cập
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Thử thách mới tại Naxarét
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Vui buồn đắp đổi
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Sống đời quả phụ
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Cô thân chiếc bóng
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Theo Chúa Giảng Tin Mừng
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Từ núi Tabôrê đến Lễ Rước lá
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Dự lập Thánh Thể
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Thảm cảnh Vườn Cây Dầu
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Nơi tòa Thượng tế
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Trước cửa công đường
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Trước giờ hành quyết
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Trên đường hành quyết
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Đồi Can-vê loang máu
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Phục sinh huy hoàng
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Chúa lên trời
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Chờ đón Thánh Linh
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Hướng dẫn Giáo đoàn đầu tiên
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Tâm tình với Thánh Thể
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Trong cơn bách hại buổi đầu
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Tham gia chỉ đạo Giáo Hội
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Phù trợ các Tông đồ
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Hai lần sang Tây Ban Nha
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Hành trình sang Êphêsô
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Lưu ngụ tại Êphêsô
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Dự Công đồng Giêrusalem
- Thần Đô Huyền Nhiệm -Tuyệt đỉnh hoàn thiện
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Trông nôm viết Phúc Âm
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Mừng Kỷ Niệm Đời Mẹ
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Mừng Kỷ Niệm Đời Chúa
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Chờ ngày giã thế
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Đức Mẹ Ly Trần
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Đức Mẹ là Nữ vương Trời đất
- Audio Thần Đô Huyền Nhiệm
- HĐGDĐMVN/ GP. Hưng Hóa: Viếng thăm huynh đệ 2019
Phần Thứ Ba: CUỘC ĐỜI CÔNG KHAI |
44. PHÙ TRỢ CÁC TÔNG ĐỒ
Một năm trôi qua từ khi Chúa Giêsu chịu chết, các Tông đồ được ơn Chúa soi sáng quyết định đi giảng đức tin trong khắp thế giới. Để biết mỗi vị phải đi xứ nào, các ngài theo lời khuyên của Mẹ Maria hợp lòng ăn chay cầu nguyện trong mười ngày liên tiếp. Từ ngày Chúa lên trời, các ngài vẫn giữ tục lệ thánh thiện này mỗi khi định làm những việc quan trọng. Ngày bế mạc, vị Nguyên Thủ Giáo hội cử hành thánh lễ, ngài cho Mẹ và các Tông đồ hiệp lễ. Theo lời đề nghị của Mẹ, sau một kinh nguyện sốt sắng, các ngài đọc kinh Tin Kính và thêm lời tuyên xưng này: “Lạy Thiên Chúa hằng hữu, chúng con đây là những con sâu đất hèn mạt, những người thừa hành của Ngài, chúng con sấp mình vui lòng chịu hết mọi thứ đau khổ, buồn sầu, nhục nhã và cả đến chịu chết nữa, đề làm tròn sứ mạng chúng con, chúng con nài xin Chúa sai Thần Linh Chúa xuống, để Ngài ban sức cho chúng con, và cho chúng con biết mỗi người chúng con phải đi miền nào cho đẹp lòng Chúa hơn”.
Sau lời nguyện đó, một ánh sáng lại hiện xuống nhà tiệc ly, bao phủ cả mọi người. Và có tiếng phán rằng: “Vị đại diện của Thầy hãy chỉ cho mỗi người những địa phương thuộc về phần của họ. Thầy sẽ ban Thánh Linh soi sáng”. Thánh Phêrô liền chia thế giới thành các phần sau: chính ngài nhận các xứ Pongtiô, Galatia, Bitinia, Capađôcia, Antiokia và sau hết là Rôma, nơi sẽ là Thánh Đô của Giáo hội hoàn cầu. Thánh Anrê đi nhận xứ Sythia, Epina, Tracia và Akhai. Thánh Giacôbê Trưởng đi xứ Giuđê, Samari và Tây Ban Nha. Thánh Gioan ở lại với Mẹ Maria tại Giêrusalem và, sau khi Mẹ về trời, sẽ đi Tiểu Á. Thánh Tôma sang Persia và các phần đất người Parthô, Ircania, Braman, và Partia. Thánh Giacôbê Thứ ở lại Giêrusalem, san sẻ với Thánh Gioan việc phụng sự Mẹ Maria. Thánh Philiphê giảng cho xứ Prygia và Sythia. Thánh Batôlêmi đem Tin Mừng cho xứ Lycaoni, Ấn-độ và Tiểu-Amêni. Thánh Matthêu đi Ai-cập và Ethiôpi. Thánh Simon cũng đi Ai-cập và cả Ba-tư. Thánh Tađêô sang giảng Phúc Âm cho miền Mesopotamia, Babylon và Persia. Sau cùng, Thánh Matthia đi Ethiôpi, Arập và Palestina.
Thánh Phêrô vừa nói xong, nhà Tiệc Ly vang ra một tiếng động lớn, tràn đầy ánh sáng; mọi người nghe có tiếng vừa êm ả vừa mạnh mẽ mời rằng: “Mỗi người các con hãy nhận lấy phần mình”. Mọi người đều phủ phục; tỏ một niềm hân hoan mà nhận phần mình; được ơn biết đầy đủ về những địa phương mình đến giảng; lại được phú ban ơn linh mẫn mau lẹ để đi khắp các xứ ấy, ơn sức mạnh để chịu mọi đau khổ, và được tình yêu Thiên Chúa đốt cháy nóng rực lên như các thần sốt mến.
Mẹ Maria là Nữ Vương vũ trụ không những chứng kiến tất cả những việc lạ ấy, mà còn tham dự vào tất cả với một cấp độ cao vượt hơn tất cả các Tông Đồ hợp lại. Thiên Chúa đổi mới tri thức thiên phú của Mẹ về hết mọi thụ tạo, làm cho Mẹ nhận thức được tất cả những gì xảy ra trên thế giới, phân biệt được hết mọi người cư ngụ trên mặt đất, rõ ràng y như những người khác lúc ấy đang ở trong phòng nguyện của Mẹ. Ngoài tri thức thiên phú ấy, Mẹ còn có một tri thức khác xuất phát bởi thị kiến trừu xuất biết được Thần Tính Thiên Chúa. Hai tri thức ấy khác nhau đặc biệt. Khi Mẹ nhìn thấy trong Thiên Chúa những đau khổ mà các Tông Đồ và tín hữu phải chịu, Mẹ không nghiệm thấy đau đớn ở giác quan, nhưng khi nhìn thấy những đau khổ ấy nơi chính Mẹ, Mẹ phải đau đớn.
Trong khi những sự việc quan trọng ấy xảy ra, Mẹ hứa sẽ nâng đỡ các Tông đồ khi các ngài đi giảng đạo khắp thế giới. Mẹ nói với các ngài những lời linh động để khích lệ các ngài tạ ơn Chúa, chúc mừng các ngài vì đã tùng phục nhiệt thành, cho các ngài được đầy tin tưởng và tỏ cho các ngài thấy niềm vui mừng mà những tâm cảm thánh thiện của các ngài đem lại cho Mẹ. Sau bài huấn từ cảm kích ấy, Mẹ quỳ gối trước mặt các ngài, hôn tay và xin phép lành, như Mẹ vẫn quen làm.
Mẹ cũng may cho mỗi vị một chiếc áo trong dệt liền đường chỉ, tương tự chiếc áo của Chúa Giêsu, áo có mầu vừa tím vừa xám tro, để ngay cả y phục các Tông đồ cũng nên giống Chúa Giêsu. Mẹ tặng mỗi vị một thánh giá đeo trên mình, để thánh giá ấy làm bảo chứng lời các ngài giảng và an ủi các ngài khi đau khổ. Sau cùng, Mẹ trao cho mỗi vị một hộp nhỏ bằng kim loại chứa mẩu vải khăn bọc Chúa Giêsu hồi còn thơ ấu, một chút vải thấm máu Chúa ngày chịu cắt bì và Tử Nạn, cùng với ba cái gai trong triều thiên gai của Chúa. Lúc trao những vật kỷ niệm đáng kính đó, với một vẻ mặt vừa uy nghi như nữ vương, vừa dịu hiền như từ mẫu, Mẹ nói với các ngài, đó là kho tàng lớn nhất Mẹ có để làm qiầu hành trang của các ngài. Các ngài sung sướng đến rơi lệ sốt sắng mà tiếp nhận từ tay Mẹ, cảm tạ Mẹ nghìn trùng, và sấp mình thờ lạy những di vật thánh ấy.
Trước khi rời bỏ Giêrusalem, các Tông đồ đi viếng các nơi thánh, tuôn lệ kính hôn đất Chúa Giêsu đã từng bước lên. Sau đó, các ngài trở lại nhà Tiệc Ly, nơi đây gợi cho các ngài biết bao việc lạ lùng vĩ đại. Các ngài từ biệt Mẹ Maria, xin Mẹ bảo trợ; rồi ra đi với tâm hồn vững vàng nhờ lời đầy hiền ái và sức mạnh thần linh của Mẹ giúp sức.
Các ngài đi giảng Phúc Âm cho những xứ thuộc phần mình, và các tỉnh lân cận. Ta không phải ngạc nhiên, vì nhiều lần các thiên thần đã đem các ngài từ nơi này sang nơi nọ, để thi hành sứ mạng, để an ủi lẫn nhau, để đệ đạt vấn đề nan giản lên Thánh Phêrô, hoặc rất thường là để cầu cứu với Mẹ Maria. Quả thật, những việc đó không có gì lạ, vì, nếu để đem cho tiên tri Đanien một chút thực phẩm, mà còn có một thiên thần nắm tóc tiên tri Habacuc đem sang Babỵlon, nói chi những việc quan hệ đến việc thiết lập Giáo hội và phần rỗi loài người! Những việc lạ lùng ấy không thích hợp cho những người có trách nhiệm cứu thế giới thời ấy khỏi tình trạng thờ ngẫu tượng gớm ghiếc, và nâng thế giới lên hưởng nhận các nhân đức cao trọng của Kitô giáo sao?
Ít lâu sau khi các Tông đồ phân tán, Chúa Quan Phòng lại ban tiếp cho các ngài một Tông đồ nữa. Trong những người bách hại Giáo hội mới phôi thai một cách gay gắt nhất, có một thanh niên có trí khôn sắc sảo, tâm hồn quảng đại và tính tình cương nghị. Chàng hãnh diện vì thông hiểu thấu đáo luật Maisen, can đảm tuyên nhận và anh dũng bảo vệ luật ấy trước những khám phá mới của một tử tội bị đóng đinh thập giá. Thêm vào lòng nhiệt thành hăng hái của chàng, quỷ Luxiphe lại đến gieo vào một hung hãn, vì nó nhận ra chàng là một trợ lực quý báu cho nó, để đả phá Giáo hội. Thanh niên đó là Saulô, sau này được vinh dự trở nên Tông đồ Phaolô. Ông đã từng tham dự vào việc giết chết Têphanô. Việc này khiến Satan xui ông làm những việc ghê gớm: sát hại các Tông đồ và cả Mẹ Chúa Giêsu. Nhưng tên quỷ phản phúc đó đã lầm: Saulô chỉ vì ý ngay lành mà nhiệt thành bảo vệ lề luật Maisen, nên mới trở nên kẻ thù của Chúa Kitô; Saulô không phải là kẻ tàn ác đáng ghét. Chước cám dỗ của quỷ đã gặp phải tâm hồn cao thượng và quảng đại của ông. Ông chỉ muốn chiến đấu bằng thứ khí giới trung thành hợp pháp của công bằng và lý trí thôi. Ông gớm tởm ý tưởng mưu hại mạng sống Mẹ Maria. Ông thấy Mẹ là một người rất đoan chính, và rất vững vàng trong suốt cuộc Tử Nạn của Người Con độc nhất của Mẹ, đến nỗi ông cảm phục Mẹ là một vị anh thư đáng tôn trọng; tự thâm tâm, ông cảm thông với những đau khổ Mẹ phải chịu, những đau khổ mà ai cũng đã biết là thật cực độ. Tâm tình ấy giúp nhiều vào việc quy hồi của ông.
Trong lúc chờ đợi tiêu diệt đạo mới, ông xin thầy thượng tế cấp văn thư, trao cho ông được quyền truy nã và tống giam các tín hữu đạo Chúa Giêsu. Ông tình nguyện dâng hiến bản thân, gia sản và mạng sống mình để bảo vệ tôn giáo của tổ tiên. Được thượng tế cấp văn thư ngay, ông liền lên đường đi Đama để bắt các tín hữu gốc Giêrusalem vừa lên ẩn trốn tại đó. Ông đi vội vã với một đoàn tuỳ tùng, và nhất là với một lũ quỷ đông vô số mà ông không biết.
Mẹ Maria theo dõi ông với một ánh nhìn thương cảm. Chúa Giêsu đã báo cho Mẹ biết Saulô sẽ là một Tông đồ hiển danh của dân ngoại, nên Mẹ nghĩ đã đến lúc phải bắt ông dừng lại trên đường lầm lạc, và đưa ông vào đường chân lý. Tình trạng mỗi lúc một trầm trọng thêm rồi. Đầy đau khổ và tin tưởng, Mẹ sấp mình cầu xin Chúa: “Lòng lành vô cùng lạ lùng của Con đã đoái thương làm Con trở nên Con của Mẹ; Con đã trao cho Mẹ việc chỉ đạo Giáo hội, sao Con lại để cho Giáo hội phải bách hại tan nát thế này? Con hãy làm cho con rồng hoả ngục kiêu ngạo phải vỡ mặt đi: nó đang hằm hằm đe doạ đàn chiên vô tội của Con đó. Nó đã lừa dối Saulô, xin Con hãy kéo Saulô ra khỏi nanh vuốt nó. Đây là lúc Con giải thoát cho linh hồn mà Con đã chọn để tôn vinh danh Con, và gieo vãi ơn lành cho thế giới”.
Mẹ Maria dành khá nhiều giờ để lặp lại lời cầu xin ấy. Mẹ sẵn sàng hiến thân chịu đau khổ và ngay cả chịu chết để được nhận lời. Sự khôn ngoan vô cùng của Chúa Giêsu đã muốn Saulô phải nhờ lời cầu xin của Mẹ mới trở lại, nên Ngài hiện xuống nhà Tiệc Ly, nhưng chưa chấp thuận ngay lời Mẹ, vì Ngài rất thích nghe tiếng van nài phát xuất từ Trái Tim rất trong sạch, rất hiền ái của Mẹ. Vì thế, coi như Chúa muốn mặc cả với Mẹ về ơn Chúa rất sẵn lòng ban ơn ấy. Mánh khoé yêu thương ấy kéo dài cuộc đàm đạo thần linh giữa Chúa và Mẹ, và rốt cuộc là những lời van xin tha thiết của Mẹ đã thắng: “Thôi, Con đừng chê đừng khinh lời Mẹ cầu xin nữa. Con đừng trì hoãn thi hành thánh lệnh cho Saulô trở lại nữa. Con cho linh hồn ủ dột của Mẹ được an ủi thấy Saulô hoạt động cho vinh danh Con đi”.
Lửa đức ái thiêu đốt Trái Tim Mẹ bừng bừng đã có thể làm tiêu tan sự sống tự nhiên của Mẹ, nếu không có ơn lạ trợ giúp. Và, dầu không chết, Mẹ cũng đau đớn quá mà ngất xỉu. Chúa Giêsu không thể kéo dài trò chơi tình yêu đó nữa. Ngài nói: “Mới có thế mà Mẹ đã xỉu rồi. Vậy xin Mẹ cứ làm như ý Mẹ muốn! Mẹ xin cho Saulô thế nào, Con vâng ý Mẹ như vậy. Ít phút nữa, Con sẽ đón Saulô vào tình thân ái của Con”.
Rồi Chúa biến đi. Mẹ Maria, tiếp tục cầu nguyện và được thị kiến thấy mọi việc xảy ra cho Saulô như thánh Luca đã kể lại (Act 9). Cách xa thành phố Đama một quãng ngắn, Chúa Giêsu hiện ra với Saulô trong một đám mây rực sáng. Ánh sáng tràn ngập Saulô cả tâm hồn lẫn thể xác. Ông hoảng hốt nhào xuống ngựa. Ông càng náo loạn khi nghe rõ một tiếng tố cáo: “Saulô! Saulô! Sao ngươi lại bách hại Ta?” Ông kinh hãi trả lời: “Thưa Ngài, Ngài là ai?” Câu trả lời nặng trĩu và bất ngờ, “Ta là Giêsu ngươi đang tìm bắt”, làm ông chết điếng, nhưng cũng biến đổi ông. Ông thú nhận mình thất bại: “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?”
Thế là xong: kẻ nhiệt thành bắt đạo đó đã trở nên một Tông đồ còn nhiệt thành hơn nữa. Bị vật ngã xuống đất, bị mù, bị suy nhược đến chết được, bị tan nát vì hối hận, bị thiêu đốt vì tình yêu, lúc đó – như sau này ông viết lại – lúc đó ông đã được đưa lên tầng trời thứ ba, tức là lên thiên đàng. Ở đó, ông xem thấy rõ ràng Thần Tính Thiên Chúa với các thuộc tính vô cùng của Ngài, thấy các chân lý mạc khải, nhất là các mầu nhiệm Nhập Thể và Cứu Chuộc hiển hiện trước đôi mắt sững sờ của ông. Ông nhận ra rất rõ ràng thánh Têphanô, và nhất là Mẹ Maria chính thức góp công sức vào việc cải giáo và công chính hoá ông. Ngay lúc đó, ông đã cảm thấy phải thiết tha sùng kính Mẹ hơn hết, vì ông vừa thấy phẩm chức tuyệt vời của Mẹ. Ông cũng nhìn thấy sứ mệnh đầy cao cả và đau khổ của ông, những bí mật khác mà ông không được phép tiết lộ. Tất cả những sự kiện đó đốt to lên một tình yêu không mức độ trong tâm hồn ông. Cho nên ông tự hiến mình, tự hy sinh mình hoàn toàn dứt khoát. Chúa Ba Ngôi mãn nguyện mà gọi ông là khí dụng ưu tuyển. Các thánh trên trời hoan hỉ một niềm vui phụ trội mới; các ngài tung hô chúc tụng Chúa vì những ơn lạ lùng ban xuống trong cuộc quy giáo rất hữu ích này cho thế giới.
Tất cả những việc vĩ đại ấy đã xảy ra mau chóng. Hôm ấy là ngày hai mươi chín tháng Giêng, mười ba tháng sau cuộc tuẫn giáo của thánh Têphanô, và năm thứ ba mươi sáu sau Chúa Kitô Giáng Sinh. Saulô bị loà mắt nên người ta phải dắt ông tới Đama, vào một nhà thân quen. Ông ở lại đó ba ngày không ăn uống, chỉ chìm ngập trong sự cầu nguyện tuyệt cao vời. Ông sấp mình xuống đất, lệ sầu ướt đẫm, điêu đứng khổ sở khi nhìn lại dĩ vãng, ông kêu lên: “Than ôi! Tôi đã sống tối tăm chừng nào! Ôi Chúa tình yêu vô cùng, ai đã bắt Chúa xử nhân từ với con là con sâu đất, là kẻ phạm thượng, kẻ cừu địch chừng này? A, lạy Chúa, nếu không phải là chính Chúa, nếu không phải là Mẹ Chúa qua lời cầu xin của Mẹ? Chính lúc con bách hại Chúa, chính lúc con sắp đổ máu vô tội, Chúa lại rửa con trong Máu Chúa, và cho con được tham dự vào Thần Tính Chúa! Phần con, con nguyện hiến trót mình để rao giảng và bênh vực Danh Thánh Chúa”.
Nhưng giữa bấy nhiêu xúc động, ông không quên thao thức nghĩ đến Mẹ Maria. Mặc dầu ông đã thấy nơi Chúa, Mẹ Maria là trung gian cuộc cải giáo của ông, ông cũng e ngại cuộc đời tội lỗi của ông làm cho Mẹ phải kinh sợ. Các môn đệ ca tụng lòng nhân từ dịu hiền của Mẹ và bảo đảm với ông là Mẹ sẵn sàng đón nhận ông. Lời họ làm ông càng mong được gặp Mẹ, gieo mình dưới chân Mẹ và hôn đất chỗ Mẹ bước lên. Nhưng rồi ông lại tự hổ thầm, và mối e ngại lại vây hãm ông. Cuối cùng, ông tự nhủ: “Can đảm lên chứ, con người hèn mạt tội lỗi này. Đức Mẹ đã cầu nguyện cho ngươi, đâu có từ chối gặp ngươi với tư cách là Mẹ Người Con cao cả là Chúa Giêsu. Cả hai Đấng đều đầy tình thương và không khinh chê tấm lòng sám hối khiêm hạ của ngươi!”
Cùng với các thiên thần hầu cận, Mẹ Maria cảm tạ Chúa vì bấy nhiêu ân sủng lạ lùng, và đã thấu biết những ý nghĩ đang dầy vò vị Tông đồ mới ấy. Thấy trước rằng ông chưa có thể đến Giêrusalem sớm được, Mẹ đã không muốn hoãn phúc an ủi ông ước mong đến ngày ấy. Mẹ sai một thiên thần mặc hình người xinh đẹp chói ngời đến an ủi ông. Thiên thần nói: “Mẹ Chúa Giêsu chúc mừng ông và hạnh phúc ông được. Mẹ khích lệ ông cảm tạ Con của Mẹ đã gọi ông làm Tông đồ cho Ngài. Mẹ cũng quả quyết với ông là Mẹ sẽ là Bà Mẹ cứu trợ ông trong hết mọi gian nan ông sẽ gặp, cũng như sẽ phục vụ ông như nữ tì, như Ngài đã là nữ tì của tất cả các Tông đồ. Mẹ uỷ tôi đến chúc lành cho ông nhân danh Mẹ và nhân danh Con Mẹ”.
Thánh Phaolô hết sức khiêm nhượng, tôn kính và hoan hỉ tiếp nhận sứ điệp ấy. Ông trả lời: “Thưa thiên thần, ngài biết đó, không bao giờ có ai đáng kinh tởm như tôi, và không bao giờ đã có ai được ưu đãi bằng tôi: xin ngài giúp sức tôi cảm tạ Chúa đời đời vì bấy nhiêu ân huệ. Xin cũng thưa lên Đức Mẹ thương xót, Đức Nữ Vương của chúng ta dùm tôi rằng: tên nô bộc rất bất xứng này xin phủ phục dưới chân Mẹ trong cát bụi, cầu xin Mẹ dung tha những điều nó xúc phạm, và xin đặt mình dưới sự bảo trợ của Mẹ. Mẹ truyền gì nó cũng xin vâng”.
Thiên sứ chuyển đạt câu trả lời ấy lên Mẹ. Mẹ đã biết rồi, nhưng cũng hoan hỉ lắng nghe và tạ ơn Chúa.
LỜI MẸ HUẤN DỤ
Hỡi con, Mẹ khuyên con hãy khóc than, vì Giáo hội ngày nay khác xa Giáo hội buổi ban đầu quá. Tại sao vẻ đẹp các Tông đồ mặc cho Giáo hội đã bị mờ xoá đi như vậy? Khổ cho những ai đã góp phần thay hình đổi dạng đau thương ấy!
Hỡi con, Mẹ khuyên con hãy khóc cho tình trạng lâm nguy đó. Con hãy coi: những viên đá xây Cung Thánh đã bị ném lăn lóc ra ngoài ngã ba đường phố như thế nào! Các linh mục của Chúa, đáng lẽ phải thánh hoá dân chúng, làm cho họ nên giống mình, lại đã nên đê hèn như dân. Các vị đó tiếp xúc với người phàm một cách nhơ nhuốc, làm xấu chức linh mục và những nhân đức đáng quý trang sức các vị. Những vị được Chúa xức dầu, cung hiến rõ rệt để chỉ phụng sự Ngài, đã ra hư hỏng, lạc loài khỏi cấp bậc cao sang chí thánh của mình. Họ loại bỏ danh dự phẩm chức mình để dìm nó vào những hành động xấu xa, không xứng đáng với chức vụ cao cả của họ giữa loài người. Họ ham mê phù phiếm, để mình trôi theo tật hà tiện, theo tình dục. Họ lo mưu tư lợi, yêu tiền bạc, đặt tất cả niềm hy vọng của họ vào tiền bạc. Họ còn hèn hạ đến nỗi đi du nịnh và làm tôi người đời, người quyền quý, hơn nữa, làm tôi cả đàn bà; đôi khi họ còn không ngại đi dự những cuộc hội hè xấu xa tội lỗi. Khó có một chiên nào trong đoàn chiên của Chúa Giêsu nhận ra tiếng gọi kẻ chăn nơi họ nữa, tìm được của ăn nhân đức thánh thiện nơi họ nữa; tiếng gọi và của ăn mà đáng lẽ họ phải là chủ phân phát mới đúng.
Nhưng không phải là không có phương dược nào để trị liệu. Trong cuộc trở lại của Saulô, Chúa Giêsu đã tỏ cho loài người thấy rất rõ lòng Ngài nhân từ sẵn sàng tha thứ tội lỗi họ, mà nâng cao linh hồn trong thánh thiện biết bao, miễn là họ đáp lại tiếng Ngài gọi và cộng tác với ân sủng Ngài ban như vị đại Tông đồ ấy. Họ hãy quyết chí luôn luôn tuân theo thánh ý Ngài: “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?”
Phải, hỡi con, con hãy thành thực nói lời ấy cách thật quảng tâm. Con hãy vâng phục Thiên Chúa như dụng cụ vâng phục người thợ sử dụng nó. Con cũng hãy vâng phục các vị đại diện của Chúa như thánh Phaolô đã vâng phục Anania.