Mục Lục
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Lời mở đầu
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Trong ơn tiền định
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Thiên Đàng chờ đợi
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Trần gian ngóng trông
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Đầu thai vô nhiễm
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Quãng đời thai nhi
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Sinh vào trần thế
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Cuộc đời ba năm đầu
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Dâng mình trong Đền Thờ
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Thử thách trong Đền Thờ
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Chịu tang trong Đền Thờ
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Kết mối lương duyên
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Chờ đón Tin Mừng
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Tiếp Nhận Tin Mừng
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Một Cuộc Viếng Thăm
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Trở Về Mái Ấm
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Đợi Ngày Sinh Hạ
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Sinh Chúa Tại Belem
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Chúa Tỏ Mình Cho Mục Tử
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Tham Dự Lễ Cắt Bì
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Tiếp Kiến Ba Đạo Sĩ
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Dâng Chúa Trong Đền Thờ
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Lánh nạn sang Ai Cập
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Lưu Ngụ Tại Ai Cập
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Thử thách mới tại Naxarét
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Vui buồn đắp đổi
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Sống đời quả phụ
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Cô thân chiếc bóng
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Theo Chúa Giảng Tin Mừng
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Từ núi Tabôrê đến Lễ Rước lá
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Dự lập Thánh Thể
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Thảm cảnh Vườn Cây Dầu
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Nơi tòa Thượng tế
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Trước cửa công đường
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Trước giờ hành quyết
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Trên đường hành quyết
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Đồi Can-vê loang máu
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Phục sinh huy hoàng
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Chúa lên trời
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Chờ đón Thánh Linh
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Hướng dẫn Giáo đoàn đầu tiên
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Tâm tình với Thánh Thể
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Trong cơn bách hại buổi đầu
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Tham gia chỉ đạo Giáo Hội
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Phù trợ các Tông đồ
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Hai lần sang Tây Ban Nha
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Hành trình sang Êphêsô
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Lưu ngụ tại Êphêsô
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Dự Công đồng Giêrusalem
- Thần Đô Huyền Nhiệm -Tuyệt đỉnh hoàn thiện
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Trông nôm viết Phúc Âm
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Mừng Kỷ Niệm Đời Mẹ
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Mừng Kỷ Niệm Đời Chúa
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Chờ ngày giã thế
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Đức Mẹ Ly Trần
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Đức Mẹ là Nữ vương Trời đất
- Audio Thần Đô Huyền Nhiệm
- HĐGDĐMVN/ GP. Hưng Hóa: Viếng thăm huynh đệ 2019
Phần Thứ Hai: CUỘC ĐỜI CÔNG KHAI |
26. SỐNG ĐỜI QUẢ PHỤ
Đời sống chiêm niệm có Thiên Chúa làm đối tượng là một đời sống tự nó cao quý hơn đời sống hoạt động nhằm tới tha nhân; nhưng cả hai đời sống đó đấu lại làm nên một hoàn thiện tột bậc. Sự hoàn thiện tột bậc này, ta chỉ thấy ở nơi Đức Maria Trinh Nữ Rất Thánh thôi. Từ khi sống đời quả phụ, Mẹ hằng nhìn ngắm Linh Hồn Con Chí Thánh Mẹ, để hợp nhất với những lời Chúa cầu nguyện hơn. Mẹ chỉ còn làm việc mỗi ngày có mấy giờ để lo chút ít lương thực. Mỗi ngày, hai Mẹ Con chí thánh chỉ còn dùng một bữa vào lúc sáu giờ chiều; bữa ăn thường chỉ có một chút bánh khô. Đôi khi mới thêm ít trái cây, rau hay cá. Nhưng khi có ai mời dự tiệc, Mẹ và Chúa cũng ăn đủ các món như mọi người. Mỗi lần dọn bữa, Mẹ đều xin phép Chúa để bày ra chút lương thực nghèo nàn ấy, và mời Chúa dùng. Mẹ quỳ gối hầu bàn Chúa, Mẹ hay bái gối nhiều lần trước mặt Chúa, hoặc phủ phục mãi cho tới khi Chúa bảo Mẹ dậy. Mẹ kính hôn chân hay tay Chúa, hầu như lần nào cũng nhiều nước mắt thấm đẫm lòng khiêm nhu và kính ái nồng nhiệt nhất.
Không thể nào quan niệm được những hành vi tuyệt vời Mẹ đã làm trong cuộc sống dưới cùng mái nhà với Chúa Giêsu. Chỉ có các thiên thần được chiêm ngưỡng quang cảnh lạ lùng ấy. Các thiên thần này, vì được chỉ định để hầu cận Mẹ, nên thường đón làm trước Mẹ trong việc sắp xếp ngôi nhà đơn nghèo của Mẹ, nhưng Mẹ cố ý tự mình làm lấy việc ấy. Mẹ nói với các vị đó: “Thưa quý vị thiên thần Chúa Tối Cao, những công việc thấp hèn này không thích hợp với chức vị cao sang của quý vị, mà chỉ thích hợp với bản tính của tôi thôi: vì tôi từ tro bụi mà ra, và tôi là nữ tì của Chúa. Tôi biết rõ giá trị của những công việc nô bộc mà trần gian khinh chê này. Quí vị hãy để tôi làm hầu sắm chút công nghiệp mà quý vị không phải kiếm nữa”.
Trước lòng khiêm nhường của Mẹ, khi Mẹ cầu nguyện cùng Chúa Con, các thiên thần hát lên những ca khúc chính Mẹ sáng tác, để tôn kính Thiên Chúa và ơn Nhập Thể. Mẹ thường ra lệnh cho các thiên thần hát lại những bài ca đó khi Chúa Giêsu nghỉ ngơi hay dùng bữa: Mẹ đem hết tình âu yếm vui sướng làm Chúa giải khuây bằng những hoà điệu du dương của cuộc hoà tấu ấy. Đó là một trong những vẻ lạ lùng thường có giữa Chúa Giêsu và Mẹ Maria trong suốt bốn năm hai Mẹ Con sống cô độc dưới mái nhà Naxarét. Rất nhiều sự lạ lùng ấy còn được dành cho thiên đàng, để tặng các vị thần thánh một niềm vui phụ trội.
Chúa Giêsu luôn luôn chuẩn bị việc Cứu Chuộc thế gian. Mẹ Maria là Đấng Đồng Công với Chúa, cũng đem tất cả tâm hồn cộng tác. Nhìn thấy trước nhiều người cứng lòng bị đoạ phạt, Nhân Tính Chúa Giêsu đã bị những cơn hấp hối ghê sợ đến mướt mồ hôi máu nhiều lần. Nhưng Chúa vẫn hăm hở ước mong được sát tế: ít là phải thế mới làm thoả được phép công bình của Thiên Chúa và đền tạ được những xúc phạm đến Ngài.
Mẹ Maria là Mẹ rất xứng đáng của Chúa, Mẹ hợp nhất những tâm tình và đau khổ của Chúa, nên đã rơi lệ máu. Mẹ cũng bị suy nhược hầu như chết. Lúc đó, lại cảm thương Mẹ, Chúa Giêsu hạ lệnh cho các thiên thần nâng đỡ, ủi an Mẹ, và hát cho Mẹ nghe những khúc ca Mẹ sáng tác. Thỉnh thoảng chính Chúa đích thân nâng đỡ Mẹ. Khi ấy, Mẹ chìm vào những cuộc xuất thần ngây ngất, Mẹ nhìn thấy Chúa Cứu Chuộc tổ chức cuộc chinh phục, như vị tướng lãnh, trước khi quyết định trận chiến, đã thảo kế hoạch, trao nhiệm vụ cho các tuỳ tướng của mình. Ngay lúc ấy, Mẹ cũng đã cầu xin cho các Tông đồ thành công, những Tông đồ sẽ là những thủ lãnh trong cuộc chinh phục cực kỳ bao la ấy.
Đầy lửa nhiệt ái, thứ lửa sẽ lan cháy lên trên khắp vũ hoàn, Mẹ kêu lên: “Ôi tình yêu vô cùng, sao loài người hèn mọn có thể gạt bỏ tình yêu! Ôi những nguyện cầu, ôi những đau phiều của Chúa Cứu Chuộc, ai dám bội bạc khinh thường? Hỡi con cháu Adong, Mẹ ước có thể chết được rất nhiều lần cho mỗi người các con, để cản ngăn các con khỏi hư mất!” Sau những tâm tình yêu đương rất nồng nàn ấy, Chúa Giêsu an ủi Mẹ, tỏ cho Mẹ thấy tình yêu của Ngài, và của Chúa Ba Ngôi đối với Mẹ, cũng như tỏ cho Mẹ thấy công nghiệp và vinh quang của những người được tiền định vượt trên sự vong ân và vô tình của những kẻ bị trầm luân. Chúa cũng cho Mẹ thấy: Mẹ sẽ phải đồng công với Chúa như thế nào trong việc thiết lập và cai trị Giáo hội, phải chịu đựng và tu sửa những lỗi lầm của các Tông đồ như thế nào trong cuộc Chúa Tử Nạn.
Tới năm lên hai mươi bảy tuổi, Chúa Giêsu đã bắt đầu cuộc rao giảng Phúc Âm của Chúa, không những bằng kinh nguyện, chay tịnh, thức trắng đêm để cầu nguyện trên núi vắng, mà còn bằng nhiều cuộc thường xuyên cải thiện nhiều người. Đôi khi Chúa vắng mặt hai ba ngày liền. Trong những ngày đó, các thiên thần mặc hình người hiện ra giúp đỡ Mẹ Maria, mang đến cho Mẹ những tin tức về Con Chí Thánh Mẹ, theo lời Mẹ xin. Khi Chúa trở về, Mẹ liền ra quỳ gối đón rước Chúa, dâng hầu Chúa một bữa ăn thanh đạm, cảm tạ Chúa vì những ơn Chúa đã ban, đã nói với Mẹ. Mẹ thưa Chúa: “Mẹ ước mong biết bao cho loài người báo đáp những ân cần của Con đây; Mẹ hết sức sẵn sàng làm những gì đẹp lòng Con hơn cả, sẵn sàng bỏ mạng sống Mẹ để chu toàn những ước muốn của Con”.
Một hôm Chúa nói với Mẹ: “Mẹ ạ, đã đến thời gian Con phải chuẩn bị cho một số tâm hồn đón nhận giáo lý Con dạy, Con muốn Mẹ đồng công với Con trong việc này”. Từ hôm đó, Mẹ đi theo Chúa Giêsu trong hầu hết các lần Chúa ra khỏi Naxarét. Rất nhiều lần Chúa đi tới các làng quanh vùng và chi tộc Neptali, như tiên tri Isaia đã nói trước. Ở đâu Chúa cũng loan báo là Chúa Cứu Thế đã đến rồi, nhưng không để cho người ta biết đó là chính Ngài. Chúa trưng dẫn các biến cố tại Belem, và một số các lời tiên tri đã ứng nghiệm, để chứng minh việc ấy. Lời Chúa nói kèm theo ân sủng cao quý sinh ra nhiều hiệu quả lạ lùng. Ngoài ra, người ta còn say sưa vì vẻ đẹp oai nghi và đức hiền từ của Chúa.
Chúa ủi an người đau khổ, nâng đỡ người cùng cực, viếng thăm người bệnh tật, khuyên giúp người hấp hối, gieo rắc ánh sáng, sức mạnh và ơn cứu rỗi khắp nơi. Mẹ Maria gần như lúc nào cũng là chứng nhân và đồng công vào những sự việc lạ lùng đó. Tuy nhiên, Mẹ đặc biệt thực thi đức bác ái đối với nữ giới, còn Chúa Giêsu cho nam giới. Những người nghèo khó là những người được thụ hưởng tình thương của Chúa hơn hết, vì thường họ khiêm nhượng hơn, ôn hoà hơn, và ít bị ràng buộc với trần thế hơn.
Có ít người đi cùng đoàn với Chúa và Mẹ, nhưng luôn luôn có các thiên thần hầu cận thành một đoàn tháp tùng đông đảo. Khi Chúa và Mẹ không thể về nhà được, bắt buộc phải qua đêm ngoài trời, các vị đó tạo thành một mái trú, và đem hầu một bữa ăn sơ sài, nếu chính Chúa và Mẹ không đi xin bố thí. Khi nào Mẹ tạm rời Con Mẹ, các thiên thần hiện ra rõ rệt để cùng đi với Mẹ, giúp Mẹ trong những công việc từ thiện và báo tin cho Mẹ biết về công việc Chúa làm.
Nhưng các thần dữ bị náo loạn. Những cuộc cải quá lạ lùng, những cái chết lành thánh, quyền lực bất khả kháng đẩy chúng xuống hoả ngục, khi Chúa và Mẹ có mặt ở đó, đã làm cho chúng căm phẫm và tủi hổ. Luxiphe quyết định báo thù. Hắn hú lên một tiếng rùng rợn, để triệu tập toàn thể các quỷ lại mà nói: “Ta không tin là Ngôi Lời đã Nhập Thể làm người, vì ta chẳng thấy vinh quang Ngài phải có đâu cả. Vậy sức mạnh nào đã đánh bại ta đây? Ta muốn giết “người nữ tặc” đã từng chiến thắng ta qúa. Nữ tặc đó sinh một con trai; linh hồn người con này cũng kín mít, ta không thể xâm nhập được như linh hồn của chính nữ tặc ấy. Vậy quân bay, phải cố công khám phá xem Mẹ Con đó là ai, phải bức bách hành hạ Mẹ Con đó cho biết rõ sự thể mới được”. Bọn quỷ vô phúc đó quyết định vào việc ngay, nhưng Chúa Giêsu không cho chúng nhìn ra Mẹ Ngài; còn Ngài chúng cũng không sao tìm được tông tích cho tới khi Chúa vào ăn chay trong rừng vắng. Chúa cầu nguyện cho những người sẽ bị cám dỗ. Mẹ Maria cũng hợp nhất với lời Chúa nguyện cầu. Và Thiên Chúa hứa ban chiến thắng cho những ai kêu cầu Thánh Danh Chúa Giêsu.
Trong thời gian đó, thánh Gioan Tiền hô đã sống một đời sống thiên thần hơn là đời sống nhân loại trong rừng vắng. Ông chỉ luôn tiếp xúc với Thiên Chúa và các thiên thần, không bao giờ ông bị giác quan làm đãng trí khỏi cuộc giao tiếp ấy. Ông đã đem giác quan ông vượt lên trên những sự vật trần thế, những giác quan vẫn là những cửa sổ nơi ta, để cho cái chết giả dạng dưới những hình ảnh huyễn hoặc của thụ tạo lẻn vào. Để an ủi ông trong cảnh sống cô quạnh ấy, cứ mỗi tuần lễ một lần, Mẹ Maria lại sai các thiên thần đến đàm đạo với ông về những việc lạ lùng Ngôi Lời Nhập Thể đã làm. Khi ông lên ba mươi tuổi, ông được một thị kiến trừu xuất tỏ cho ông thấy mầu nhiệm Cứu Chuộc một cách rất đầy đủ, và được lệnh là phải thi hành sứ mệnh Tiền sứ của ông. Ông đi chân không, mặc một áo lông lạc đà và thắt một dây lưng bằng da. Gương mặt ông gầy guộc nhưng đượm một phong thái oai nghiêm, một đức khiêm nhu sâu thẳm, đức nhã nhặn kỳ diệu, đức can đảm vô địch và một tâm hồn bừng lửa bác ái. Giọng nói của ông sống động, nhiệt nồng sang sảng, đúng điệu cách phải có để nói với dân Do Thái là một dân tộc vừa vong ân vừa chai đá, từng bị các nhà thống trị thờ ngẫu tượng cai trị và những vị tư tế bất xứng hướng dẫn. Trước khi bỏ rừng vắng, ông đã nhờ các thiên thần mang đến dâng tặng Đức Thánh Trinh Nữ Maira một thánh giá, chính các thiên thần đã làm cho ông, và ông thường nằm trên đó để cầu nguyện. Mẹ tiếp nhận thánh giá ấy với những tâm tình mà tặng vật sinh lợi ích cứu độ đó gây ra, và đem đặt trong phòng cầu nguyện của Mẹ. Mẹ vẫn luôn giữ thánh giá ấy với Thánh giá của Chúa Giêsu trong phòng Mẹ. Khi Mẹ qua đời, những bảo vật đó, các Tông đồ đã giữ làm di bảo.
Cũng chính trong thời gian đó, khi đã hoàn toàn biến hoá nên như Con chí thánh Mẹ, trong một cuộc xuất thần tuyệt vời, Mẹ nghe thấy từ ngai Đấng Tối Cao một tiếng phán ra với Mẹ: “Hỡi Maria con của Ta, con hãy dâng Con của con làm hy lễ cho Ta”. Mẹ trả lời, với một tâm hồn thật hào hiệp: “Lạy Thiên Chúa toàn năng, Con của con là của Chúa hơn là của con. Nếu được trao trả Người lại cho tình yêu của Chúa, đó thật là một hy lễ ngọt ngào cho con lắm; nhưng đây lại phải trao Người cho phép công bình, nên tình mẹ của con thấy hy sinh Chúa đòi con đây lớn lao quá. Tuy nhiên, xin Chúa cứ làm trọn ý Chúa, cứ thoả nguyện đức công bình của Chúa, cứ biểu lộ tình yêu của Chúa và cứ làm hiển danh Chúa trong việc cứu rỗi loài người”.
Sau lễ hy sinh của chính Chúa Giêsu, sẽ không bao giờ có một lễ hy sinh nào sánh được với hy sinh của Mẹ Maria: Nói được là Mẹ sẽ hy sinh số vô cùng mạng sống của Mẹ, nếu Mẹ có, để giữ lại sự sống của Con Mẹ. Loài người phải tri ân Mẹ đến đâu, vì nếu Mẹ không hợp nhất lòng ưng thuận của Mẹ với sự ưng thuận của Cha hằng hữu, làm gì họ được ơn cứu chuộc!
Để thưởng cho lòng quảng đại tuyệt vời của Mẹ, Thiên Chúa nâng ngay Mẹ lên một thị kiến thấu thị, ban cho Mẹ những ánh sáng mới về mầu nhiệm vĩ đại này và nhiều nghị lực mới để đồng công với mầu nhiệm ấy.
Khi Mẹ ra khỏi thị kiến, Chúa Giêsu nói với Mẹ cách cảm thương tha thiết nhất rằng: “Mẹ ạ, Con được có Nhân Tính là nhờ Mẹ, Nhân Tính mà Mẹ đã nuôi dưỡng bằng sữa và lao công của Mẹ. Con là Con của Mẹ mật thiết hơn bất cứ một người nào khác là con của mẹ họ. Bởi thế, Con phải xin Mẹ ban phép cho Con được làm trọn thánh ý Cha hằng hữu của Con, để cứu chuộc loài người, vì thời giờ đã đến rồi. Nhưng Con cũng muốn Mẹ cộng khổ vào cuộc Tử Nạn và Thánh Giá của Con, muốn Mẹ đồng công với Con trong mọi đau khổ Con chịu, vì Con sẽ chịu đau khổ trong Con Người mà Mẹ đã cho Con”.
Sau những lời rất êm dịu đó. Người Con yêu đương nhất trong các người con ôm hôn Người Mẹ xứng đáng nhất trong các người Mẹ; cả hai cùng châu lệ chứa chan, nhưng vẫn không bỏ mất đi một chút bình thản uy nghi nào. Mẹ Maria vừa khóc vừa quỳ xuống trước mặt con Mẹ đang cảm động mà nói: “Con biết rồi, giá Mẹ được chết một nghìn lần để giữ cho Con khỏi chết, hạnh phúc cho Mẹ biết bao! Nhưng thánh ý Cha hằng hữu đã muốn Con phải chết, xin Con cho Mẹ được cộng khổ với cuộc Tử Nạn của Con. Nếu để Con Mẹ phải chịu chết một mình, còn có đau khổ nào hành hạ Mẹ hơn được!”
Sau đó, Chúa Giêsu từ biệt Mẹ Maria để đi chịu ông Gioan rửa, rồi rút lui vào rừng vắng. Hai Mẹ Con cùng dìu nhau ra tới cửa của ngôi nhà nghèo nàn. Một lần nữa, Mẹ quỳ gối trước mặt Chúa xin phép lành và hôn chân Chúa. Không thể nào tả được hết nỗi niềm đau đớn xâu xé lòng Chúa và Mẹ trong lúc ấy.
LỜI MẸ HUẤN DỤ
Hỡi con, người công giáo thường nghĩ đến cuộc Tử Nạn của Con chí thánh Mẹ, vì Giáo hội vẫn luôn luôn nhắc nhở cho họ. Nhưng họ không nghĩ được rằng Con Mẹ đã không bỏ qua một giây phút nào trong đời Ngài mà không nghĩ đến họ, sự tận tâm liên tục của Ngài sẽ lên án thói vong ân quá cứng lòng của họ. Chính vì sự vong ân này đã kéo theo biết bao nhiêu tai nạn lên xã hội, đã làm hư mất biết bao nhiêu người mà lẽ ra con phải đau đớn chết đi được vì họ hư mất như vậy, nếu con đã đào sâu và hiểu thấu chân lý đáng sợ ấy. Họ lại không đáng tội hơn những người Do Thái từng giết Thiên Chúa, những người mặc dầu đã chứng kiến bao nhiêu phép lạ, cũng vẫn không tin, hoặc hơn những người ngoại giáo không biết Chúa đó ư? Tại sao, đáng lẽ phải phó mình cho Thiên Chúa là Đấng họ biết có lòng nhân từ vô cùng, họ lại đi phó mình cho Luxiphe là kẻ thù quyết tử của họ, mà xử hung ác với chính mình họ như vậy? Theo mưu quỷ xuí giục, họ đã bẻ gẫy tất cả những vòng nhân đức, dung túng cho những khoái lạc thú vật, dùng đời sống của họ để đuổi bắt ảo ảnh và rồi rơi xuống hoả ngục đời đời.
Thế mà trái lại, bổn phận con cái Giáo hội là: phải hết sức trung thành với Chúa Cứu Chuộc mình, Đấng mà họ thường chiêm ngắm hình ảnh đẫm máu biết bao! Con hãy mến yêu thánh giá như Gioan Tiền hô đã yêu, và con cũng hãy yêu thích vắng lặng như ông. Con hãy cố đem hết khả năng xa tránh tiếng ồn ào của thụ tạo; và, nếu cưỡng bách phải truyện vãn với nó, con hãy làm thế nào để nêu gương sáng xây dựng nó. Con hãy mang cho nó hương thơm của các thánh, những vị mà con phải đến múc lấy một ngon ngọt nhân đức siêu việt, như con ong chăm chỉ hút nhuỵ hoa.
Nhất là con phải đi sâu vào các gương lành của Vua các thánh là Chúa Giêsu Tử Giá. Chính là muốn nên giống Ngài, mà Mẹ đã khẩn khoản xin Ngài cho Mẹ được đồng công vào hết những đau khổ Ngài chịu trong cuộc Tử Nạn, và cất đi khỏi Mẹ những ngọt ngào bên trong hay những yêu chiều của tình con thảo. Ngài đã bằng lòng ban cho Mẹ như lời Mẹ xin, vì Ngài yêu Mẹ. Từ đó, Ngài không ban ơn an ủi cho Mẹ nữa, và xử với Mẹ một cách nghiêm nghị rõ rệt. Chính vì thế mà ở tiệc cưới Cana, Ngài đã không gọi Mẹ là Mẹ; trong một số trường hợp khác cũng vậy.
Hầu như hết mọi người đều mù tối kinh tởm tránh xa con đường thánh giá thần linh và vững chắc. Họ vận động để khỏi phải làm việc, họ khổ sở để có thể cứu rỗi họ. Đau khổ là phương dược, là sự đền bù tội lỗi họ phạm vì một chút thoả mãn bỉ hổ. Có chịu đau khổ, người ta mới trị được những nổi loạn của dục tình, mới khuất phục được xác thịt, đập tan được kiêu ngạo, chán ngán được trần tục, khát vọng được trời cao và lôi kéo được tình Chúa xót thương yêu dấu.
Cho nên, hỡi con, con hãy đi đón gặp đau khổ và tránh xa những an ủi của loài người. Cả trong những an ủi thiêng liêng, cũng có một nguy hiểm cần phải xa tránh. Việc chiêm ngắm những vẻ đẹp của Thiên Chúa là việc rất êm ngọt, nên có nhiều người đã lưu luyến nó đến nỗi mất cả bằng an trong lòng, khi đức ái, đức tuân phục và những điều hợp lẽ đòi họ phải bận bịu với những việc khác. Salômôn đã viết: “Mọi việc đều có thời giờ”. Cho nên khi lợi ích của tha nhân đòi hỏi, cũng phải tự tình rời bỏ sự cô tịch và những khoái thú của nó. Ngoài ra, việc nào mà chả có Thiên Chúa ở đó? Và, như vậy, người ta lại không thể luôn luôn hưởng được những niềm vui vì Ngài hiện diện và chuyện vãn với Ngài sao? Chỉ một mình Ngài mới hoàn toàn biết được những gì thích hợp với bạn hữu của Ngài.