THẦN KHÍ VỚI GIÁO HỘI

 

Trong phần trước, thiên chuyên khảo đã lược trình một số khía cạnh thiết yếu trong nội dung thần học về Chúa Thánh Thần, giúp cho hiểu được phần nào thực trạng hướng nội (ad intra) của Thánh Thần trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Phần tiếp theo đây sẽ – thay đổi cách tìm hiểu vấn đề từ phương diện “Người là” sang phương diện “Người làm” – bàn về các hoạt động đối ngoại (ad extra), “dành cho chúng ta,” của Thánh Thần. Ở đây, chúng tôi sẽ dồn chú tâm để biểu trình về hoạt động của Thần Khí trong Giáo hội và, trong chương kế tiếp, sẽ bàn đến các hoạt động của Người nơi “linh hồn” hay “tâm hồn” các cá nhân. Khi viết rằng “đây luôn là những ngày (lưu ý số nhiều) Hiện xuống,”[1] Ôrigênê đã coi đời sống Giáo hội như là “một cuộc Hiện xuống bất tận”. Thụ tạo của Thiên Chúa Ba Ngôi, Giáo hội được triệt để cấu thành như là “dân tộc được làm cho nên một với hiệp nhất tính của Cha, Con và Thánh Thần.”[2] Thế nên, trong lãnh vực này, hoạt động của Thánh Thần cần phải được tìm hiểu trước tiên.

 

Sứ mạng của Chúa Thánh Thần

Trong Tân Ước, có thể đọc thấy một số văn đoạn trình bày về một dạng “sứ mạng” của Thánh Thần. Sau khi đề cập đến sự việc Đức Giêsu hứa ban “dòng nước hằng sống”, thánh Gioan đã nhận định như sau: “bấy giờ, họ chưa nhận được Thần Khí, vì Đức Giêsu chưa được tôn vinh” (7:39). Về sau, qua lời tâm sự trong bữa Tiệc ly, Đức Giêsu công bố rằng: “Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần, Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng ấy sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (14:26); rồi Ngài quả quyết: “Nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em” (16:7; x. 15:26). Cuộc Thánh Thần hiện xuống trong ngày lễ Ngũ Tuần được hiểu như là biến cố làm cho hoàn tất lời hứa ấy, như lời thánh Phêrô rao giảng: “Thiên Chúa Cha đã ra tay uy quyền nâng Người lên, trao cho Người Thánh Thần đã hứa, để Người đổ xuống: đó là điều anh em đang thấy đang nghe” (Cv 2: 33). Đây chính là sứ vụ hữu hình của Chúa Thánh Thần.

Tuy thế, một số văn đoạn kinh thánh khác cũng ám chỉ đến một sứ vụ vô hình của Người, như thấy khi thánh Phaolô quả quyết: “Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: ‘Ápba, Cha ơi!’” (Gl 4:6; x. Pr 1:12).

Qua những gì văn đoạn Ga 16:14-15 trình tả, có thể nhận ra rằng sứ mạng của Thần Khí luôn được liên kết với sứ mạng của Con. Vì lẽ đó, Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo đã nhắc đến một “sứ mạng phối hợp” giữa Con và Thần Khí:

“Thần Khí của Con, Đấng mà Chúa Cha hằng tuôn ban vào lòng chúng ta, đích thực là Thiên Chúa. Đồng bản tính với Cha và Con, Thần Khí bất khả phân ly khỏi các Đấng ấy; Người hiện diện cả trong đời sống nội tại của Ba Ngôi, lẫn nơi ân huệ tình yêu dành cho thế giới… Lúc gửi Ngôi Lời đến thế gian, Chúa Cha cũng gửi cả “Sinh Khí” của Người đến nữa. Trong sứ mạng phối hợp của cả hai, Con và Thánh Thần phân biệt với nhau, nhưng không phân ly khỏi nhau. Nói cách chắc chắn, Đức Kitô là hình ảnh hữu hình của Thiên Chúa vô hình, nhưng chính Thần Khí là Đấng vén tỏ cho thấy [hình ảnh đó]” (số 689).

Và bởi vì được biểu lộ qua việc Thiên Chúa can thiệp vào trong lịch sử con người, nên sứ mạng ấy đã mặc lấy các “dạng thái” khác nhau tùy vào từng giai đoạn lịch sử cứu độ; dựa theo đó, các thần học gia đã phân chia thành: một sứ vụ trong cuộc tạo dựng, một sứ vụ trong Cựu Ước, trong Tân Ước và trong Giáo hội. Về vấn đề này, Sách Giáo Lý đã giải thích như sau:

“Từ khởi nguyên cho đến “thời viên mãn,” sứ mạng phối hợp giữa Ngôi Lời với Thần Khí của Chúa Cha, dù bị che khuất, vẫn hằng tiến diễn. Thần Khí của Thiên Chúa chuẩn bị cho thời kỳ của Đấng Mêsia. Tuy chưa được mạc khải trọn vẹn, nhưng cả hai Đấng ấy đã được hứa ban để nhân loại sửa soạn mà đón nhận lúc các Ngài tỏ mình ra. Bởi đó, khi đọc Cựu Ước, Giáo hội để ý tìm kiếm trong đó những điều mà Thần Khí, ‘Đấng phán dạy qua các ngôn sứ,’ muốn trình bày cho chúng ta về Đức Kitô” (số 702).

Dùng phép loại suy cho hơi thở và lời nói, thần học đã đọc ra sứ vụ vô hình của cả Lời lẫn Thần Khí qua lệnh truyền của Cha: “Hãy có ánh sáng” (St 1:3). Như thế, hễ bất cứ lúc nào Lời của Thiên Chúa được gửi đến một ngôn sứ nào đó, thì Thần Khí cũng được gửi kèm theo; bởi đó, kinh Tin kính mới tuyên xưng rằng “Thần Khí đã dùng các ngôn sứ mà phán dạy.” Khi thời gian đến hồi viên mãn, Thần Khí đã ngự xuống trên Đức Maria và, nhờ đó, Ngôi Lời đã mặc lấy xác phàm.

Các sứ vụ ấy được coi như là các dấu hiệu mạc khải, nghĩa là, tiết lộ cho thấy một thực trạng nào đó nơi bản tính của các Ngôi Vị thần linh. Cha không bao giờ được sai đi – tức, Người không thể được sai – bởi Người chẳng phát xuất từ đâu cả… Con được Cha sai đi, vì Con được Cha sinh ra. Tương tự, Thần Khí được Cha và Con sai đi, bởi vì Người phát xuất từ cả hai. Thần học đã nỗ lực để tìm cho ra một vài nguyên do ẩn kín đằng sau thực kiện ấy, và thánh Tôma Aquinô đã cắt nghĩa như sau:

“Thiên Chúa đối xử với mọi sự tùy theo bản tính của chúng. Là thích hợp với bản tính con người việc dựa vào những điều hữu hình để giúp cho thấy những gì vô hình; do vậy, quả là thích đáng việc Thiên Chúa vô hình được mạc khải cho con người thông qua các thực tại hữu hình. Như thế, bằng cách này hay cách khác, Thiên Chúa cũng đã mạc khải cho con người về các cuộc nhiệm xuất đời đời của hai Ngôi Vị qua một số dấu chỉ nơi các thụ tạo hữu hình. Theo cách thức tương tự, cả những sứ mạng vô hình của các Ngôi Vị thần linh cũng đã được vén tỏ cho thấy qua một số thụ tạo hữu hình, dù là theo những cung cách biểu lộ khác nhau của Con và của Thần Khí. Chúa Thánh Thần, Đấng phát xuất theo tư thế là Tình Yêu, chính là ân huệ thánh hóa. Nguyên lý của Thánh Thần, Con chính là tác giả của ân huệ thánh hóa ấy. Bởi đó, Con đã được sai đến một cách hữu hình như là Tác giả của ơn thánh hóa; tuy vậy, Thánh Thần cũng đã được sai đến như là dấu chỉ của ơn thánh hóa đó.”[3]

Vị Tiến sĩ Thiên thần giải thích rằng Con đã được sai đến trong tư thế là con người Đức Giêsu Kitô. Bên cạnh đó, Thần Khí cũng được sai đến, hiện diện qua các dấu chỉ hữu hình như là chim bồ câu nơi biến cố Đức Giêsu chịu phép rửa, hoặc như là áng mây trong cuộc biến hình; Người đã được sai đến với các Tông đồ như là hơi thở được thổi ra vào buổi chiều phục sinh, và như là lưỡi lửa cháy rực trong ngày lễ Ngũ Tuần xưa kia. Các sứ vụ vô hình của Thần Khí được biểu lộ lúc một tội nhân lãnh nhận ơn công chính hóa qua phép rửa, khi một tín hữu nhận lãnh các đặc sủng dành riêng qua việc đặt tay (nơi các bí tích Thêm sức và Truyền chức Thánh, hay lúc đọc kinh cầu khẩn Thánh Linh trước khi truyền phép), hoặc cũng có thể được biểu hiện theo một cung cách nào đó, âm thầm hay mãnh liệt, tùy ý Người lựa chọn hầu tỏ cho thấy sự hiện diện của mình nơi một tâm hồn.

Sứ mạng của Thần Khí, do Cha và Con, nhằm vào việc hiện tại hóa, giữ cho nguyên vẹn và đưa đến mức viên thành sứ mạng của Đức Kitô, bởi vì nguồn gốc của Người là ở nơi Đức Giêsu: “Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga 16:15), Người làm chứng cho Đức Kitô (x. Ga 15:26) và giải thích những lời Đức Kitô đã nói (x. 16:13-14). Việc Người ngự đến đã khai nguyên một thời đại mới cho Giáo hội.

Thần Khí cũng được sai đến thế gian như là nguyên cớ làm dấy lên cảnh trạng xung đột, giống như lửa tương khắc với nước vậy: “Khi Người đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính và việc xét xử” (Ga 16:7tt); “thế gian” ở đây có nghĩa là thế giới con người dưới ách thống trị của tội lỗi. Tội lỗi ở đây chính là tình trạng cự tuyệt việc đón nhận Đức Giêsu, Tin mừng và sứ mạng của Ngài; còn đức công chính – tức là, vinh quang mà Cha ban tặng cho Con vì lòng tuân phục Con đã biểu lộ ra trên Thập giá – sẽ nhằm vào việc xét xử tên Đầu sỏ thế gian, tức Satan, hầu mang ơn cứu độ đến cho con người. “Thánh Thần – qua việc đặt tội lỗi vào tư thế đối nghịch với Thập giá Đức Kitô trong nhiệm cục cứu độ (do đó, có thể nói là ‘tội đã được cứu’) – giúp chúng ta có thể hiểu được rằng sứ mạng của Người cũng nhằm vào việc ‘kết án’ tội lỗi vốn dĩ đã bị xét xử (‘tội đã bị kết án’) cách dứt khoát rồi.”[4] Mối xung đột đó sẽ vẫn còn tiếp diễn cho đến cuộc Chúa quang lâm.

 

“Linh hồn của Giáo hội”

Lễ Ngũ Tuần được coi như là sinh nhật của Giáo hội. Thánh Thần đã được gửi đến cộng đoàn tín hữu gồm cả thảy lối một trăm hai mươi người (x. Cv 1:15) – con số mang tính cách tượng trưng cho tính cách đầy đủ của đoàn thể tín hữu trong một cộng đoàn thờ phượng – và thánh Luca trình bày cho thấy rằng “tất cả” mọi người tụ tập ở một nơi, và “từng người một” đều đã lãnh nhận tràn đầy Chúa Thánh Thần (x. 2:1.3.4): biến cố toàn thể Giáo hội đã được sinh ra – “bằng sinh khí”, tức được Thần Khí “làm cho trở nên sống động” – không phải là một sự kiện riêng biệt chỉ xảy ra trong lần duy nhất ấy mà thôi, nhưng là một tình trạng kéo dài vĩnh viễn nhằm vào việc làm cho hoàn tất các điều Chúa đã hứa: Người sẽ ngự trong các môn đệ (x. Ga 14: 17), dạy dỗ họ (x. 14:26; 16:13), làm chứng cho Đức Kitô (x. 15:26). Bởi đó, công đồng Vaticanô II đã triển khai giáo huấn về việc Đức Kitô “cho chúng ta được thông phần vào Thần Khí của Ngài, Đấng duy nhất đang hiện hữu nơi Đầu và trong các chi thể, Đấng tuôn ban sự sống, tạo mối hiệp nhất và luân chuyển khắp cả thân mình. Các Giáo phụ thánh đã ví cung cách Người thi hành tác vụ ấy như là nguyên lý sự sống – tức là linh hồn – làm cho thân thể con người trở nên trọn vẹn” (LG 7).[5]

Thần học cảnh báo việc không nên đẩy phép ẩn dụ đi quá xa, tức không nên hình dung một dạng “ngôi hiệp” giữa Thần Khí với Giáo hội! Tuy vậy, nếu giữ được các giới mức của phép loại suy kiểu này, thì có thể vững vàng mà xác tín rằng Thánh Thần hoạt động như là năng lực dẫn dắt trong Giáo hội. Trong ngày Ngũ Tuần, Người đã hoạt hóa “thân mình” các môn đệ, giúp họ trở nên những nhân chứng sống động cho Đức Kitô trước thế giới. Ngày nay, theo lời nhận định của Đức Gioan Phaolô II, ý niệm đó giúp tránh được mối nguy hoặc quá thiên về chủ nghĩa tự nhiên cánh chung – tức quên đi khía cạnh siêu nhiên của Giáo hội – hoặc quá ngả về chủ thuyết thần nghiệm cánh chung – tức quên đi rằng Giáo hội là một đoàn thể của con người và, hơn nữa, của các tội nhân – để nhờ đó, giữ được một thế trung dung giữa các yếu tố thần linh và nhân loại trong Giáo hội.[6] Nếu phần hồn giữ cho phần xác khỏi bị kiệt quệ thể nào, thì Thần Khí cũng giữ cho Giáo hội luôn sống động và trung thành với Chúa của mình thể ấy; Người là nguyên lý “bất khả mai một” – như lời Đức Giêsu đã hứa (x. Mt 16:18). Người cũng là nguyên lý năng động của hành động, của các phong trào canh tân hay của các tác động nhẹ nhàng đối với công việc tông đồ hằng ngày.[7]

Sự hiện diện của Thần Khí làm cho Giáo hội trở nên một “thực thể thần nhân,” tức một xã hội bao hàm cả hai thực tại là thần linh và nhân loại. Các yếu tố “thần linh” vừa có tính cách hữu hình (Lời Chúa, các Bí tích…) vừa có tính cách vô hình (Đức Kitô là Đầu, Thần Khí, ân sủng, các đặc sủng…). Một thực thể như thế chỉ có thể được xác định rõ ràng qua việc dùng đến các hình ảnh và biểu tượng mà thôi; do đó, Kinh Thánh mới gọi Giáo hội là Thân mình Đức Kitô, Hiền thê Đức Kitô, Đền thờ Thần Khí. Chính Thần Khí nối kết Giáo hội vào Đức Kitô – ở đây, Người cũng được coi là “Dây se Tình yêu” – và truyền ban sinh lực giúp Giáo hội triển vươn đến “tầm vóc viên mãn của Đức Kitô” (pleuroma) (Ep 1:23; 4:13). Là đền thờ, Giáo hội “được xây dựng trên nền móng là các Tông đồ và ngôn sứ, còn đá tảng góc tường là chính Đức Kitô Giêsu” (2:20), và phát triển lên được là nhờ khả năng hiệp lực của tất cả các chi thể mình, như lời thánh Phêrô khuyên nhủ: “Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên ngôi Đền thờ thiêng liêng, và hãy để Thiên Chúa đặt anh em làm hàng tư tế thánh, dâng những lễ tế thiêng liêng đẹp lòng Người nhờ Đức Giêsu Kitô” (1Pr 2:5); song dù gì đi nữa, chính Thần Khí mới là Đấng làm cho những “viên đá” ấy trở nên sống động, mang lại một hiệu lực siêu nhiên cho các hoạt động của từng chi thể Giáo hội và biến đổi các sinh hoạt hằng ngày của Giáo hội thành những “lễ tế thiêng liêng.” Và nhờ đó, bộ mặt tự nhiên xét về cơ cấu tổ chức cũng như các hoạt động trong Giáo hội mới trở nên một “bí tích” – dấu chỉ – trong đó, tiềm ẩn chiều kích hoạt động của Thần Khí.

Suốt dòng lịch sử, Thần Khí bảo đảm tính liên tục cho sứ mạng của Đức Kitô: “Sứ mạng của Đức Kitô và của Thánh Thần được đưa đến mức thành tựu trong Giáo hội vốn là Thân thể Đức Kitô và là Đền thờ Thánh Thần. Từ nay trở về sau, sứ mạng phối hợp ấy mang đến cho các tín hữu của Đức Kitô khả năng dự phần vào mối hiệp thông của Ngài với Chúa Cha, trong Chúa Thánh Thần. Thần Khí chuẩn bị cho con người và ban cho họ ân sủng Người hầu lôi kéo họ đến gần Đức Kitô. Thần Khí vén tỏ cho họ thấy dung mạo của Chúa Phục Sinh, nhắc cho họ nhớ lại lời Ngài đã nói với họ, soi lòng mở trí để giúp họ hiểu được biến cố Tử nạn và Phục sinh của Ngài. Người hiện tại hóa mầu nhiệm Đức Ki­tô, biểu lộ cách tỏ tường nhất qua Thánh Lễ, để hòa giải họ và đem họ vào mối hiệp thông với Thiên Chúa, hầu họ có thể “sinh hoa kết quả dồi dào.”[8] Do vậy, khi thấy Giáo hội – theo tư thế là một thân thể duy nhất – hoặc thấy các chi thể Giáo hội hành động đúng theo giáo lý và cung cách của Đức Kitô, thì có thể nói ngay được rằng: “Ngón tay của Thiên Chúa đang hiện diện ở đấy,” bởi vì chắc chắn rằng khi đó, Thần Khí có mặt ở đằng sau những biến cố hữu hình.

Qua kinh Tin kính, kitô hữu tuyên xưng Giáo hội “duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền”; đó là các “đặc điểm” của Giáo hội, hay nói cách khác, là các nét đặc trưng hữu hình giúp nhận diện được thực thể gọi là Giáo hội.

Duy nhất tính mang ý nghĩa tương đương với hữu thể; một mảnh vỡ của thực thể bị phân rẽ thì không còn là chính nó nữa. Bản tính, hay duy nhất tính, là nguyên lý của hành động; những thứ gẫy vỡ thì không thể hoạt động được nữa, những thực thể bị chia tách cũng không cách gì thể hiện được chức năng vốn có như lúc chúng còn nguyên vẹn. Một tấm gương nứt rạn muôn mảnh chẳng thể nào phản chiếu được hình ảnh trọn vẹn, ngoại trừ những mảnh phân tán, rời rạc của hình ảnh đó mà thôi. Đó là lý do tại sao Đức Giêsu đã cầu nguyện để xin Cha củng cố tình trạng hiệp nhất giữa các môn đệ Ngài: họ phải trở nên một “để thế gian tin” (Ga 17:21). Tiêu đích Giáo hội nhắm đến là việc phải trở nên “bí tích ban ơn cứu độ” cho thế giới. Bí tích là dấu chỉ hay biểu tượng diễn tả và chuyển ban ân sủng; nếu dấu chỉ ấy bị rạn vỡ, thì nó sẽ không còn có thể biểu thị cho thích đáng điều gì được; và cứ như thế. Bởi vậy, hiệp nhất tính ấy là ân huệ do chính Thánh Thần ban tặng: “chỉ có một Thân thể duy nhất, một Thần Khí duy nhất” (Ep 4:4). Chính “linh hồn” đó làm cho tất cả các chi thể trong thân mình được hiệp nhất với nhau và cùng nhau hít thở một thứ Sinh khí duy nhất là Đức Ái. Nhưng tội lỗi – vốn là thứ loại trừ Đức Ái – đã ra sức hủy hoại hiệp nhất tính; và đó là điều từng thấy xảy ra suốt trong dòng lịch sử. Trong cảnh trạng tồi tệ của cuộc ly khai Kitô giáo, Thần Khí đã không hề khoanh tay thúc thủ, nhưng đã khuấy động lòng khao khát và sức hành động của người kitô trên bước đường tiến về lại với tình trạng hiệp nhất, như công đồng Vaticanô II đã xác quyết:

“Ở khắp mọi nơi, có rất nhiều người đã cảm nhận được sức thôi thúc do ân sủng Thánh Thần; và, nơi các anh em ly khai của chúng ta, cũng đã thấy một phong trào tái lập mối hiệp nhất giữa mọi kitô hữu với nhau đang trên đà tăng triển ngày một sâu rộng hơn” (UR 1).

Về vấn đề này, thiên khảo luận sẽ đề cập rộng hơn trong phần sau; còn ở đây, chỉ xin bàn về hiệp nhất tính trong lòng Giáo hội Công giáo mà thôi. Thánh Phaolô đã cầu nguyện cho các cộng đoàn kitô hữu được “đồng tâm nhất trí” (x. Rm 15:5) với nhau, “duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí mang lại” (Ep 4:3); tinh thần hiệp nhất ấy, các kitô hữu thường lơ là, bỏ quên, và đợi đến khi mọi sự đã trở nên muộn màng rồi mới giật mình sực tỉnh. Chính qua đời sống cầu nguyện, người kitô mới cảm nghiệm được cách thích đáng nhất, sự hiệp nhất ấy, bởi vì chính Thần Khí duy nhất ấy là Đấng khai mở mọi con đường tiến về với Cha (x. Ep 2:18). Mức độ phong phú của các ân huệ có thể trở thành nguyên nhân gây ra tình trạng chia rẽ một khi chúng bị chiếm đoạt để làm của riêng cho các cá nhân hay cho một đoàn nhóm nào đó – như sự việc đã từng xảy ra thời trước trong giáo đoàn Côrintô – và sẽ dẫn đến việc phân chia thành các bè phái chống đối nhau; thánh Phaolô đã nghiêm khắc nhắc nhở các tín hữu Côrintô rằng hết thảy mọi ân huệ dồi dào đều phát xuất từ một Thần Khí duy nhất (x. 1Cr 12:11.13). Công đồng Vaticanô II cũng đã lên tiếng nhắc nhở rằng ngay cả việc phân bổ trong cơ cấu của Dân Thiên Chúa thành hàng giáo phẩm và giới giáo dân, cũng là một ân huệ do Thần Khí ban tặng:

“Thần Khí hướng dẫn Giáo trong chân lý toàn vẹn; Người hiệp nhất Giáo hội trong ơn hiệp thông và trong các thừa tác vụ; Người huấn luyện và dẫn dắt Giáo hội trong các ân huệ phẩm trật và đoàn sủng; Người tô điểm Giáo hội bằng hoa trái của Người” (LG 4).

Thánh thiện tính rõ ràng là một hiệu quả đặc thù do Thần Khí mang lại. Trước hết, có thể nói ngay rằng đặc tính thánh thiện của Giáo hội không phải là một phẩm chất do chính các chi thể tạo nên, mà là do việc Giáo hội lãnh nhận được ân huệ trở nên Thân thể Đức Kitô. Giáo hội mang trong mình các phương tiện ban ơn thánh hóa, như Lời Chúa, các Bí tích, và sứ mạng mà Đức Kitô đã ủy thác cho, như Công đồng Vaticanô II viết:

“Chúng tôi tin Giáo hội – mà Thánh Công đồng tuyên xưng là mầu nhiệm – là thánh thiện một cách bất khả khuyết. Quả vậy, Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Ðấng cùng với Cha và Thánh Thần, được ca tụng là ‘Ðấng thánh duy nhất,’ đã yêu thương Giáo hội như hiền thê mình, và đã hiến thân để thánh hóa Giáo hội (x. Ep 5:25-26). Người kết hiệp với Giáo hội, coi đó như là thân thể duy nhất của Người và dẫn đưa Giáo hội tiến về sự hoàn thiện qua việc ban cho dư đầy ân huệ Thánh Thần để làm vinh danh Thiên Chúa” (LG 39).

Vì lẽ đó, “Dân Thánh của Thiên Chúa” (LG 12) được kêu gọi để nên thánh (x. LG ch.V). Những hoa trái thánh thiện do chính Thánh Thần ban tặng, có thể kể ra là việc có nhiều vị thánh trong Giáo hội – những vị được tôn phong, cũng như những vị vô danh nặc tánh – rồi, ân huệ giúp kitô hữu sống trung thành mỗi ngày với Thiên Chúa; ơn tha thứ mọi tội lỗi, mọi nơi và mọi lúc. Bên cạnh đó, còn có mặt bên kia của sự thánh thiện, là thực trạng tội lỗi và hàng ngũ các tội nhân; chỉ dõi sơ bước đường lịch sử Giáo hội đã đi qua thì cũng đã có thể liệt kê ngay được cả một danh sách dài về những khuyết điểm, lỗi lầm cũng như những thái độ bất trung; bởi đó, “Vì ôm ấp vào lòng những kẻ có tội, nên dù thánh thiện, bao giờ Giáo hội cũng vẫn thấy cần phải ra sức thanh tẩy chính mình. Do đó, Giáo hội không ngừng nỗ lực để sám hối và canh tân” (LG 8). Chính giữa tình huống căng thẳng như thế giữa ân sủng và tội lỗi, Thần Khí đã phái gửi các “ngôn sứ” của Người đến, tức là các thánh nhân, những nhà cải cách, các đấng sáng lập dòng tu, những vị khai sáng các phong trào. Mọi thứ ân huệ khác mà Thần Khí ban tặng đều chỉ nhằm vào một mục đích duy nhất: sự thánh thiện, vốn là tiêu đích tối hậu mà Giáo hội, cũng như từng chi thể Giáo hội, nhắm tới. Sự thánh thiện chính là ân huệ trác tuyệt nhất trong tất cả mọi ân huệ, bởi vì đó là ơn được thông dự vào bản thể Thiên Chúa là Đấng Thánh duy nhất: “To solus sanctus”, “Chỉ có Ngài là Đấng Thánh” – như Phụng vụ Giáo hội hằng hát mừng. Và thánh Phaolô đã khích lệ cộng đoàn tín hữu của mình: “Ý muốn của Thiên Chúa là việc anh em nên thánh” (1Th 4:3).

Công giáo tính[9] biểu lộ tính chất đa dạng hết sức dồi dào mà Giáo hội thâu tập nơi mình, cũng như giới trình bộ mặt hữu hình của đoàn sủng vô hình với hết mọi vẻ phong phú của nó. Biến cố Ngũ Tuần làm hiện lộ rõ ràng đặc tính công giáo đó qua danh sách liệt kê các dân tộc khác nhau cùng tụ họp để lắng nghe sứ điệp Tin mừng (kerygma) thánh Phêrô công bố (x. Cv 2:9-11). Tính từ “công giáo” đã được bổ sung vào các công thức thánh tẩy của Giáo hội từ rất sớm (x. DH 2.3.4.5. v.v.) nhằm giúp phân biệt giữa Giáo hội đích thực của Đức Kitô với các giáo phái khác (từ Hy lạp haire­sis bao hàm các nghĩa sau đây: “phe” (x. Cv 5:17), “phái” (24:5), “sự chia rẽ” (x. 1Cr 11:19), “tà thuyết” (x. 2Pr 2:1) … Nói đến “Công giáo” là nói đến các đặc tính “phổ quát”, “trọn vẹn” và “toàn diện” của Giáo hội Chúa Kitô. Trong lịch sử, tính từ “công giáo” đã thấy mang các ý nghĩa bao quát hơn; về các ý nghĩa này, Sách Giáo Lý giải thích như sau:

‘Công Giáo’ là ‘phổ quát’ theo nghĩa ‘toàn diện’ hay ‘toàn vẹn’. Hội Thánh là Công Giáo theo hai nghĩa: Hội Thánh là công giáo vì Đức Kitô hiện diện trong Hội Thánh. ‘Ở đâu có Đức Kitô Giêsu, ở đó có Hội Thánh Công Giáo’ (th’ Inhaxiô Antiôkia 8.2). Nơi Hội Thánh hiện hữu Thân Thể Đức Kitô trọn vẹn, kết hợp với Đầu; (x. Ep 1:22-23), vì tiếp nhận từ Người ‘trọn vẹn các phương tiện cứu độ’ (x. AG 6) theo ý Người muốn: tuyên xưng đức tin chân thật và đầy đủ, đời sống bí tích toàn vẹn, và thừa tác viên được thụ phong để liên tục kế nhiệm các tông đồ. Theo ý nghĩa căn bản này, Hội Thánh là công giáo trong ngày Lễ Ngũ Tuần và mãi mãi là công giáo cho đến ngày Chúa quang lâm. Hội Thánh là công giáo vì được Đức Kitô sai đến với toàn thể nhân loại” (số 830).

“Công giáo” không những là một nét đặc trưng có tính cách xã hội của Giáo hội, mà còn là một chiều kích căn bản trong cấu trúc của Giáo hội nữa; bởi vì, nếu không có đặc tính đó, thì Giáo hội hẳn không còn là Giáo hội nữa; cũng như chính thực thể Giáo hội, đặc tính “công giáo” phát xuất từ nơi Thiên Chúa, như giáo huấn công đồng Vaticanô II dạy:

“Ðặc tính phổ quát ấy, sáng chói nơi Dân Thiên Chúa, là một ân huệ do chính Thiên Chúa ban; nhờ đó, Giáo hội công giáo hằng nỗ lực cách hữu hiệu để quy tụ toàn thể nhân loại cùng với những gì tốt lành nơi họ dưới một Thủ Lãnh là Chúa Kitô, trong sự hiệp nhất với Thánh Thần. Nhờ đặc tính công giáo này, mỗi phần tử mang những ân huệ riêng tư mình đến các phần tử khác và cho toàn thể Giáo Hội; do đó, toàn thể và mỗi phần tử tăng triển nhờ hiệp thông với nhau, và nhờ nỗ lực tiến đến viên mãn trong sự hiệp nhất. Vì thế, Dân Thiên Chúa được tạo thành không những do các dân nước quy tụ lại với nhau, nhưng còn do các chức vụ khác nhau trong nội bộ nữa” (LG 13).

Nếu đức tin là một ân huệ do Thần Khí ban cho, thì tình trạng trọn vẹn của đức tin đó diễn tả mức độ dồi dào của ân huệ. Tính chất phong phú của các đoàn sủng là nét đặc trưng rõ rệt nhất của công giáo tính, bao hàm trong vô số những nghi lễ phụng vụ, các dạng loại thần học, các thừa tác vụ, các ơn gọi, các phong trào… Một dạng ân huệ đặc thù mà Thần Khí ban cho là khả năng Giáo hội có thể đâm rễ vào hết thảy mọi nền văn hóa (công cuộc hội nhập văn hóa), khả năng cử hành việc thờ phượng bằng hết mọi ngôn ngữ, cũng như việc đủ sức giữ vững bản sắc của mình qua mọi thời đại. Đặc tính đó diễn tả tính năng động của Giáo hội, không ngừng được tái tạo nhờ sức tác động của Thần Khí. Thần Khí giữ cho mọi cánh cửa Giáo hội luôn ở thế rộng mở – tiếp sức để Giáo hội nới rộng các giới hạn của mình ra – trước sức thúc bách của sứ mạng được trao phó. Công đồng Vaticanô II dạy rằng: “Vì phát nguyên từ chính sứ mạng của Con và Thánh Thần, theo kế hoạch Cha đã định, nên Giáo hội lữ hành mang trong mình bản chất truyền giáo” (AG 2); sứ mạng truyền giáo của Giáo hội “được thúc bách do chính công giáo tính của Giáo hội” (AG 1). Thần Khí là Đấng linh ứng các ơn gọi truyền giáo (AG 23) và, trên thực tế, Người đóng giữ vai trò chủ đạo – tức như tác nhân chính yếu – đối với sứ mạng truyền giáo của Giáo hội. Chính nhờ Thần Khí, Đấng truyền ban các ý muốn của Người, mà đặc tính “công giáo” của Giáo hội mặc lấy ý nghĩa, để mở lòng ra mà sẵn sàng bước vào cuộc phiêu lưu khám phá những điều mới mẻ và bất khả tiên lượng, để mở lòng ra trước những điều kỳ diệu, trước tha nhân, trước cảnh giới thẳm sâu của mầu nhiệm…

Tông truyền tính – biểu lộ thực trạng của việc Giáo hội khởi đầu với các Tông đồ, tiếp tục sứ mạng của các Tông đồ và gìn giữ kho tàng đức tin do các Tông đồ truyền lại.[10] Tầm trọng yếu của đặc tính tông truyền cốt ở tiến trình “kế nhiệm tông đồ,” tức là, ở thực trạng và ý nghĩa của việc giám mục đoàn trở thành đoàn thể kế nhiệm các Tông đồ trong tác vụ quản trị, giáo huấn và thánh hóa. Ở đây, thiên khảo luận sẽ không bàn sâu vấn đề này, nhưng chỉ muốn nêu bật cho thấy rằng sở dĩ Giáo hội vẫn duy trì được sự sống của mình qua mọi thời đại, kể từ thời các tông đồ cho đến nay, là nhờ Chúa Thánh Thần, “linh hồn” Giáo hội. Chúa Phục Sinh – qua hành động thổi Thần Khí Ngài vào các Tông đồ – dường như muốn tái tạo một cộng đoàn nhân loại mới: như khi xưa, Yahvê đã ‘thổi sinh khí vào lỗ mũi’ Ađam (St 2:7) thể nào, thì giờ đây, Đức Giêsu cũng “thổi hơi vào các ông và bảo: ‘Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần’…” (Ga 20: 22) thể ấy; rồi Ngài sai họ lên đường để tiếp tục sứ mạng Ngài đã khởi sự. Điểm cốt lõi trong đặc tính “tông truyền” là ở chỗ Giáo hội mang nơi mình sức sống của Thần Khí Đức Kitô. Do đó, Giáo hội được tạo dựng với tính chất tông truyền và, qua biến cố Thần Khí ngự xuống trên các Tông đồ trong ngày Lễ Ngũ Tuần, Giáo hội được giới thiệu và ra mắt thế gian; Giáo hội ấy triển nở dần lên nhờ các chứng nhân tông đồ và nhờ có Thần Khí đồng hành: “Về những sự kiện đó, chúng tôi xin làm chứng, cùng với Thánh Thần, Đấng mà Thiên Chúa đã ban cho những ai vâng lời Người” (Cv 5:32); nhờ sức phối hiệp giữa các Tông đồ với Thần Khí, thừa tác vụ của Giáo hội đã được làm cho phong phú thêm lên: “Thưa anh em, anh em hãy tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan, rồi chúng tôi sẽ cắt đặt họ làm công việc đó” (6:3); Giáo hội được các Tông đồ và Thần Khí chuẩn nhận (x. 8:15-17), được hướng dẫn qua tiến trình hợp lực Tông đồ-Thần Khí: “Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định…” (x. 15:28); v.v.. Chính Thần Khí là Đấng gìn giữ để Giáo hội hằng trung thành với đức tin, là Đấng “trợ giúp” để Giáo hội có khả năng hiểu biết và thích nghi được với các nền văn hóa và các thời đại khác nhau (x. Ga 14:26; 16:7-14). Cách riêng, tông truyền tính trong thừa tác vụ được biểu lộ qua – cũng như có được hiệu quả là nhờ – cử chỉ đặt tay để, qua đó, trao ban đặc sủng Thánh Thần (x. 1Tm 4:14; 2Tm 1:6). Đoàn sủng tông truyền ấy được kêu cầu cách đặc biệt khi có những biến cố mang một tầm hệ trọng lớn lao, chẳng hạn như lúc các cộng đồng đại kết nhóm họp, hoặc khi Giáo hội tuyên bố những định tín bất khả ngộ; Đức Phaolô VI đã dùng công thức như sau để chuẩn ký vào bản Hiến chế Tín lý của công đồng Vaticanô II: “Tất cả và mỗi điều đã được xác định trong bản Hiến chế Tín lý này đều đã được các Nghị phụ Công đồng chấp thuận. Và, dùng quyền tông đồ mà Đức Kitô đã trao ban, cùng với các Nghị phụ Khả kính, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Chúng Tôi phê chuẩn, quy định và xác lập tín chế này, và truyền ban hành những gì đã được Công đồng quyết nghị, vì vinh danh Thiên Chúa.”

 

Cơ cấu đoàn sủng?

Có người nghĩ rằng Giáo hội cũng được thiết chế theo một cơ cấu đoàn sủng, tạo nên thế đối trọng tương ứng với cơ cấu phẩm trật;[11] về mặt giáo hội học, vấn đề này còn đang nằm trong vòng tranh luận. Một cách thức đặt vấn đề khác cũng được lưu ý đến là việc phân định rõ giữa các yếu tố thuộc hai khía cạnh, tức là “thuộc Phêrô” hay “thuộc Phaolô.” Ở đây, thiên chuyên khảo không đi vào các tranh điểm thuộc phạm vi giáo hội học, nhưng chỉ dồn hết chú tâm vào việc minh trình về thực trạng hiện diện và hoạt động của Thánh Thần trong đời sống Giáo hội mà thôi.

Công đồng Vaticanô II đã ra sức làm sáng tỏ chiều kích đoàn sủng của Giáo hội.[12] Trưng dẫn thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrintô, Hiến chế Tín lý về Giáo hội trình bày rõ ràng như sau:

“Chỉ có một Chúa Thánh Thần ban những ân sủng khác nhau để làm ích cho Giáo Hội theo sự sung mãn của Người và tùy nhu cầu của công việc (1Cr 12:1-11)… Cũng chính Thánh Thần ấy, do bản tính tự nhiên của mình, hợp nhất thân thể bằng thần lực Người và bằng sự liên kết tinh thần các chi thể lại với nhau; như thế, Người làm phát sinh và hun đúc đức ái giữa các tín hữu. Vì thế, nếu một chi thể nào đau đớn, thì tất cả các chi thể khác đều bị đau đớn; và nếu một chi thể nào được vinh dự, thì tất cả các chi thể khác cũng chung phần hân hoan (x. 1Cr 12:26)” (số 7).

Liên quan đến cơ cấu đoàn sủng của Giáo hội, Công đồng một mặt, làm sáng tỏ về hoạt động của Thần Khí trong tác vụ của các Giám mục (x. LG 21.24.27), cách riêng là qua quyền giáo huấn của Giáo hội (x. LG 25); và mặt khác, thì nhấn mạnh đến cảm thức đức tin của hết thảy các tín hữu (x. LG 12.35) cũng như về cách thức, qua Thánh truyền, suốt cả tiến trình lịch sử Giáo hội, Thần Khí đưa dẫn hết mọi kẻ có lòng tin vào trong chân lý (x. DV 8). Bởi đó, trong Giáo hội, không có bất kỳ một thứ quan hệ nào xác lập theo kiểu một chiều từ trên xuống dưới, giữa hàng giám mục với hàng linh mục (x. LG 28; PO 7; CD 16.28), hoặc giữa giới giáo dân với hàng linh mục và giám mục (x. LG 37; PO 9; AA 25). Dù Giáo hội không phải là một thể chế dân chủ – xét theo ý nghĩa hiện thời của thuật ngữ này – nhưng kết quả phát sinh từ hoạt động của Thần Khí lại làm cho Giáo hội có được một cách thức sinh hoạt dân chủ hơn nhiều.

Giáo hội là một đoàn thể, trong đó, các đoàn sủng khác nhau tương tác lẫn nhau theo một cung cách phối hợp chặt chẽ, góp phần hài hòa đẩy mạnh sức tăng triển cho Thân thể. Hiện hữu theo cách thức ấy, Giáo hội được gọi là “Giáo hội hiệp thông”; nếu “Giáo hội hiện diện như ‘một dân tộc được hiệp nhất nhờ sự hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần’” (LG 4), thế tất, Giáo hội chính là “mối hiệp thông của Thánh Thần” theo một cung cách năng động nhất. Các chức vụ khác nhau, kiến lập nên cơ cấu bên trong Giáo hội (x. LG 13), hằng được Chúa Thánh Thần duy trì và củng cố để luôn ở trong tình trạng hài hòa (x. LG 22). Do vậy, có thể nói được rằng Giáo hội không hề bị phân đôi giữa một bên là hàng giáo phẩm và bên kia là giới giáo dân; toàn bộ thân thể – tức Dân Thiên Chúa – mang tính chất vừa phẩm trật, mà cũng vừa đoàn sủng. Các “cấp bậc” trong Giáo hội, nói theo một cách nào đó, là hệ thống phân cấp giữa hàng giáo phẩm và giới giáo dân hay, nói theo một cách khác, giữa hàng giáo phẩm, giới giáo dân và bậc tu sĩ. Nhưng, tất cả đều thấm đượm sâu đậm ân sủng tiếp sinh lực của Thánh Thần. Nói cho cùng, ngay cả các đoàn sủng cũng được xếp theo hệ thống phân bậc.

Có thể suy tư về thực trạng đó theo một cung cách khác qua việc dồn hết nỗ lực để đào sâu điều đọc gọi là ba tác vụ của Đức Kitô: kỳ thực, chỉ có một tác vụ duy nhất – làm  Đấng Trung gian – với những chức năng khác nhau. Theo kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, mọi dân tộc phải hợp nhất thành một. “Chính vì mục đích này mà Thiên Chúa đã sai Con Ngài xuống, Ðấng mà Ngài đã đặt làm thừa kế vũ trụ (x. Dt 1:2), hầu trở nên Thầy, Vua và Tư Tế cho mọi người, và nên Thủ Lãnh của dân tộc mới và phổ quát của con cái Thiên Chúa” (LG 13). Phần tiếp theo sẽ trình bày chi tiết về các chức năng vừa nêu.

 

Chức năng Vương giả

Thánh Thần đã xức dầu tấn phong Đức Giêsu để Ngài trở nên Kitô, Đấng Thiên sai-Vua mà dân Ítraen trông chờ. Giờ đây, Ngài đang ngự trên ngai vinh hiển, bên hữu Chúa Cha, nắm trong tay hết thảy mọi uy quyền trên trời và dưới đất. Ngài là Đầu của Giáo hội, tức là Đầu của Thân thể, của Hiền thê, của Dân Ngài (x. Ep 1:22; 4:15; Cl 1:18; 2:19; Pl 2:6-11). Qua các tông đồ, Ngài hằng dõi theo từng bước đi – cũng như luôn ra sức che chở cho – đoàn con cái Ngài. Ngài đặt các tông đồ làm mục tử để họ tiếp tay Ngài trong nhiệm vụ chăn dắt đoàn chiên; và dù giờ đây đã ngự trên thiên đàng, nhưng các ngài vẫn tiếp tục dẫn dắt đoàn chiên Giáo hội.[13] Thuộc dân tộc vương giả, hết thảy mọi kitô hữu đều được dự phần vào chức năng đó: “Các kitô hữu đã được tháp nhập vào Thân Thể Chúa Kitô nhờ phép Thánh Tẩy, thì trở nên Dân Thiên Chúa, và tham dự vào chức vụ tư tế, tiên tri và vương giả của Chúa Kitô theo cách thức riêng của mỗi người” (LG 31). Nền tảng việc dự phần đó có là các bí tích: bí tích Thánh tẩy đối với tất cả mọi tín hữu và bí tích Truyền chức thánh đối với hàng giáo sĩ. Nơi bí tích Thánh tẩy, mọi Kitô hữu được nhận ơn xức dầu của Chúa Thánh Thần, và kết quả là mang lấy một mức độ trách nhiệm hết sức lớn lao đối với toàn thể Dân Thiên Chúa.

Song trước hết, đó là trách nhiệm mỗi kitô hữu phải có đối với chính mình. Đề cập đến đời sống thiêng liêng cá nhân, thánh Ambrôxiô đã viết như sau: “Đích thực được gọi là vua, kẻ làm cho thân xác mình trở nên một chủ thể tuân phục và – qua việc làm chủ chính mình theo mức độ nghiêm túc thích đáng – nhất quyết không để các dục vọng làm phát sinh tình trạng nổi loạn trong tâm hồn; như thế, kẻ đó đang thực sự hành sử một dạng năng quyền vương giả trên chính bản thân mình. Và do nắm được cách thức cai trị con người mình theo tư thế của một vị vua, kẻ đó cũng được ngồi vào vị trí quan tòa trong việc xét xử chính mình. Kẻ đó sẽ không để mình bị cầm hãm trong ngục tù tội lỗi, hay phải đâm đầu vào chỗ ô trọc, hiểm nguy.”[14] Việc dự phần vào quyền thống trị của Đức Kitô trên hết muôn loài, mang đến cho người kitô một mức tự do lớn lao, một nhãn quan đích thực về các giá trị: “Tất cả đều thuộc về anh em, mà anh em thuộc về Đức Kitô, và Đức Kitô lại thuộc về Thiên Chúa” (1Cr 3:23), và một sức giải phóng khỏi nỗi lo sợ ác thần cùng quyền lực sự dữ (x. Ep 6:16; Cl 1:16; 2:15).

Chức năng vương giả ấy cũng đòi phải đóng một vai trò tích cực trong việc điều hành Giáo hội.[15] Những đường nét có tính cách mục vụ của vai trò này đã được Giáo luật trình bày rõ (đk. 129 §2). Dù theo Giáo luật, vai trò chính yếu có thuộc về hàng giáo phẩm đi nữa, thì nguyên tắc phân quyền cũng đòi hỏi cần phải biết lưu ý đến và dung nhận các sáng kiến cũng như khả năng của hết thảy mọi thành phần khác trong Giáo hội.[16] Vả, “những dấu chỉ thời đại” (GS 4) – do bởi sức tác động của Thánh Thần – cũng đòi hỏi việc tham gia rộng rãi hơn của hết mọi liên hệ vào việc điều hành các tổ chức; các Giám mục Á châu dùng thuật ngữ “Giáo hội thông phần”[17] để biểu trình mô hình kiểu ấy của Giáo hội. Theo tinh thần hiệp thông và việc dự phần như thế (x. G. luật, đk. 228), một số chức năng đã được mở rộng để qua đó, giáo dân có thể tham gia vào các công tác quản trị giáo phận, chẳng hạn như: chưởng ấn (đk. 483 §2), quản lý (đk. 494), thẩm phán (đk. 1421 §2), hội thẩm (đk. 1424), kiểm toán (đk.1428 §2), thụ ủy và biện hộ (đk. 1483). Ở các quy mô cả giáo phận lẫn giáo xứ, giáo dân phải có tiếng nói trong Ủy ban Tài chính (đk. 492 §1; 537), trong Hội đồng Mục vụ (đk. 536), v.v.[18] Rõ ràng là nhờ được Thần Khí hướng dẫn, vai trò lãnh đạo của giáo dân đã trở nên nổi bật trong các Cộng đoàn Cơ bản, trong các phong trào canh tân, cụ thể là trong phong trào canh tân đặc sủng.

Chức năng vương giả của Đức Kitô chủ yếu được thể hiện qua hàng giáo phẩm trong Giáo hội, vốn dĩ là hàng ngũ được thiết lập để trước hết, kế thừa trách vụ này. Công đồng Vaticanô II đã dạy rằng

“Chúa Giêsu Kitô, Mục Tử vĩnh cửu đã thiết lập Giáo Hội thánh thiện khi sai các Tông Ðồ như Chúa Cha đã phái Người (x. Ga 20:21), và Người đã muốn các đấng kế vị, tức các Giám Mục, làm chủ chăn trong Giáo Hội cho đến tận thế ” (LG 18).

Ở đây, thiên chuyên khảo chỉ dồn chú tâm vào việc nêu bật điểm này là chức vụ vương giả ấy phát xuất từ ân huệ của Thánh Thần. Công đồng đã làm sáng tỏ một điểm giáo lý – về bản chất đoàn sủng của mọi “năng quyền” trong Giáo hội – vốn đã được thần học bàn cãi rất nhiều:

“Ðể chu toàn nhiệm vụ cao trọng ấy, các Tông Ðồ được Chúa Kitô đổ tràn Thánh Thần cách đặc biệt (x. Cv 1:8; 2: 4; Ga 20:22-23). Và các ngài thông truyền các ơn thiêng ấy cho các cộng sự viên khi đặt tay trên họ (x. 1Tm 4:14; 2Tm 1:6-7). Và qua việc tấn phong Giám Mục, ơn thiêng ấy được thông truyền cho đến chúng tôi.[19] Thánh Công Ðồng dạy rằng, khi được tấn phong, các Giám Mục nhận lãnh sự trọn vẹn của bí tích Truyền Chức Thánh… của chức linh mục tối cao và nhận lãnh thực tại toàn vẹn của thánh vụ.[20] Việc tấn phong Giám Mục trao ban nhiệm vụ thánh hóa cũng như nhiệm vụ giảng dạy và quản trị…” (LG 21).

Giáo huấn của công đồng về việc Thần Khí ban phát “các ân huệ theo phẩm trật” cho Giáo hội (x. LG 4) làm cho nhớ lại lời thánh Phaolô từng giảng dạy: trong Giáo hội, Thần Khí “đã đặt một số người, thứ nhất là các Tông đồ, thứ hai là các ngôn sứ, thứ ba là các thầy dạy, rồi đến những người được ơn làm phép lạ, được những đặc sủng để chữa bệnh, để giúp đỡ người khác, để quản trị…” (1Cr 12:28). “Tông đồ đoàn” hiện diện trong “giám mục đoàn”, đặc biệt là qua cử chỉ đặt tay, một nghi thức trao ban Thánh Thần (x. 1Tm 4:14; 5:22; 2Tm 1:6). Trong các nghi thức truyền chức phó tế, linh mục và giám mục, lời nguyện truyền phép mà truyền thống dùng đến là lời nguyện epiclesis (kinh cầu xin Chúa Thánh Thần ngự xuống); mọi năng quyền trong Giáo hội đều phát xuất từ Thần Khí; chính vì lẽ đó mà công đồng mới đề cập đến dạng “ân huệ thiêng liêng mà các linh mục nhận lãnh qua việc thụ phong” (PO 10). Và do sự việc mọi quyền hành đều bắt nguồn từ đoàn sủng như thế, nên trong Giáo hội, không một chi thể nào được phép tỏ thái độ lạm quyền, trái lại, tất cả đều có bổn phận phục vụ lẫn nhau. Thánh Phêrô đã lên tiếng nhắc nhở các vị cầm quyền trong Giáo hội như sau: “Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em: lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tụy” (1Pr 5:2).

 

Chức năng Ngôn sứ

Đức Kitô là vị Ngôn sứ Cả, được Thần Khí xức dầu tấn phong, như chính Ngài đã công bố (x. Lc 4:17-21); việc xức dầu ấy phát xuất từ nơi Ngài – như từ Đầu của Giáo hội – và được truyền ban đến hết mọi chi thể. Từ thuở sơ khai của Giáo hội, đoàn sủng ngôn sứ đã được liên kết cách đặc biệt với Thần Khí. Có thể nhận thấy rõ rằng chức năng ấy được thông ban cho hết thảy những ai đã lãnh nhận bí tích Thánh tẩy, và mức độ thông phần vào chức năng đó được gia tăng thêm lên qua mỗi nghi thức xức dầu, tức là qua các bí tích Thêm sức và Truyền chức Thánh. Thêm vào đó, đoàn sủng này được nối kết cách đặc biệt với sứ ngôn, bởi vì hơi thở và lời nói, tức Thần Khí và Đức Kitô, luôn đi đôi với nhau. Thần Khí chính là Đấng mạc khải chân lý của Thiên Chúa (các mầu nhiệm), như lời thánh Phaolô diễn tả: “còn chúng ta, chúng ta đã được Thiên Chúa mạc khải [những điều đó] cho, nhờ Thần Khí. Thật vậy, vì Thần Khí thấu suốt mọi sự, ngay cả những gì sâu thẳm nơi Thiên Chúa… nên chúng ta có thể nhận biết được những ân huệ Thiên Chúa đã ban cho chúng ta; để nói về những điều đó, chúng tôi không dùng những lời lẽ đã học được nơi trí khôn ngoan của loài người, nhưng dùng những lời lẽ học được nơi Thần Khí” (1Cr 2:9-13).

Nên phân biệt rõ giữa đoàn sủng ngôn sứ và tác vụ ngôn sứ; đoàn sủng ngôn sứ là thực trạng không thể tiên đoán và được thể hiện qua hành động; còn chức năng ngôn sứ thì có tính cách cố định như một chức vụ. Có thể đọc thấy trong Cv 21:9-10 một thí dụ điển hình về hai thực trạng vừa nêu: ở câu trước, thánh Luca trình bày sự việc ông Philípphê có bốn người con gái được ơn nói tiên tri, nhưng ngay trong câu sau, ngài nhắc đến ông Agabô, một ngôn sứ. Giờ đây, chức năng ngôn sứ, xét như một thể chế riêng biệt, không còn hiện diện trong Giáo hội nữa. Dù vậy… Thần Khí vẫn tiếp tục duy trì chức năng ấy theo một cung cách khác.

“Tinh thần tiên tri” (PO 2) được trao ban cho hết mọi thành phần Dân Chúa – tùy cương vị riêng của mỗi người trong Giáo hội – hầu “sứ mạng ngôn sứ” của Đức Kitô có thể được duy trì cho đến ngày tận cùng lịch sử (x. LG 35). Việc dự phần có tính cách căn bản này vào tác vụ ngôn sứ của Đức Kitô tạo ra một khả năng dung nhận hết thảy mọi dạng ân sủng tiên tri cần thiết cho việc thi hành tác vụ của lời và làm chứng tá cho Đức Giêsu Kitô. Thánh Thần ứng đáp trước mọi thách đố của lịch sử (hoặc của Tội lỗi, Sự dữ và Thế gian) bằng cách kêu gọi một số chi thể thuộc đoàn thể ngôn sứ, tức Giáo hội, đứng lên để “nói tiên tri” – theo cung cách êm thấm nhẹ nhàng hoặc chấn động quyết liệt. Các ngôn sứ đi theo cung cách nhẹ nhàng, như: Mẹ Tê­rêxa Calcutta, Đức cha Romero ở El Salvador, v.v.; hoặc là theo cung cách quyết liệt, như: Cha Daniel Berrigan, S.J., Đức tổng Giám mục Desmond Tutu, v.v.

Đoàn sủng ngôn sứ có thể được thiết lập thành cơ chế,  tựa như các ngôn sứ chuyên nghiệp trong Giáo hội sơ khai, hoặc như các Dòng tu hiện đang thấy. Các vị sáng lập dòng thường là những cá nhân được Thần Khí linh hứng để khởi xướng các công cuộc canh tân trong Giáo hội (chẳng hạn như thánh Phanxicô Átxidi, thánh Inhã Loyola, v.v.), và rồi, các dòng tu đã chào đời như là kết quả của các đoàn sủng đó. Đoàn sủng ngôn sứ mà các vị sáng lập dòng tu lãnh nhận tiếp tục được duy trì trong cộng đoàn của các ngài. “Các Nghị phụ công đồng đã đặc biệt nhấn mạnh đến đặc tính ngôn sứ của đời sống thánh hiến. Đặc tính ấy mặc lấy một dạng thể đặc biệt của việc dự phần vào chức năng ngôn sứ của Đức Kitô mà Chúa Thánh Thần đã chuyển thông cho toàn thể Dân Thiên Chúa.”[21]

Các phong trào là những khí cụ của thần khí ngôn sứ thường được dùng để đẩy mạnh đà triển phát của một công cuộc canh tân nào đó trong Giáo hội. Thử nhớ lại chẳng hạn các phong trào khác nhau, như phong trào canh tân Phụng vụ, các nguồn liệu vốn có về Kinh thánh và kho tàng giáo huấn của các Giáo phụ, thậm chí cả chủ nghĩa tân đại nữa, v.v. để thấy chúng đã có thể được coi như là những bước sửa soạn cho Công đồng Vaticanô II; và rõ ràng hơn cả, phong trào canh tân đoàn sủng là bước hợp tác hữu hiệu nhất để Chúa Thánh Thần “thích nghi” với bầu khí Giáo hội hiện thời.

 

Chức năng Tư tế

Chức năng tư tế của Đức Kitô nói lên chiều kích trung gian của Ngài, qua hành vi thờ phượng và thánh hóa. Ngài là Đấng Trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa với con người (x. 1Tm 2:5), là “vị Thượng tế siêu phàm” (x. Dt 4:14―5: 10), là Đầu của một Thân thể tư tế; bởi đó; thánh Phêrô đã gọi các kitô hữu là “hàng tư tế thánh… và vương giả” (1Pr 2:5.9). Qua bí tích Thánh tẩy, được dự phần vào chức tư tế của Đức Kitô, các kitô hữu có “quyền lợi và bổn phận” tham gia vào đời sống phụng vụ của Giáo hội (x. SC 14).   “Chúa Giêsu ‘Ðấng đã được Chúa Cha thánh hóa và sai đến trần gian’ (Ga 10:36) và đã được Chúa Thánh Thần xức dầu.[22] Người đã làm cho tất cả Nhiệm Thể của Người được thông phần vào sự xức dầu đó: vì trong Người, mọi tín hữu hóa thành một chức tư tế thánh thiện và vương giả để nhờ Chúa Kitô họ hiến dâng lên Thiên Chúa những lễ tế thiêng liêng, và tuyên xưng quyền năng của Ðấng đã gọi họ từ chốn tối tăm đến ánh sáng diệu kỳ[23]” (PO 2). Qua việc xức dầu bí tích rửa tội, Thần Khí thánh hóa những công việc thường ngày dù là nhỏ bé của người kitô, làm cho trở thành cuộc cử hành phụng vụ thiên quốc.

Chức năng Tư tế được duy trì vĩnh viễn, đặc biệt là qua bí tích Truyền chức Thánh. Trong tiến trình ba bước của bí tích này – phó tế, linh mục và giám mục – Chúa Thánh Thần từng bước, làm cho một kitô hữu trở thành khí cụ thực thi chức tư tế của Đức Kitô. Nghi thức truyền chức biểu lộ rõ nét nhất một loạt các dạng biểu tượng chỉ về Thần Khí: lời kêu cầu Thánh Thần, cử chỉ đặt tay của giám mục và linh mục, việc xức dầu, kinh khẩn nguyện Thánh Thần, v.v.; tất cả các biểu tượng đó giúp cử tọa ý thức rằng Chúa Thánh Thần là tác nhân chính yếu của việc cử hành nghi lễ. Trong đời sống thường nhật của Giáo hội, các linh mục là những khí cụ Đức Kitô dùng để tiếp tục loan báo Tin mừng của Ngài, để ban ơn tha thứ tội lỗi, để cử hành Thánh Thể… hầu làm vinh danh Thiên Chúa Cha.

 

Thần Khí Sự thật trong Giáo hội

Đức Giêsu Kitô đã gửi Thần Khí Ngài đến để gìn giữ cho chân lý mạc khải được trọn vẹn và sống động trong Giáo hội Ngài. Đức Giêsu đã hứa với các môn đệ rằng chính Thần Khí sẽ dẫn đưa họ tới sự thật toàn vẹn (x. Ga 16:13); có thể nói rằng sức dồn thúc – hay năng động lực – thu hút về với chân lý chính là nét đặc trưng trong hoạt động của Thánh Thần. Chẳng ai trên thế gian này có thể sở hữu được chân lý; đối với chân lý thần linh thì lại càng không thể; dù vậy, phương cách hữu hiệu nhất giúp con người nắm bắt được chân lý chính là việc biết trở nên kẻ kiếm tìm chân lý. Giáo hội là “cột trụ và điểm tựa của chân lý” (1Tm 3:15); đồng thời cũng được gọi với các danh tước khác, như: “kho tàng chân lý”, “Mẹ và Thầy”, “tòa khôn ngoan”, “thức giả về con người”, v.v… Điều xác đáng là các danh hiệu ấy đều tỏ cho thấy ân huệ của Thánh Thần, “linh hồn” của Giáo hội, lộ rõ trước tiên nơi “cảm thức đức tin” của Dân Thiên Chúa. “Toàn thể tín hữu, được Chúa Thánh Thần xức dầu (x. 1Ga 2:20.27), không thể sai lầm trong đức tin. Họ biểu lộ đặc tính ấy nhờ cảm thức siêu nhiên về đức tin của toàn thể dân Chúa, khi ‘từ các giám mục cho đến người giáo dân rốt hết’[24] đều đồng ý về những điều liên quan đến đức tin và phong hóa” (LG 12). Thánh Irênê đã diễn đạt hết sức súc tích về vấn đề ấy như sau: “Hễ nơi nào Giáo hội có mặt, thì nơi đó Thần Khí Thiên Chúa hiện diện; và ở đâu Thần Khí Thiên Chúa hiện diện, thì ở đó Giáo hội và mọi ân sủng xuất hiện; tuy nhiên, chính Thần khí mới là Chân lý.”[25] Thần Khí đó là Đấng truyền sinh khí, làm cho các thể chế và con người trở nên sống động.

 

Chúa Thánh Thần với Kinh Thánh

Kho tàng mạc khải thần linh – tức chân lý về Thiên Chúa mà Giáo hội gìn giữ – được kết tinh trọn vẹn trong Kinh Thánh. Đó là ân huệ Thần Khí ban tặng cho Giáo hội. Kinh Thánh là một dạng “bí tích của Lời”, tức là một dấu chỉ hữu hình biểu trưng một ý nghĩa vô hình; mối dây liên kết giữa dấu chỉ với ý nghĩa đó chính là Thần Khí. Không có Thần Khí, Kinh Thánh hẳn chỉ còn là một ngôi mồ chôn xác của Lời!

Kinh Thánh là “lời Thiên Chúa” bởi đã được Thần Khí linh hứng. “Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng (theópneustos: thần hứng/xuy), và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính” (2Tm 3:16). “Thánh Kinh là lời Chúa nói, vì được ghi chép lại dưới tác động linh hứng của Chúa Thánh Thần; còn lời Chúa, mà Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần đã ủy thác cho các Tông Ðồ, thì Thánh Truyền lưu lại toàn vẹn cho những người kế vị các ngài, để nhờ Thần Chân Lý soi sáng, họ trung thành gìn giữ, trình bày và phổ biến qua lời rao giảng” (DV 9). Ngay từ thuở tạo thiên lập địa, “Hơi thở của Thiên Chúa” – tức Thần Khí – đã không ngừng mạc khải cho thấy ý định ban đầu của Thiên Chúa [về việc sẽ thiết lập Lời của Người trong Sách Thánh] qua bước tuyển chọn các vị tổ phụ để lập nên các truyền thống xa xưa, qua việc linh hứng trên các ngôn sứ và các tác giả thánh, rồi qua tiến trình tuyển lựa và kêu gọi những con người khôn ngoan, những người làm công tác sưu tập và biên soạn… cho đến khi Kinh Thánh – cuốn sách của các cuốn sách – chào đời; Thần Khí không ngừng mặc lấy một hình hài cho Lời của Cha, là Đức Giêsu, và linh hứng cho các tông đồ cùng những vị cộng tác với các ngài, cho Giáo hội cùng hết thảy những ai góp phần vào việc biên soạn, để rồi cuối cùng, bộ quy điển các Sách Thánh đã thành hình và được Giáo hội phê duyệt. Suốt trong tiến trình từ đầu chí cuối ấy, cũng chính Thần Khí là Đấng “thổi sinh khí”, biểu lộ tác động linh hứng của Người qua muôn vàn sắc thái. Chính vì thế mà lúc tuyên đọc Kinh Thánh, người tín hữu xác tín xưng lên: “Đó là Lời Chúa.”

Không bao giờ ngừng, Thần Khí đó hằng tiếp tục truyền thổi… Và bởi vì lời nói và hơi thở – tức Đức Kitô và Thần Khí – luôn đi đôi với nhau, nên lúc nào Kinh Thánh được xướng đọc, thì lúc ấy, Thần Khí hiện diện; bởi đó, thần học coi việc đọc Kinh Thánh có giá trị như là một “á-bí tích”. Dù thế, Kinh Thánh không phải là cuốn sách có tính cách riêng tư, của một cá nhân nào đó, nhưng là cuốn sách của Giáo hội, trong đó, Thần Khí cư ngụ như trong một đền thờ. Để tránh việc “cá nhân hóa” cách giải thích lời Kinh Thánh, truyền thống đã trưng dẫn lời thánh Phê­rô cặn dặn như sau: “Nhất là anh em phải biết điều này: không ai được tự tiện giải thích một lời ngôn sứ nào trong Sách Thánh” (2Pr 1: 20); công đồng Vaticanô II cũng lưu ý rằng: “Vì Kinh Thánh đã được viết ra bởi Chúa Thánh Thần, nên cũng phải được đọc và chú giải trong Chúa Thánh Thần” (DV 12). Dù sao, một cuốn sách cũng chỉ là một dạng “văn tự chết”, và sở dĩ nó trở nên sống động là nhờ được đọc trong Thần Khí. Cách “đọc trong Thần Khí” như thế đối với Kinh Thánh, được thể hiện trước tiên qua nghi thức cử hành phụng vụ, trong đó, Thần Khí hiện diện ở một “mức độ tích cực” nhất; và ở đó, Kinh Thánh được công bố và giải thích trong Giáo hội, do Giáo hội và cho Giáo hội. Thứ đến, là đọc Kinh Thánh theo cách cá nhân, trong thái độ cầu nguyện, và để cho Thần Khí thổi sinh lực của Người vào các độc giả có lòng tin.

Thiếu đi thái độ thiêng liêng kia, thì việc đọc Kinh Thánh sẽ trở thành khô cằn, vô ích. Có thể đan cử một thí dụ điển hình cho trường hợp này: di sản của các học giả nghiên cứu Kinh Thánh theo khoa học hiện đại; bám sát theo các quy chuẩn của trường phái phê bình-lịch sử, họ khảo xét Kinh Thánh hết sức tỉ mỉ giống như mổ xẻ để khám nghiệm một tử thi, hơn là nghiên cứu một thực thể sống động. Các Giáo phụ lúc nào cũng đọc Kinh Thánh với thái độ sùng mộ; các độc giả hiện đại, cũng như các nhà nghiên cứu Kinh Thánh, cần phải biết ra sức cầu xin Chúa Thánh Thần ban cho không những ơn thông hiểu mà cả lòng đạo đức nữa.

 

Huấn quyền Giáo hội

“Tác vụ truyền dạy chân lý” làm cho Chúa Thánh Thần phải khá bận rộn… Nói đến Huấn quyền là nói đến nhiệm vụ giáo huấn của Giáo hội, tức muốn nêu bật vai trò của các giám mục, xét như một đoàn thể, hoặc vai trò của đức giáo hoàng, xét như là vị đại diện đứng đầu đoàn thể ấy. Tác vụ giáo huấn đó phát xuất từ lệnh truyền của Đức Giê­su: “Ai nghe anh em là nghe Thầy; và ai khước từ anh em là khước từ Thầy; mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy” (Lc 10:16). Ở đây, thiên chuyên khảo sẽ không bàn sâu vào những chi tiết khúc mắc của điểm giáo lý này, mà chỉ đơn thuần nêu bật vai trò mà Thần Khí đóng giữ trong “cơ cấu” ấy của Giáo hội.[26]

Cách chung, các thần học gia thường đề cập đến tác động “hộ trợ” của Thánh Thần. Song ở đây, chúng tôi không có ý định bàn về ân sủng trợ giúp, còn được gọi là hiện sủng hoặc ân sủng nhất thời, vốn xuất hiện trước – và hỗ trợ cho – ý chí con người trong bất cứ một phán quyết luân lý nào, nhưng chỉ muốn ám chỉ đến vai trò hộ trợ của Thánh Thần đối với việc truyền lưu mạc khải từ thế hệ này qua thế hệ khác trong Giáo hội, và được hiểu như là một dạng quan phòng đặc biệt. Giáo lý về vấn đề này hãy còn khá mập mờ vì được xây dựng dựa trên giả thuyết nhiều hơn là được khai triển từ luận đề, và ngôn ngữ dùng để biểu trình thì thường thiên về tính chất “thi ca” nhiều hơn là khoa học.[27]

Dù có vài lần đề cập đến vấn đề, nhưng công đồng Vati­canô II cũng đã không đề xuất một cách giải thích nào. Vấn đề đặt ra trước tiên là việc cần phải xác định cho thích đáng mối tương quan giữa huấn quyền với Kinh Thánh, đã từng được công đồng nêu lên như sau:

“Nhiệm vụ chú giải chính thức lời Chúa đã được viết ra hay lưu truyền chỉ được ủy thác cho Huấn Quyền sống động của Giáo Hội, và Giáo Hội thi hành quyền đó nhân danh Chúa Giêsu Kitô. Tuy nhiên Huấn Quyền này không vượt trên Lời Chúa, nhưng để phục vụ Lời Chúa, chỉ dạy những gì đã được truyền lại, vì thừa lệnh Chúa và với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội thành tâm lắng nghe, gìn giữ cách thánh thiện và trung thành trình bày Lời Chúa. Và từ kho tàng duy nhất ấy, Giáo Hội rút ra mọi chân lý, mà dạy phải tin là do Thiên Chúa mạc khải” (DV 10).

Dù lời phát biểu trên là xác thực, nhưng lối biện luận và các ý nghĩa hàm dung vẫn còn phức tạp. Song nói cho cùng, các giám mục không cần phải là học giả (mà nếu là học giả thì càng tốt), nhưng phải là chứng nhân.

Được gọi là Huấn quyền Thông thường việc các giám mục thi hành nhiệm vụ giáo huấn trong tư cách là mục tử coi sóc các giáo hội địa phương của mình. Truyền thống Giáo hội đã coi các giám mục như là “những người đã lãnh nhận một đoàn sủng chắc chắn về chân lý, do việc kế vị trong chức Giám Mục” (DV 8). Giáo huấn của các ngài không có tính cách bất khả ngộ, nhưng có thế giá, bởi vì các ngài là những vị đứng đầu các Giáo hội địa phương. Có thể nêu ra đây một số hình thức thuộc dạng huấn quyền thông thường, như: thư mục vụ của các giám mục, thông điệp của các giáo hoàng, hoặc các văn kiện của công đồng Vaticanô II. Cách đây không lâu, đã thấy một thuật ngữ mới chào đời dưới tên gọi là “huấn quyền phổ quát thông thường”,[28] và tính cách chính thức của nó vẫn còn đang trong vòng bàn cãi quyết liệt. Công đồng Vaticanô II trình bày vấn đề này qua một cách nói hết sức chung chung:

“Tuy mỗi giám mục riêng rẽ không có đặc quyền bất khả ngộ, nhưng dù tản mác khắp thế giới, nếu thông hiệp với nhau và với đấng kế vị Thánh Phêrô, các ngài cùng đồng ý dạy cách chính thức những điều thuộc đức tin và phong hóa là tuyệt đối buộc phải giữ, thì lúc đó các ngài công bố cách bất khả ngộ giáo thuyết của Chúa Kitô” (LG 25).

Các điều kiện cần thiết để có được một thái độ đồng thuận như thế, cũng như vai trò của “cảm thức đức tin” mà toàn thể Dân Thiên Chúa có, là những vấn đề được thần học bàn luận rất nhiều. Dạng huấn quyền thông thường đó tuy không có tính cách bất khả ngộ nhưng nhất thiết phải được đón nhận với thái độ kính trọng và tuân phục; Đức Gio­an Phaolô II đã coi thành quả mà một công nghị đạt được như là “các kết quả của một cuộc trao đổi ý kiến hào hứng, được Chúa Thánh Thần dẫn dắt qua các ân huệ chân lý và tình yêu của Người.”[29]

Công đồng cũng đã đề cập đến một “đoàn sủng bất khả ngộ của toàn thể Giáo hội” (LG 25) và coi đó như là một ân huệ của Chúa Thánh Thần. Bất khả ngộ tính – xét về đại thể – là khả năng tránh khỏi nguy cơ mắc phải sai lầm hay khiếm khuyết, và – xét theo tính cách đặc thù trong cách dùng của thần học – là đặc quyền siêu nhiên được dành cho Giáo hội của Đức Kitô, nhờ một tác động hộ trợ thần linh đặc biệt, để giữ Giáo hội cho khỏi nguy cơ mắc phải sai lầm trong việc minh định và giảng dạy các vấn đề đức tin và luân lý. Ở đây, chúng tôi không bàn sâu về đặc quyền này, hay về các khả năng nới rộng và các điều kiện cần thiết cho việc thực thi nó, mà chỉ muốn nhận định rằng chính Thần Khí Sự thật là cội nguồn của đặc quyền vô ngộ ấy.

Huấn quyền ngoại thường là dạng thi hành tác vụ giáo huấn theo một cung cách long trọng và dứt khoát; để hành sử dạng huấn quyền này, thì cần thiết phải có được ơn trợ giúp của Thần Khí nhiều hơn. Và huấn quyền dạng này thường được quy áp cho Giáo hoàng; công đồng Vaticanô I, trong khóa họp IV, phiên thứ 4, đã minh định rằng khi ban giáo huấn từ thượng tòa (ex cathedra), “nhờ sức hộ trợ thần linh đã hứa ban cho ngài qua thánh Phêrô, Đức Giáo chủ Rôma có được đặc ân vô ngộ mà Đấng Cứu chuộc đã muốn trao phó cho Giáo hội Người để minh định giáo lý liên quan đến đức tin và luân lý” (DH 3074). Công đồng Vaticanô II đã đưa ra một vài điểm bổ túc cho vấn đề như sau:

“Ơn bất khả ngộ của chính Giáo Hội cũng hiện hữu nơi Giám Mục Ðoàn khi các ngài xử dụng quyền giáo huấn tối thượng cùng với đấng kế vị Thánh Phêrô. Do tác động của cùng một Chúa Thánh Thần, Giáo Hội không thể không chấp nhận những phán quyết đó, và Chúa Thánh Thần bảo vệ và phát triển toàn thể đàn chiên Chúa Kitô trong sự hợp nhất đức tin” (LG 25).

Dạng huấn quyền này thường được dùng đến trong các công đồng chung.

Do đó, sở dĩ sứ mạng phục vụ chân lý trong Giáo hội có thể thực hiện được là nhờ tác động âm thầm của Thần Khí. Tác động hộ trợ đó được liên kết với bí tích Truyền chức Thánh và việc kế nhiệm tông đồ.

Trong Giáo hội, còn thấy có một dạng tác vụ giáo huấn khác nữa, đó là: công tác giảng dạy của các thần học gia và các học giả, của các vị giảng thuyết và các giáo lý viên, cũng như của tất cả những ai thi hành công tác phục vụ Lời. Những người này cũng được dự phần – trong cùng một cách thức tương tự – vào lời hứa đưa dẫn đến sự thật toàn vẹn của Thần Khí. Mỗi người đều được lãnh nhận các ân huệ và đặc sủng dành riêng cho mình vì ích chung của toàn thể Giáo hội. Tuy nhiên, nhờ ơn trợ giúp của Thần Khí, một số người còn được quyền “tham gia vào cơ chế” khi họ là những thừa tác viên chính thức thuộc cộng đoàn kitô hữu (các linh mục xứ, các giáo vụ được bổ nhiệm) hoặc thuộc tác vụ giảng dạy thần học (được ủy nhiệm theo giáo luật).

 

Đời sống độc thân

Có thể nói một vài điều vắn gọn về đặc sủng này. Hàng tu sĩ được coi như là “các ngôn sứ cơ chế” trong Giáo hội hiện thời; hễ nói đến đời sống độc thân, thì hàng tu sĩ là hình ảnh đầu tiên hiện lên trong trí. Đời sống này đương nhiên cũng bao hàm các thành viên thuộc hàng giáo sĩ triều, theo nghi điển Latinh, cũng như rất nhiều những người âm thầm sống theo ơn gọi ấy mà hiếm khi cộng đồng xã hội chung quanh nhận ra.

Nói về đời sống độc thân của mình, thánh Phaolô đã viết như sau: “Tôi ước muốn mọi người đều như tôi; nhưng mỗi người được Thiên Chúa ban cho đặc sủng riêng, kẻ thế này, người thế khác” (1Cr 7:7); bởi đó, ngài coi đời độc thân như là một ân huệ tuyệt hảo do Thần Khí ban tặng, và ước mong rằng ai cũng có thể lãnh nhận được ân huệ ấy. Từ thuở sơ khai Kitô giáo, có rất nhiều người đã chọn đời sống này.[30] Công đồng Vaticanô II gọi đó là một ân huệ của Chúa Cha:

“Sự thánh thiện của Giáo Hội cũng được đặc biệt khích lệ bởi nhiều lời khuyên Chúa đã đề ra trong Phúc Âm cho môn đệ noi theo. Trong những lời khuyên ấy, trước hết phải kể ân huệ cao quí mà Chúa Cha ban cho một số người (x. Mt 19:11; 1Cr 7:7), để họ tận hiến trọn tình yêu không chia xẻ cho một mình Chúa cách dễ dàng hơn, trong bậc đồng trinh hay độc thân (x. 1Cr 7:32-34)” (LG 42).

“Ðức khiết tịnh ‘vì nước Trời’ (Mt 19:12), mà các tu sĩ khấn giữ, phải được quí trọng như một ân huệ cao cả của ơn thánh,” vốn dĩ mang lại lợi ích trước hết cho người lãnh nhận nó, như công đồng đã nhận định: “…đời sống độc thân kết chặt họ vào Thiên Chúa theo một cách thức khả dĩ đem lại ích lợi cho con người toàn diện của họ” (PC 12). Trong một xã hội ra sức vứt bỏ khả năng lựa chọn đó, thì ân huệ ấy là một chứng cứ hùng hồn cho Đức Giêsu Kitô và Nước của Ngài, bởi vì nó hằng lên án các hình thức tôn thờ ngẫu tượng tình dục.

Đời sống cộng đoàn là mối hiệp thông sống động trong nỗ lực cùng nhau làm cho mức phong phú đoàn sủng tăng thêm lên. Công tác phục vụ mà họ thực hiện, phát xuất từ đoàn sủng riêng biệt Thần Khí đã đặt để nơi mỗi hội dòng – là hoa trái đầu tiên nẩy sinh từ sức sáng tạo đoàn sủng của vị sáng lập. Cộng đoàn Tu sĩ không chỉ là hiện thân của đặc tính thánh thiện trong Giáo hội, nhưng còn hơn thế nữa. Trong Tông huấn Đời sống Thánh hiến (Vita conse­cra­ta), Đức Gioan Phaolô II đã viết như sau: “Đức khiết tịnh trong bậc độc thân và đồng trinh – như là thực trạng biểu lộ việc dâng hiến cho Thiên Chúa với trọn cả con tim (x. 1Cr 7:32-34) – phản ánh tình yêu vô biên nối kết Tam Vị Thần linh lại với nhau trong mầu nhiệm thâm sâu của sự sống giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, tình yêu mà Ngôi Lời Nhập thể đã ra sức làm chứng cho đến độ tận hiến cả mạng sống mình, tình yêu mà ‘Thiên Chúa đã đổ vào lòng chúng ta qua Thánh Thần’ (Rm 5:5).[31] Chúa Thánh Thần tuôn ban các đoàn sủng của Người, đặc biệt như là cung cách ứng đáp trước “các dấu chỉ thời đại”; trên thực tế, mỗi một tu đoàn tân lập đều nhằm vào việc giải quyết một vấn đề cụ thể nào đó; trong thời đại chúng ta, các tu hội đời có thể được coi như một trường hợp điển hình. Ngoài ra, tính chất đa dạng của các tu hội này còn là một dấu chỉ sống động cho thấy sự phong phú của Thần Khí.

Về đời tận hiến, đáng lưu ý hơn nữa là đời sống đan tu: “Thánh Thần – Đấng đã dẫn Đức Giêsu vào hoang địa (x. Lc 4:1) – hằng mời gọi các nữ tu tham dự vào đời sống cô tịch của Đức Kitô Giêsu, Đấng, “nhờ Thần Khí hằng hữu thúc đẩy” (Dt 9:14), đã tự hiến tế chính mình cho Chúa Cha.”[32]

Đời sống độc thân theo dạng đoàn sủng này giúp hướng mở về một viễn cảnh tương lai tuyệt đối, bởi thường xuyên ở trong tư thế sẵn sàng để đón mừng Đấng sẽ ngự đến… Bậc sống độc thân chủ yếu nhằm vào việc mưu ích cho Nước Thiên Chúa, chứ không nhắm đến lợi ích do các việc tông đồ mang lại, dù cũng đóng góp một phần đáng kể vào công cuộc đó. Đời sống này được duy trì nhờ niềm trông cậy vào Nước Chúa, và là một chứng cứ sống động cho thấy rằng thế gian này rồi cũng sẽ “qua đi”, và các thực tại thế gian sẽ không tài nào làm no thỏa được cõi lòng con người mang những khát vọng vô biên. Qua chứng cứ của đời sống thánh hiến, Thần Khí sẽ xét xử thế gian, đối đầu với nó bằng một ‘nhân sinh và vũ trụ quan’ khác, một hệ thống giá trị khác và với một niềm trông cậy ngược hẳn. Hơn bất cứ tại một nơi nào khác, chính ở trong tâm hồn các Tu sĩ, “Thần Khí và Tân Nương nói: ‘Xin Ngài ngự đến!’” (Kh 22:17).

 

Chúa Thánh Thần trong Phụng vụ

Phụng Vụ – trong tiếng Hy lạp có nghĩa là “dịch vụ công” – là việc phụng tự chính thức của Giáo hội. Thoạt đầu, thuật ngữ “thần vụ” đã được phổ biến trong nghi lễ La­­­tinh, nhưng từ thế kỷ thứ 16 trở về sau, truyền thống Bi­dănxiô đã đề xuất và sử dụng thuật ngữ “phụng vụ”. Phụng vụ bao hàm nhiều hành vi thờ kính, và các nghi thức quan trọng thường thấy là Thánh Lễ và các Bí tích, Phụng vụ các Giờ kinh, nghi thức An táng, và một số nghi thức thờ phượng chung khác. Chính trong đời sống phụng vụ của Giáo hội, người kitô dễ dàng nhận ra sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Phụng vụ không phải là một hoạt động riêng tư của bất kỳ ai, nhưng là sự vụ mà Giáo hội thi hành với tư cách là Nhiệm Thể Đức Kitô, là Hiền Thê của Con Chiên, là Đền Thờ của Thần Khí.[33]

Phụng vụ chính là lãnh vực hoạt động của Thần Khí,[34] bởi vì chức năng đặc thù của Ngôi Ba là công cuộc vinh hóa Đức Kitô và Cha; việc tác vụ của Thần Khí là vinh quang (x. 2Cr 3:8). Từ thưở sơ khai Giáo hội, người kitô thường cảm nghiệm về Thần Khí qua việc cử hành phụng vụ; chẳng hạn có thể đọc thấy trong trường hợp của giáo đoàn Côrintô. Đức Giêsu bảo rằng hành vi thờ phượng đích thực phải diễn ra “trong Thần Khí và sự thật” (Ga 4:23tt); điều đó có nghĩa là: tuân giữ Tin mừng đích thực với lương tâm ngay thẳng, “chúng ta thờ phượng Thiên Chúa nhờ Thần Khí của Người” (Pl 3:3). Cộng đoàn thờ phượng thực sự trở thành Đền thờ của Thần Khí, được xây nên bằng những viên đá sống động (x. 1Cr 3:16; 1Pr 2:5). Được Thần Khí “đóng ấn tín,” người kitô mới có thể hô lên “Amen” trong kinh nguyện để tôn vinh Thiên Chúa qua Đức Kitô (x. 2Cr 1:20-22).

Phụng vụ được coi như là một cuộc “hồi niệm”, tức là hoạt động tái diễn – hoặc hiện tại hóa – toàn bộ mầu nhiệm cứu chuộc qua Kinh Thánh và các nghi thức; hết thảy mọi nghi thức phụng vụ đều thấm quyện vào trong Thánh Thần, Đấng linh hứng cho Lời và truyền ban sinh lực cho đời sống Giáo hội. Phụng vụ của Giáo hội Công giáo mang chiều kích Tam Vị: từ việc làm dấu Thánh giá “Nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần” cho đến việc đọc “Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần” – một công thức do chính thánh Badiliô đặt ra – nhằm biểu thị cho thấy rằng mối hiệp nhất của nhiều người (tức chiều kích cộng đoàn) phải được coi là chủ đích nhắm đến của hành vi phụng vụ. Trong phụng vụ, mọi nghi thức phụng thờ, tôn vinh, cũng như các kinh nguyện, đều quy về Chúa Cha – dùng từ “Thiên Chúa” là muốn ám chỉ đến Chúa Cha – qua Chúa Giêsu Kitô và trong Chúa Thánh Thần. Phụng vụ của Giáo hội là một bí tích – một hình ảnh trung thực, một cuộc hồi niệm, hoặc một cuộc tái diễn – của phụng vụ thiên quốc và của phụng vụ hoàn vũ, trong đó hết thảy mọi thụ tạo – đã được Cha ban cho ơn hiện hữu – hoàn trả mọi sự cho Người bằng cách tôn vinh Người qua Con và trong Thánh Thần.[35]

Đời sống phụng vụ là một thực trạng biểu lộ việc hợp tác giữa Thần Khí với Giáo hội. Trước hết, yếu tố nhân loại, tức cộng đoàn, phải được chuẩn bị sao để ở trong một tư thế sẵn sàng hầu có thể đón nhận mầu nhiệm của Đức Kitô với “thái độ tâm hồn thích hợp” và để tham dự vào phụng vụ “một cách ý thức, linh động và hữu hiệu” (SC 11). Kế đến, Thần Khí gợi nhắc cho các tín hữu nhớ về mầu nhiệm của Đức Kitô (x. Ga 14:26); đó là chức năng mà phụng vụ Lời Chúa – cùng với “biến cố tưởng niệm” qua việc cử hành kinh nguyện Thánh Thể – nêu rõ, với tiêu đích nhắm tới là “tưởng nhớ đến Thầy”. Thứ ba, Thần Khí hiện tại hóa mầu nhiệm Đức Kitô: “Lạy Chúa, chúng con tha thiết nài xin Chúa hãy dùng quyền năng Chúa Thánh Thần mà thánh hóa những của lễ [bánh và rượu] chúng con dâng tiến Chúa đây, để trở nên Mình và Máu Con Chúa…” (lời khẩn cầu Thánh Thần I, Kinh nguyện Thánh Thể III). Thứ tư, Thần Khí làm cho Mầu nhiệm ấy đâm hoa kết trái: “…xin Chúa nhân từ ban cho tất cả những ai sẽ thông phần cùng một bánh và chén này, được Chúa Thánh Thần quy tụ tất cả thành một thân thể, trở nên hiến lễ sống động trong Đức Kitô” (lời khẩn cầu Thánh Thần II, Kinh nguyện Thánh Thể IV). Thần Khí hiện diện giữa cộng đoàn tín hữu đang tụ họp, trong lời được công bố và nội tâm hóa, nơi vị chủ tế – hiện thân của việc đồng cử hành lễ Tạ ơn của Giáo hội và Đức Kitô – và nơi bánh, rượu được thánh hiến, nơi cộng đoàn đã được thánh hóa để sai đến với thế gian… Tình trạng thấm quyện vào nhau của lời và bánh, của Đức Kitô với Thần Khí, mật thiết và khắng khít đến độ giờ đây, Giáo hội đã không còn nhắc đến hai bàn tiệc nữa, nhưng chỉ đề cập đến một bàn tiệc duy nhất của lời và bánh mà thôi.[36]

Thần Khí hoạt động cách đặc biệt nơi các bí tích. Các bí tích mở đầu (Rửa tội, Thêm sức và Thánh Thể) được gọi là khai tâm, tức là các bí tích dẫn nhập vào mầu nhiệm. Nghi thức làm phép nước rửa tội, trong đêm canh thức Vượt qua, khởi đầu với lời nguyện như sau: “Ngay từ lúc vũ trụ khởi nguyên, Thánh Thần Chúa đã bay là trên mặt nước, để từ đó nước hàm chứa năng lực thánh hóa muôn loài,” và kết thúc với lời khẩn cầu Thánh Thần (epiclesis): “Lạy Chúa, nhờ công ơn Con Một Chúa, xin cho nước này tràn đầy sức mạnh của Chúa Thánh Thần.” Nhờ đó, người đã lãnh phép rửa nhân Danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần trở nên đền thờ của Thần Khí, nhận được “Thần Khí ban ơn làm nghĩa tử” (Rm 8:15; x. Gl 4:5-6). Trong bí tích Thêm sức, nghi thức đặt tay và xức dầu, hoặc “đóng ấn tín” là những hình ảnh biểu trưng cho mức tuyệt đỉnh của việc Chúa Thánh Thần thông ban các ân huệ. Vị giám mục chủ tế cầu khẩn Thiên Chúa ban Thánh Thần với lời nguyện như sau: “Xin hãy tuôn ban Thánh Thần của Chúa trên họ [các người lãnh bí tích Thêm sức] để Người trở nên Đấng Phù trợ và Đấng Dẫn dắt họ. Xin ban cho họ thần trí khôn ngoan và thông hiểu, thần trí lo liệu và sức mạnh, thần trí suy biết và đạo đức; xin ban cho họ được đầy ơn kính sợ Chúa.” Tiếp đó, với nghi thức xức dầu thánh trên trán, vị giám mục chủ tế đặt tay trên họ và đọc rằng: “Hãy lãnh nhận ấn tín của Ân huệ Thánh Thần.” Bí tích Thánh Thể kết thúc tiến trình khai tâm kitô giáo.

Giờ đây, đặc biệt là trong các phạm vi thuộc đoàn sủng, thường nghe đề cập đến “phép rửa trong Chúa Thánh Thần.” Lời tuyên hứa trong nghi thức thánh tẩy Kitô giáo hàm chỉ một kinh nghiệm về Chúa Thánh Thần: “Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa” (Mt 3:11).[37] Lời diễn tả hùng hồn đó của thánh Gioan Tẩy Giả gợi cho nhớ về các phép ẩn dụ Cựu Ước đã dùng để coi lửa như là phương cách thanh tẩy (x. Is 1:25; 6:5-7; Dcr 13:9; Ml 3:2-3; Hc 2:5; v.v.). Trước cuộc thăng thiên, Đức Kitô đã nhắc lại lời hứa ban phép rửa ấy cho các tông đồ: “Ít ngày nữa, anh em sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần” (Cv 1:5); và lời hứa đó đã được hiện thực hóa trong ngày lễ Ngũ Tuần dưới hình thức là cơn gió và các lưỡi lửa. Đức Giêsu là người đầu tiên lãnh nhận phép rửa đó, và Ngài đã liên hệ nó với Thập giá và cuộc Tử nạn (x. Lc 12:49-50). Người kitô cũng được lãnh nhận phép rửa đó nữa, như Đức Giêsu đã mời gọi các môn đệ “chịu phép rửa mà chính Ngài đã chịu” (x. Mc 10:38). Phép rửa người kitô lãnh nhận – tất nhiên là bằng nước – luôn là phép rửa theo dạng này: “Anh em không biết rằng khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao?” (Rm 6:3). Một số giáo phái Ngũ Tuần đã phân biệt phép rửa “trong lửa” như một dạng phép rửa khác; trong Kitô giáo, luôn chỉ có một phép rửa duy nhất, qua đó, Thần Khí được trao ban như là ân huệ tha thứ mọi tội lỗi (ngọn lửa thanh luyện và khơi dậy lòng thống hối). Cách biểu đạt “phép rửa trong Chúa Thánh Thần” ám chỉ đến một dạng kinh nghiệm cảm quan về Thần Khí – dưới trạng thái xuất thần hoặc qua các hình thức tương tự khác – thường thấy xuất hiện nơi những buổi cầu nguyện nhóm có khuynh hướng thiên về các yếu tố tâm lý. Lối diễn tả “trong lửa” biểu thị tác động nhen lên ngọn lửa trong tâm hồn các tín hữu để họ đủ sức thực thi thừa tác vụ mà Tin Mừng đòi hỏi. Các dạng kinh nghiệm như thế có thể là hữu ích, nhưng không cần thiết phải có và cũng chẳng hề là dấu chỉ nói lên mức độ thánh thiện cao hơn.

Các bí tích chữa lành (Hòa giải và Xức dầu) cũng trở nên hữu hiệu nhờ Chúa Thánh Thần. Bí tích Hòa giải là tác vụ đặc biệt của Thần Khí Tình Yêu, của Đấng kiến tạo tinh thần hiệp nhất, như phụng vụ thưa lên qua những lời cầu trong các Kinh nguyện Thánh Thể. Chỉ cần đề cập đến công thức giải tội – trong đó, linh mục giải tội nhắc lại cho nhớ rằng “Thiên Chúa là Cha hay thương xót… đã ban Thánh Thần để tha tội,” và tuyên bố việc tha tội “nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần” – thì cũng đã đủ để diễn tả trọn vẹn về tác vụ hòa giải của Thần Khí. Bí tích Xức dầu được chuẩn bị qua việc ban phép lành trên dầu bệnh nhân, với lời khẩn cầu thường lệ: “Xin hãy gửi Chúa Thánh Thần, là Đấng ban ơn trợ giúp và là Bạn hữu của con người, xuống trên dầu này…” và được ban cho bệnh nhân với công thức sau đây: “Qua phép xức dầu thánh này, nhờ tình yêu và lòng nhân hậu của Chúa, xin Chúa dùng ơn Chúa Thánh Thần mà giúp đỡ người này.”

Các bí tích giúp xây dựng cộng đoàn (Truyền chức Thánh và Hôn phối) mang một tính chất đặc biệt. Phép Hôn phối không có một công thức phụng vụ, bởi vì đôi bạn đời chính là những thừa tác viên, và Thiên Chúa chỉ biến đổi hôn nhân tự nhiên thành bí tích. Bí tích Truyền chức Thánh là một nghi thức đượm đầy sự hiện diện của Thần Khí; song ở đây, bài viết không bàn sâu vào vấn đề này, mà chỉ muốn lưu ý đến các “dạng” khẩn cầu Thần Khí khác nhau xin Người ngự xuống trên mỗi thụ viên thuộc các cấp khác nhau trong phẩm trật thánh chức: đối với bậc phó tế, vị giám mục chủ tế cầu xin cho các thụ viên được lãnh nhận “Chúa Thánh Thần, để họ có thể trở nên vững mạnh nhờ bảy ân huệ Chúa Cha ban…”; đối với bậc linh mục: “xin hãy để Thần Khí thánh thiện đổi mới tâm can họ”; còn bậc giám mục thì được ban cho “Thần Khí cai quản”.

Kinh Thần vụ, hoặc Phụng vụ các Giờ kinh, là lời kinh chính thức của Giáo hội. Nó được cấu thành từ các bản văn Kinh Thánh, đặc biệt là các Thánh Vịnh, lời kinh của dân Thiên Chúa qua Thần Khí của Người; đó là nguyên mẫu của lời kinh “linh hứng”.

 

Thần Khí tràn đầy

Ngọn gió thổi vào cánh buồm và đẩy con thuyền Phêrô đi tới… nhưng gió thì không thể bị giam hãm trong thuyền. Tự bản tính tột cùng của mình, Thần Khí chảy tràn ra khỏi bất cứ thứ bình nào chứa đựng Người, phá tan mọi thứ rào cản và, giống như mưa, làm cho mọi cánh đồng trở nên phì nhiêu, tươi tốt. Giáo hội học đã hướng suy tư của mình vào tầm nới rộng vô hình của Giáo hội, chẳng hạn như khi triển khai chủ đề về Giáo hội như là bí tích cứu độ phổ quát. Ở đây, xin chỉ lược trình một số thí dụ điển hình về vấn đề vừa nêu.

Giữa lòng Giáo hội ngày nay, hơn bất cứ sự kiện nào khác, Phong trào Thánh Linh Công giáo, cùng với đà triển dương sức nhiệt thành thiêng liêng của nó,[38] đã góp một phần quan trọng vào việc nới giãn các giới mốc phân ranh của cơ chế. Phong trào này đã giúp dồn chú tâm nhiều hơn vào thực trạng Thần Khí hiện diện trong Giáo hội, đưa các đặc sủng vốn có xưa nay, vào những điều kiện mới mẻ, canh tân phụng vụ, và đã khơi dậy một phong trào tham gia đại chúng vào công tác cầu nguyện. Phong trào này chào đời hồi tháng 2, năm 1967, khi một số giáo sư và sinh viên thuộc trường đại học Duquesne, thành phố Pittsburg, tiểu bang Pennsylvania, Mỹ, sống qua kinh nghiệm về sức tác động của Thần Khí Thiên Chúa mà họ coi như là biến cố “được nhận lãnh phép rửa trong Thần Khí.” Ngọn lửa phong trào này nhóm lên đã nhanh chóng lan rộng đến các nghiên cứu sinh cùng các giáo sư thuộc trường đại học Notre-Dame và các trường lân cận ở Lansing, Michigan. Tiếp tục được truyền lan nhanh rộng, và kể từ năm 2003, phong trào Canh tân Đặc sủng của Giáo hội Công giáo đã hiện diện tại hơn 230 quốc gia với trên 150.000 nhóm cầu nguyện và con số thành viên đã vượt ngưỡng 119 triệu người. Phong trào này từng được đức Hồng y Leo J. Suenens ủng hộ và đã sớm được đón nhận ở khắp nơi trong Giáo hội. Dù đã nhìn thấy các khía cạnh tích cực của phong trào, Đức Phaolô VI cũng tỏ rõ thái độ dè dặt; về phần mình, Đức Gioan Phaolô II có thái độ cởi mở hơn và đã nhiều lần tỏ lời khen ngợi phong trào; Đức Bênêđíctô XVI, lúc còn làm Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, đã viết lời đề tựa như sau cho một cuốn sách của Đức Hồng y Suenens: “Giữa một thế giới nhiễm đầy thứ chủ nghĩa hoài nghi duy lý, một kinh nghiệm mới mẻ về Chúa Thánh Thần lại đột nhiên bùng phát lên. Và, kể từ lúc đó trở đi, kinh nghiệm ấy đã mặc lấy tầm vóc của một phong trào canh tân lớn rộng trong khắp thế giới. Những gì Tân Ước trình bày cho chúng ta về các đặc sủng – vốn đã được nhận ra như là các dấu hiệu hữu hình biểu lộ cuộc ngự đến của Thần Khí – không chỉ là một thực kiện lịch sử xa xưa mà nay đã hoàn toàn kết thúc, bởi vì nó hiện đang trở thành một vấn đề hết sức thời sự.”[39] Ngày 14.09.1993, Hội đồng Giáo hoàng Đặc trách về Giáo dân – theo điều khoản 116 – đã công nhận các Ủy ban Canh tân Đặc sủng Công giáo Quốc tế (International Catholic Charismatic Renewal Services). Ngày 05.11.2006, Đức Bênêđíctô XVI đã gửi lời chào thân ái đến các thành viên – đang tụ họp ở Brazil – thuộc vô số các cộng đoàn khơi nguồn từ “dòng ân sủng” nơi Phong trào Canh tân Đoàn sủng Công giáo. Là những chứng tá cho niềm hoan hỷ được làm người kitô, các đoàn nhóm thuộc phong trào nói đến rất nhiều về “phép rửa trong Thánh Linh”[40] như là một kinh nghiệm biến đổi đặc thù.

 

Phong trào đại kết

Dọc bên ngoài các đường ranh giới của Kitô giáo, Thần Khí cũng đóng giữ một vai trò tác động tích cực. Là “mối dây hiệp nhất” giữa Cha và Con, tất Thần Khí phải có một mối lưu tâm đặc biệt đối với tình trạng rạn nứt và phân lìa trong Giáo hội; có thể nói rằng mối bận tâm đó đã dồn thúc thánh Phaolô viết về các đoàn sủng! Phong trào Đại kết đã được rộng rãi nhìn nhận như là một cách thức can thiệp của Thánh Thần. Nếu có điều nào làm phiền lòng Thánh Thần (x. Ep 4:30) trong thời đại này, thì phải nói ngay rằng đó chính là thực trạng đáng buồn của các cuộc chia rẽ kitô. Công đồng Vaticanô II đã khẩn thiết kêu cầu “sức thôi thúc của ân sủng này nơi các anh em phân ly với chúng ta… nhờ tác động thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, nhằm vào việc tái lập mối hiệp nhất giữa toàn thể các kitô hữu” (UR 1). Nhận ra sự hiện diện của Thánh Thần bên ngoài Giáo hội Công giáo, và dùng một cung cách biểu đạt khác, công đồng đã diễn tả như sau: “nhiều yếu tố thuộc về ơn thánh hóa và chân lý có thể được tìm thấy bên ngoài cơ cấu hữu hình của Giáo hội Công giáo. Tuy vậy, các yếu tố đó – xét như là những ân huệ riêng của Giáo hội Chúa Kitô – hàm chứa một sức năng động nội tại hướng đến mối hiệp nhất Công giáo” (LG 14). Dựa vào đó, có thể minh nhiên quả quyết rằng Thánh Thần hiện diện trong chính phong trào đại kết và nơi các Giáo hội không-Công giáo theo các cách thế và mức độ khác nhau. Ân huệ thánh hóa được trao ban qua phép rửa; dù bất cứ nơi đâu, hễ khi nào có một cuộc chịu phép rửa thành sự – tức nhân danh Ba Ngôi Thiên Chúa – thì bao giờ Thần Khí cũng được trao ban. Các phương tiện thánh hóa là các nghi thức cử hành phụng vụ của các giáo hội anh em – cần nhắc lại là theo những mức độ khác nhau – với các tác vụ Lời Chúa, một số các bí tích khác, bí tích Thánh Thể, và các nghi thức ít nhiều đầy đủ khác. Các ân huệ ban ơn thánh thiện, cả đến mức độ anh hùng, cũng thường dễ dàng nhận thấy nơi các Giáo hội khác; đó là những dấu chỉ rõ ràng sự hiện diện của Thần Khí. Nhiệt tâm truyền giáo và lòng yêu mến dành cho Lời Chúa của các anh em ly khai là những đặc nét rất đáng kính phục. Cũng có thể nói tương tự như thế về các “yếu tố chân lý”. Đức tin mạnh mẽ, thường là rất mực sáng suốt, là dấu chỉ hàng đầu về sự hiện diện của Thánh Thần. Mức am tường Kinh Thánh đạt đến những tầm cao lắm lúc trội vượt tín hữu công giáo. Thái độ nhất quyết sống theo Sách Thánh biểu thị một lòng sùng kính sâu xa – thật đáng ca ngợi – đối với chân lý thần linh. Việc chọn lựa sống theo một số khía cạnh nào đó của chân lý có thể là thái độ quá khích – như G. K. Chesterton đã nhận định – nhưng dù gì đi nữa, nó cũng giúp cho lưu tâm nhiều hơn đến các phần chân lý có thể bị chôn vùi dưới tầng tầng lớp lớp trong toàn bộ kho tàng chân lý công giáo của chúng ta; v.v…

Thần Khí hẳn đã hiện diện nơi các anh em Tin lành khi họ khởi sự thành lập Hội đồng Thế giới các Giáo hội (1937) và đến nay, tổ chức đã quy tụ được hơn 340 giáo hội thành viên. Dù vẫn còn bao nhiêu điều phải làm, nhưng ít ra, cũng đã có một “hạt giống” hiệp nhất được gieo xuống. Thần Khí đã lay động Giáo hội Công giáo khi Đức Gioan XXIII quyết định triệu tập công đồng chung Vaticanô II, trong đó, các anh em không-Công giáo cũng đã tham dự. Thần Khí hiện diện nơi Đức Giáo hoàng Phaolô VI và Đức Thượng phụ Atênagôra I lúc các ngài ôm chầm lấy nhau ở Giêrusalem (1964) và cùng tuyên bố chấm dứt tình trạng tuyệt thông lẫn nhau kéo dài từ năm 1054; dù khó khăn vẫn còn đó, tuy nhiên các ngài vẫn tin tưởng rằng “Nhờ sức tác động của Chúa Thánh Thần, các vấn đề gây trở ngại cho cả đôi bên sớm muộn gì rồi cũng sẽ được giải quyết qua thái độ biết thanh tẩy tâm hồn.”[41] Tiếp đó, ngày 10 tháng 5 năm 1973, Đức Phaolô VI và Đức Shênouđa, thượng phụ thành Alếc­xăn­đria, đã cùng nhau ký vào một bản tuyên bố chung – bản thỏa ước đầu tiên kể từ sau cuộc ly khai năm 451. Đức Gioan Phaolô II đã cho ban hành thông điệp Ut unum sint (1995) và thiết lập Hội đồng Giáo hoàng Cổ vũ Hiệp nhất Kitô (1988). Năm 1979, Đức Gioan Phaolô II đã có cuộc hội kiến với Đức Đimitriô I – vị kế nhiệm Đức Thượng phụ Atênagôra – tại hội nghị Đối thoại giữa Giáo hội Công giáo và tất cả các Giáo hội Chính thống – nhóm họp tại Pha­nar – về các vấn đề liên quan đến khả năng xác lập mối hiệp thông chính thức với Tòa thượng phụ Côngxtăng­ti­nốp; và còn rất nhiều sự kiện khác nữa. Về mối quan hệ với các giáo hội Tin lành, ngày 31.10.1999, Giáo hội Công giáo và Liên minh Thế giới các Giáo hội Lutêrô đã cùng ký vào một bản tuyên bố chung về các điểm đồng thuận có tính cách căn bản – mà đôi bên đã đạt được sau một thời gian dài tiến hành các cuộc gặp gỡ đại kết và những hội nghị bàn luận các vấn đề thần học – liên quan đến Giáo lý về ơn Công chính hóa; và 5 năm sau đó, tại Hoa Kỳ, đôi bên cũng đã cho ra một bản tuyên bố chung về chủ đề Giáo hội như là Koinonia (hiệp thông) của ơn Cứu độ: các Cấu trúc và Thừa tác vụ.Năm 2005, Đức Bênêđíctô XVI đã có các cuộc tiếp kiến, trong tinh thần thẳng thắn và thái độ thân mật, với các anh em thuộc Giáo hội Tin lành Lutêrô ở quê hương ngài; tại đây, ngài đã nói những lời phát biểu mà cả trong những thời gần đây, không ai có thể tưởng tượng nổi là phát xuất từ miệng của một vị Giáo hoàng: “mối hiệp nhất này không thể được gọi là ‘cuộc trở về đại kết’: tức như là tỏ thái độ phủ nhận và chối bỏ tiến trình lịch sử đức tin của riêng một phía nào đó. Tuyệt đối không thể có điều đó!”[42] Đây chỉ là phần nổi rất nhỏ thuộc những gì Thần Khí đang thực hiện trong Kitô giáo ngày nay, như lời Đức Gioan Phaolô II đã từng nhận định: “Đôi khi, dường như chúng ta đang tiến sát hơn đến giới mức cuối cùng của khả năng đạt được mối hiệp thông ‘đích thực, dù chưa trọn vẹn’. Cách đây một thế kỷ, ai từng có thể mường tượng ra nổi một điều như thế?”[43] Quả thật, Thần Khí Sáng tạo hiện diện rất rõ trong Giáo hội ngày nay.[44]

 

Chúa Thánh Thần với sứ mạng Truyền giáo

Hoạt động truyền giáo là chiếc cầu nối dài từ bên trong Giáo hội sang thế giới bên ngoài. Chúa Thánh Thần chính là Đấng làm cho Giáo hội trở thành truyền giáo: “Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành phải truyền giáo; vì chính Giáo Hội bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần theo Ý Ðịnh của Thiên Chúa Cha” (AG 2); đó chính là nền tảng của truyền giáo học và còn dám nói là của cả giáo hội học nữa. Nhìn vào tiến trình lịch sử, có thể nhận thấy như công đồng Vaticanô II nói:

“Chính Chúa Giêsu trước khi hiến mạng sống mình cho thế gian một cách tự do, đã xếp đặt chức vụ Tông Ðồ và hứa sai Chúa Thánh Thần đến hầu chức vụ và việc sai ban Chúa Thánh Thần liên kết với nhau, để công trình cứu chuộc luôn luôn đem lại kết quả khắp nơi. Qua mọi thời đại, Chúa Thánh Thần ‘hợp nhất toàn thể Giáo Hội trong mối hiệp thông và thừa hành, ban phát các ơn phẩm trật và đặc sủng khác nhau’, như là linh hồn làm sống động những Tổ Chức trong Giáo Hội và đổ dần vào lòng các tín hữu cũng một tinh thần truyền giáo đã thúc đẩy chính Chúa Kitô. Ðôi khi Chúa Thánh Thần lại chuẩn bị một cách hữu hình cho hành động truyền giáo, và không ngừng dùng những phương thế khác nhau để theo sát và hướng dẫn” (AG 4).

Có lẽ qua công cuộc truyền giáo, Giáo hội có được kinh nghiệm rõ ràng nhất về quyền năng tác động của Thần Khí; đó là điều có thể hiểu được, bởi vì “Hoạt động truyền giáo không phải là điều gì khác ngoài việc làm cho hiển hiện trọn vẹn cùng hoàn tất ý định của Thiên Chúa trên trần thế và giữa lịch sử nhân trần” (AG 9). Giáo hội hằng dạy rằng “chẳng ai chấp nhận thứ tin mừng được rao giảng mà không có ơn soi sáng và linh hứng của Chúa Thánh Thần; chính Người là Đấng mang lại sự êm dịu cho hết thảy mọi tâm hồn để họ có thể hài lòng đón nhận và tin vào chân lý.”[45]

Hoạt động của nhà truyền giáo cũng giống như việc rút ngắn lại thành chốc lát toàn bộ thời gian của tiến trình lịch sử cứu độ trải dài hàng ngàn thiên niên kỷ dưới sự dẫn dắt từ đầu chí cuối của Thần Khí: “Chúa Thánh Thần là Ðấng kêu gọi mọi người đến với Chúa Kitô, thúc đẩy tâm hồn họ vâng phục đức tin nhờ hạt giống Lời Chúa và việc rao giảng Phúc Âm. Chính khi Ngài sinh những kẻ tin Chúa Kitô trong lòng Giếng Rửa Tội để sống đời sống mới, Ngài tập họp họ thành một Dân Chúa duy nhất” (AG 15). Hoạt động truyền giáo luôn là một mối “đồng tâm hiệp lực” giữa nhà thừa sai với Thần Khí. Thiết tưởng chỉ cần nêu lên tựa đề chương III của bức thông điệp Redemptoris missio (Sứ mệnh Đấng Cứu Độ) của Đức Gioan Phaolô II – “Chúa Thánh Thần: Tác nhân chính yếu của sứ mạng Truyền giáo” – thì cũng đủ để nhấn mạnh vai trò mà Thánh Thần đóng giữ nơi sứ mạng truyền giáo của Giáo hội.

Nếu dõi theo quá trình lịch sử, tất có thể hiểu được hoạt động của Thần Khí trong những cuộc tái thức tỉnh tinh thần truyền giáo nơi nhiều nhà thừa sai. Chẳng hạn, thời Trung Cổ, khi các người Hồi giáo đe dọa việc sống còn của Kitô giáo, thì Thần Khí đã thúc giục các tu sĩ Phanxicô và Đa­minh tiến hành công cuộc truyền giáo nhắm tới vùng trung Á, Ấn độ và Trung quốc. Thời phong trào Phục hưng, lúc các ý thức hệ nhân văn chủ nghĩa và các cuộc ly khai của anh em Tin lành đã tạo ra một tình trạng lung lạc khá trầm trọng cho Giáo hội, thì Thần Khí lại sắp đặt cho xảy ra cuộc tìm ra Tân Thế giới (Mỹ châu), và đã giúp khai mở một lộ trình hướng sang Á châu, nhằm tiếp tục tiến hành sứ mạng của Đức Kitô. Nếu vào thời kỳ cuối cuộc Cách mạng Pháp cũng như các cuộc chiến tranh của Napôlêôn, Giáo hội đã phải lâm vào một cảnh trạng bi đát nhất (Dòng Tên bị giải thể, Đức Giáo hoàng bị bắt cóc…), thì thế kỷ 19 lại chứng kiến những bước phục hồi ngoạn mục nhất của công cuộc truyền giáo với sự chào đời của rất nhiều hội dòng truyền giáo, của truyền giáo học, của các ấn phẩm truyền giáo, v.v.; hầu hết các Giáo hội địa phương tại Phi châu và Á châu đã hình thành như là kết quả tất yếu của các công cuộc truyền giáo trong giai đoạn này. Giáo hội không bao giờ phải rơi vào tình trạng tuyệt vọng, bởi đã có Thần Khí của niềm Hy vọng làm “linh hồn”.

 

Chúa Thánh Thần với anh chị em không kitô

“Ngoài Giáo Hội không có ơn cứu độ”, nhưng vẫn có Chúa Thánh Thần. Thánh Irênê thành Lyon (lối n. 130-202) đã nói: “Ở đâu có Giáo Hội, thì ở đó có Thần Trí Thiên Chúa; và ở đâu có Thần Trí Thiên Chúa, thì ở đó có Giáo Hội và mọi thứ ân sủng” (Ad. Haer. 3.24.1). Thần Trí, Giáo Hội và ơn cứu độ thì một cách nào đó, tương thuộc vào nhau, nhưng là trong một cách thức nhiệm mầu đến độ xem ra vượt khỏi khuôn khổ tổng hợp của trí óc loài người. Tuy nhiên, phương thức phân tích lại giúp cho phân biệt – chứ không phân rẽ – những khía cạnh khác nhau của thực tại; tiêu điểm đang nhắm tới ở đây là sự hiện diện của Chúa Thánh Thần.

Như đã lưu ý, “hạt giống Ngôi Lời” đã được Thần Khí Thiên Chúa gieo xuống khắp nơi. Bản tuyên bố Dominus Jesus nói rằng “gần đây, Huấn quyền Giáo hội đã mạnh mẽ và rõ ràng nhắc lại chân lý về phương án duy nhất của Thiên Chúa, đó là: ‘Sự hiện diện và hoạt động của Thần Khí ảnh hưởng không những đến các cá nhân, mà còn đến cả xã hội và lịch sử, đến các dân tộc, các nền văn hóa cũng như các tôn giáo khác nữa… Đức Kitô Phục Sinh ‘hiện đang hoạt động nơi tâm hồn con người qua sức mạnh của Thần Khí Người’… Hơn nữa, chính Thần Khí là Đấng gieo ‘hạt giống của Lời’, những hạt giống đang hiện diện nơi các phong tục cùng các nển văn hóa khác nhau, và Người đang chuẩn bị cho chúng đạt tới mức độ thành toàn trọn vẹn trong Đức Kitô.”[46] Bởi lẽ Ngôi Lời là Ánh sáng chiếu soi mọi người sinh ra trong thế gian (x. Ga 1:9), và Người là Sự thật (x. Ga 14:6); do đó, ở đâu có chân lý thì ở đó có Ngôi Lời và Thần Khí hiện diện. Thần học dạy rằng không có chuyện có những nhân đức thuần nhân loại; nếu cho là có thì chỉ là chuyện trừu tượng; trong thực tế, chẳng có nhân đức nào mà không do ơn thánh hộ trợ. Công đồng Vaticanô II đã chính thức nhìn nhận chân lý này: “Những người, không do lỗi mình mà không được biết đến Phúc âm của Đức Kitô hoặc Giáo hội của Người, nhưng lại chân thành tìm kiếm Thiên Chúa và nhờ ơn thánh tác động mà biết ra sức hành động theo ý của Thiên Chúa, nhận thức qua tiếng lương tâm, thì cũng đạt tới được ơn cứu độ. Thiên Chúa Quan phòng cũng không từ chối ban những trợ giúp cần thiết để nhận được ơn cứu độ cho những ai, không do lỗi mình, mà chưa nhận biết được Thiên Chúa một cách rõ ràng, nhưng lại nhờ ơn Ngài mà ra sức sống một đời sống tốt lành. Bất cứ những gì tốt lành hoặc sự thật tìm thấy ở giữa họ, thì đều được Giáo hội coi là những bước chuẩn bị cho việc đón nhận Tin Mừng” (LG 16). Và Công đồng kết luận: “Vì lẽ Đức Kitô đã chết cho mọi người, và bởi cứu cánh tối hậu của con người thực sự chỉ có một và là thần linh; thế nên, cần phải tin rằng trong cách thức chỉ một mình Thiên Chúa biết, Chúa Thánh Thần giúp cho mỗi một người có đủ những gì cần để có thể thông dự vào mầu nhiệm phục sinh” (GS 22). Tầm trọng yếu của các văn đoạn này quả thật rộng lớn. Trước tiên, Thần Khí hằng hoạt động trong các tâm hồn ngay lành, như Giáo hội hằng nói lên trong Kinh nguyện Thánh Thể IV, qua lời cầu cho: “mọi người đang thành tâm tìm Chúa.” Thứ đến, giá trị đích thực của mọi nền văn hóa đều được bảo dưỡng bởi Thần Khí Thiên Chúa (NA 2). Và thêm nữa, nơi những nghi thức, những giới lệnh và truyền thống phong phú, các tôn giáo chứa chất đầy những giá trị đích thực, có khả năng trở thành những phương tiện thông chuyển ơn thánh của Chúa. Đó là giáo lý phổ biến trong Giáo hội: “Như thế, ‘muốn thổi đâu thì thổi’ (Ga 3:8), cũng như ‘đã từng hoạt động trong thế giới ngay cả trước khi Đức Kitô được vinh hiển,’ và ‘đã ngập tràn cõi đất,… bảo toàn mối hiệp nhất giữa muôn vật muôn loài, [cùng] thấu hiểu hết mọi lời mọi tiếng’ (Kn 1:7), Thần Khí hướng dẫn chúng ta đến chỗ mở rộng tầm nhìn để cân nhắc hoạt động của Người ở mỗi thời và mỗi nơi.”[47] Như thế, có thể nói về “một thứ chức năng trung gian mà các tôn giáo đóng giữ trong việc truyền chuyển cho các đạo hữu của mình, ơn thánh và hồng ân cứu độ Thiên Chúa ban tặng, cũng như trong cách diễn tả thái độ đáp trả tích cực đối với món quà trao ban chính mình của Thiên Chúa.”[48] Thần Khí luôn luôn là Thần Khí của Đức Kitô, và Người hằng hoạt động để đưa Vương quốc của Đức Kitô đến mức thành toàn hoàn hảo, Vương quốc mà hiện nay mầm giống và dấu chỉ chính là Giáo hội.

Hiểu như thế thì giúp cho xác tín rằng Chúa Thánh Thần cũng hằng có mặt ở đằng sau những nỗ lực đối thoại liên tôn. Nếu diễn ra trong tinh thần và bầu khí cầu nguyện, thì những nỗ lực này thế tất sẽ được sức năng động của Thần Khí làm cho thu đạt được những thành quả tích cực. Phương án tạo dựng và cứu độ chỉ duy có một, và qua cuộc nhập thể, Đức Kitô đã một cách nào đó, liên kết chính mình Ngài với mọi người (GS 22); do đó, trong Đức Kitô, tất cả chúng ta có được cội gốc của mối hiệp nhất giữa loài người chúng ta, dù chúng ta không hay biết; tiềm ẩn trong nơi sâu kín của bản thể mọi người, có một dạng “thiên hướng” dục thúc tiến tới chỗ trở thành phần tử của Dân Thiên Chúa (LG 13). Tự cơ bản, gia đình nhân loại phải là một, phải là duy nhất, với một nguồn gốc duy nhất và một cùng đích duy nhất; Thần Khí đang giữ cho mối hiệp nhất ấy tồn tại như hiện có, và đang tiếp tục đưa dẫn nó tới tình trạng hiệp nhất chung cục mà chỉ một mình Thiên Chúa biết rồi sẽ như thế nào. Trong kinh nguyện, Thần Khí Đức Kitô – một cách nào đó – sẽ làm cho những hạt giống kia đâm chồi nẩy lộc. Mọi dạng thức đối thoại, và bất cứ mục tiêu nhắm tới nào đầu óc chúng ta có thể nghỉ ra, thì cũng đều được Thần Khí dùng vào việc hiện thực hóa cùng một mục đích ấy.

[còn tiếp]

 

[1] Contra Celsum, 8; SC 150:224.

[2] LG 4, đây là câu trưng dẫn lời thánh Cyprianô, De oratione dominica 23, PL 4.553. Công đồng cũng dẫn lại lời thánh Âugutinô phát biểu như sau, trong Sermo 71. 20.33, PL 38.463: Giáo hội… “là – có thể nói như vậy – công trình đích thực của Chúa Thánh Thần, đương nhiên là với sự hiệp tác của cả Cha và Con, bởi vì Thánh Thần, nói theo một ý nghĩa chắc chắn, là một đoàn thể gồm chính mình, Cha và Con (Societas est quodammodo Patris et Filii ipse Spiritus Sanctus) … Thánh Thần kết liên chặt chẽ với Cha và Con, vì Người là Thần Khí duy nhất của cả hai Đấng ấy.”

[3] Thánh Tôma Aquinô, Tổng Luận Thần Học, I q. 43 a. 7.

[4] Thông điệp Chúa và là Đấng ban Sự sống, số 28.

[5] Công đồng đề xuất một danh sách phong phú về các nguồn liệu tham khảo; xin xem: Leo XIII, Epist. Encycl Divinum illud, 9 maii 1897: AAS 29 (1896-97) tr. 650. Pius XII, Litt Encyl. Mystici Corporis, 1. c., tt. 219-220; Denz. 2288 (3808).S. Augustinus, Serm. 268, 2: PL 38 232, ct alibi. S. Io. Chrysostomus in Eph. Hom. 9, 3: PG 62, 72. Didy­mus Alex., Trin. 2, 1: PG 39 49 s. S. Thomas, In Col. 1, 18 cet. 5 ed. Marietti, II, n. 46 (Sicut constituitur unum corpus ex unitate animae, ita Ecelesia ex unitate Spiritus…).

[6] Đức Gioan Phaolô II, bài Huấn giáo ngày 8 tháng 7 năm 1998.

[7] Xin xem Karl Rahner, The Dynamic Element in the Church (Quaes­tiones Disputatae, 12), Herder and Herder, New York, 1964; xin cũng xem Opsahl, Paul D. ed.,  The Holy Spirit in the Life of the Church, Augsburg, Minneapolis, 1978.

[8]  Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 737.

[9]Avery Dulles, SJ, The Catholicity of the Church, Oxford: Clarendon, 1985.

[10] John J. Burkhard, OFMConv. Apostolicity Then And Now: An Ecumenical Church In A Postmodern World, Collegeville: Liturgical Press, 2004.

[11] Hans Küng, The Church, New York: Sheed and Ward, 1968; “The Charismtic Structure of the Church” trong: Concilium, Vol. 1 (London 1965) Issue 4, tt. 23-33.

[12] Xem, chẳng hạn, LG 4; 12; 49; AA 3; AG 4; 29.

[13] Xem Kinh Tiền tụng các Tông đồ I, sách Lễ Rôma.

[14] Thánh Ambrôxiô, In Psalm. 118. 14,30, PL 15.1403A.

[15] Xem Yves Congar, Jalons pour une théologie du laïcat, Paris : Cerf 19542, Ch.V, tt. 314-366.

[16] Xem Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 1994.

[17] FABC VI (1995), số 7.

[18] Xem chẳng hạn trong Dr. Zeni Fox, Laity in Leadership Roles in the Church in the United States Today: A Theological and Pastoral Over­view, Washing­ton: FADICA, 2000.

[19] CÐ Trentô, khóa 23, ch. 3, trích 2Tm 1:6-7 để chứng minh phép truyền chức thánh thực sự là một bí tích: Dz 959 (1766).

[20] Trong Trad. Apost. 3, x.b. Botte, Sources Chrétiennes, tt. 27-30, Giám Mục có chức linh mục cao nhất (primatus sacerdotii). XemSacramentarium Leonianum, x.b. C. Mohlberg, Sacramentarium Veronense, Roma, 1955, tr. 119: “ad sum­mi sacerdotii ministerium… Comple in sacerdotibus tuis mysterii tui sum­mam”… n.t., Liber Sacramentorum Romanae Ecclesiae, Roma, 1960, tt. 121-122: “Lạy Chúa, xin ban cho họ ngai giám mục để họ điều khiển Giáo Hội Chúa và toàn dân”: x. PL 78, 224.

[21] Tông huấn Vita Consecrata, số 84.

[22] Xem Mt 3:16; Lc 4:18; Cv 4:27; 10:38.

[23] Xem 1Pr 2:5.9.

[24] Xem Thánh Âugutinô, De Praed. Sanct. 14, 27 : PL 44, 980.

[25] Adversus Haereses III.24.1.

[26] Boyle, John P. Church Teaching Authority: Historical and Theological Studies, University of Notre Dame Press, 1995.

[27] O’Meara, Thomas F., “Divine grace and human nature as sources for the universal magisterium of bishops,” Theological Studies,64 (2003) tt. 683-706.

[28] John Boyle, “The Ordinary Magisterium: Towards a History of the Concept,” Heythrop Journal 20 (1979) tt. 380-98, và 21 (1980) tt. 91-102.

[29] Đức Gioan Phaolô II, Tông huấn Hậu-Thượng Hội đồng Giám Mục Vita consecrata (Đời sống Thánh hiến), 1996, số 13.

[30] Stefan Heid, Celibacy in the Early Church, San Francisco: Ignatius, 2000.

[31] Tông Huấn “Đời sống Thánh hiến” (Vita consecrata), 1996, số 21.

[32] Thánh Bộ các Tu hội Đời sống Thánh hiến, “Sponsa Verbi, Instruction on the Contemplative Life and on the Enclosure of Nuns,”1999, số 3.

[33] Xem Louis Bouyer, Liturgical Piety. Notre Dame, IN: University of Notre Dame Press, 1955.

[34] John H. McKenna, Eucharist and Holy Spirit: The Eucharistic Epiclesis in the Twentieth Century Theology (1900 – 1966)(Alcuin Club Collections, 57), Great Wakering, England, 1975; Joseph M. Powers, Spirit and Sacrament, New York: Seabury, 1973; Louis Bouyer, Le Consolateur, Paris: Cerf, 1980, 339- 354; G. Wainwright, Doxology. The Praise of God in Worship, Doctrine and Life, New York: Oxford Univ.Press, 1980.

[35] Cyprian Vagaggini, “From the Father, Through Christ, in the Holy Spirit, To the Father: The Liturgy and the Christological – Trinitarian Activity in the Divine Plan,” Theological Dimensions in the Liturgy, Collegeville: Liturgical Press, 1976, tt. 171-246.

[36] Lời tựa trong Bản dự thảo (Lineamenta) của Thượng Hội đồng Giám mục 2008.

[37] Có thể đọc thấy về phép Rửa “trong” – “với” hoặc “nhờ” – Chúa Thánh Thần (en pneuymati agio) nơi 7 văn đoạn Kinh Thánh Tân Ước khác nhau (Mt 3:11; Mc 1:8; Lc 3:16; Ga 1:33; Cv 1:5, 11:16 và 1Cr 12:13). Chúa Kitô luôn là Đấng thực hiện phép Rửa và Chúa Thánh Thần là tác nhân của ơn thánh hóa.

[38] Xem Hamilton, Michael P. ed. The Charismatic Movement. Grand Rapids: Eerdmans, 1975; Paul Josef Cordes, Call to Holiness: Reflections on the Catholic Charismatic Renewal. Michael Glazier Books, 1997.

[39] Đức Hồng y Leo Suenens, Renewal and the Powers of Darkness, Ann Arbor: Servant Books, 1983.

[40] Cách diễn tả này lộ rõ tính chất mơ hồ – bởi dường như muốn hàm chỉ rằng phép rửa kitô thông thường không phải là phép rửa “trong Chúa Thánh Thần” – và có thể dẫn đến lạc giáo do quan niệm cho rằng: chỉ có trong Chúa Thánh Thần thì phép rửa mới thành sự mà thôi.

[41] Bản Tuyên Ngôn Chung Công giáo-Chính thống của Đức Giáo hoàng Phao­lô VI và Đức Thượng phụ Atênagôra I của Côngxtăngtinốp, ngày 07.12.1965, số 5.

[42] Báo L’Osservatore Romano, số ra ngày 24.08.2005, tr. 8.

[43] Thông điệp Ut Unum Sint, số 45.

[44] Xem Veli-Matti Kärkkäinen, “The Ecumenical Potential of Pneumatology,” Gregorianum, 1999, tt. 121-145

[45] Công đồng Orange (Pháp, năm 529), DH 377; 3010; DV 5.

[46] Số 12. Bản văn trưng dẫn thông điệp của Đức Gioan Phaolô II Redemptoris missio, 28. Còn về thuật ngữ “hạt giống của Lời” thì xin xem Th. Giúxstinô, Second Apology 8, 1-2; 10, 1-3; 13, 3-6: ed. E.J. Good­speed, 84; 85; 88-89. Xin cũng xem Ad gentes, 11 và Nostra aetate, 2.

[47] Redemptoris misio  29, đoạn này trưng dẫn thông điệp Dominum et Vivificantem, 53.

[48] Jacques Dupuis, S.J., Towards a Christian Theology of Religious Pluralism, Gujarat Sahitya Prakash, Anand, 2001, tr. 321.