Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 11,29-32)
29 Khi ấy, dân chúng tụ họp đông đảo, Đức Giê-su bắt đầu nói : “Thế hệ này là một thế hệ gian ác ; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giô-na. 30 Quả thật, ông Giô-na đã là một dấu lạ cho dân thành Ni-ni-vê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy. 31 Trong cuộc Phán Xét, nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với những người của thế hệ này và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Sa-lô-môn ; mà đây thì còn hơn vua Sa-lô-môn nữa. 32 Trong cuộc Phán Xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ trỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giô-na rao giảng ; mà đây thì còn hơn ông Giô-na nữa.”
Nhìn trời đất và muôn vật nhận biết có Chúa tạo thành (16.10.2023)
Ghi nhớ:
“Khi đám đông tụ họp đông đảo, Đức Gê-su bắt đầu nói: Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giô-na” (Lc 11, 29).
Suy niệm:
Gần đây tại chợ Nghĩa Hưng, thuộc tỉnh Gia Rai. Có một cây si và từ cây này nổi lên trên thân một bóng trắng nhìn thì giống như hình Chúa chịu nạn, thế rồi người ta đồn thổ nhau và rồi vì tò mò, hiếu kỳ, người ta qui tụ về đây. Kẻ mang hoa đến đặt dưới gốc cây, kẻ đốt nhang vái lậy. Người ta cho rằng đó là sự lạ và hình ảnh kia chính
là Đức Giê-su.
Nếu như những người ngoại đạo đến bái lạy cầu xin thì không nói rồi, đàng này còn có cả người Công Giáo nữa. Chắc chắn rằng đây chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên thôi. Như lời của một vị linh mục nói. “Nếu ai nói rằng đây là hình ảnh của Chúa Giê-su thì đó là một sự xúc pham”. Bởi lẽ Chúa sẽ chẳng bao giờ hiện diện trong thân cây. Nơi Ngài đang hiện diện là trong Nhà Thờ, Nhà Tạm, Ngài hiện diện mỗi khi cử hành thánh lễ, lúc đó chính Chúa Giê-su hiện diện trên Bàn Thờ làm của lễ hy tế mà qua tay vị chủ tế dâng hy lễ lên Thiên Chúa Cha làm của lễ cứu độ nhân loại, và khi vị chủ tế đọc lời truyền phép thì Bánh và Rượu sẽ trở thành Mình và Máu Chúa Giê-su.
Nhiều khi lòng tin mà không được lý trí hướng dẫn, rất có nguy cơ trở thành mê tín.
Bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su nói ra tâm ý của những người đang hiện diện đi theo Ngài, rằng họ chỉ muốn Ngài thực hiện cho họ xem những dấu lạ, đổi lại nếu Chúa thoả mãn cho họ yêu cầu ấy thì họ sẽ tin vào Ngài. Nhưng với thái độ đòi hỏi thiếu thiện tâm và có vể thử thách như vậy Đức Giê-su đã chối từ. Tuy vậy, Ngài vẫn hướng đến cho họ biết một phép lạ đã xảy ra trong thời Cựu Uớc. Đó là vụ việc tiên tri Gio-na đã bị cá nuốt và phải ở trong bụng cá ba ngày ba đêm mà tính mạng vẫn bình an vô sự. Đồng thời Đức Giê-su dùng dấu lạ này để án chỉ viếc Ngại sẽ phải chịu chết để chuộc tội cho thiên hạ. Ngài đã sống lại sau ba ngày được táng trong mồ, và đã khải hoàn về trời. Đây là Phép lạ cả thể để nhờ đó con người có thể tin tưởng hoàn toàn vào quyền năng và ơn cứu độ của Thiên Chúa.
Có thể nói, con người ngày xưa cũng như ngày nay, họ đều muốn có phép lạ xảy ra đây đó để họ chứng kiến. Thế nhưng trong thực tế, hàng ngày, hàng giờ đang xảy ra chung quanh chúng ta biết bao là dấu lạ, Gió bay, mây cuốn, mưa rơi…Tất cả đó là dấu lạ. Một dấu lạ to tát nhất là: Khi nhìn lên bầu trời, chúng ta thấy một quả cầu lửa không lồ, nó phải luôn từng giây từng phút, ngày này qua ngày khác phải đốt cháy để tạo ra nhiệt lượng và ánh sáng làm nóng và toả sáng cho cả vũ trụ này, không phải vài ngàn năm mà cả hàng tỷ năm rồi. Vậy câu hỏi ở đây là nhiên liệu ở đâu, nhiệt lượng từ đâu để nó có thể cháy mãi từng ấy năm trời. Câu trả lời là chỉ có “Ông Trời” mới có thể làm cho Mặt Trời luôn phát sáng mà thôi. Còn một điều quan trọng nữa; là nếu như quỹ đạo xoay quanh mặt trời của trái đất thu hẹp lại một chút hoặc xa ra một chút thôi thì vạn vật sẽ thành tro tàn nếu khoảng cách gần mặt trời, ngược lại muôn vật sẽ chết cóng vì lạnh nếu cự ly giữa mặt trời và trái đất xa ra! Nói chung, dấu lạ luôn xảy ra trong cuộc sống của chúng ta, điều quan trọng là chúng ta có đôi mắt khát khao tìm kiếm chân lý hay có tâm hồn tĩnh lặng để tìm ra cội nguồn của sự lạ hay không mà thôi.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, Chúa đã cho xảy ra chung quanh chúng con biết bao dấu lạ, để từ những dấu lạ ấy chúng con suy gẫm và tin tưởng vào quyền năng vô cùng của Chúa. Một dấu lạ cả thể là Chúa đã yêu thương, tạo dựng, không để con trong cõi hư vô muôn đời mà đã cho con được làm người, Lại còn chịu nạn chịu chết mà cứu chuộc con. Chúa đã chịu chết ba ngày và đã sống lại hiển vinh, Chúa và đã về Trời để đón chờ con. Nay xin Chúa ban thêm lòng tin cho con để trong cuộc sống trần gian dẫu phải trải qua trăm ngàn thử thách con vẫn bền vững sắt son một lòng tin đến cùng và luôn thờ phượng Chúa cũng như thi hành những điều Chúa đã truyền dạy. Amen.
Sống Lời Chúa:
Hết lòng tin tưởng và phó thác trong tay Chúa.
Đaminh Trần Văn Chính.
Biết hoán cải là một phép lạ (10.10.2022)
“Thế hệ gian ác này sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giô-na.”
Chúng ta thấy rằng dù ở thời đại nào cũng có những con người sống với suy nghĩ thực dụng, họ chỉ tin khi mắt thấy tai nghe. Thái độ này trùng hợp với tâm thức của những người Do-thái thời Chúa Giêsu, và thái độ cứng lòng tin này đã bị Chúa lên án gay gắt.
Vốn dĩ đã có hiềm khích với Chúa Giêsu, các kinh sư và người Pha-ri-sêu tận dụng mọi cơ hội để thử thách Người. Ta thấy hôm nay họ đòi hỏi Chúa Giêsu phải làm một dấu lạ để họ tin. Tuy nhiên, họ đã bị khước từ vì bản chất của phép lạ không nhằm thỏa mãn sự tò mò của con người, nên Chúa Giêsu đã không đáp ứng nhu cầu bất chính của họ.
Nội dung và ý nghĩa của phép lạ không nằm ở việc thỏa mãn trong sự thách thức, mà là ngang qua phép lạ, người đón nhận sẽ có tâm tình sám hối, thay đổi đời sống và có mối tương quan thân mật, tin tưởng nơi Thiên Chúa và có tấm lòng bao dung với tha nhân. Sự biến đổi này được khởi đi từ tâm tình khiêm tốn và sẵn sàng làm mới lại đời sống cho phù hợp với Thánh Ý Thiên Chúa. Như thời ngôn sứ Giô-na, sau khi nghe những lời rao giảng của ông, dân thành Ni-ni-vê đã sám hối bằng những hành động cụ thể từ con người cho đến súc vật.
Thực trạng ngày nay của mỗi người chúng ta hẳn rất giống với người Pha-ri-sêu khi xưa. Chúng ta hay xin Chúa cho mình làm ăn phát đạt, mà không hề để ý đến cách kinh doanh của mình; có khi kinh doanh bất chính nhưng vẫn xin Chúa cho thuận buồn xuôi gió. Có khi nào chúng ta cộng tác vào những chuyện trái với luân lý, nhưng lại xin được bình an hay không? Hoặc xin Chúa chữa lành bệnh tật nhưng đời sống không có gì thay đổi. Đôi khi cũng có những người thách thức Chúa như những Pha-ri-sêu xưa!
Chúng ta thấy Chúa Giêsu cảm thấy buồn khi dân Do-thái đến với Người không phải vì tìm kiếm Nước Thiên Chúa, nhưng là tìm lợi ích từ những phép lạ. Người cũng không thể tiếp tục dằn lòng đối với sự thờ ơ của họ trước giáo huấn của Người, vốn vượt trên mọi sự khôn ngoan thế gian, vì là Lời phát xuất từ Chúa Cha để ban ơn cứu độ. Chúa Giêsu còn lo lắng bởi sự chai đá nơi con tim của họ, chậm hoán cải và đóng kín trước lời mời gọi thay đổi tâm tình, thay đổi cuộc sống. Dẫu thế, chúng ta biết rằng, những lời nghe như trách cứ đó lại là những lời biểu lộ một tình yêu sâu xa. Chúa Giêsu đã tiếp tục thi ân giáng phúc cho dân Do-thái, và cho cả nhân loại mà đỉnh cao là tình yêu tha thứ trên thập giá. Người còn dùng nhiều cách để Lời được tiếp tục âm vang trên môi miệng của những ai được sai đi, để con người được đón nhận ơn cứu độ.
Là người Kitô hữu, chúng ta có thực sự đặt lòng tin của mình nơi Thiên Chúa mà không đòi hỏi Người phải tỏ chính mình ra bằng các dấu lạ không? Bản tính tò mò của con người khiến chúng ta thích tìm kiếm và trầm trồ trước những sự lạ lùng, những cuộc hiện ra hay những sứ điệp này sứ điệp nọ,… Dấu lạ vĩ đại nhất mà Chúa đã làm cho cuộc đời của mỗi con người không phải là làm được việc này việc nọ vượt quá khả năng tự nhiên của họ như chữa hết bệnh, trúng số, mang thai… mà chính là ý thức hoán cải. Quả thật, nếu không ý thức mình là tội nhân, mình có những điều sai thì con người sẽ không sửa đổi, mà nếu không sửa đổi thì chúng ta sẽ mãi ở trong tội, mà ở trong tội chúng ta sẽ phải chết.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy nhạy bén với ơn Chúa, để nhận ra một phép lạ vĩ đại, cả thể mà Ngài vẫn thường làm trên cuộc đời và trong cuộc sống của chúng ta, đó là tình yêu thương, sự bao dung của Thiên Chúa dành cho nhân loại.
Lạy Chúa, Chúa luôn mời gọi chúng con hoán cải vì Nước Trời đã gần đến. Mẹ Maria cũng đã nhắn nhủ con người: Hãy ăn năn đền tội. Vì vậy xin cho chúng con biết ý thức hoán cải để được sống trong ơn nghĩa của Chúa. Amen.
Joston
Lắng nghe những dấu lạ (11.10.2021)
Lắng nghe là tập trung chọn lọc những lời hay ý đẹp và giữ lại trong tâm hồn.
Lắng nghe để phân biệt điều thiện điều ác.
Lắng nghe để biết giữ biết buông.
Lắng nghe để biết trả lời hay im lặng.
Lắng nghe để biết phải đến gần hay tránh xa.
Lắng nghe trong mọi hoàn cảnh nhất là khi ồn ào náo nhiệt.
Lắng để biết người biết ta.
Lắng nghe khi lặng thinh để biết mình là ai.
Lắng nghe dòng nước chảy để biết nước về nguồn.
Lắng nghe dòng đời ngược xuôi để biết đâu là bình an.
Lắng nghe tiếng lương tâm để thấy Chúa luôn đồng hành.
Là người hãy nên,
Biết lắng nghe
Biết lắng nhìn
Biết lắng tiếng
Biết lắng hành
Nghe – Nhìn – Nói – Làm hãy biết lắng để những gì giữ lại cho mình và những người dành cho người.
Lắng nghe để Lời Chúa thực hiện như Đức Mẹ Maria khi thiên thần truyền tin, dù hơi lo sợ nhưng đã biết giữ lời truyền tin và thưa: Xin Vâng
Từ thời cựu ước đã có dấu lạ, như dấu lạ tiên tri Giona ở trong bụng cá ba ngày, dấu lạ tiếp theo là dân thanh Vinive từ vua cho đến dân đều ăn năn chừa cải tội lỗi mà trở về với Thiên nên Chúa không giáng hoạ, dấu lạ tiên tri Giona than trách cây thầu dầu một đêm mọc to lớn rồi bỗng một đêm chết đi. Ông Giona đã nổi giận vô lý vì lòng nhân từ của Chúa.
Thế hệ hôm nay có rất nhiều dấu lạ, dấu lạ không ở xa con, dấu lạ xảy ra từng ngày, ở khắp mọi nơi, dấu lạ xảy ra rất gần, rất dễ xảy ra, rất dễ nhận ra.
Dấu lạ ấy xảy từ ngay trong gia đình, nơi thôn xóm, trong xứ dạo, trong các hội đoàn đạo đức, trong những dòng tu, nơi những trường chuyên đào tạo đạo đức. Hết thảy đều xảy ra những dấu lạ, nhưng có mấy ai đã lắng nghe, lắng nhìn để thấy được dấu lạ.
Một dấu lạ hiển nhiên trong cơn đại dịch Covid 19 trên toàn thế giới, làm đảo lộn hầu hết mọi tiến trình hoạt động của loài người, nhưng rồi đã mấy ai nhận ra dấu lạ linh thiêng trong đại dịch. Buổi đầu dịch là những buôn bán cắt cổ khẩu trang và những dụng cụ y tế, tiếp đến là chiến thắng đại dịch nếu cột điện ở bên Mỹ biết đi thì nó cũng chạy về VN, thế rồi giăng dây rào chắn, cách ly cấm đường, khoanh vùng cấm chợ… nhưng dịch Covid càng nhiều, tràn lan khắp nơi, u tối bao trùm, cái chết tĩnh lặng thê lương.
Nhớ lại dấu lạ trong sa mạc, khi ông Môi sê treo con rắn đồng lên cao, ai nhìn lên con rắn sẽ được cứu. Ngày nay cũng vậy, trong cơn đại dịch các chủ chăn kêu gọi hãy ở nhà, cả nơi nhà thờ Chúa Giêsu Thánh Thể ngự cũng không cần đến vì đã được phép ở nhà dự lễ trực tuyến, nhưng rồi họ vẫn sợ chết đói, sợ không được ăn ngon hưởng lạc, và họ đã nhiễm Covid mà có khi đến chết.
Dấu lạ trong đại dịch hôm nay Chúa muốn mọi người nhận ra rằng: không phải đi tìm đâu xa, không phải đi đến những nơi cao sang, Chúa ở ngay trong lòng mỗi người. Vì thế, khi đại dịch hãy siêng năng tham dự thánh lễ trực tuyến vì Chúa Giêsu Thánh Thể vẫn ngự vào lòng những ai rước Chúa, như khi rước Thánh Thể vậy. Vì Thánh Thể chính là Mầu Nhiệm Đức Tin. Rước Thánh Thể cũng chính là lấy đức tin mà rước Chúa ngự vào lòng mình một cách linh thiêng.
Dấu lạ hôm nay là người ta đòi cho bằng được là rước trực tiếp Bánh Thánh Thể, nhưng lòng họ lại không có đức tin. Còn có nhiều người không tham dự thánh lễ trực tuyến vì cho rằng chẳng có ý nghĩa gì.
Hãy lắng nghe, hãy lắng nhìn, hãy lắng tiếng nói và hãy lắng hành động của chính mình, để nhận ra những dấu lạ Chúa đang làm trên mỗi con người, mỗi thời đại hôm nay, và giữ lại trong lòng điều Chúa dạy và thực thi mỗi ngày.
Hư Vô
Căn cước của Đấng Mê-si-a (12.10.2020)
Đức Giêsu nói: “Trong cuộc phán xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Gio-na rao giảng, mà đây thì còn hơn ông Gio-na nữa. (Lc. 11, 32)
“Người ta đồn: Đây là Đấng Mê-si-a, Đấng Thiên sai cứu thế! Thế thì Ngài có làm nhiều phép lạ không?”. Rồi tứ phía người ta tấp nập chạy đến, tụ họp đông đảo vây quanh Đức Giêsu. Họ xin: “Xin cho chúng tôi man-na như Mô-sê đã cho tổ phụ chúng tôi. Được thế, người ta sẽ nhận Ngài thật là ngôn sứ vĩ đại và tin vào Ngài”. Vậy theo họ bắt buộc: Thiên sai cứu thế phải làm dấu lạ từ trời xuống.
Từ chối đòi hỏi của họ:
Đức Giêsu quá rõ người ta. Họ chạy theo dấu lạ. Rồi … họ chẳng còn thấy ơn ích gì nữa. Người ta đi trên mặt trăng; khi được rồi, người ta lại bỏ, đi tìm cảm giác mới trên một hành tinh khác. Trước sự bất nhất hay thay đổi của tính con người, “của thế hệ gian ác này”, Đức Giêsu giữ thái độ huyền nhiệm và từ chối hẳn, không làm dấu lạ như họ đòi hỏi kêu xin. Người từ chối dùng cách cưỡng bách họ phải tin.
Chính Người là dấu chỉ của nước Thiên Chúa đã đến với họ. Tuy nhiên, Người không từ chối chữa bệnh và đuổi quỷ ám. Những ai có tâm hồn cởi mở đón nhận tình yêu của Thiên Chúa, họ thấy được ngón tay của Thiên Chúa trong những công việc và lời nói của Đức Giêsu và họ tin rằng Đức Giêsu là Đấng Thiên sai cứu thế, là Con Thiên Chúa hằng sống. Họ không cần đòi căn cước chứng minh thêm, ký tên thêm, ấn chứng phụ nữa.
Kêu gọi lòng tin:
Gio-na không ai biết căn cước về ông. Một cách đơn giản, bình thường, ông đã rảo khắp phố phường kêu gọi: “Còn bốn mươi ngày nữa thành Ni-ni-vê sẽ bị án phạt tiêu diệt”. Ông chưa đi được ba ngày đường, dân thành đã tin vào Thiên Chúa, và vua tuyên bố ăn chay đền tội. Và thành Ni-ni-vê được Thiên Chúa tha thứ. Hoàng hậu Sa-ba nghe biết sự khôn ngoan của vua Sa-lô-môn, bà từ tận cùng trái đất đến nghe lời vua. Đức Giêsu nói: Sự loan báo của Người hơn cả Gio-an, sự khôn ngoan của Người hơn cả Sa-lô-môn. Nhưng dân được hưởng giao ước lại từ chối tin vào Người, nên họ sẽ bị những dân ngoại kết án họ trong ngày phán xét.
Ở mọi thời, Thiên Chúa vẫn bày tỏ những dấu chỉ về Ngài. Ngay từ khi tạo dựng vũ trụ, dù phần lớn nhân loại không nhận ra, ngay cả dân riêng của Ngài cũng không đón nhận lời Đức Giêsu nói, tuy nhiên, lời Người luôn luôn sống động và khẩn thiết. Tại sao lại đòi xem căn cước của Người hay đòi biết số thẻ bảo hiểm xã hội của Người trước khi nghe Người?
RC
Theo Chúa để sám hối và tin vào tin mừng (14.10.2019)
“Không ban cho dòng giống này điềm lạ nào ngoài điềm lạ của tiên tri Giona” (Lc 11, 29).
Nhiều người theo Chúa Giê-su vì đã chứng kiến những dấu lạ, và muốn nhìn xem những dấu lạ khác nữa. Họ không theo Chúa để sám hối và tin yêu Người, nhưng chỉ để được thỏa mãn tính hiếu kỳ của họ. Chúa Giê-su nói “Sẽ không ban cho dòng giống này điềm lạ nào ngoài điềm lạ của tiên tri Giona”.
Dấu lạ của ông Gio-na thế này: Chúa phán với ông Giô- na rằng: “Hãy đứng dậy, đi đến Ni-ni-vê, thành phố lớn, và hô cho dân thành biết rằng sự gian ác của chúng đã lên thấu tới Ta.” Ông Giô-na đứng dậy để trốn đi Tác-sít, tránh mặt Thiên Chúa. Ông xuống Gia-phô và tìm được một chiếc tàu sắp đi Tác-sít. Ông xuống tàu đi Tác-sít với họ. Chúa cho gió bão nổi lên đánh thuyền sắp chìm. Đoàn thủy thủ cho bắt thăm xem ai làm điều mất lòng Chúa mà Chúa trừng phạt. Lá thăm trúng vào Gio-na. Ông xin họ ném ông xuống biển. Biển lặng. Một con cá lớn nuốt ông vào và sau ba ngày, nhả ông ra bên bờ biển Ninive. Và ông rao giảng sám hối cho thành Ninive.
Chúa cần lắm sự sám hối chân thành của chúng ta, bởi sám hối là mở ra lối vào cho Tin Mừng cứu rỗi. Phải xóa đi cái bất chính cũ kỹ để đón nhận điều công chính mới mẻ. Phải sám hối để đổi mới và thăng hoa nhờ Tin vào Chúa Giê-su. Ai vừađón nhận Chúa Giê-su vừa sống cách sống bất chính cũ, là người theo Chúa như theo một trào lưu tùy hứng. Gio-na bị cá nuốt vào bụng ba ngày để nên một Gio-na mới. Chúa Giê-su chịu táng trong mồ ba ngày để có cuộc phục sinh. Chúng ta cũng phải chết đi với tội lỗi, để mở mắt ra mà nhìn thấy dấu lạ kỳ diệu là cuộc sống yêu thương, an bình và hạnh phúc.
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con ơn biết sám hối chân thành mỗi ngày, để Lời Chúa được thấm nhuần, làm mới cuộc sống chúng con. Amen.
BCT
Dấu lạ đời tôi (16.10.2017)
1. Ghi nhớ:
“Quả Thật, ông Gio-na đã là một dấu lạ cho thành Ni-ni-vê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy” (Lc 11, 30)
2. Suy niệm:
Họ đã xin Chúa Giêsu dấu lạ, vì họ quan niệm dấu lạ như những kỳ công Thiên Chúa đã làm thời xuất hành và thời ngôn sứ Ê-li-a. Chúa Giê đã từ chối, không làm những dấu lạ ấy, vì chính những dấu lạ tuyệt hảo nơi bản thân Người, qua lời rao giảng của Người và tất cả những dấu lạ cho thấy một dấu chỉ duy nhất, đó là: chính con người và hành động của Chúa Giêsu
Ông Gio-na đã là một dấu lạ cho dân thành Ni-ni-vê, ông đã loan báo cuộc phán xét và kêu gọi dân chúng sám hối, nên từ già đến trẻ từ người đến súc vật đều an chay sám hối xin ơn tha thứ của Thiên Chúa. Đấng cao cả hơn Gio-na đã hy sinh tính mạng mình vì nhân loại, chính Người mới là dấu lạ tuyệt hảo bằng chính bản thân Người qua lời rao giảng của việc loan báo Tin Mừng.
Ngẫm xem cuộc đời tôi biết bao dấu lạ, Chúa vẫn đồng hành và tiếp tục cùng tôi đi qua muôn nẻo đường chông gai nguy khốn, nhưng tôi vẫn đam mê mù quáng trong giàu sang, danh vọng, tội lỗi, tôi vẫn bước đi hoan hỷ, tự mãn trong kiêu căng tự phụ và có khi tâm hồn băng lạnh, trơ trơ như đá hay khất lần với Chúa rằng chưa muộn đâu… Tôi vẫn còn trẻ, vẫn còn sức lực, vẫn dư thời gian để hối lỗi, hãy chờ một ngày nào đó tôi sẽ sám hối. Khi bình minh ló dạng, hay buổi chiều tà… tôi được cùng với mọi người trong gia đình vui sống an bình hạnh phúc, đôi lúc khổ đau, rồi thậm chí gặp kẻ thù mặc dù tôi không thể tha thứ, hay gặp mọi điều xảy đến bất ngờ, đó cũng là dấu lạ Ngài gởi hay ban cho tôi, tôi phải minh định suy nghĩ đâu là Thánh ý Thiên Chúa.
Cuộc sống trần gian là chặng đường dài, đến khi tuổi đã về chiều, tuổi 60 năm… 65 năm… 70 năm… tôi bàng hoàng giật mình tỉnh mộng, đời người trôi qua quá nhanh: “số ngày đời con người nhiều lắm là một trăm năm” (Hc 17,9). Hồng ân Chúa tuôn đổ xuống trên tôi từng giờ, từng ngày biết bao ơn lành của Ngài, lòng tham sân si đã che lấp tôi, quên đi biết bao lỗi phạm, nên không nhận ra ơn Chúa, dấu lạ đời tôi, đến lúc chuẩn bị lìa trần thì đã muộn…
Trong tâm tình sám hối dẫn đưa tôi đi tìm ý Chúa, đi tìm dấu lạ đời tôi, vậy tôi hãy can đảm đổi mới đời tôi là đoạn tuyệt với con đường tội lỗi, đoạn tuyệt bao sự giả dối, đoạn tuyệt cái tôi sân si tự mãn, đem thiện chí với nỗ lực trong sự sám hối để đi tìm hạnh phúc viên mãn trong sự khoan hồng, ơn tha thứ của Thiên Chúa:
“Lòng lân tuất của Đức Chúa cao cả dường bao,
ơn tha thứ dành cho kẻ trở lại với Người lớn lao biết mấy” (Hc 17,29).
3. Cầu nguyện:
Lạy Chúa! Xin biến đổi tâm hồn, lòng trí thân xác chúng con, với bao nỗ lực của sự sám hối khiêm cung này, hầu mong Người ban ơn tha thứ và chúc lành cho mọi người trên bước đường lữ thứ trần gian. Amen.
M.Liên
Can đảm đổi mới đời tôi (10.10.2016)
1. Ghi nhớ:
“Quả Thật, ông Gio-na đã là một dấu lạ cho thành Ni-ni-vê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy” (Lc 11, 30)
2. Suy niệm:
Ngày xưa, chỉ từ một lời rao giảng của ngôn sứ Gio-na mà cả dân thành Ni-ni-vê từ già đến trẻ, từ người đến súc vật đều an chay sám hối xin ơn tha thứ của Thiên Chúa. Ngày nay, Đấng cao cả hơn Gio-na đã hy sinh tính mạng mình vì nhân loại, chính Người mới là dấu lạ tuyệt hảo bằng chính bản thân Người qua lời rao giảng của Người. Người đã so sánh thái độ của những kẻ nghe mà không tin với thái độ của dân ngoại thời xưa đã nghe theo lời vua Sa-lô-mon và ngôn sứ Gio-na.
Ngẫm xem cuộc đời tôi biết bao dấu lạ, Chúa vẫn đồng hành và tiếp tục cùng tôi đi qua muôn nẻo đường chông gai nguy khốn, nhưng tôi vẫn đam mê mù quáng trong giàu sang, danh vọng, tội lỗi, tôi vẫn bước đi hoan hỷ, tự mãn trong kiêu căng tự phụ và có khi tâm hồn băng lạnh, trơ trơ như đá hay khất lần với Chúa rằng chưa muộn đâu… vẫn còn trẻ, vẫn còn sức lực, vẫn dư thời gian để hối lỗi, hãy chờ một ngày nào đó tôi sẽ sám hối.
Khi bình minh ló dạng, hay buổi chiều tà…tôi được cùng với mọi người trong gia đình vui sống an bình hạnh phúc, đôi lúc khổ đau, rồi thậm chí gặp kẻ thù mặc dù tôi không thể tha thứ, hay gặp mọi điều xảy đến bất ngờ, đó cũng là dấu lạ Ngài gởi hay ban cho tôi, tôi phải minh định suy nghĩ đâu là Thánh ý Thiên Chúa.
Cuộc sống trần gian là chặng đường dài, đến khi tuổi đã về chiều, tuổi 60 năm…65 năm…70 năm…tôi bàng hoàng giật mình tỉnh mộng, đời người trôi qua quá nhanh: “số ngày đời con người nhiều lắm là một trăm năm” (Hc 17,9). Hồng ân Chúa tuôn đổ xuống trên tôi từng giờ, từng ngày biết bao ơn lành của Ngài, lòng tham sân si đã che lấp tôi, quên đi biết bao lỗi phạm, nên không nhận ra ơn Chúa, dấu lạ đời tôi, đến lúc chuẩn bị lìa trần thì đã muộn…
Trong tâm tình sám hối dẫn đưa tôi đi tìm ý Chúa “can đảm đổi mới đời tôi” là đoạn tuyệt với con đường tội lỗi, đòi hỏi sự thiện chí với nỗ lực trong sự sám hối để đi tìm hạnh phúc trong ơn tha thứ của Thiên Chúa:
“Lòng lân tuất của Đức Chúa cao cả dường bao,
ơn tha thứ dành cho kẻ trở lại với Người lớn lao biết mấy” (Hc 17,29)
3. Gợi ý chia sẻ:
– Câu nói nổi bật của Đức Thánh Cha Phan- xi-cô để chúng ta có thể học hỏi và suy tư: “Người Ki-tô hữu được kêu gọi sống can đảm trong sự yếu đuối của mình, chúng ta phải thừa nhận rằng mình yếu đuối, và đôi khi chúng ta phải quên đi tội lỗi, không chút luyến tiếc, không nhìn lại phía sau”
– “Can đảm đổi mới đời tôi” giúp bạn có thể từ bỏ mọi đam mê, sân si, tội lỗi theo lối sống ích kỷ, ươn hèn, kiêu căng, tự mãn của mình không?
4. Cầu nguyện:
Lạy Chúa! Xin biến đổi tâm hồn, lòng trí thân xác chúng con, với bao nỗ lực của sự sám hối khiêm cung này, hầu mong Người ban ơn tha thứ và chúc lành cho mọi người trên bước đường lữ thứ trần gian. Amen.
Dấu lạ (12.10.2015)
Ghi nhớ:
Khi đám đông tụ họp đông đảo, Đức Giêsu bắt đầu nói: “Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giô-na” (Lc 11, 29)
Suy niệm:
“Thế hệ này là thế hệ gian ác”, đó là lời của nhắc nhở cảnh báo của Thiên Chúa cho chúng ta ngày hôm nay. Ngài luôn mời gọi những người cố chấp, cứng lòng tin, nhưng chúng ta cũng chính là “ thế hệ này” mà Chúa đã trách mọi người về sự cứng lòng, nguội lạnh, thờ ơ hay khiêu khích của mình.
Chúng ta đang sống trong một thế giới tục hóa, một thế giới chỉ đặt niềm tin vào khoa học, nên con người dễ dàng đòi hỏi dấu lạ rồi mới tin vào Chúa, mà quên rằng trong khi ta đang sống trong một thế giới ngập tràn dấu lạ, đâu đâu cũng có bàn tay và sự quan phòng của Ngài. Mặc dù cuộc sống đầy dẫy vất vả, bon chen, sầu khổ, đớn đau, nhưng đó cũng là dấu lạ của sự thương yêu của Chúa muốn thử thách lòng tin của chúng ta vào Ngài trong những hoàn cảnh khó nghèo nhất.
Như trong một bài giảng của Đức Thánh Cha Phaxico, Ngài nói rằng con người ngày nay luôn đặt câu hỏi “tại sao” đối với Chúa mà quên mất rằng từng giây từng phút Ngài vẫn lắng nghe lời chúng ta cầu xin khấn nguyện. Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta hãy đặt niềm tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa, vì chỉ khi trao niềm tin ta mới nhận lại “dấu lạ” mà Chúa dành cho ta. Đồng thời mỗi khi ta được mời gọi trở nên dấu lạ cho mọi người bằng “một nụ cười, một ánh mắt thân thiện, cảm thông”, đó cũng là cách giới thiệu về niềm tin về Chúa, về phép lạ nơi mọi người đang chờ đợi nơi ta.
Sống lời Chúa:
Cảm nghiệm của chúng ta, là mỗi biến cố trải qua trong đời sống đó là dấu lạ.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa! xin cho con biết cởi mở tâm hồn, biết đón nhận mọi biến cố trong cuộc sống để chấp nhận như một hồng ân của Thiên Chúa luôn nâng đỡ và che chở nơi mỗi chúng con. Amen.
M.Liên
Lời mời sám hối
Trong cuộc Phán Xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ trỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giô-na rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giô-na nữa. (Lc 11,32).
Suy niệm: Người Do Thái xin Chúa Giêsu cho họ dấu lạ; Ngài đưa ra hai trường hợp rất quen thuộc đối với họ, đó là Giôna và Salômon. Có ai khôn ngoan hơn Salômon? Thế mà ở đây, Thầy Giêsu là chính “Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa” (1Cr 1,24). Có gì lạ hơn chuyện người nằm “trong bụng kình ngư ba ngày ba đêm” (Gn 2,1; Mt 12,40)? Nhưng Giôna chỉ là hình ảnh tiên báo Chúa Giêsu nằm trong lòng đất ba ngày rồi sống lại. Giôna và Salômon đã là “lạ” nhưng vẫn không “qua mặt” được dấu lạ Giêsu. Hơn nữa, dấu lạ Giôna là lời mời gọi dân thành Ninivê sám hối, thì dấu lạ Giêsu cũng là lời mời gọi mọi người sám hối và tin vào Tin Mừng.
Mời Bạn: Ngày nay, người ta vẫn “đòi” dấu lạ: nghe biết nơi nào có “chuyện lạ” thì đổ xô nhau tìm đến, lắm khi chỉ để thoả mãn tính hiếu kỳ, để cầu xin cách vụ lợi chứ không phải để củng cố lòng tin, để hoán cải cuộc sống. Quả thực, dấu lạ ở ngay trong lòng bạn khi bạn lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy để bạn trở nên con cái Chúa; dấu lạ vẫn diễn ra hằng trong bí tích Thánh Thể nơi Chúa Giêsu hiện diện. Mời bạn đến với dấu lạ hàng ngày là Thầy Giêsu đang ở trong bạn và hãy làm cho Ngài lớn lên trong bạn mỗi ngày.
Sống Lời Chúa: Tham dự thánh lễ ngày thường khi có thể và bạn dành thời gian đến nhà thờ để thờ lạy dấu lạ Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con biết hoán cải để lòng chúng con xứng đáng với dấu lạ Chúa ban cho chúng con.