Thần Đô Huyền Nhiệm – Thảm cảnh Vườn Cây Dầu

Mục Lục

Phần Thứ Hai: CUỘC ĐỜI CÔNG KHAI

 

31. THẢM CẢNH VƯỜN CÂY DẦU

Lúc vào đêm, Chúa Giêsu ra khỏi nhà Tiệc Ly, Mẹ Maria cũng ra khỏi căn phòng ẩn dật của Mẹ. Thoạt vừa gặp nhau, Trái Tim của Chúa và của Mẹ đã bị một lưỡi gươm đau khổ xuyên qua rất thống thiết, không ai có thể dò được một vết thương nào sâu thẳm như vậy. Người Mẹ thảm sầu nhất ấy sấp mình xuống trước mặt Người Con hoàn thiện nhất, thờ lạy Con là Thiên Chúa của mình. Và Chúa Giêsu nhìn Mẹ với một vẻ uy nghi thần linh và với một tình yêu thơ thảo vừa nói: “Mẹ ạ, Con sẽ ở với Mẹ trong đau khổ; chúng ta hãy làm trọn thánh ý Cha và việc cứu rỗi loài người”. Mẹ Maria liền dâng mình làm lễ hi sinh với một tâm hồn quảng đại vững vàng khôn tả, và xin Chúa Giêsu chúc phúc cho mình, Chúa làm phép lành cho Mẹ và muốn rằng, từ nơi ẩn dật của Mẹ, Mẹ nhìn thấy tất cả những gì sẽ xảy ra, cũng như tất cả những gì Chúa sẽ làm, để Mẹ bắt chước Chúa và Đồng Công với Chúa trong hết mọi sự kiện, tuỳ theo chỗ liên hệ đến Mẹ. Ông chủ nhà có mặt lúc đó đã xin để Mẹ sử dụng tuỳ ý Mẹ cả ngôi nhà của mình, cả hết những gì có trong nhà, suốt thời gian Mẹ ở lại Giêrusalem.

Chúa Giêsu ra đi lên núi Cây Dầu, chỉ có mười một Tông đồ cùng đi với Chúa. Còn Giuđa đã ra đi ngay khi ăn miếng bánh Chúa trao trong nhà Tiệc Ly. Ông ta đi báo tin cho các thượng tế biết cơ hội tốt đẹp Chúa lên núi đó, để họ bắt Thầy mình. Luxiphe hoài nghi Chúa là Đấng Cứu Thế, nên hiện ra với Giuđa dưới hình một bạn thân của y, một người bạn có tâm địa cực ác mà y đã tiết lộ ý định nộp Thầy cho, để cản ngăn y đừng thực hiện ý định ấy. Nhưng vô ích, một lần nữa, tên phản Thầy vẫn ngoan cố với đầu óc của mình. Mẹ Maria than khóc Giuđa hư mất, rất nhiều thảm thương đến nỗi Mẹ sẵn sàng chịu chết cho y, nếu cần phải chết. Mẹ dâng nhiều hành vi yêu mến và ca tụng Chúa Giêsu để đền tạ tội ác của y. Mẹ cũng cầu nguyện cả cho những người lúc đó sửa soạn tìm giết Chúa là Chiên chí thánh.

Trong vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu một lần nữa bắt đầu dâng mình cho Cha Ngài để làm thoả mãn phép công bằng của Cha, và cứu chuộc loài người. Ngài cho phép những khổ hình trong cuộc Tử Nạn được tự do hành hạ cảm tính trong Nhân Tính Ngài, và đình chỉ niềm an ủi mà Nhân Tính Ngài có thể tiếp nhận được từ phần vô cảm, để được hoàn toàn bị bỏ rơi mà chịu tất cả các đau khổ tới độ sâu sắc nhất. Vì thế, Ngài nói với ba môn đệ là: “Linh Hồn Thầy buồn sầu đến chết được”. Sấp mặt xuống sát đất, ba lần Chúa kêu lên với Cha lời nguyện này: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin Cha cất chén này xa khỏi Con”. Nỗi buồn sầu mênh mông ấy, sự ghê rợn sâu xa ấy, Ngài phải chịu không vì sợ những đau khổ trong cuộc Tử Nạn, nhưng vì thấy rằng, dầu Ngài phải chịu đau khổ như vậy, cũng có một số đông đảo những kẻ bị trầm luân phải đau khổ còn hơn nữa vì đã khinh chê đau khổ Ngài chịu. Đó mới là chén đắng kinh khủng mà Ngài xin Cha Ngài cất xa khỏi, nhưng vẫn hoàn toàn tuân hợp thánh ý Cha. Nhưng kẻ ngoan cố trong tội lỗi, mặc dầu được bấy nhiêu ân sủng, mà vẫn phải phạt đời đời, nên Chúa Cứu Thế, bởi không thể nào cản ngăn được án phạt chí công đó, đã bị ngã vào một cơn hấp hối toát máu ghê hồn. Nhân danh Thiên Chúa, Đức Tổng Thần Micae đến mang cho Ngài một an ủi. An ủi này là trình bày cho Ngài thấy rằng, mặc dầu cuộc Tử Nạn Ngài chịu hoá nên vô ích cho nhiều kẻ vô phúc, nhưng cũng có hiệu nghiệm cho một số rất đông người được tuyển chọn, mà Người đứng đầu là Mẹ chí ái của Ngài.

Từ nhà Tiệc Ly, Mẹ Maria nhìn thấy hết sức rõ ràng tất cả những sự kiện xảy ra tại vườn Cây Dầu. Mẹ bắt chước Con Mẹ với tất cả khả năng của Mẹ. Chính trong lúc Chúa Giêsu đi ra cùng với ba Tông đồ là Phêrô, Gioan và Giacôbê, Mẹ cũng rút lui vào một phòng khác cùng với ba phụ nữ đạo hạnh cùng có tên là Maria, trong số đó có Maria Mađalêna mà Mẹ đã đặt làm đầu tất cả. Còn những phụ nữ đức hạnh khác Mẹ để lại bên ngoài, và khuyến khích họ bền tâm canh thức cầu nguyện, để khỏi bị cám dỗ. Khi Mẹ ở một mình với ba nữ môn đệ rất thân tín ấy, Mẹ cầu xin Thiên Chúa ngưng ban hết mọi an ủi có thể cản trở không cho Mẹ cảm nghiệm được tất cả những đau khổ kinh rợn nhất trong thân xác và linh hồn Mẹ, cùng với Chúa Giêsu và theo gương Chúa Giêsu. Mẹ cũng xin cho được chịu trong thân xác Mẹ hết những đau đớn của những vết thương Chúa Giêsu sắp chịu trong cuộc Tử Nạn. Thiên Chúa Ba Ngôi chấp nhận và chuẩn y hai lời xin đó. Vì thế, với một mức độ nào đó, Mẹ Maria cảm thấy tất cả những cực hình Chúa Giêsu chịu. Những đau đớn ấy sâu sắc dữ dằn khủng khiếp, nếu Chúa không ban ơn trợ giúp cách lạ, Mẹ đã chết đi nhiều lần. Nhưng dưới một khía cạnh khác, những đau khổ ấy lại đảm bảo sự sống của Mẹ: với tình yêu rất nồng nàn của Mẹ, không gì có thể làm Mẹ phải đau khổ đến chết được, hơn là nhìn thấy Con Mẹ phải đau khổ và phải chết, mà không được cùng chịu với Chúa những đau khổ y như Chúa chịu.

Sau hành vi rất anh hùng ấy, Mẹ nói với ba nữ môn đệ mà Mẹ đã chọn để tham dự với Mẹ vào cuộc Tử Nạn của Chúa: “Linh hồn Mẹ rất buồn sầu vì Con của Mẹ, Chúa của Mẹ, phải đau khổ và phải chết, mà Mẹ không được cùng với Người chịu cùng những đau khổ Người đã chịu. Các con ơi, các con hãy cầu nguyện để khỏi thua chước cám dỗ”. Rồi Mẹ lui xa riêng ra một ít, hợp tâm với lời cầu nguyện của Chúa Giêsu. Mẹ trở lại với ba nữ môn đệ ba lần, vì ma quỷ điên cuồng xông đánh họ. Mẹ cũng phải hấp hối giống như Chúa Giêsu. Như Chúa, Mẹ khóc vì các Tông đồ buồn sầu và mê ngủ, cũng như vì những tội nhân bị đoạ phạt và cứng lòng. Mồ hôi pha máu từ toàn thân Mẹ toát ra. Thiên Chúa sai Đức Tổng Thần Gabrie đến an ủi Mẹ, cũng như sai Đức Tổng Thần Micae đến an ủi Chúa Giêsu: Mẹ chịu phiền não y như Chúa Giêsu, nên cũng được an ủi y như Chúa Giêsu. Luôn luôn lo đến Con Mẹ, Mẹ uỷ một số thiên thần hầu cận đem khăn đến lau mặt phủ đầy máu của Chúa. Vì yếu mến Mẹ, Chúa Giêsu ưng nhận tình ân cần yêu đương ấy của Mẹ.

Mẹ khủng khiếp biết bao, khi thấy một đoàn lính, gia nhân, cả Do Thái cả dân ngoại, dưới quyền chỉ huy của một cai đội, có Giuđa hướng dẫn tiến vào vườn Cây Dầu! Thấy trước những sỉ nhục bọn người đó sẽ làm cho Chúa Giêsu, Đấng Sáng tạo họ, Mẹ mời các thiên thần và các nữ môn đệ của Mẹ đền tạ sự vô đạo của chúng, bằng cách cả trong lòng cả bề ngoài làm những việc tin, yêu, thờ lạy Thần Tính và Nhân Tính Chúa. Các nữ môn đệ bắt chước Mẹ bái gối rất nhiều lần với tâm tình: tin, mến, thờ lạy. Các thiên thần đáp hát những ca khúc Mẹ hát lên ca tụng tôn vinh Hữu Thể nhân loại và Thần Linh của Chúa Giêsu, Hi lễ cực thánh. Bằng việc đó, Mẹ đã làm nguôi phép công bình Thiên Chúa, và ngăn cản Ngài khỏi giáng phạt bọn cừu địch hèn hạ đó lập tức. Đặc biệt Mẹ cầu bầu cho tên Giuđa phản bội, khi y đem miệng ô uế của y mà hôn mặt Chúa Giêsu làm quy ước để kẻ thù bắt đúng Chúa cho khỏi lầm. Theo lời cầu xin của Mẹ hết sức thống thiết, Chúa nhân từ soi vào tâm hồn người Tông đồ khốn nạn đó một ánh sáng rất linh động, tỏ cho y thấy không những tội ác của y tối tăm đáng phạt thế nào, mà còn thấy cả là y chắc chắn và hân hoan được tha thứ, nếu y hối hận. Nhưng than ôi! hạt giống chí thánh ấy không sinh một hiệu quả nào trong tâm hồn cứng rắn hơn kim cương, và tàn bạo hơn hổ báo của tên phản phúc đó.

Trong bọn người đến bắt Chúa tại vườn Cây Dầu, có cả Luxiphe và đông đảo thần dữ trà trộn vào. Chúng xúi giục Giuđa và bọn quân dữ đem tất cả bạo lực của chúng mà hành hạ Chúa Giêsu. Lúc bọn này trả lời Chúa là chúng đi tìm bắt Giêsu Naxarét, Chúa chỉ trả lời gọn ghẽ rằng: “Ta đây”. Lời ngắn gọn chứa đựng biết bao ý nghĩa đó quật ngã chúng tất cả: cả người, cả ngựa, cả bọn chó chúng đem theo để đánh hơi, và cả đám đông ma quỷ thúc bách chúng nữa. Chúa cảm thương nhìn chúng nằm xo giụi ngổn ngang trước mặt mình, như hình ảnh một đoàn người bị đoạ phạt. Về phía Mẹ Maria, cùng với các thiên thần, Mẹ ca tụng quyền năng bất khả kháng của Chúa; nhưng, bao giờ cũng đầy trắc ẩn, Mẹ cầu xin Chúa cho phép những kẻ khốn nạn ấy đứng dậy. Và chính Chúa cũng đã quyết định chỉ cho chúng đứng dậy khi có lời Mẹ cầu xin. Chúng bị nằm lịm hoảng hồn như vậy chừng nửa khắc đồng hồ.

Phép lạ trên lại kèm theo một phép lạ đầy ý nghĩa khác nữa. Lúc thánh Phêrô rút gươm chém đứt tai của tên Manchu là tên đi tiền phong, Chúa Giêsu vừa chữa lành tai bị đứt đó vừa nói với vị Đại Diện tương lai của Ngài: “Thôi, hãy xỏ ngay gươm vào vỏ. Giáo hội mà con sẽ làm Thủ Lãnh không phải thành lập và bảo vệ bằng khí giới giết người, nhưng bằng khí giới vô hại là cầu nguyện và nhân đức”.

Hai phép lạ ấy đáng lẽ phải làm cảm động bọn quân dữ ô hợp đó, và quy hồi bọn chúng, nhưng chúng vẫn trơ ra, không hề bớt căm phẫn chút nào. Được Chúa cho phép bắt Ngài, chúng nhảy bổ vào Ngài như những con thú dữ. Tên Giuđa đã căn nhặn trước chúng là phải coi chừng: y nói Chúa Giêsu là một thầy phù thuỷ cao tay, nên có thể thoát khỏi chúng dễ như trở bàn tay, vì thế chúng trói Chúa lại bằng một xiềng sắt rất dài, chằng chịt nhiều vòng quanh lưng quanh cổ Chúa, và bỏ thõng hai đầu xiềng. Chúng lại còng tay Chúa lại bằng những chiếc còng sắt, buộc giật cánh tay lại sau lưng. Để chắc hơn, chúng lấy hai dây thừng ghì chặt hai cánh tay vào mình, thắt lại bằng những nút rất chặt, hai đầu dây chừa lại, để có thể lôi kéo cả đàng trước lẫn đàng sau.

Mẹ Maria sầu thảm báo cho ba nữ môn đệ biết tội phạm thánh tàn bạo đó. Họ khóc lóc não nề, nhất là Maria Mađalêna tình cảm thương bộc lộ hăng nồng nhất. Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc của chúng ta đã nài xin, nên Mẹ cũng được cảm nghiệm trong Thân Xác Mẹ những đau khổ do xiềng trói dây ghì, y như chính thân Mẹ bị xiềng trói. Lúc bọn quân dữ lôi kéo Chúa, Mẹ lại còn phải cực khổ hơn nữa. Bọn chúng lôi Chúa ra khỏi vườn Cây Dầu giữa những tiếng reo hò gào thét ghê rợn. Chúng vừa phun vào Chúa Giêsu là Con Chiên rất hiền từ những lời phạm thượng độc địa ghê tởm nhất, vừa hành hạ Chúa không nương tay. Kẻ cầm mối dây phía ngực, kéo giụi Chúa về trước, đứa níu mối dây phía lưng, kéo giật Chúa về sau; tên bắt Chúa phải đi mau hơn, đứa giục Chúa phải đi chậm lại; làm Chúa khi bị giật lùi bật lại, khi bị xô giúi về phía trước, khi bị ngã ngả nghiêng, lúc Chúa ngã gục đầu xuống đất, hai tay bị nín cứng vao thân mình, không lấy gì mà đỡ được, nên mặt vừa bị thương giập máu, vừa lem luốc vấy nhơ. Bọn quân dữ bất nhân vô cảm ấy lại nhào lên Chúa, giơ giầy lên đạp mặt, vừa đánh vừa rủa sả, coi Chúa như một tên ác nhân đê mạt nhất.

Chính quỷ Luxiphe đã nung cho bọn quân dữ cháy lên mối cuồng giận vô đạo đó. Sự bình tĩnh, đức hiền từ, thái độ bình thản và oai nghi của Chúa Giêsu giữa những tàn đãi bạo ngược ấy làm cho y sợ hãi hơn bao giờ hết. Y bực tức với thắc mắc: có lẽ Chúa là Đấng Cứu Thế mà y không thể thắng nổi đây chăng. Cho nên, y quyết định ức bách Chúa một cách hung hãn nhất, để, nếu Chúa chỉ là một con người, Ngài sẽ mất nhẫn nại. Nhưng vẫn theo dõi thảm kịch đó từ căn phòng ẩn dật, thấy rõ ý định hoả ngục của y, Mẹ Maria cấm không cho y lại gần Chúa. Ngay lúc đó, y mất hết mọi nghị lực: tuy nhiên, y được phép xúi giục bọn người Do Thái là đồ đệ y căm giận Ngài, muốn giết Ngài cho hả dạ.

Hăng hái thúc đẩy cừu thù của Chúa, Luxiphe cũng hăm hở chẳng kém để xông đánh những bạn chí thiết của Ngài là các Tông đồ. Trong lúc bọn quân dữ lôi Chúa đi, y đến làm xáo trộn niềm tin của các ông, làm tê liệt lòng can đảm của các ông, xúi giục các ông bỏ trốn, mặc dầu các ông vừa mới cương quyết thề thà chết còn hơn trốn bỏ Thầy. Tâm hồn các Tông đồ bấy giờ thật náo động. Các ông tự trách vì đã hèn nhát, vì thất tín, vì vong ân. Các ông lại cảm thấy là cần phải can đảm trở lại bên Thầy, trở về an ủi Thân Mẫu của Thầy. Nhưng đồng thời, Luxiphe lại làm cho các ông nửa ngờ nửa sợ. Đến nỗi các ông nghĩ chẳng còn gì là đảm bảo, chẳng còn đâu chắc chắn nữa. Tuy nhiên, thánh Phêrô và thánh Gioan đã kháng cự những cám dỗ ấy mạnh hơn hết các Tông đồ khác. Hai ông liền đi theo Chúa, nhưng vẫn đề phòng. Mẹ Maria lúc ấy rất lo lắng đến các ông. Và các ông, nhất là thánh Gioan, cũng rất khát mong trở về thăm Mẹ, hoạ may làm vơi dịu được một chút nỗi đau thương của Mẹ chút nào chăng.

Mẹ thấy rất rõ từng tình ý, từng hành vi của các Tông đồ; không những không buồn giận gì sự yếu đuối của các ông, Mẹ còn cầu nguyện cho các ông với một lòng cảm thương dịu dàng nhất. Mẹ thầm nói: “Ôi những con chiên vô tội, tại sao các con lại bỏ mặc Đấng Chủ Chăn rất đáng mến của các con? Và Con Mẹ ơi, Con là Tình Yêu rất dịu ngọt của Mẹ, là Chúa rất nhẫn nhục, xin Con thương đến đoàn chiên nhỏ đang bị con rắn già hung độc làm tan tác”. Nhờ có Mẹ, mà các Tông đồ được Chúa tha thứ lỗi lầm các ông đã phạm, lỗi lầm mà về sau các ông đã tu sửa một cách vinh quang. Trong lúc đó, cả Giáo hội đều tập trung nơi Trái Tim Mẹ như trong một hòm bia bất hủ. Mẹ luôn luôn dâng lên Thần Tính và Nhân Tính của Con chí thánh Mẹ những hành vi đức tin, đức cậy, đức mến và đức phờ phượng rất tuyệt vời cao cả. Mẹ quỳ gối và phủ phục rất nhiều lần để thờ lạy Chúa, hát lên nhiều ca khúc diệu kỳ để tôn vinh Chúa. Toàn thể quan năng Mẹ lúc ấy như một nhạc khí hoà vang dưới bàn tay quyền năng Đấng Tối Cao, mà những lời than van đau khổ của Mẹ không làm lỗi nhịp một hoà điệu nào.

LỜI MẸ HUẤN DỤ

Hỡi con, nếu con không trung thành suy niệm về cuộc Tử Nạn của Chúa Giêsu Tử Giá, con tự tuyên án xử phạt con đó. Chúa đã phán: “Cha là đường”. Như vậy, ta lại không phải đi con đường cứu độ này, trải qua những nhục nhã, những đau thương và sự chết của Chúa Cứu Chuộc sao? Những người muốn cùng cai trị với Chúa, mà không muốn chịu đau khổ với Chúa, họ kiêu căng lừa dối biết bao! Kẻ không muốn bắt chước Cha mình, không phải là con thật: kẻ không thực hiện những bài học Thầy mình dậy, không phải là môn đệ thật. Mẹ không nhận vào số người sùng kính Mẹ những ai không cảm thương và không thông phần với những đau khổ của Con Mẹ và của Mẹ. Tình ân cần ái tuất của Chúa và của Mẹ bắt buộc Chúa và Mẹ phải gửi cho họ những đau khổ, để khi chấp nhận chịu đau khổ, ít là một cách nhẫn nại, họ tiến về nơi an toàn đời đời mà họ khát mong. Phải đi qua đường thánh giá, người ta mới tới được tình yêu, mới được thương mến và chiếm hữu Thiên Chúa. Ngoài sự lên trời ngự bên hữu Cha, Chúa Giêsu chẳng thấy cái gì ngọt ngào hơn là chịu đau khổ và chịu chết cho Cha và cho loài người.

Chính vì đã quên mất giáo huấn này mà các Tông đồ ngã thua chước cám dỗ Con Mẹ đã báo trước cho họ. Sự sa ngã của Giuđa xảy ra trước sự sa ngã của họ còn đáng khóc hơn nữa. Vì thế mà nó bị phạt nặng nề hơn nhiều quỷ dữ khác, vì nó đã lạm dụng những ân sủng không ban cho những tên quỷ trước kia. Những kitô hữu nào không lợi dụng ơn Cứu Chuộc cũng sẽ bị phạt nặng hơn như vậy.

Chỉ duy những công nghiệp của Con Mẹ lập, những công nghiệp mà Mẹ không ngớt dâng lên Cha Ngài, cũng có thể làm nguôi cơn thịnh nộ công chính của Cha, ngăn cản Cha không tiêu diệt thế giới tội lỗi, và không đánh phạt ngay những đứa con bất xứng của Giáo hội, những đứa con đã không chịu nhận ra bổn phận mình, không chu toàn bổn phận mình, những đứa con đã biết những đau khổ Chúa Cứu Chuộc và Mẹ phải chịu, mà vẫn vô cảm, vẫn tàn ác với Chúa và Mẹ và với chính họ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *