Mục Lục
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Lời mở đầu
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Trong ơn tiền định
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Thiên Đàng chờ đợi
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Trần gian ngóng trông
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Đầu thai vô nhiễm
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Quãng đời thai nhi
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Sinh vào trần thế
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Cuộc đời ba năm đầu
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Dâng mình trong Đền Thờ
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Thử thách trong Đền Thờ
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Chịu tang trong Đền Thờ
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Kết mối lương duyên
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Chờ đón Tin Mừng
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Tiếp Nhận Tin Mừng
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Một Cuộc Viếng Thăm
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Trở Về Mái Ấm
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Đợi Ngày Sinh Hạ
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Sinh Chúa Tại Belem
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Chúa Tỏ Mình Cho Mục Tử
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Tham Dự Lễ Cắt Bì
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Tiếp Kiến Ba Đạo Sĩ
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Dâng Chúa Trong Đền Thờ
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Lánh nạn sang Ai Cập
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Lưu Ngụ Tại Ai Cập
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Thử thách mới tại Naxarét
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Vui buồn đắp đổi
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Sống đời quả phụ
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Cô thân chiếc bóng
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Theo Chúa Giảng Tin Mừng
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Từ núi Tabôrê đến Lễ Rước lá
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Dự lập Thánh Thể
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Thảm cảnh Vườn Cây Dầu
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Nơi tòa Thượng tế
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Trước cửa công đường
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Trước giờ hành quyết
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Trên đường hành quyết
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Đồi Can-vê loang máu
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Phục sinh huy hoàng
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Chúa lên trời
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Chờ đón Thánh Linh
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Hướng dẫn Giáo đoàn đầu tiên
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Tâm tình với Thánh Thể
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Trong cơn bách hại buổi đầu
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Tham gia chỉ đạo Giáo Hội
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Phù trợ các Tông đồ
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Hai lần sang Tây Ban Nha
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Hành trình sang Êphêsô
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Lưu ngụ tại Êphêsô
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Dự Công đồng Giêrusalem
- Thần Đô Huyền Nhiệm -Tuyệt đỉnh hoàn thiện
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Trông nôm viết Phúc Âm
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Mừng Kỷ Niệm Đời Mẹ
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Mừng Kỷ Niệm Đời Chúa
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Chờ ngày giã thế
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Đức Mẹ Ly Trần
- Thần Đô Huyền Nhiệm – Đức Mẹ là Nữ vương Trời đất
- Audio Thần Đô Huyền Nhiệm
- HĐGDĐMVN/ GP. Hưng Hóa: Viếng thăm huynh đệ 2019
Phần Thứ Hai: CUỘC ĐỜI CÔNG KHAI |
30. DỰ LỄ LẬP THÁNH THỂ
Ngày Thứ Năm Thánh, trước khi mặt trời mọc, Chúa Giêsu gọi Mẹ Maria lại. Mẹ đến sấp mình dưới chân Chúa theo lệ quen mà nói: “Con là Thầy dậy của Mẹ, xin Con cứ nói, tôi tớ của Con đang lắng nghe Con đây”. Chúa nâng Mẹ dậy, và thân thưa Mẹ với một giọng dịu dàng thiên quốc rằng: :”Mẹ ạ, đây là giờ Con phải thi hành việc Cứu Chuộc thế gian. Mẹ đã tình nguyện thưa lời Xin Vâng lúc Con Nhập Thể, Con muốn Mẹ cũng thưa lời Xin Vâng ấy lúc này khi Con chịu Tử Nạn. Xin Mẹ bằng lòng cho Con đi chịu đau khổ và chịu chết cho loài người, và xin Mẹ Đồng Công với lễ hi sinh này để cứu rỗi họ”.
Nghe những lời đó, Mẹ Maria cảm thấy tâm hồn dễ cảm của Mẹ vỡ ra dưới áp lực đau khổ mãnh liệt hơn hết Mẹ chưa từng chịu. Rất sầu thảm, nhưng cũng rất tận tình, Mẹ lại sấp mình xuống trước mặt Chúa Giêsu, hôn chân Ngài mà nói: “Con là Chúa và là Thiên Chúa tối cao, Mẹ là tôi tớ của Con, mặc dầu lòng lành khôn tả của Con đã đoái thương nâng Mẹ lên làm Mẹ của Con, Mẹ xin tuân hợp thánh ý Cha hằng hữu và thánh ý Con. Lễ hi sinh lớn nhất Mẹ có thể dâng là không được cùng chết với Con, và không được thay con để ngăn cản Con khỏi chết, ít là cho Mẹ được tham dự mọi đau khổ Con chịu, để Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc loài người. Con là kho tàng duy nhất của Mẹ, xin Con hãy đoái nhận lời xin với tình mẹ của Mẹ kèm với hi sinh đớn đau của Mẹ, và cho Mẹ được thưa một lời xin khác nữa”.
Chúa Giêsu bằng lòng, và Mẹ tiếp tục xin: “Con chí ái của Mẹ, thật Mẹ chẳng xứng đáng với điều Mẹ ước mong, song Con là nơi nương náu của lòng Mẹ cậy trông. Nếu đẹp ý con, Mẹ nài xin Con cho Mẹ được tham dự vào nhiệm tích mà Con quyết định sáng lập. Mẹ biết rõ ràng chẳng một thụ tạo nào có thể lập công để được một ân huệ tuyệt cao như vậy, nhưng Mẹ có thể dâng cho Con những công nghiệp của riêng Con. Tuy nhiên, nếu Mẹ có quyền nào để làm được việc gì có giá, vì Con đã mặc Nhân Tính thánh trong lòng Mẹ, Mẹ chỉ xin dùng quyền ấy để thuộc hẳn về Con, nhờ cuộc chiếm hữu Con một lần nữa trong nhiệm tích rất thánh Con sắp lập, một cuộc chiếm hữu cho Mẹ được vui mừng cùng sống với Con. Từ khi con cho Mẹ biết Con muốn ở lại trong Giáo hội dưới hình bánh hình rượu thánh hiến, Mẹ đã áp dụng mọi việc Mẹ làm, mọi điều Mẹ khát vọng để được hiệp thông với Con trong nhiệm tích ấy. Vậy, Con là Chúa của Mẹ, xin đến cư ngụ nơi lòng Mẹ, nơi Con đã cư ngụ trước kia, để Mẹ Con ta hợp nhất khăng khít mãi ở đó trong một tình yêu tha thiết mới”.
Mẹ Maria nói những lời ấy với tất cả mối nhiệt tâm và tất cả tình âu yếm Mẹ có thể. Chúa Giêsu cũng trả lời một cách thiết tình nhất, quả quyết là Mẹ sẽ thoả nguyện khi Ngài lập nhiệm tích tôn thờ ấy. Ngay từ đó, Mẹ đã dọn mình để hiệp lễ với một lòng tri ân khiêm nhượng và một tình yêu tôn kính rất sâu xa.
Tiếp đó, Chúa Giêsu ra lệnh cho các thiên thần phải mặc hình người túc trực hầu Mẹ và an ủi Mẹ khi Mẹ đau khổ. Rồi Chúa lại thưa với Mẹ: “Mẹ sẽ theo Con một quãng xa xa lên Giêrusalem cùng các phụ nữ đạo đức đồng hành, Mẹ sẽ nâng đỡ đức tin của họ trong lúc Con chịu Tử Nạn”. Sau đó, Chúa chúc lành cho Mẹ và chào từ biệt. Niềm đau đớn xé nát Trái Tim hai Mẹ Con lúc ấy vượt trên tất cả những đau đớn mà loài người có thể tưởng nghĩ. Liền đấy, Chúa Giêsu tạ từ Mẹ, và rời khỏi Bêtania, vào lúc trước giờ trưa một chút, có các Tông đồ đi theo. Đi được mấy bước Chúa ngước mắt lên trời, kêu lên: “Lạy Cha hằng hữu, vì vâng thánh ý Cha và vì yêu mến Cha, Con sắp sửa chịu đau khổ và chịu chết cho loài người là hình ảnh Cha, để họ được nối lại tình thân nghĩa với Cha, và hết mọi thụ tạo đều tôn vinh danh thánh Cha”.
Mẹ Đồng Trinh Maria lúc đó cũng đã lên đường, liền hợp tâm tình với lời cầu xin ấy. Trên đường đi, lúc Mẹ đàm đạo với các thiên thần, họ cùng với Mẹ ca tụng nhiệm tích cao cả Chúa sắp lập, lúc Mẹ nói với những phụ nữ cùng đi, để củng cố đức tin của họ trong những náo động của cuộc Chúa Tử Nạn. Bà nào cũng lợi dụng những lời Mẹ nói, nhất là thánh nữ Maria Mađalêna, một phụ nữ có tính tình cương nghị và tâm hồn bừng cháy toàn lửa mến yêu Thiên Chúa.
Về phía Chúa, như một con thiên nga trên trời, Ngài trào rất nhiều hứng thú vào những câu truyện trao đổi với các Tông đồ. Ngài soi sáng họ cách dịu dàng. Lúc đến gần Giêrusalem, Ngài uỷ thác cho thánh Phêrô và Thánh Gioan đi trước để chuẩn bị tiệc Chiên Vượt Qua theo lề luật dậy. Theo dấu hiệu Ngài chỉ trước, hai ông đã chu toàn sứ mệnh trong nhà một nhân vật rất giầu sang và rất tận tâm với Chúa Giêsu. Ông hoan hỉ dâng cho hai Tông đồ một ngôi nhà có phòng rộng lớn, trang hoàng lộng lẫy sẵn sàng, rất hợp cho việc tôn lập nhiệm tích Thánh Thể và những mầu nhiệm trọng đại sắp diễn ra.
Chúa Giêsu tới nơi được một lúc Mẹ Maria cũng đến. Mẹ liền sấp mình xuống dưới chân Chúa, cầu phép lành và xin Chúa cho biết mình phải làm gì. Theo lời Chúa, Mẹ và đoàn phụ nữ theo Mẹ rời sang một phòng bên cạnh, nơi đây, Mẹ tham dự được tất cả những việc xảy ra trong đêm kỷ niệm ấy. Được nâng lên trong một cuộc chiêm niệm rất cao, Mẹ nhìn thấy những mầu nhiệm lạ lùng đó rõ ràng như ở trước mắt. Mẹ hiệp thông vào hết tất cả những mầu nhiệm ấy với tư cách là Đấng Đồng Công với Con Mẹ, Người Con có những nhân đức, những hành vi, những lời cầu nguyện lúc nào cũng vang động trong Trái Tim Mẹ như một vang âm trên trời. Mẹ cũng hát lên thêm nhiều ca khúc chúc tụng mới để hợp lòng với Con Mẹ.
Chúa Giêsu vào căn phòng đã dành sẵn cho Chúa. Ngài nói với các tông đồ rằng: bữa ăn tối hôm nay sẽ chấm dứt những nghi lễ tượng trưng trong Luật Cũ, vì hôm nay thực tại được thể hiện. Trong thâm tâm, Ngài cảm tạ Cha hằng hữu về thực tại đó, rồi vào dự bữa tiệc chiên Vượt Qua cuối cùng đời Ngài. Cuối tiệc, Ngài chỗi dậy, thầm đọc lời nguyện này: “Lạy Cha hằng hữu, Con sắp tự hạ xuống tới tro bụi để lưu cho Giáo hội của Con một tấm gương khiêm nhượng. Nhằm mục đích đó, Con sẽ rửa chân cho các môn đệ Con, kể cả Giuđa, con người đê tiện hơn hết mọi người vì ác tâm của y. Con sẽ phủ phục trước mặt nó, tha thứ cho nó và nhận nó làm bạn thân của Con, để cả trời đất ít ra cũng biết rằng vòng tay khoan dung của Con vẫn sẵn mở để đón nó”.
Ngài cởi áo choàng ra, áo mà Mẹ Maria may cho Ngài mặc bên ngoài áo không có đường chỉ. Ngài lấy một chiếc khăn vải thắt lưng, lấy nước đổ vào chậu, và rửa chân các các Tông đồ như Phúc Âm đã thuật lại. Lời ngài nói với Phêrô: “Bây giờ con chưa hiểu được việc Thầy làm đâu, sau con mới hiểu”, có nghĩa là: “Con hãy bắt trí năng con khuất phục trí năng Thầy, mà vâng lời, vì hễ không vâng lời là không có khiêm nhượng thật, mà chỉ có kiêu căng”. Thánh Phêrô chưa hiểu lời đó. Ông rối rít với sự khiêm nhượng sơ hở của ông mà nói: “Không, thưa Thầy, sẽ không bao giờ Thầy rửa chân cho con đâu”. Chúa Giêsu phải nghiêm nghị dùng đến lý mạnh: “Nếu con không để Thầy rửa cho, con sẽ không được dự gì với Thầy nữa!” Đừng dự gì với Thầy có nghĩa là không được dự vào nhiệm tích Thánh Thể và ơn Cứu Chuộc. Với lời đe doạ đó, Chúa đã thiết lập nền tảng vững chắc cho đức tuân phục. Khi nào không thấy rõ ràng bề trên lầm, vẫn phải nhắm mắt tuân phục, chứ không được tìm lý sự để không tuân. Được soi sáng rõ, thánh Phêrô vừa sợ vừa yêu mến một cách thánh thiện nhiệt thành, ông trả lời: “Vâng, xin Thầy cứ rửa không những chân con, mà cả tay với đầu con nữa”. Ngỏ lời với tất cả các tông đồ, Chúa nói: “Các con đã sạch, nhưng không phải tất cả đã sạch đâu. Ai đã tắm rồi chỉ cần rửa chân nữa là xong (Nghĩa là sạch những khuyết điểm nhẹ, những bất toàn, là những cái trở ngại cho việc lĩnh nhận đầy đủ các hiệu quả thần linh của việc hiệp lễ Thánh Thể).
Chính Giuđa là kẻ bị Chúa ám chỉ khi nói ra câu trừ ra ở trên. Chúa rất thương xót, không những xử với hắn y như với các tông đồ khác, mà còn tỏ ra những bằng chứng yêu thương đặc biệt. Ngài đến với hắn với một thái độ đáng mến, vỗ về, quỳ xuống chân hắn, rửa chân hắn, hôn lên và áp lên ngực một cách rất âu yếm. Đồng thời, Ngài dội vào linh hồn hắn những ơn soi sáng và ân sủng thích thuận để quy hồi hắn. Nhưng tên khốn nạn đó ruồng rẫy tất cả, vì lẽ hắn đã giao ước với đảng Biệt phái để nộp Thầy mình cho họ, và vì ma quỷ đã chỗm chệ lên ngôi trong tâm hồn nham hiểm của hắn rồi. Từ vực thẳm của lương tâm hắn, nổi lên một trận bão táp mạnh mẽ đầy hổ thẹn, cay đắng và căm hờn, hắn không dám nhìn lên mặt Chúa Giêsu nữa.
Sau khi đã làm xong những nghi thức chuẩn bị, Chúa Giêsu lại mặc áo choàng vào và lại ngồi vào bàn. Trong lúc thánh Gioan dựa đầu lên ngực Chúa, Chúa đã dậy ông những điều tuyệt cao về Ngôi Vị rất thánh của Chúa và về Mẹ Maria thánh đức của Chúa. Chính lúc đó, Chúa đã trối Mẹ làm Mẹ ông. Ở trên Thánh Giá, Chúa chỉ công khai tuyên bố một việc đã quyết định riêng trước rồi. Cho nên Ngài mới nói: “Mẹ của con đây này!” Tất cả các Tông đồ lúc ấy cũng đều lĩnh nhận được những ánh sáng mới về các mầu nhiệm trọng đại, những ánh sáng ấy chuẩn bị các ông kỹ càng hơn để rước lĩnh Thánh Thể. Để lập nhiệm tích này, Chúa Giêsu đã cho dọn một chiếc bàn tương tự như những chiểc bàn ngày nay ta dùng. Ông chủ nhà trải lên một tấm khăn rất quý, đặt thêm một chén lớn có hình nụ hoa. Đĩa và chén đắt giá ấy làm bằng một thứ đá quý giống như ngọc bích. Về sau, các Tông đồ vẫn dùng để cử hành Thánh Lễ.
Khi tất cả đã sẵn sàng, Chúa Giêsu nói với các Tông đồ một bài dài đầy những ý thâm trầm kỳ diệu. Lời Ngài nói thấm vào tận đáy tâm hồn các ông, như những mũi tên bừng lửa tình yêu, gây nên một trận cháy êm dịu. Ngài mạc khải cho các ông những mầu nhiệm tối cao về Thần Tính Ngài, về Nhân Tính Ngài, về ơn Cứu Chuộc, cũng như về sự cao trọng, về chức vị tuyệt vời và đặc ân của Mẹ Maria.
Sau khi Chúa nói xong huấn từ rất cảm kích đó, các thiên thần đưa hai ông Hênóch và ông Elia đến, để hai vị tổ phụ của luật tự nhiên và luật thành văn ấy được tham dự vào nhiệm tích Thánh Thể. Sau cùng, cả Ngôi Cha và Ngôi Thánh Thần xuất hiện với toàn thể triều đình thiên quốc. Hết các Tông đồ đều cảm thấy sự xuất hiện này, nhưng chỉ có một vài vị nhìn thấy, đặc biệt là thánh Gioan, là một người bao giờ cũng có đặc ân có cái nhìn của phượng hoàng về những mầu nhiệm thần linh. Bộ Luật ân sủng và Giáo hội Tân Ước đã được thành lập trong vẻ lộng lẫy cực kỳ huy hoàng ấy.
Lúc đó, Chúa Giêsu thầm nguyện trong tâm hồn một lời nguyện cầu cùng Cha hằng hữu xin cho loài người được cứu rỗi, và xin Cha chấp thuận cho Ngài lập các nhiệm tích, để ban cho mọi người những nhu cầu thiêng liêng. Chỉ một mình Mẹ Maria là được biết lời nguyện này; Mẹ hợp lòng với lời nguyện ấy với tư cách là Mẹ, là Đấng Đồng Công của Chúa Cứu Thế. Tên quỷ Luxiphe vác mặt đến đó, với manh tâm là đem thói hiểm độc của hắn chống lại với những ân sủng sắp sửa được ban xuống đầy tràn. Nhưng Đức Nữ Vương vũ trụ chiếu quyền Chúa Giêsu ban cho mình, ra lệnh cho con rồng dữ đó và chư hầu của nó phải nhào xuống hang hố hoả ngục lập tức. Chúng cứ phải ở đó cho đến lúc chúng được phép ra để dự khán cuộc Tử Nạn của Chúa. Các thiên thần đến chúc mừng chiến thắng ấy của Mẹ.
Lúc đó, Chúa Giêsu xướng một ca vịnh khác tôn vinh Cha Ngài, và cảm tạ Cha Ngài vì đã ưng nhận lời Ngài cầu xin cho loài người. Rồi Ngài cầm bánh đặt trong đĩa lên, ngước mắt nhìn trời, nhìn Cha hằng hữu và Thánh Linh, với một phong thái uy nghi đến nỗi các Tông đồ, các thiên thần và cả Mẹ Maria đều ngợp một niềm kính sợ mới. Sau cùng, Chúa đọc lời hiến thánh hai hình bánh rượu.
Chúa vừa đọc xong, Cha hằng hữu đáp lời: “Đây là Con chí ái Ta, Ta thoả nguyện nơi Người, và Ta sẽ thoả nguyện nơi Người cho đến tận thế. Người sẽ ở lại với loài người suốt thời gian lưu đầy của họ nơi trần gian”. Chúa Thánh Linh cũng xác nhận lời hứa ấy. Và Nhân Tính rất thánh của Chúa Giêsu cúi sâu trước Thần Tính hiện diện trong nhiệm tích. Mẹ Maria khiêm nhượng sấp mình xuống, các thiên thần hầu cận Mẹ, cũng như tất cả những người khác: Hênoch, Elia, các Tông đồ, đều thờ lạy Thánh Thể, chỉ trừ có tên Giuđa là kẻ không tin. Chúa Giêsu lại dâng cao Mình cùng Máu đã hiến thánh của Ngài lên để mọi người tham dự Thánh Lễ đầu tiên ấy thờ lạy một lần nữa.
Các ông Hênóch, Elia và thánh Gioan lúc đó được một ánh sáng mới mẻ soi cho, nhưng kém hơn Mẹ Maria. Hơn hết cả mầu nhiệm, Mẹ hiểu thấu những cao trọng và mĩ lệ của nhiệm tích Thánh Thể, cũng như những phép lạ mà quyền năng, và sự khôn ngoan về tình yêu của Thiên Chúa chất đầy lên trong đó. Mẹ cũng lại thấy cả sự tệ bạc khó hiểu của loài người qua các thế kỷ sẽ xử với mầu nhiệm rất đáng tri ân này. Mẹ liền tự nhận trách nhiệm tu sửa lại hết sức có thể sự vô tình cứng cỏi ấy, bằng những việc tạ ơn liên tục suốt đời Mẹ. Mẹ rất đau khổ vì sự tệ bạc ấy, đến nỗi thường rơi lệ máu.
Sau khi dâng cao Thánh Thể, Chúa Giêsu bẻ lấy một phần, rồi tự mình rước lấy với tư cách là Linh Mục tối cao và đầu tiên, rồi với tư cách là Con Người, Ngài nhìn nhận mình ở dưới Thần Tính mà Ngài lĩnh nhận, Ngài hạ mình trước Thần Tính ấy. Lúc đó, Linh Hồn vinh hiển của Ngài giãi sáng ra nơi Thân Xác Ngài một lúc như trên núi Tabôrê. Nhưng chỉ có một mình Mẹ Maria là nhận thấy như thế hoàn toàn thôi.
Trong khi hiệp lễ, Chúa Giêsu đọc một bài ca tán tụng Cha hằng hữu, dâng mình cứu rỗi loài người. Rồi Ngài bẻ một phần bánh thánh hiến, trao cho Đức Tổng Thần Gabrie, để Tổng Thần đem đến cho Mẹ Maria. Mẹ đợi chờ, hai mắt đẫm lệ, khi Đức Tổng Thần đến với một đạo binh đông đảo thiên thần khác. Mẹ chịu lấy Thánh Thể từ tay Đức Tổng Thần. Mẹ là người thứ nhất hiệp lễ sau Chúa Giêsu. Mô phỏng Chúa Giêsu, Mẹ hạ mình rất thiêm nhượng tạ ơn Chúa. Thánh Thể được đặt vào Trái Tim Mẹ, như vào trong Nhà Tạm xứng đáng nhất của Thiên Chúa, và cứ còn nguyên vẹn mãi ở đó cho tới khi Mẹ hiệp lễ lần sau.
Sau khi Đức Nữ Vương các thánh đã lãnh nhận Thánh Thể rồi, Chúa Giêsu lại trao bánh thánh hiến cho các Tông đồ, truyền cho các ông chia nhau mà ăn. Bằng lệnh truyền đó, Ngài đã lập chức linh mục. Các Tông đồ bắt đầu thi hành chức vụ ấy trong khi tự mình rước lễ với một niềm tôn kính cao vời và chảy nước mắt nhiệt tâm.
Chỉ có một mình Giuđa thảm thương là không những không tin, không yêu mến, mà còn oán giận và điên đảo, y vẫn cứ là tên bội phản bỉ ổi nhất. Khi y nghe Chúa Giêsu ra lệnh cho các Tông đồ hiệp lễ, y có mamh tâm giữ bánh Thánh Thể lại, nếu có thể, và đem đến nộp cho các vị thượng tế, làm bằng chứng cho họ lên án Thầy mình vì đã quả quyết bánh đó là chính mình Ngài. Nếu không thể xúc phạm được như thế, y nhất quyết tìm cách khác để mưu hại đến phép Thánh Thể.
Được một thị kiến rõ ràng, Mẹ Maria quan sát tất cả sự việc xảy ra. Mẹ thấy rõ ý đồ gớm ghiếc của Giuđa. Bừng cháy nhiệt tâm tôn kính Thiên Chúa, tôn kính Con Chí Thánh mình, trong nhiệm tích Thánh Thể, và thấy rõ ý Ngài muốn Mẹ dùng quyền làm Mẹ, làm Nữ Vương trong hoàn cảnh này, Mẹ truyền cho các thiên thần lấy lại bánh và rượu khỏi Giuđa và đặt vào phần còn lại trên bàn. Các thiên thần vâng lệnh Mẹ. Khi con người khốn nạn nhất loài người đó cả gan hiệp lễ, các thiên thần lấy hình bánh hình rượu từ miệng hắn ra, thanh tẩy sự tiếp xúc phạm thánh ấy, rồi đặt chung với các phần khác. Việc ấy thực hiện trong vô hình, nên không ai nhìn thấy ngoài Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Thật là cho đến giây phút cuối cùng, Chúa Giêsu còn muốn bảo vệ thanh danh cho kẻ tử thù của Ngài! Các Tông đồ hiệp lễ cùng với Giuđa, lần lượt theo thứ tự trước sau, ăn Mình và uống Máu thánh tại chỗ nghiêng mình.
Sau đó, theo lệnh Chúa, thánh Phêrô đã đem Thánh Thể cho ông Hênóch và Elia để hai ông được sức mạnh sống cho đến tận thế, đợi chờ phúc hưởng kiến đời sau. Hai vị được đặc ân đó rồi, các thiên thần đưa các ông về nơi cư ngụ bí mật của các ông.
Cuối cùng, khi mọi người đã hiệp lễ xong, Chúa Giêsu lại tạ ơn Cha Ngài một lần nữa. Ngài nói cho các môn đệ nghe một huấn từ rất cảm động khác, và chấm dứt mầu nhiệm tiệc chiên theo luật và nghi thức lập Thánh Thể, để bắt đầu thể hiện những mầu nhiệm Tử Nạn Cứu Chuộc.
LỜI MẸ HUẤN DỤ
Hỡi con, người công giáo sẽ hạnh phúc biết bao nếu, họ vượt khỏi những lưu luyến trần gian, những đam mê áp chế, mà lợi dụng những ân huệ vô giá trong Thánh Thể! Nhờ Thánh Thể, họ có Đấng Cứu Chuộc chí thánh ở giữa họ: họ có thể thăm viếng và rước lĩnh. Đã được Chúa rồi, họ không còn khát khao gì, không còn phải sợ hãi gì trong cuộc lưu đầy của họ ở đời này nữa. Chúa đã lập nhiệm tích khôn tả này làm phương dược chữa lành bệnh tật họ, nâng đỡ họ khi yếu đuối, làm kho tàng cho họ khi khốn cùng, an ủi họ khi đau khổ, cho họ chiến thắng khi bị cám dỗ, và nên sự sống, nguồn vui và ơn cứu rỗi họ. Thánh Thể là nguồn mạch muôn ơn của tín hữu, mà họ không chạy đến với Thánh Thể khi ngặt nghèo, đó là họ phạm một lỗi lầm lớn nhất.
Thế nên, ma quỷ ra sức làm họ lìa xa Thánh Thể. Mặc dầu chúng bị cực khổ trước Thánh Thể, chúng cũng cứ vào các Nhà Thờ để xúi giục người ta bất kính với Thánh Thể và phạm những tội khác nữa, vì chúng hiểu sự sỉ nhục người ta làm cho Chúa uy nghi ở đó là sỉ nhục rất nặng nề.
Nhưng những người đã được nuôi dưỡng bằng Bánh Thánh này một cách vừa sốt sắng vừa thanh sạch, giữ mình mãi như thế từ lần hiệp lễ này đến lần hiệp lễ nọ, có năng lực chống lại ma quỷ mạnh mẽ biết bao! Ở trên trời, họ sẽ nên rực rỡ sáng như mặt trời, vì vinh quang Nhân Tính của Con Chí Thánh Mẹ sẽ giãi chiếu trên họ cách đặc biệt; còn những kẻ không siêng năng rước chịu Thánh Thể không được như thế. Ngoài ra, thân xác vinh quang của họ còn mang trên ngực những biểu chương rạng ngời nói lên rằng trái tim họ đã từng là nhà tạm xứng đáng chứa Thánh Thể. Đó là một niềm vui phụ trội cho họ, là đề tài ca tụng Thiên Chúa của các thiên thần, và là đề tài thán phục của các thánh. Họ còn được hưởng một phần thưởng phụ trội khác nữa là nhận thức rõ hơn được cách Chúa Giêsu ngự trong Thánh Thể và những phép lạ Ngài làm để ở lại đó. Chỉ một nhận thức này thôi cũng làm họ ngây ngất, đủ làm hạnh phúc đời đời cho họ. Còn về vinh quang thiết yếu của họ, ngang với và thường khi còn vượt trên vinh quang thiết yếu của rất nhiều vị tử đạo không được ích lợi nhờ hiệp lễ nữa.
Nhưng cần phải chuẩn bị hợp lẽ để hiệp lễ biết bao! Mặc dầu Mẹ đầy ngập những ân sủng và đặc ân, mặc dầu Mẹ đã luôn luôn lao nhọc và chịu đau khổ để phụng sự Thiên Chúa, Mẹ vẫn tin rằng chỉ một lần rước chịu Con chí thánh Mẹ ngự trong Thánh Thể thôi cùng đã là một phần thưởng cao trọng lắm rồi. Con hãy coi những việc con làm rất vô nghĩa, công nghiệp con lập rất tầm thường, các đau khổ con chịu rất nhẹ nhàng, và lòng tri ân của con rất thiếu sót đối với một ân huệ cao cả như vậy. Nếu con không thể trả ơn Con Mẹ cho đúng với ân huệ vô giá ấy, ít là con hãy luôn luôn dọn mình, luôn luôn sẵn sàng chịu rất nhiều lần những cuộc tử đạo, để được hưởng một ân huệ rất trọng đại này, bằng cách hoá ra không trong sự bất xứng của con.