Thần Đô Huyền Nhiệm – Tham Dự Lễ Cắt Bì

Mục Lục

Phần Thứ Hai: CUỘC ĐỜI CÔNG KHAI

 

19. THAM DỰ LỄ CẮT BÌ

Từ ngày Ngôi Lời Nhập Thể, Mẹ Maria vẫn hằng phải chịu một cuộc tử đạo không ngừng khi Mẹ suy niệm về những đau khổ Con chí thánh Mẹ sẽ chịu để cứu rỗi thế gian, nhưng Mẹ không được biết thánh ý Chúa về sự cắt bì phải làm cho Chúa tám ngày sau khi sinh ra. Mẹ biết rõ Con Mẹ xuống thế để tôn trọng và xác nhận lề luật bằng cách tự mình tuỳ phục lề luật. Nhưng phép cắt bì giả thiết là có nguyên-tội là tội mà Hài Nhi-Thiên Chúa không thể có, nên Mẹ hoài nghi không biết có phải cho Con chí thánh mình chịu cắt bì hay không, nhất là tình Mẹ yêu Con càng hoài nghi hơn. Mẹ thầm ước: “A! giá Con chí ái Mẹ đừng phải tuân giữ nghi lễ này! Ước chi một con sâu hèn hạ là Mẹ đây có thể thay chỗ cho Con để chịu phép ấy được!”

Dầu sao, Mẹ cũng phải chấp nhận một quyết định. Vì khiêm nhượng và vì thận trọng, nên khi không cần thiết cho lắm Mẹ không dám cầu cứu tới những phương tiện ngoại thường, như được mạc khải chẳng hạn. Thường thường, Mẹ vẫn an lòng với ánh sáng Chúa Thánh Linh chi phối suốt cuộc đời Mẹ. Nhưng trường hợp này, có một thắc mắc đặc biệt. Đức Khôn Ngoan bảo Mẹ phải cầu xin Thiên Chúa, nên Mẹ thưa Chúa: “Lạy Cha của Chúa con, đây nữ tì của Cha đang ẵm Hi lễ chân thật để dâng lên Cha. Xin Cha dạy cho con biết việc con phải làm để vâng phục lề luật. Nếu có thể chịu đau khổ để Con của con khỏi phải đau khổ, con xin hoàn toàn sẵn sàng chịu; nhưng nếu ý Cha muốn cho Con của con phải chịu cắt bì, con cũng xin sẵn sàng vâng theo”. Thiên Chúa trả lời Mẹ: “Con của Cha phải chịu dao cắt, một việc đồng thời cũng xé nát linh hồn con. Con hãy để Người đổ Máu ra làm của đầu mùa mang ơn cứu độ đời đời cho loài người”. Mẹ chí thánh đáp lại: “Lạy Cha, con xin chúc tụng Cha vì tình yêu vô cùng Cha yêu loài người, nên đã hi sinh Con Cha cho họ! Con xin dâng Cha Con Chiên rất hiền từ sẽ xoá tội trần gian này. Nếu con dao đả thương Người có thể đâm ngập vào con để tránh cho Người sự đau khổ tàn khốc này, xin Cha đổi cho con”.

Luôn luôn khiêm tốn, Mẹ không tiết lộ cuộc mạc khải đó cho Thánh Giuse. Nhưng để an ủi Ngài, Mẹ khéo léo chuẩn bị cho Ngài chu toàn quy định của lề luật, vì, theo lời Mẹ, Chúa không truyền một mệnh lệnh nào ngược lại với quy định ấy cả. Thánh Giuse, mặc dầu nghĩ tới việc ấy cũng rất khổ tâm, nhưng Ngài nhẫn nhục trả lời: “Vâng, ta phải tuân phục lề luật chung, vì ý Đấng Cứu Chuộc cũng không muốn miễn khỏi”. Bấy giờ Mẹ nói với Thánh Giuse lấy tiền bà Elisave tặng mà mua một lọ thuỷ tinh nhỏ, để chứa di tích cắt bì và sắm vải để thấm máu Chúa Hài Nhi sẽ đổ ra cũng như liệu thuốc dấu thông thường để rịt chữa vết thương.

Sắm liệu xong rồi, Đôi Bạn Thánh đồng ý đặt tên cho Chúa Hài Nhi là Giêsu; vì cả hai cùng được Trời Cao mạc khải cho là phải đặt danh hiệu ấy. Trong lúc Đôi Bạn Thánh trao đổi những chuyện trên, vô số thiên thần mặc hình người từ trời xuống đứng thành hàng ngũ trong hang đá. Họ mặc những y phục trắng rất lộng lẫy, tay cầm những cành lá vạn tuế, đầu đội những vòng hoa chói sáng hơn mặt trời. Tuy nhiên, ánh sáng của họ vẫn kém xa ánh huy hoàng chiếu giãi từ danh hiệu GI’SU khắc trên tấm pha lê họ mang trên ngực. Hai Tổng Lãnh của cơ binh này là Đức Micae và Đức Gabrie thưa với Đức Nữ Vương: “Đây là danh hiệu mà từ đời đời Chúa Ba Ngôi đã đặt cho Con của Đức Nữ, vì Người sẽ cứu chuộc thế gian”.

Ở Belem có một hội đường, dân chúng thường hội họp để cầu nguyện và nghe giảng nghĩa Thánh Kinh dưới quyền chủ toạ của một tư tế. Các bà mẹ thường kính cẩn đem con mình đến để xin vị tư tế này cắt bì cho, mặc dầu luật không buộc phải có tư tế cũng làm lễ nghi đó được. Mẹ Maria cũng muốn nhờ ông cắt bì cho Chúa Hài Nhi, và Thánh Giuse đến mời ông tới hang đá. Vừa đến thấy hang đá quá nghèo nàn, ông bất bình. Nhưng rồi vì Mẹ Maria khoan từ dịu dàng thưa gửi, và vì nhìn thấy Hài Nhi Mẹ ẵm trên tay, ông đã đổi thái độ gắt gỏng thành cảm phục, và cảm thấy một lòng sốt sắng khác thường. Muốn cho Mẹ khỏi phải nhìn một lễ nghi đẫm máu, ông nói Mẹ tạm lui xa một lát, cứ trao Hài Nhi cho hai vị phụ tá của ông ẵm bế cũng được. Nhưng vì không muốn xa lìa Con, không muốn trao Con cho một ai khác, Mẹ vừa khiêm tốn vừa khôn ngoan nói lên những lẽ vừa rất hợp lý vừa rất dịu dàng, nên tư tế đó bằng lòng để mẹ được ẵm Chúa Hài Nhi khi ông làm nghi thức. Như vậy, vòng tay Mẹ đã là bàn thờ sống động dâng Hi lễ mới lên Thiên Chúa. Thánh Giuse thắp lên hai cây nến cho thêm vẻ tôn kính trong hang đá nghèo nàn.

Mẹ cởi áo cho Con và lấy một tấm khăn đã ủ nóng trên ngực ra, lót xuống phía lưng Con để tiếp nhận di tích và Máu Con khi chịu phép cắt bì. Theo lời Mẹ xin, vị tư tế đã làm nghi thức đó một cách êm nhẹ hết sức có thể. Chịu cắt bì như thế, Chúa Hài Nhi đã hiến dâng lên Cha hằng hữu ba lễ vật rất cao giá là: thân phận tội nhân Ngài mặc lấy, đau khổ Ngài chịu như một con người, tình yêu thật nồng nàn khiến Ngài bắt đầu lấy Máu mình làm giá chuộc nhân loại. Ngài lại cảm tạ Cha cách rất nồng nhiệt vì Cha đã cho Ngài một Thân Xác để có thể chịu đau khổ vì vinh danh Cha. Chúa Hài Nhi cũng khóc khi chịu dao cắt như một con trẻ thường. Nhưng Ngài còn đau khổ hơn và khóc than hơn, vì nhiều linh hồn còn cứng hơn dao đá sắc bén, cắt thân mình Ngài, Trái Tim Ngài quằn quại đau đớn vì những linh hồn chai cứng ấy. Ngài ôm chặt lấy Mẹ Ngài, Người Mẹ cũng đang khóc với Ngài, xiết Ngài lại trên ngực Mẹ và, sau khi băng bó vết thương, đã cẩn thận lấy khăn bọc Ngài lại. Mẹ đã tham dự lễ nghi cắt bì cho Con chí thánh Mẹ này với một tâm hồn hết sức hào hiệp và quảng đại, khơi lên nơi các thiên thần một cảm mến lạ lùng và nơi Thiên Chúa một hài lòng thoả nguyện.

Khi tư tế hỏi xem tên Hài Nhi là gì để biên vào sổ, Mẹ nhường Thánh Giuse nói, vì Ngài là gia trưởng, nhưng Thánh Cả lại nói danh hiệu khả tôn đó phải do miệng Mẹ nói ra. Trong lúc Đôi Bạn Thánh nhường nhau, Chúa thúc giục cả hai cùng đồng thanh nói lên: “Tên Hài Nhi là GI’SU” Vị tư tế vừa viết thánh danh đó vào sổ, vừa cảm động mến yêu đến rơi lệ. Ông nói: “Tôi chắc Hài Nhi này sẽ trở nên một nhà đại tiên tri của Chúa. Vậy ông bà hãy coi sóc em cẩn trọng, và cho tôi biết tôi có thể giúp ích chút gì cho ông bà không”. Đôi Bạn Thánh tận tình cảm tạ ông, rồi dâng cho ông những cây nến dùng trong lễ nghi và một vài đồ vật nhỏ khác. Khi ông đi khỏi hang đá rồi, Đôi Bạn Thánh trao đổi với nhau về mầu nhiệm mới này, vừa nói vừa để chan xuống những giọt lệ dịu dàng, và hát lên những ca khúc tuyệt vời tôn kính thánh danh Giêsu. Suốt trong thời gian Chúa Hài Nhi còn chịu đau vì vết thương, Mẹ rất thống thiết vẫn luôn ngày đêm ẵm giữ Chúa và, để Chúa bớt cảm thấy đau, Mẹ xin các thiên thần hoà nhạc. Vâng ý Mẹ, họ hát lên những khúc ca mà lòng cảm phục và yêu mến vừa gợi hứng cho họ, nhưng dầu có say mê đến đâu những bản nhạc ca đó vẫn kém xa bản nhạc mà nhân đức và tình yêu của Mẹ ca lên.

LỜI MẸ HUẤN DỤ

Hỡi con, dầu cho Chúa có tỏ ra yêu thương một linh hồn đến thế nào đi nữa, linh hồn ấy cũng luôn luôn buộc phải có lòng tôn kính vô giới hạn đối với Hữu Thể Thiên Chúa uy nghi vô cùng. Tình yêu nhân loại lập nên những tương quan thân ái và bình đẳng giữa những người yêu nhau, vì họ cùng có một bản tính như nhau; tình yêu mến Thiên Chúa không thể nào lấp đầy được vực thẳm bao la giữa thụ tạo và Đấng Sáng Tạo. Cho nên thụ tạo càng nhận biết và mến yêu Thiên Chúa, càng phải cung kính và tôn trọng Ngài. Bởi thế, nó tránh xa thói nhẹ dạ của những người việc gì cũng muốn dò xét và hỏi han những bí mật vô ích, là một khuyết điểm đáng trách mà ma quỷ rất hay khơi dậy và xúi giục, dầu cả khi nó biến thành thiên thần sáng láng.

Do đó, khi gặp gian truân thử thách, người ta phải ý tứ chớ cầu xin được Chúa tỏ ra cho biết để tìm an ủi. Người tôi trung của Chúa Giêsu Kitô phải tránh điều đó. Trên thiên đàng, các thánh nếu có thể đau khổ, các ngài sẽ xót xa phàn nàn vì đã hèn nhát trong việc bắt chước Chúa. Trong hoả ngục, những kẻ bị trầm luân sẽ cảm thấy vô cùng đau đớn không thể chịu nổi vì đã không lợi dụng những công nghiệp Chúa Cứu Thế đã lập để cứu rỗi chúng.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *