Tại sao Thiên Chúa lại im lặng trước đau khổ của con người?

Hoa Đồng Thảo con yêu thương! Câu con hỏi: “Tại sao Thiên Chúa lại im lặng trước đau khổ của con người? Hay như trong những cuộc bách hại của các tín hữu lúc xưa và cả nay tàn khốc đau đớn như thế nhưng tại sao Thiên Chúa vẫn im lặng?”

Chúa im lặng.

Nhưng Chúa im lặng trước nỗi đau của con người ư!

Con gái à,

Chúa hằng im lặng. Điều này có vẻ thật bí nhiệm trước tâm thức của con người. Nhưng thật ra không phải thế, dù cho chúng ta chỉ có thể biết phần nào lý do Ngài im lặng thôi. Chúa ra vẻ im lặng chứ thật sự Ngài không hề im lặng con à. Bây giờ bố trả lời theo từng bước, cũng là theo từng hoàn cảnh của nhân loại cho con đây.

* Thứ nhất,

– Chúa thinh lặng bởi vì bản thể Ngài là thinh lặng tuyệt đối:

(Thánh Tâm Thương Xót Vô Biên Chúa Ba Ngôi Tập I, 3. Mạc khải về Ba Ngôi Thiên Chúa. Tr 169)

Thiên Chúa im lặng đối với con người vì bản thể Người là bản thể thinh lặng tuyệt đối. Không có sự xung động nào của tạo vật, không có đau khổ hay hạnh phúc, giận dữ hay hiền hòa, độc ác hay thánh thiện, xúc phạm hay tôn vinh, hoặc ý muốn thêm hay bớt nào của con người có thể tác động đến bản thể Thiên Chúa. Sự thinh lặng của Thiên Chúa mà bố đang nói đến đây, là sự thinh lặng của một thượng trí cao vời hằng tĩnh lặng trước thế giới tự nhiên lẫn siêu nhiên. Điều này thật khó hiểu phải không con. Vì đây là mầu nhiệm sâu nhất của Thiên Chúa, song song với mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.

Con gái yêu! Chúng ta đang tiếp cận với điều mà ngôn ngữ con người không chứa đựng nổi, không diễn giải được. Chỉ có thần trí mang thần khí dồi dào mới cảm nhận, hình dung, tiếp nhận được tí gì qua lý trí và linh hồn về sự thinh lặng nơi bản thể siêu nhiệm – siêu việt vô song của Thiên Chúa, Cha chúng ta.

* Thứ hai,

– Chúa thinh lặng bởi Thiên Chúa đang quản trị thụ tạo của Ngài theo quy luật:

Nhân loại cách chung là thụ tạo của Thiên Chúa, sau khi tạo dựng, Ngài dùng quyền năng của mình đặt ra những quy luật để quan phòng và quản trị. Một trong những quy luật đó là ban cho con người có tự do, và Chúa tôn trọng sự tự do này của con người. Dù con người có làm ác hay chối bỏ sự hiện hữu của Ngài, phản bội hay chống đối Ngài… Thiên Chúa cũng tôn trọng sự chọn lựa của con người trong thế giới tự nhiên, là thế giới đang thử thách và sàn lọc con người.

Thêm vào đó, trong các quy luật quan phòng của Chúa, có quy luật “tự sinh tự diệt” dành cho thụ tạo. Chúng ta thấy rõ quy luật sinh tồn này nơi các vùng thảo nguyên, rừng núi, hoang địa nơi các loài thú vật sinh sống. Và ngay cả nơi xã hội con người, với những người không tin nhận, hay không hề biết về sự hiện diện của Thiên Chúa.
Ví dụ: thuyết duy vật biện chứng. Vì không nhìn nhận có Thiên Chúa, nên triết thuyết này cho rằng con người là “động vật cao cấp”. Và như vậy, Thiên Chúa sẽ xử với con người theo như họ chối bỏ hay nhìn nhận về Ngài như thế nào. Đối với những ai ở trong quy luật “tự sinh tự diệt”, Thiên Chúa chỉ xét xử họ về ơn thánh và luân lý sau khi con người đã chết. Cho nên trong trường hợp này Chúa đã im lặng. Đây là một trong nhiều lý do Chúa im lặng trước đau khổ của con người.

* Thứ ba,

– Chúa thinh lặng để tôi luyện và tạo công nghiệp cho con Chúa:

Ở trường hợp với người tín hữu Ki-tô, những người được chọn làm con Thiên Chúa (được chọn, chứ không phải những người chọn Chúa với đức tin nửa vời hay vụ lợi). Chắc chắn những người tín hữu chân chính sẽ không thuộc về quy luật “tự sinh tự diệt”, nhưng lại là những người được đòi hỏi phải sống mầu nhiệm thập giá Chúa Ki-tô. Chúa Ki-tô Giê-su, Con Chiên vô tội, Con Một của Thiên Chúa, bị con người xử cách tàn ác khủng khiếp Chúa còn im lặng. Huống hồ chi những con người là nghĩa tử của Thiên Chúa, họ cần học cho giống vị Trưởng Tử, hầu xứng đáng được chung phần với Con Thiên Chúa.

Vì vậy, đã là con Thiên Chúa hẳn cần có các nhân đức đối thần trưởng thành, và cũng cần có công nghiệp cho đời sau. Cho nên, Chúa im lặng trước đau khổ của người tín hữu vì lợi ích linh hồn của họ.
Tại sao Hội Thánh lại kính các thánh tử đạo? Vì Hội Thánh muốn làm vinh danh những bậc anh hùng trong đức tin, làm gương sáng cho chúng ta noi theo.

* Thứ tư,

– Chúa im lặng vì Giáo Hội và vì vinh quang của chính Ngài:

Đối với người tín hữu thời sơ khai, hay cả tín hữu bây giờ bị bách hại, và Chúa im lặng. Thật ra, trong mỗi thời đại vì sự thánh thiện, thăng tiến và mở rộng của Giáo Hội, Chúa luôn cần những của lễ đền tạ để thánh hóa Giáo Hội. Những người tín hữu bị bách hại là những người được chọn để sống vinh quang cao nhất của mầu nhiệm hiến tế. Sứ mạng của họ thật cao cả, và phần thưởng của họ rất lớn lao trên thiên quốc. Vì họ được ơn hiệp nhất trong máu, trong khổ đau với Chúa Ki-tô. Thiên Chúa im lặng để tôn vinh họ.
Các thánh tử đạo làm vinh danh Thiên Chúa, là trung thần của Chúa Giê-su Ki-tô

* Thứ năm,

– Chúa không hề im lặng:

Tuy nhiên, bố chắc chắn một điều, Chúa chỉ hoàn toàn im lặng với những người không tin, hay những người tín hữu có đức tin nửa vời. Lòng tin của họ không hơn một thứ bọt bèo trôi nổi trên mặt sông nhân thế, nổi một chút sóng gió là vỡ tan không còn tăm dạng. Họ tin như không hề tin. Vì vậy, họ chỉ nhận được sự im lặng của Chúa.
Vì ngoài lý do Chúa im lặng để thử thách người công chính, hay làm cho họ có thêm nhiều công nghiệp xứng với phần thưởng Chúa dành cho. Chúa vẫn luôn lắng nghe và đáp lời những ai tin tưởng Chúa. Điều này bố không chỉ nói theo Thánh Kinh mà cả với trải nghiệm của chính bản thân mình.

“Hết mọi người nam trong dân Ít-ra-en đều tha thiết kêu lên cùng Thiên Chúa và sốt sắng ăn chay. Họ cùng với vợ con, súc vật, ngoại kiều, người làm công và cả nô lệ mua được, tất cả đều mặc áo vải thô. Hết mọi người nam trong dân Ít-ra-en cùng với vợ con cư ngụ ở Giê-ru-sa-lem đều phủ phục trước Đền Thờ, rắc tro lên đầu, mặc áo vải thô ra trước nhan Đức Chúa. Họ trải vải thô lên cả bàn thờ. Họ đồng tâm khẩn khoản kêu lên cùng Thiên Chúa Ít-ra-en, xin Người đừng để con họ bị cướp bóc, vợ họ bị bắt đi, các thành trong phần gia nghiệp của họ bị tiêu huỷ, Đền Thờ ra ô uế, bị nguyền rủa và trở nên trò đùa cho dân ngoại. Đức Chúa lắng nghe tiếng họ kêu cầu và đoái nhìn cơn khốn quẫn của họ.” (Gđt 4,9-13).

“Họ cầu khẩn Đức Chúa, xin Người đoái nhìn đám dân đang bị mọi người bị chà đạp và đoái thương Đền Thờ đã bị quân vô đạo làm cho ra ô uế. Họ cũng xin Người xót thương thành phố đã bị phá huỷ gần như bình địa, và lắng nghe máu người vô tội đang kêu lên Người. Xin Người nhớ đến các trẻ thơ vô tội bị tàn sát dã man và những lời lộng ngôn phạm đến Danh Người; xin tỏ ra lòng Người ghê tởm sự dữ.

Một khi ông Ma-ca-bê chỉ huy quân đội, thì không dân tộc nào chống cự nổi, và Đức Chúa đã đổi cơn thịnh nộ thành lòng xót thương.” (2 Mcb 8,2-5)

“Ông Giô-suê, con ông Nun là một chiến sĩ dũng cảm, là ngôn sứ kế vị ông Mô-sê.

Ông kêu cầu Đấng Tối Cao, Đấng quyền năng khi ông bị quân thù bao vây tứ phía. Đức Chúa vĩ đại đã lắng nghe ông, Người cho mưa đá ào ào đổ xuống.” (Hc 46,1-5).

“Bấy giờ vua Na-bu-cô-đô-nô-xo thịnh nộ truyền điệu Sát-rác, Mê-sác và A-vết Nơ-gô tới. Họ liền điệu những người này ra trước mặt vua. Vua Na-bu-cô-đô-nô-xo cất tiếng nói với họ: “Này Sát-rác, Mê-sác và A-vết Nơ-gô, các ngươi không phụng sự các thần của ta và không thờ lạy pho tượng vàng ta đã dựng nên, có đúng như vậy không? Bây giờ khi nghe tiếng tù và, tiếng sáo, tiếng đàn giây, đàn sắt, đàn cầm, tiếng kèn và đủ thứ nhạc cụ, các ngươi có sẵn sàng sấp mình thờ lạy pho tượng ta đã làm không? Nếu các ngươi không thờ lạy thì tức khắc các ngươi sẽ bị ném vào lò lửa đang cháy phừng phực, liệu có Thiên Chúa nào cứu được các ngươi khỏi tay ta chăng?” Sát-rác, Mê-sác và A-vết Nơ-gô trả lời vua Na-bu-cô-đô-nô-xo rằng: “Chúng tôi không cần trả lời ngài về chuyện này. Nếu Thiên Chúa chúng tôi thờ có sức cứu chúng tôi thì tâu đức vua, Người sẽ cứu chúng tôi khỏi lò lửa đang cháy phừng phực và khỏi tay ngài. Còn nếu Người không cứu, thì xin đức vua biết cho rằng chúng tôi cũng không phụng sự các thần của ngài, và cũng không thờ lạy pho tượng vàng ngài đã dựng đâu!” Bấy giờ vua Na-bu-cô-đô-nô-xo đổi sắt mặt, nổi cơn lôi đình với Sát-rác, Mê-sác và A-vết Nơ-gô. Vua lên tiếng truyền đốt lò lửa mạnh hơn mọi khi gấp bảy lần. Rồi vua ra lệnh cho những người lực lưỡng nhất trong quân đội của vua trói Sát-rác, Mê-sác và A-vết Nơ-gô và quăng họ vào lò lửa đang cháy phừng phực. Bấy giờ những người này bị trói lại, vẫn mặc nguyên cả áo ngoài, áo trong, mũ nón, giày dép và bị quăng vào lò lửa đang cháy phừng phực. Lệnh vua thúc bách, lửa bốc quá cao nên ngọn lửa giết chết chính những người đem Sát-rác, Mê-sác và A-vết Nơ-gô lên miệng lò. Còn ba người ấy là Sát-rác, Mê-sác và A-vết Nơ-gô rơi xuống lò lửa đang cháy phừng phực, mình vẫn bị trói.

Thánh ca của A-da-ri-a trong lò lửa:

Rồi giữa ngọn lửa, họ vừa đi lại, vừa ngợi khen chúc tụng Thiên Chúa.
A-da-ri-a đứng giữa đám lửa và cất tiếng cầu nguyện rằng:

“Lạy Chúa là Thiên Chúa tổ tiên chúng con, xin chúc tụng và ca ngợi Chúa, cùng tôn vinh Danh Thánh mãi muôn đời,


“Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.


“Ngày nay chẳng còn vị thủ lãnh, chẳng còn bậc ngôn sứ, chẳng còn người chỉ huy. Lễ toàn thiêu, lễ hy sinh đã hết, lễ tiến, lễ hương cũng chẳng còn, chẳng còn nơi dâng của đầu mùa lên Chúa để chúng con được Chúa xót thương. Nhưng xin nhận tâm hồn thống hối và tinh thần khiêm nhượng của chúng con, thay của lễ toàn thiêu chiên bò, và ngàn vạn cừu non béo tốt. Ước gì hy lễ chúng con thượng tiến Ngài hôm nay cũng làm đẹp ý Ngài như vậy. Ước gì chúng con theo Ngài mãi đến cùng, vì những ai tin cậy vào Ngài, đâu có phải ê chề thất vọng. Và giờ đây, chúng con hết lòng đi theo Chúa, kính sợ Ngài và tìm kiếm Thánh Nhan. Xin đừng để chúng con phải thẹn thùng xấu hổ. Nhưng xin Ngài tỏ lòng nhân hậu và lòng thương xót vô biên của Ngài khi Ngài đối xử với chúng con. Xin làm những việc lạ lùng kỳ diệu mà giải thoát chúng con và tôn vinh danh Ngài, lạy Chúa. Ước gì những kẻ gây tai hoạ cho các tôi tớ Ngài phải bẽ mặt hổ ngươi. Ước gì chúng phải xấu hổ thẹn thùng, mất hết mọi uy thế và quyền thống trị, và ước gì sức mạnh của chúng bị đập tan. Ước gì chúng nhận biết Ngài chính là Chúa Tể, là Thiên Chúa duy nhất quang vinh trên khắp cõi trần gian. Sau khi quăng ba thanh niên vào lò, các thuộc hạ của vua không ngừng đốt lò bằng dầu, nhựa, xơ gai và cành nho. Ngọn lửa bốc lên trên lò hai mươi bốn thước rưỡi, rồi lan ra, đốt cháy những người Can-đê đứng xung quanh lò. Nhưng thiên sứ của ĐỨC CHÚA trước đây đã xuống trong lò cùng lúc với A-da-ri-a và các bạn, nay đẩy ngọn lửa ra khỏi lò. Thiên sứ làm cho trung tâm lò thành nơi mát mẻ như có một làn gió nhẹ rì rào, khiến cho lửa không hề đụng tới họ và chẳng gây phiền hà đau đớn gì cho họ cả. Thánh ca của ba thanh niên trong lò lửa Bấy giờ trong lò lửa, cả ba người đều đồng thanh ca ngợi, tôn vinh và chúc tụng Thiên Chúa rằng : “Lạy Chúa, chúc tụng Ngài là Thiên Chúa tổ tiên chúng con, xin dâng lời khen ngợi suy tôn muôn đời. Chúc tụng danh thánh Ngài vinh hiển, xin dâng lời khen ngợi suy tôn muôn đời.

… Hỡi tất cả những ai kính sợ Chúa, hãy chúc tụng Chúa là Thần các thần, hãy dâng lời tạ ơn và ca tụng, vì muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.”

Vua Na-bu-cô-đô-nô-xo ngạc nhiên đứng bật dậy và cất tiếng nói với các quan cố vấn: “Chẳng phải chúng ta đã quăng ba người bị trói vào lửa sao?” Họ đáp rằng: “Tâu đức vua, đúng thế!” Vua cất tiếng nói: “Nhưng ta thấy có bốn người đang tự do đi lại trong lò lửa mà không hề hấn gì, và dáng vẻ người thứ tư giống như con của thần minh.” Bấy giờ vua Na-bu-cô-đô-nô-xo tới gần cửa lò đang cháy phừng phực, vua lên tiếng nói: “Hỡi Sát-rác, Mê-sác và A-vết Nơ-gô là tôi tớ của Thiên Chúa Tối Cao, hãy bước ra và tới đây.” Sát-rác, Mê-sác và A-vết Nơ-gô liền bước ra khỏi lò lửa. Các thống đốc, thủ lãnh, tổng trấn và các cận thần của nhà vua xúm lại xem những người này, thấy lửa không làm gì được thân thể họ, sợi tóc trên đầu họ cũng không bị cháy sém, áo xống không hư hại, thậm chí mùi lửa cũng không bám vào họ. Vua Na-bu-cô-đô-nô-xo cất tiếng nói: “Chúc tụng Thiên Chúa của Sát-rác, Mê-sác và A-vết Nơ-gô, Người đã sai thiên sứ đến giải thoát các tôi tớ của Người là những kẻ đã tin tưởng vào Người. Họ đã cưỡng lại lời vua, hy sinh tính mạng để khỏi phụng sự và thờ lạy một thần nào khác ngoài Thiên Chúa của họ. Vậy ta truyền rằng bất cứ người nào thuộc bất cứ dân tộc, giống nòi, ngôn ngữ nào dám nói điều gì sai quấy, phạm đến Thiên Chúa của Sát-rác, Mê-sác và A-vết Nơ-gô, sẽ bị xử lăng trì, và nhà chúng sẽ trở thành đống bùn, bởi vì không có thần nào khác có thể cứu được như thế.” (Đn 3,1-29)

Con gái ơi! Chúa không im lặng đâu. Bằng cách này hay cách khác Chúa vẫn đáp lại lời chúng ta kêu cầu Ngài. Chúa có thể đáp lời chúng ta kêu cầu bằng lời hay bằng hành động qua các biến cố Ngài quan phòng. Chỉ có điều chúng ta có khả năng và sáng suốt “nghe” được Chúa đáp lời chúng ta không nữa. Phần bố, cả cuộc đời bố là một chứng minh hùng hồn Chúa luôn lắng nghe và đáp trả lời kêu cầu của người Chúa yêu thương.

Bố
Tình Yêu Hoa Cỏ

Pet. M. Linh hồn đại tội nhân.

 

One comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *