Thần Đô Huyền Nhiệm – Theo Chúa Giảng Tin Mừng

Mục Lục

Phần Thứ Hai: CUỘC ĐỜI CÔNG KHAI

 

28. THEO CHÚA GIẢNG TIN MỪNG

Sau khi làm phép rửa cho Mẹ, Chúa Giêsu, có các môn đệ theo, đã đi giảng Tin Mừng cho các làng lân cận. Trong khi đó Mẹ Maria đi Cana để dự đám cưới của một người bà con đời thứ bốn về bên thánh nữ Anna. Dưới ơn Chúa Thánh Linh soi sáng, Mẹ khuyên họ đi mời cả Chúa Giêsu. Được tin, Chúa bằng lòng đến dự để lập nhiệm tích Hôn phối, và làm phép lạ công khai đầu tiên theo lời cầu xin của Mẹ chí ái mình. Hôm đó là ngày thứ ba trong tuần lễ của người Do Thái, và cũng là ngày trước đây Chúa đã được ba Đạo sĩ đến thờ lạy, và được Thánh Gioan Tiền Sứ rửa cho dưới sông Giođan.

Chúa Giêsu và Mẹ Maria vui vẻ chuyện trò cách khôn ngoan lạ lùng với khách đồng bàn. Hai Mẹ Con ăn uống chút ít những món ăn họ dọn ra, vì không muốn lên án cuộc sống thông thường của nhân loại, song hoàn hảo hoá nó bằng tấm gương tiết đạm độc nhất vô nhị của mình. Nhưng vào lúc cuối tiệc, rượu bị thiếu vì Chúa Quan Phòng định như thế. Đầy bác ái, Mẹ Maria đến thưa cho Chúa biết. Vì có lời Mẹ xin trước, nên Chúa Giêsu đã tỏ ra thờ ơ với lời Mẹ nói, và thưa lại một cách cứng cỏi: “Thưa Bà, việc gì đến Bà và Tôi! Giờ Tôi chưa đến!” Chúa cũng nói như thế để tỏ cho các môn đệ biết rằng Mẹ không có bản tính Thiên Chúa là bản tính duy nhất làm được phép lạ. Đồng thời, Chúa cũng soi cho tâm trí môn đệ một ánh sáng mới về ơn Ngôi Hiệp giữa bản tính Thiên Chúa và bản tính nhân loại nơi Chúa. Mẹ Maria nhìn trong Linh Hồn Chúa, biết là lời mình xin đã được chấp nhận rồi, nên mới nói với gia nhân: “Ngài bảo gì các anh cứ làm theo!” Và nước lã đã trở nên rượu ngon hảo hạng như Phúc Âm thuật lại.

Phép lạ này làm cho các môn đệ thêm vững lòng và còn tăng thêm số môn đệ nữa. Sau đó, Chúa Giêsu làm rất nhiều phép lạ khác, những phép lạ mà Thánh Gioan quả quyết là cả thế giới cũng không thể chứa nổi những sách thuật lại tường tận mọi chi tiết. Chúa muốn dành để trên trời mới tỏ ra để tăng niềm vui cho thần thánh.

Mẹ Maria cũng thường được cộng tác vào việc làm các phép lạ ấy, vì từ khi dự đám cưới ở Cana, Mẹ chỉ rời xa Chúa Giêsu trong một vài trường hợp hoạ hiếm thôi. Cũng như Chúa, Mẹ chỉ đi bộ, nên rất mệt nhọc; có khi rất đau khổ, cần phải có ơn trợ lực lạ lùng giúp, Mẹ mới chịu nổi. Nhưng thỉnh thoảng, Thiên Chúa cũng làm cho thân xác Mẹ nên rất nhẹ nhàng, có thể chuyển dịch dễ dàng như là có cánh.

Toàn thể Luật Phúc Âm đã được khắc ghi trong tâm hồn Mẹ rồi, nhưng Mẹ cũng vẫn chăm nghe lời Chúa Giêsu giảng dậy, như Mẹ chưa biết gì. Luôn luôn Mẹ quỳ gối để nghe, Mẹ hợp nhất với lời Chúa cầu nguyện cho thính giả; cháy lên một ước muốn cho họ nên thánh; vui mừng vì họ đã trung thành; và chan hoà nước mắt, có khi lẫn máu, khi họ khinh chê Thiên Chúa và ân sủng Ngài ban.

Với tư cách là Đấng Đồng Công với Đấng Cứu Chuộc, Mẹ cũng làm vô số phép lạ, phần nhiều là những phép lạ lẫy lừng, như cho kẻ chết sống lại. – Phúc Âm không thuật lại phép lạ nào Mẹ làm vì đức tin vào Chúa Giêsu phải được thiết định trước khi tỏ ra những vẻ cao quang của Mẹ; mặt khác, vì Mẹ đã xin các thánh ký đừng nói đến những phép lạ ấy.

Cũng chính vì lý do đó mà không bao giờ Mẹ lên tiếng nơi công chúng, song chỉ nói riêng tư. Mặc dầu chỉ giữ địa vị kín đáo đó, cầu nguyện sốt sắng và nhẫn nại hiền từ như vậy, nhưng Mẹ cũng làm cho người ta trở lại hơn các vị giảng Phúc Âm sau này.
Không bao giờ tự mãn vì những ân sủng phi thường Mẹ được, Mẹ lại tìm ra nơi đó một lý do để khiêm nhượng thẳm sâu hơn trong sự nhìn nhận mình là hư vô. Sẽ không bao giờ có một thụ tạo nào so sánh được với Mẹ về đức khiêm nhượng, nhờ đức khiêm nhượng đó Mẹ đã chiến thắng toàn thể thế gian, chiến thắng cả Thiên Chúa, Thiên Chúa Cha và Thiên Chúa Thánh Linh, để Ngài đừng tỏ ra những đặc ân Ngài đã tặng cho Mẹ; và chiến thắng Thiên Chúa Con, để Ngài xử với Mẹ một cách thông thường, hầu không ai chú ý đến Mẹ khi còn tại thế. Vinh quang của những phép lạ chưa từng nghe mà Mẹ làm, cần phải giãi chiếu lại trên Mẹ, và những người tin theo Chúa bấy giờ hầu như tất cả đều ta tụng Mẹ vì Mẹ có một Người Con là Chúa Giêsu. Nhưng thay vì hân hoan bởi được tôn kính như vậy, Mẹ lại chìm sâu mãi xuống sự tự khinh chê mình, và cầu xin Chúa Giêsu đừng để người ta tôn kính Mẹ. Mẹ đã tha thiết xin Chúa như vậy, khi trong đám dân chúng đang hứng khởi, người ta đến báo tin cho Chúa biết là Mẹ và thân nhân Ngài muốn gặp Ngài, và khi một phụ nữ quá thích thú đã kêu lên: “Phúc cho lòng đã cưu mang Thầy”.

Trước mắt Mẹ, đức khiêm nhượng này rất cần thiết. Không những Mẹ không đành lòng chỉ một mình Mẹ thực thi hoàn hảo thôi, Mẹ còn khuyên các tông đồ phải thực hiện nữa, vì các ông là những người sẽ phải làm rất nhiều phép lạ. Nên các ông không được quy công ấy cho mình, nhưng phải quy về một mình Thiên Chúa là Đấng đã dùng các ông làm dụng cụ, vì cũng như người ta không tôn kính các bút vẽ nên bức hoạ hay tặng chiến thắng cho chiếc gươm, song phải tôn tặng người hoạ sĩ hay anh quân nhân đã sử dụng bút và gươm ấy.

Trong khi chờ đợi sai các môn đệ đi giảng Tin Mừng để cứu độ các linh hồn, Chúa Giêsu Ktiô là Thầy họ vẫn tiếp tục rao giảng Phúc Âm, làm các phép lạ và dùng các môn đệ làm phép rửa cho người ta. Mẹ Maria thường được chứng kiến những cuộc tái sinh thiêng liêng ấy. Mẹ cảm tạ Thiên Chúa như là chính Mẹ được lãnh thụ các ơn phép rửa. Nhờ cách thực hiện việc cảm tạ rất dễ bắt chước ấy, mà Mẹ tăng thêm rất nhiều công nghiệp.

Những việc lạ lùng siêu nhiên đó làm cho Luxiphe náo loạn. Sau cuộc bại trận ở rừng vắng, y vẫn chưa được phép ra khỏi hoả ngục. Đến nay, Chúa Quan Phòng cho phép y lại được trở lên trần gian. Y nhóm một phiên họp trong ngục lửa, trình bày tất cả những e ngại của y về việc Ngôi Lời đã Nhập Thể làm Người. Cùng với thần hạ của y, y quyết định sẽ bách hại cho kỳ được Chúa Giêsu và Thánh Gioan Tiền Sứ là những vị mà y hoang mang, không biết ai là Đấng Cứu Thế.

Y xúi giục đảng Biệt Phái sai người đến lập mưu hỏi Thánh Gioan xem ông có phải là đấng Kitô không. Ngài đã khôn khéo trả lời như Phúc Âm thuật lại. Luxiphe nghi ngờ và căm tức nhất vì câu trả lời ông tự xưng là “tiếng kêu” trên rừng. Y nghĩ “tiếng kêu” có lẽ là “lời”, là Ngôi Lời, mà ông Gioan muốn giấu không muốn nói rõ đây chăng. Y càng căm giận ông hơn. Để báo thù, y xúi bẩy mụ Hêrôđia. Mụ này là con gái của Aristô, con trai của Vua Hêrôđê Cả. Ông vua vô đạo này đem gả mụ cho Hêrôđê Philipphê là con một vợ khác của ông và là chú của mụ. Salômê là kết quả của cuộc hôn nhân này. Về sau, vì lăng loàn và tham vọng, mụ đã bỏ chồng đi lấy một người khác là Hêrôđê Antipa, cũng là con một vợ khác của Vua Hêrôđê Cả. Như vậy, Hêrôđia vừa là cháu vừa là chị dâu của Hêrôđê Antipa, bây giờ lại là vợ ông nữa. Sự loạn luân tráo trâng này bị người Dothái chê cười, và Thánh Gioan Tiền Sứ kịch liệt đả kích. Vì thế mà mụ Hêrôđia này thâm thù thánh nhân.

Nuôi một mối cừu thù không đội trời chung với ông. Mụ đàn bà không có trái tim này đã lạm dụng dục vọng của Hêrôđê đối với mụ, xui ông vua này bắt ông Gioan tống ngục. Sau đó lập mưu cho tình nhân chém đầu con người cam đảm đã dám đả kích thói ăn ở vô luân vô đạo của mụ, như Phúc Âm đã thuật lại.

Qua Linh Hồn Chúa Giêsu, Mẹ thấy ông Gioan dưới chân Chúa Giêsu, Mẹ khóc lóc nài xin Chúa đến giúp đỡ ông trong ngục. Thực ra, từ khi thánh Gioan bị giam, Mẹ và Chúa vẫn hằng ban nhiều ơn an ủi ông, hoặc sai thiên thần vào giúp đỡ, có lúc còn mang cả thực phẩm cho ông dùng nữa. Nhưng bấy giờ là giờ phút cuối cùng của đời ông, Mẹ muốn chính Chúa đích thân vào uỷ lạo ông trong giờ chết. Chúa Giêsu rất vui nhận lời Mẹ xin. Liền đó, một cách vô hình, cả hai Mẹ Con cùng được đem vào ngục ông Gioan đang bị giam. Chúa và Mẹ thấy ông đầy những vết thương, vì mụ Hêrôđia đã truyền cho sáu tên gia nhân thân tín phải đánh ông tàn nhẫn, để ông chết đi cho rồi. Bọn này vừa bị quỷ xúi giục, vừa muốn tâng công với mụ chủ, đã ba lần đập đánh ông không nương tay, vừa đánh vừa sỉ mạ ông và giáo lý ông đã dậy. Nhưng vẫn không giết chết được ông.

Thánh Tẩy Giả rất bỡ ngỡ và vui mừng khi thấy Chúa Giêsu và Mẹ Maria đến thăm ông trong hào quang rực rỡ. Chúa và Mẹ vừa xuất hiện, xiềng xích trói buộc ông liền đứt ra, các vết thương trên mình ông đều lành lặn. Ông sấp mình xuống dưới chân Chúa và Mẹ xin ban phép lành. Chúa Giêsu nói với ông: “Gioan môn đệ chí ái của Thầy, tại sao con lại đi trước Thầy, với biết bao đòn vọt tra khảo thế này? Chính vì thế, mà Cha Thầy trọng thưởng nhiệt tâm của con. Con hãy giơ cổ cho gươm chém. Con đã được hạnh phúc chịu đau khổ và chịu chết vì danh Thầy. Thầy chờ để dâng cái chết của con lên Cha Thầy”.

Tràn ngập khoái vui, thánh Gioan cảm động nghẹn lời. Khi nói được lên tiếng, ông bày tỏ lòng tri ân Chúa Giêsu vì đã đoái thương ngự đến thăm mình. Ông xin Chúa ban ơn để ông được chịu khổ hình lâu hơn nữa cho vinh danh Chúa. Ông cũng thiết tha yêu mến cảm tạ Mẹ Maria . Ông còn đang nói ba tên đầy tớ và một tên đao phủ vào ngục thi hành lệnh dã man của Hêrôđê. Bọn chúng không nhìn thấy Chúa và Mẹ. Ông Gioan giơ cổ ra. Tên đao phủ chém đầu ông. Trong lúc ba tên đầy tớ cãi nhau tranh lấy phần mang đầu ông lên cho chủ, Chúa Giêsu đón lấy thân thể ông, và Mẹ Maria tiếp lấy đầu ông. Cả hai cùng dâng lên cho Cha hằng hữu lễ vật đáng ca tụng ấy. Sau đó, một tên đầy tớ mới cầm lấy đầu ông không biết tự chỗ nào, để đem trao cho chủ. Lúc ấy, Chúa Giêsu sai các thiên thần đưa linh hồn ông vào u ngục. Ông mang cho ngục tổ một nguồn vui phi thường. Còn Chúa Giêsu và Mẹ Maria trở về nơi cũ ngay, cách êm thắm như lúc đến.

Vừa tiếp tục đi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu vừa không ngừng soi cho tất cả các môn đệ Ngài một lòng tôn sùng đặc biệt đối với Mẹ Maria cho cân xứng với những phận vụ họ được chỉ định. Những cuộc tiếp xúc với Mẹ cũng tăng thêm lòng họ tôn kính và mến yêu đối với Mẹ. Khi nghi nan hoặc bị cám dỗ, họ đều đơn thành chạy đến với Mẹ. Mẹ yêu thương hết mọi người, nói với mọi người, cầu nguyện cho mọi người, và dậy dỗ mọi người theo như Mẹ biết được tâm hồn họ bao nhiêu, dậy dỗ cẩn thận bấy nhiêu. Không bao giờ họ từ biệt Mẹ mà không cảm thấy một niềm vui và một an ủi vượt quá sức ước mong của họ. Họ cảm thấy ngây ngất vì ở nơi Mẹ đức hiền dịu rất thanh thản, rất khiêm nhượng, liên kết với biết bao uy nghi và cao trọng. Nhưng họ không biết bầy giải lòng tri ân và thán phục ấy cách nào.

Trong những cuộc tiếp xúc với những người đi theo Chúa, Mẹ rất cẩn trọng và khôn ngoan đặc biệt. Như một bà Mẹ hiền thục nhất, Mẹ cung cấp nhu cầu nuôi sống họ, và, khi Mẹ không thể tự liệu được những nhu cầu họ cần dùng, Mẹ xin các thiên thần hầu cận mang đến cho họ. Mẹ cũng đặc biệt săn sóc đến những phụ nữ hằng tâm đi theo Chúa, và Chúa đã đoái nhận cho họ tận tình giúp đỡ Chúa. Mẹ dẫn họ đi nghe Chúa giảng, và lấy đó làm đề tài truyện trò với họ. Tuy nhiên, Mẹ cũng không bỏ quên nhiệt tâm của Mẹ đối với các phụ nữ khác, và Mẹ đã dẫn một số rất lớn vào đường cứu rỗi. Thêm vào ánh sáng của lời Mẹ khuyên dậy, Mẹ lại còn làm gương để tăng nghị lực cho họ, nhất là những gương sáng về đức ái: Mẹ trợ giúp những người nghèo khó, an ủi người sầu khổ, thăm viếng người bệnh tật mà Mẹ tự tay băng bó viết thương cho. Trong cả đám phụ nữ ấy, Mẹ yêu thương Maria Mađalêna nhất, vì tình thương của Chúa đã giải tỏ sáng ngời trên bà. Mẹ tỏ cho bà thấy những mầu nhiệm rất cao. Luôn luôn tăng thêm cho bà tình yêu mến Chúa Cứu Chuộc, và chấp nhận cho bà rút lui vào một nơi cô tịch để sám hối. Sau này, bà đã được chính Mẹ giúp ý kiến và ban phép lành cho, trước khi rút vào cô tịch trong rừng vắng. Tại đây Mẹ còn đến thăm bà một lần nữa và các thiên thần của Mẹ năng đến tăng sức mạnh cho bà trong cảnh hoang liêu vắng lặng đến rợn người nơi bà ẩn dật.

Đặc biệt là các tông đồ được Mẹ Maria thiết tha yêu kính nhất. Nhờ những ân sủng Mẹ xin cho các vị, các vị càng tăng thêm nhiềm tôn trọng và mến yêu Mẹ. Tuy nhiên, Mẹ ưu ái thánh Phêrô và thánh Gioan nhất: thánh Phêrô vì sẽ là Đại Diện của Chúa Giêsu, còn thánh Gioan sẽ thay chỗ Chúa bên cạnh Mẹ. Nhưng sự ưu ái ấy vẫn không làm cho các vị khác ganh tị. Riêng thánh Gioan được một ánh sáng linh hoạt soi cho hơn các tông đồ khác về những cao trọng của Mẹ và của Thiên Chúa. Được gọi là môn đệ dấu yêu của Chúa Giêsu cũng như môn đệ dấu yêu của Mẹ, thánh Gioan đã đem hết khả năng, để khỏi rời xa Mẹ, tìm cách làm hài lòng Mẹ nhất, cư xử với Mẹ một cách tôn kính tha thiết nhất, và là người đầu tiên gọi Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, là Mẹ Chữa tội loài người, là Chủ Mẫu các dân tộc. Ông cũng là người đầu tiên gọi Mẹ là Mẹ Chúa Giêsu. Sau này, các tín hữu thường dùng danh từ này để gọi Mẹ, và cứ mỗi lần nghe nói đến là Mẹ lại thoả nguyện vô cùng.

Nói chung, Mẹ quý mến tất cả các tông đồ khác một cách tôn kính khiêm nhượng, mỗi vị vì một nhân đức riêng biệt, và tất cả đều vì Chúa Giêsu Kitô. Đối lại, tất cả các vị đều tỏ lòng sùng kính Mẹ cách trung tín nhất, và nhiệt thành nhất.

Chỉ có một mình tên Giuđa khốn nạn là không như thế. Lỗi đó đã là đầu mối gây ra mọi điều khả ố của y. Y để mình bị lôi cuốn theo một mối ác cảm ganh hờn với các đồng bạn, và bội bạc phẫn uất với Mẹ Maria, Người Mẹ đã từng chỉ bảo cho y những lời khuyên nhủ rất thiết tình. Việc y quay lưng lại với Người Mẹ rất yêu đương này đã dẫn y tới chỗ căm phẫn với Chúa Giêsu. Y dám chỉ trích cả giáo lý và cuộc sống của Chúa. Y có manh tâm lợi dụng lòng tốt của Chúa Giêsu và Mẹ Maria để làm giầu. Một hôm, Chúa ngỏ ý muốn có người làm thủ quỹ giữ của người ta bố thí cho mà san sẻ cho người nghèo. Các tông đồ khác không ai dám tỏ ý nhận, vì đã biết rõ cái nguy hiểm của tiền bạc, như Chúa Giêsu vẫn giảng dậy rồi. Chỉ có một mình Giuđa là người có tâm địa đê tiện. Bị Satan thổi thêm cho, y đã cầu cạnh với thánh Gioan làm trung gian nói với Mẹ Maria, để Mẹ xin Chúa cho mình giữ chức ấy. Nhưng Mẹ không nói gì với Chúa. Giuđa lại đến vận động với thánh Phêrô; song vẫn uổng công. Chính Mẹ đã nói rõ cho y biết sự nguy hiểm mà y sẽ rơi vào, nếu y xin chức quản lý ấy. Lòng tham của cải trần gian làm mờ mắt y, nên y cả gan đến xin chính Chúa Giêsu. Chúa nói nếu y giữ chức quản lý, là y tự nâng chén thuốc độc mà uống cạn; nhưng y cứ vật nài và tự nhận là có tài điều khiển việc quản lý giỏi hơn các tông đồ khác. Chúa cho y thấy nước và lửa, sống và chết để y tự chọn lấy. Y đã tình nguyện giơ tay về đường chết. Từ đó, y ra mặt căm tức Mẹ Maria vì Mẹ rộng tay bố thí, và phẫn nộ với Chúa Giêsu vì Chúa ít nhận của người ta bố thí cho. Ta từng biết y đã cay đắng công khai lên án hành vi đạo đức của bà Mađalêna khi bà xức thuốc thơm cho Chúa Giêsu như thế nào. Rốt cuộc là y mất đức tin, và, sau cuộc sa ngã ấy, ma quỷ lôi y và chỗ phạm một tội ác gớm ghê, đời đời lưu xú danh là một tên bị ruồng bỏ vì phản thầy.

LỜI MẸ HUẤN DỤ

Hỡi con, con hãy tự vạch lấy một kỷ luật bất khả xâm phạm là ở đâu cũng giữ im lặng, đoan chính, từ tốn, như Mẹ đã làm gương cho con ở đám cưới Cana. Cách cư xử của Mẹ ở đó cũng dậy con biết cách làm vinh hiển Thiên Chúa như thế nào. Ai ai cũng đều được mời gọi để dấn thân cho công cuộc trọng đại này, người dâng kinh nguyện và ước ao, người dâng cúng gia tài cùng sản nghiệp; người này hoạt động lao lực, người kia khuyên dậy giảng bảo tuỳ khả năng và nhiệt tâm mình. Các linh mục là những người có trách vụ này hơn tất cả những người khác. Ước mong ai cũng biết rằng nếu họ không được cái vui thú nhìn thấy thành công, chắc chắn là họ sẽ lập được công nghiệp vì đã chu toàn nghĩa vụ.

Con cũng hãy học hỏi nơi Mẹ để biết kính cẩn lắng nghe không những tiếng Chúa nói thầm trong tâm hồn, mà cả lời các thừa tác viên của Chúa nói bên ngoài, Chúa đã dùng môi miệng họ để giảng giáo lý của Ngài. Con hãy hết sức tôn kính lắng nghe lời họ nói cũng như đời sống họ. Con phải coi họ ai cũng khôn ngoan hùng biện cả, vì họ đều dậy chân lý của Chúa. Con chỉ phải tìm chân lý, chứ đừng tìm văn chương diễm lệ vì chân lý không phải nhờ gì đến cái áo văn chương vô ích, cũng hiệu nghiệm.

Ngoài ra, con cũng hãy biết cách noi theo gương Mẹ và gương Con chí thánh Mẹ mà tỏ ra hoà nhã với mọi người, nhất là với những ai nghèo nàn nhất, đau khổ nhất và bị khinh chê nhất. Sự khôn ngoan loài người có cái phi lý là chỉ nệ vào cái mã bên ngoài chứ không vào vẻ cao trọng của linh hồn và vẻ cao quý của nhân đức. Sự khôn ngoan của trời cao tôn trọng hình ảnh Thiên Chúa nơi mỗi người. Những khuyết điểm tự nhiên đều ít quan hệ. Che giấu những khuyết điểm đó là tật của kiêu ngạo. Những bạn thân thật của Thiên Chúa chỉ sợ có tội lỗi, và coi nhẹ những gì không làm nhọ ố lương tâm.

Mặt khác, sự khiêm nhựơng mà Thiên Chúa Sáng Tạo gieo vào linh hồn như một thứ hạt giống thánh thiện, cũng đòi phải như thế, nhưng rắn già lại ra sức nhổ đứt đi để thay thế vào đó bằng cỏ lùng: kiêu căng chết chóc. Có ít người đạt được nhân đức này tới mức hoàn thiện. Như bông hồng nở kèm với gai, hạt lúa nảy kèm với trấu, nọc độc kiêu ngạo cũng thấm nhiễm vào hết những việc làm của con người. Cho nên Thiên Chúa hết sức quý trọng những ai thực sự hoàn toàn sống khiêm nhượng, còn quỷ dữ e sợ không dám tấn công họ, vì chiến thắng của họ làm khổ chúng hơn lửa hoả ngục. Vì thế, con hãy lợi dụng hết mọi cơ hội để hạ mình xuống. Con hãy hạ mình xuống thấp hơn đất cứ thản nhiên, đừng tỏ ra cảm xúc gì hơn cục đất, khi Thiên Chúa nhân từ tự tay Ngài hoặc dùng các thụ tạo để hạ thấp con xuống.

Từ bùn đất mà ra và bị tội lỗi làm xấu dạng, con người bị nết kiêu ngạo kiềm chế sẽ trở nên xấu hơn ma quỷ, là loài có một bản tính chả gì cũng rất đẹp đẽ trước khi sa ngã. Nết kiêu ngạo này, cộng thêm với nết dâm dật, một con bạn ô trọc của nó, đã cai trị Hêrôđê và đưa ông ta đến một cái chết nhục nhã; còn nạn nhân anh hùng của ông ta là Gioan Thuỷ Tẩy khiêm nhu và thanh khiết lại được an ủi chết trong vòng tay của Con Mẹ và của Mẹ.

Sau cùng, con đừng quên rằng tông đồ Gioan được Con Mẹ yêu dấu là vì ông đã yêu mến Mẹ; còn Giuđa, trái lại, phải hư mất vì đã khinh chê lòng cảm thương Mẹ tỏ cho nó. Thiên Chúa gớm ghét sự khinh bỉ đối với các thánh, nhất là đối với Mẹ là Mẹ của Ngài, và là Mẹ Bảo Trợ của mọi người. Sự khinh bỉ ấy là dấu hiệu bị trầm luân đó, con.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *